Tin Việt Nam ngày 11/10: Hơn 3,600 ca mắc mới, 115 ca tử vong, Hà Nội, Hải Phòng bỏ cách ly tập trung 7 ngày với hành khách về từ Sài Gòn
Nội dung tối 11/10
Hơn 3,600 ca mắc mới, 115 ca tử vong, dịch bệnh đang được kiểm soát
Tối 11/10, Bộ Y tế thông báo về 3,619 ca mắc mới gồm 2 ca nhập cảnh và 3,617 ca tại 44 tỉnh/thành, trong đó có 1,726 ca cộng đồng.
Hơn 3,600 ca mắc mới ghi nhận chủ yếu tại Tp HCM (1,527), Đồng Nai (499), Bình Dương (446), An Giang (142), Đắk Lắk (119), Kiên Giang (91), Long An (76), Tiền Giang (67), Tây Ninh (55), Đồng Tháp (55), Cà Mau (51)…
So với ngày 10/10, số mắc tại Việt Nam ngày 11/10 tăng 104 ca, trong đó, Tp HCM tăng 460 ca, Đắk Lắk tăng 119 ca, Bến Tre tăng 28 ca, Bình Dương giảm 336 ca, Đồng Nai giảm 163 ca, Bình Thuận giảm 64 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 843,281 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) là 838,653 ca. Có 784,748 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 115 ca tử vong tại 11 tỉnh/thành, tập chung chủ yếu ở Tp HCM (75) và Bình Dương (18), nâng tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 lên 20,670 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca nhiễm.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 2,549 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,014 ca, trong đó, 4,179 ca thở oxy, 835 ca thở máy và ECMO.
Thí điểm chạy lại tàu khách Bắc Nam từ 13/10
Tối 11/10, Bộ GTVT ra quy định tạm thời về hoạt động vận tải hành khách đường sắt, thực hiện trên phạm vi toàn quốc và thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10. Sau giai đoạn trên, sẽ điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Theo đó, từ sáng mai (12/10), ngành đường sắt sẽ mở bán vé. Tàu khách Bắc Nam sẽ dừng đón trả khách tại 23 ga chính, trong đó có ga Hà Nội, cụ thể:
- Tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 6h sáng ngày 13/10;
- Tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 6h sáng ngày 15/10.
- Tuyến Hà Nội – Hải Phòng chạy lại đôi tàu LP5/6 dừng đón trả khách tại 7 ga.
Từ đầu tháng 10, Cục Đường sắt Việt Nam đã lấy ý kiến 22 tỉnh/thành về việc khai thác lại nhiều đoàn tàu, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, thành phố này phản hồi theo hướng tiếp tục dừng vận chuyển khách để phòng dịch.
Ngày 10/10, Thủ tướng gửi công điện đến các tỉnh/thành, trong đó yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc.
Hà Nội thêm 9 F0 liên quan Bệnh viện Việt Đức
Ngày 11/10, Hà Nội ghi nhận thêm 9 ca dương tính liên quan đến BV Việt Đức đã được cách ly, trong đó có 3 F0 là người nhà chăm sóc bệnh nhân và 6 F0 là bệnh nhân điều trị tại BV.
Chùm ca nhiễm liên quan BV Việt Đức được phát hiện từ ngày 30/9 đến nay đã ghi nhận tổng cộng 78 ca tại 5 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 59 ca, tiếp đến là Nam Định 10 ca, Hà Tĩnh 6 ca, Hải Dương 2 ca, Hưng Yên 1 ca.
Trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 4,047 ca dương tính, trong đó 1,606 ca cộng đồng.
Hà Nội, Hải Phòng bỏ cách ly tập trung 7 ngày với hành khách về từ Sài Gòn
Chiều 11/10, Hà Nội ra văn bản đồng thuận với Bộ Giao thông Vận tải về việc thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi/đến Sài Gòn, Đà Nẵng.
Theo đó, Hà Nội quy định hành khách về thành phố sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, không phải cách ly tập trung. Hà Nội sẽ kiểm soát dịch tễ hành khách tại Nội Bài để sàng lọc, phân loại và thông báo cho các quận, huyện, xã, phường… để áp dụng biện pháp phòng dịch.
Cùng ngày, Hải Phòng cũng ra quy định hành khách đi chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Cát Bi cũng không phải cách ly tập trung.
Thay vào đó, Hải Phòng yêu cầu người đến từ vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR ngày thứ 2 và ngày thứ 7. Người về từ vùng xanh tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7.
Trước đó, Hà Nội, Hải Phòng đều yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày đối với hành khách đi chuyến bay từ Sài Gòn.
Sài Gòn chưa mở lại hoạt động bán đồ ăn tại chỗ
Tại buổi họp báo chiều 11/10, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, ăn uống tại chỗ là dịch vụ tập trung đông người, do đó thành phố chưa có chủ trương mở lại.
Ông Phương cho hay, trên bình diện chung thành phố xét thấy chưa cần thiết cho loại hình dịch vụ này hoạt động và cần có tính toán thêm.
Đà Nẵng bỏ xét nghiệm với người đi/đến Quảng Nam
Tối 11/10, Đà Nẵng cho biết, dự kiến từ ngày 12/10, thành phố sẽ bỏ thủ tục xét nghiệm COVID-19 với người dân Quảng Nam và Đà Nẵng khi di chuyển giữa hai địa phương.
Theo hướng dẫn này, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng khi di chuyển giữa 2 địa phương chỉ cần có giấy tờ tùy thân chứng minh công dân Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc các thủ tục khác có liên quan.
Trước đó 3 ngày, Quảng Nam cho phép người từ ‘vùng xanh’ và ‘vùng vàng’ ở Đà Nẵng được vào địa phương. Sau quyết định này, người dân đi lại đông đúc.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) cho biết, mỗi ngày khoảng 800 người có nhu cầu vào Đà Nẵng đến làm test nhanh với giá 150,000 đồng/người, xét nghiệm gộp 100,000 đồng.
Còn tại Đà Nẵng, trước đó địa phương quy định, người vào thành phố phải đăng ký trước để được cấp QRCode, khai báo y tế và phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính PCR trong 72 giờ hoặc test nhanh 24 giờ.
Đêm nay bão Kompasu vào biển Đông, trở thành cơn bão số 8
Hồi 19h ngày 11/10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines) với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, đi vào Biển Đông vào đêm nay và mạnh thêm. Đến 19h ngày 12/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 13.
Đến 19h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc với sức gió mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48-60 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam và đi vào Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục di chuyển và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão Kompasu vào biển Đông sẽ tăng từ cấp 10 lên cấp 11, giật cấp 13 với sức gió mạnh nhất 120 km/giờ.
Ông Hưởng cho biết thêm, bão sẽ đi rất nhanh và có khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, trọng tâm là khu vực phía nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung vùng từ Thanh Hóa trở vào đến Thừa Thiên Huế trong khoảng ngày 13-15/10.
Trên các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Bình có thể xảy ra lũ, đỉnh lũ thượng lưu các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình sẽ lên tới mức báo động hai. Hạ lưu các sông Thanh Hoá đến Hà Tĩnh ở mức báo động một và dưới báo động một.
Ngoài ra theo ông Hưởng, cuối tuần tới, trên biển Đông sẽ hình thành một cơn áp thấp nhiệt đới khác.
Xem thêm