Tin Việt Nam ngày 10/7: Hơn 1,800 ca mắc cộng đồng, thêm 2 ca tử vong, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị bổ sung trách nhiệm của Facebook, Youtube
Nội dung tối 10/7:
|
-
463 ca mắc mới, riêng TP. HCM và Bình Dương 340 ca
19h10 ngày 10/7, Bộ Y tế thông báo về 463 ca mắc mới COVID-19 (BN27401-27863) gồm 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Kiên Giang và 461 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (200), Bình Dương (140), Long An (33), Đồng Nai (19), Phú Yên (18), Quảng Ngãi (14), Khánh Hòa (13), Đồng Tháp (8 ), Hà Nội (5), Bình Phước (4), Tây Ninh (3), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Định (1), Vĩnh Phúc (1), Thái Bình (1); trong đó, 383 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, trong ngày 10/7, Việt Nam ghi nhận 1,853 ca mắc mới gồm 9 ca nhập cảnh và 1,844 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (1,320), Bình Dương (140), Tiền Giang (75), Đồng Tháp (58), Đồng Nai (37), Phú Yên (33), Long An (33), Khánh Hòa (28), Vĩnh Long (26), Quảng Ngãi (14), Bà Rịa – Vũng Tàu (12), An Giang (10), Bình Phước (8 ), Hà Nội (7), Sóc Trăng (7), Hưng Yên (7), Tây Ninh (4), Bắc Giang (4), Thanh Hóa (3), Bến Tre (2), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (2), Bình Định (2), Thái Bình (2), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Hà Tĩnh (1), Hà Nam (1), Vĩnh Phúc (1). Trong số này 1,495 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 19h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 24,377 ca bệnh, 77 ca tử vong liên quan COVID-19. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Thêm 2 ca tử vong tại TP. HCM và Bắc Giang
Chiều 10/7, Bộ Y tế thông báo về 2 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19 tại TP. HCM và Bắc Giang, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam lên 112 trường hợp tính từ đầu mùa dịch, 77 ca trong đợt dịch thứ 4. Cụ thể:
Ca tử vong thứ 112 là BN10936 (nữ, 64 tuổi, địa chỉ: Quang Châu, Bắc Giang, bệnh lý nền: đái tháo đường chưa điều trị, u tuyến giáp điều trị theo đơn). Ngày 7/7, BN10936 tử vong sau 1 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi do do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân đái tháo đường, u tuyến giáp.
Ca tử vong thứ 111 là BN19591 (nữ, 59 tuổi, địa chỉ: quận 7, TP. HCM, bệnh lý nền: tăng huyết áp). Ngày 7/7, BN19591 tử vong sau 4 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: Viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân tăng huyết áp.
-
An Giang giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày mai
Ngày 10/7, tỉnh An Giang quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0h ngày mai (11/7).
Theo đó, từ 17h chiều 10/7, tất cả các xe tải, ô tô, gắn máy từ các địa phương khác vào An Giang phải cung cấp giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 trong 3 ngày gần nhất hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ của các cơ sở y tế đã được công nhận.
Ngoài ra, người vào tỉnh An Giang phải mang theo các giấy tờ tùy thân để đối chiếu thông tin, kèm theo phiếu khai báo y tế theo mẫu, có cam kết với lời khai.
Nếu không thực hiện đầy đủ các nội dung này, những xe trên buộc quay đầu, không được vào địa bàn tỉnh.
Riêng đối với xe tải, nếu không có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính theo yêu cầu, các chốt kiểm soát thực hiện test nhanh kháng nguyên tại chỗ cho tài xế và người đi cùng (nếu có).
Tỉnh An Giang khuyến cáo người dân đang sinh sống, làm việc, học tập trong tỉnh, nếu không có việc cấp thiết thì không nên ra ngoài tỉnh trong thời điểm này.
-
Đồng Nai tạm đóng cửa thêm 5 chợ truyền thống lớn, trong đó có chợ Biên Hòa
Ngày 10/7, thành phố Biên Hòa đã quyết định tạm ngưng hoạt động 5 chợ truyền thống lớn trên địa bàn gồm: chợ Biên Hòa, chợ Sặt, chợ Tân Phong, chợ Tân Mai và chợ Tân Hiệp để phong tỏa, truy vết, phòng dịch bệnh.
Thời gian bắt đầu tạm ngưng hoạt động các chợ trên từ 12h ngày 10/7 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, chiều 9/7, các chợ đầu mối Tân Biên, chợ Hóa An, chợ Phước Tân cũng đã tạm ngưng hoạt động do xuất hiện các ca dương tính COVID-19.
Như vậy, tính đến 10/7, có đến 8 chợ truyền thống ở thành phố này tạm ngưng hoạt động để phòng dịch bệnh.
-
Biên Hòa phong tỏa 5 phường và 1 phần phường Phước Tân từ ngày mai
Chiều tối 10/7, tỉnh Đồng Nai quyết định phong tỏa 5 phường gồm: Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và một phần phường Phước Tân (gồm các khu phố: Hương Phước, Vườn Dừa và một phần Miễu). Thời gian phong tỏa: 14 ngày, từ 0h ngày 11/7.
Theo đó, sẽ có hơn 55 ngàn gia đình với 255,497 người sống tại các khu vực trên bị phong tỏa, cách ly y tế.
Tính đến 9/7, toàn thành phố Biên Hòa phát sinh 60 ca dương tính COVID-19, trong đó có những ca có nguy cơ lây nhiễm cao và phức tạp, số lượng F1, F2 tăng cao.
-
Bộ TT&TT đề nghị bổ sung trách nhiệm của Facebook, Youtube
Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa trình Chính phủ dự thảo, lấy ý kiến sửa đổi các nghị định về quản lý dịch vụ Internet, trong đó, dự thảo đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam như Facebook, YouTube.
Cụ thể theo Dự thảo, các mạng xã hội này cần phải tiếp nhận và phản hồi yêu cầu của cơ quan chức năng, cũng như giải quyết và phản hồi khiếu nại của người dùng Việt Nam trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận.
Nếu khiếu nại chính đáng, phải ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, phải tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam.
Phải yêu cầu các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10 ngàn người trở lên thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Các mạng này chỉ được cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TT&TT mới được cung cấp dịch vụ livestream và các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Theo Bộ TT&TT, đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên, số lượng mạng có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%.
-
Khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh tại Thanh Hóa
Chiều 10/7, Cảnh sát điều tra thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh cho người trên địa bàn.
Theo điều tra dịch tễ, BN26025 mắc COVID-19 có địa chỉ thường trú tại xã Nghi Sơn, Thị xã Nghi Sơn là nhân viên nhà hàng, làm việc tại Phường 2, Quận 8, TP. HCM.
Trước đó, ngày 1/7, người này đi chuyến bay số hiệu VN1274 từ Tân Sơn Nhất về tàu bay Thọ Xuân lúc 13h, sau đó đi xe taxi từ tàu bay về nhà. Bệnh nhân khai báo y tế tại trạm y tế và được hướng dẫn cách ly tại nhà, tuy nhiên, bệnh nhân này vẫn đi chợ, đi ăn sáng và tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn xã.
Ngày 3/7, bệnh nhân được lấy mẫu lần 1, kết quả âm tính. Sau đó có sốt, ho, đau rát họng nên ngày 8/7 bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nghi Sơn và được lấy mẫu lần 2. Đến 17h ngày 9/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.
Trong đêm 9/7, các F1, F2 được truy vết, giới chức đã lấy mẫu xét nghiệm các F1.
Đến sáng 10/7, CDC tỉnh Thanh Hóa cho biết, kết quả xét nghiệm của F1 (là con trai của BN26025, sinh năm 2018) dương tính COVID-19.
Sau đó, giới chức địa phương đã truy vết được 14 F1 và 90 F2 của BN26025. Cảnh sát thị xã Nghi Sơn đang điều tra mở rộng vụ án.
Nội dung trưa 10/7:
|
-
792 ca mắc mới, riêng TP. HCM 600 ca
13h12, ngày 10/7, Bộ Y tế thông báo về 792 ca mắc mới COVID-19 (BN26609-27400) gồm 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Trà Vinh và 790 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (600), Tiền Giang (75), Đồng Tháp (50), Vĩnh Long (26), Sóc Trăng (7), Hưng Yên (7), Phú Yên (7), Bắc Giang (4), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (2), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Bình Định (1), Hà Tĩnh (1), Thanh Hoá (1), Thái Bình (1), Hà Nam (1); trong đó, 703 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 13h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 23,916 ca bệnh, 75 ca tử vong liên quan COVID-19. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
-
Hơn 2 triệu liều vaccine đầu tiên do Hoa Kỳ tặng đã về đến Việt Nam
Sáng 10/7, lô vaccine Moderna đầu tiên đã về đến Việt Nam với 2,000,040 liều. Đây là số vaccine COVID-19 Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế Covax. Trong đó, một triệu liều được chuyển khẩn cấp cho TP. HCM.
Lô vaccine này nằm trong số 80 triệu liều vaccine mà Hoa Kỳ cam kết cung ứng từ nguồn vaccine trong nước hồi tháng 5, trong đó, gần 41 triệu liều được phân phối thông qua Cơ chế Covax.
Trước đó, Việt Nam đã tiếp nhận gần 2.5 triệu liều vaccine AstraZeneca cũng thông qua Cơ chế Covax.
-
Thực hiện Chỉ thị 16, người dân ra đường cần các loại giấy tờ gì?
Từ 0h ngày 9/7, nhiều tỉnh/thành và khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo quy định, người dân trong các khu vực này nếu ra khỏi nhà cần đem theo các loại giấy tờ sau:
- Các loại giấy tờ tuỳ thân như: CMND/CCCD, bằng lái xe, giấy đăng ký xe;
- Giấy xác nhận của công ty, đơn vị cụ thể; hoặc giấy tờ chứng minh lý do ra đường. Lưu ý: các công ty này phải là công ty/đơn vị thuộc diện được phép hoạt động theo Chỉ thị 16.
Trước đó, TP. HCM đã có văn bản hướng dẫn về áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 9/7.
Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ); làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở được phép hoạt động.
Các địa phương không đế xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.
-
Sân bay Nội Bài cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 cho khách đi máy bay
Từ h7h hôm nay (10/7), cảng hàng không quốc tế Nội Bài cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà ga T1 cho những hành khách có nhu cầu và hành khách chưa kịp thực hiện xét nghiệm.
Theo đó, dịch vụ xét nghiệm COVID-19 được thực hiện tại khu vực trước quầy từ A28-A32 nhà ga hành khách T1 từ 7h-17h mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 10/7. Xét nghiệm theo hình thức test nhanh COVID-19 cho kết quả sau 30 phút, giá dịch vụ được niêm yết theo công bố của Bộ Y tế.
Trước đó, từ ngày 9/7, đường bay Hà Nội-TP. HCM và ngược lại chỉ còn khai thác 1,700 ghế/chiều/ngày, phân bổ mở bán cho các hãng. Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, tất cả hành khách trên các chuyến bay đi, đến TP. HCM và ngược lại bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định.
Để hỗ trợ những khách có nhu cầu và những khách chưa kịp thực hiện xét nghiệm khi lên đến sân bay, ngày 9-7, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã có văn bản đề nghị Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cung cấp dịch vụ test nhanh COVID-19 ngay tại nhà ga hành khách T1.
Theo thống kê của cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lượng khách đi máy bay chặng Hà Nội-TP. HCM và ngược lại chiếm khoảng 30% trong tổng số khách đi đến Nội Bài thời gian gần đây.
-
Cá lòng hồ Hòa Bình chết hàng loạt, nhiều hộ dân lao đao
Theo báo cáo của huyện Đà Bắc, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2021, mực nước sông Đà xuống thấp, thời tiết nắng nóng đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, gây thiếu ôxy trong nước làm cá chết hàng loạt, bao gồm cá tự nhiên và cá nuôi lồng của các hộ dân, tập trung ở 6 xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa.
Thống kê đến ngày 8/7, trên địa bàn huyện Đà Bắc, tổng số cá chết tại các xã trên hơn 33 tấn, chủ yếu là cá trắm đen, trắm trắng, cá chiên, lăng… từ 3kg trở lên gây nhiều thiệt hại cho người dân.
Trao đổi với truyền thông Việt Nam, Phó Chủ tịch huyện Đà Bắc Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, toàn huyện có khoảng 2 ngàn lồng cá trên vùng lòng hồ Thủy Điện Sông Đà.
-
Đắk Lắk: Xe siêu trường chở thiết bị điện gió lật bị lật ở đèo Phượng Hoàng
Sáng 10/7, ông Nguyễn Văn Lãnh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ III.5, Bộ GTVT cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng khắc phục sự cố xe đầu kéo chở trụ điện gió bị lật trên đèo Phượng Hoàng (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) gây ách tắc giao thông.
Trước đó, tối 9/7, xe đầu kéo chở trụ điện gió về một dự án tại tỉnh Gia Lai, khi lưu thông trên đèo Phượng Hoàng thì bị trượt bánh xuống mương và bị lật.
Sau khi xảy ra sự việc, các phương tiện ùn ứ cục bộ qua khu vực vụ tai nạn. Chi cục quản lý đường bộ III.5 đã cho mở một tuyến đường khác để các phương tiện lưu thông. Sự cố không gây hư hỏng trụ điện gió và xe đầu kéo. Giới chức địa phương đang chờ xe cẩu chuyên dụng để di chuyển phương tiện gặp nạn.
Nội dung sáng 10/7:
|
-
598 ca mắc mới, TP. HCM chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với 520 ca
6h ngày 10/7, Bộ Y tế thông báo về 598 ca mắc mới COVID-19 (BN26011-26608) gồm 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Nam (2), Tây Ninh (2), Hà Nội (1); 593 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (520), Đồng Nai (18), Khánh Hòa (15), Bà Rịa – Vũng Tàu (11), An Giang (10), Phú Yên (8 ), Bình Phước (4), Bến Tre (2), Hà Nội (2), Thanh Hóa (2), Tây Ninh (1); trong đó, 409 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 10/7, Việt Nam có tổng cộng 23,126 ca bệnh, 75 ca tử vong liên quan COVID-19. Có 13 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
-
TP. HCM dừng lấy mẫu xét nghiệm tập trung
Chiều 9/7, tại buổi họp về thực hiện Chỉ thị 16 thành phố, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, thành phố sẽ lấy mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, lấy mẫu kháng nguyên nhanh tại chỗ theo gia đình.
Cụ thể, tất cả các gia đình đều được lấy mẫu theo cách thức: nhà dưới 5 người chọn 1 người đại diện, nhà trên 5 người thì chọn 2 người.
Về công tác xét nghiệm, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm theo từng vùng nguy cơ. Trong đó, tập trung cho vùng nguy cơ rất cao và vùng nguy cơ cao, xét nghiệm ngẫu nhiên ở vùng bình thường mới.
-
TP. HCM tạm dừng tuyển sinh đầu cấp theo phương án trực tiếp
Chiều 9/7, Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. HCM cho biết, đã yêu cầu Phòng GD&ĐT thành phố Thủ Đức và các quận/huyện tạm dừng tuyển sinh đầu cấp theo phương án trực tiếp nhằm bảo đảm các trường phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, Sở GD&ĐT TP. HCM yêu cầu tạm dừng kế hoạch huy động trẻ ra lớp, và việc tuyển sinh trực tiếp vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022.
Các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP. HCM sẽ không nhận hồ sơ tuyển sinh trực tiếp… trong thời gian giãn cách xã hội. Việc có kéo dài thời gian tuyển sinh đầu cấp qua tháng 8 hay không sẽ tùy vào diễn biến dịch bệnh.
Tuy nhiên, Sở này không yêu cầu các Phòng GD&ĐT thành phố Thủ Đức và các quận/huyện phải ngưng việc tuyển sinh trực tuyến, nếu việc tuyển sinh này đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội, phòng dịch theo Chỉ thị 16.
Từ năm 2020, TP. HCM đã áp dụng việc tuyển sinh trực tuyến các lớp đầu cấp bậc mầm non, tiểu học, THCS.
-
Hơn 76 ngàn công nhân Bắc Giang đi làm trở lại dù có 10 ca COVID-19
Tối 9/7, tỉnh Bắc Giang cho biết, hơn 76 ngàn công nhân và 262 doanh nghiệp hoạt động trở lại dù trên địa bàn mới ghi nhận thêm 10 ca mắc COVID-19, trong đó có các F0 liên quan đến công nhân mắc bệnh thuộc một công ty trên địa bàn.
Tỉnh đã tiếp nhận tổng số nhu cầu tuyển mới gần 41,500 người làm việc của 12 doanh nghiệp và giới thiệu mới gần 5 ngàn người. Trên 62 ngàn công nhân sẽ được lưu trú tại hơn 1,700 nhà trọ đủ điều kiện phòng dịch.
Theo giới chức tỉnh, các ca mắc COVID-19 mới gồm: 6 ca tại Công ty may Baian Vina (thành phố Bắc Giang) và 4 ca ở “ổ dịch” xã Việt Lập (huyện Tân Yên).
Tính đến 17h ngày 9/7, tổng số F0 là 5,749 ca, số F1 là hơn 30 ngàn và gần 110 ngàn F2. Để truy vết, các địa phương trong tỉnh đã lấy mẫu tầm soát cộng đồng với hơn 29 ngàn mẫu.
Hiện xã Song Mai (thành phố Bắc Giang) và xã Quế Nham (huyện Tân Yên) thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị 16; 9 xã của huyện Lục Ngạn chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15; 12 xã/thị trấn tại huyện Việt Yên chuyển từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 19.
-
Người dân Đà Nẵng được tắm biển trở lại từ sáng nay
Từ sáng nay (10/7), thành phố Đà Nẵng cho phép người dân được phép tắm biển trở lại. Thời gian: buổi sáng từ 4h30 đến không quá 8h, buổi chiều từ 16h30 đến không quá 19h, theo yêu cầu như sau:
- Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển;
- Không tập trung đông người trên bãi biển;
- Cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong… tại bãi biển;
- Giữ khoảng cách ít nhất 1 m với người khác;
- Đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong;
- Tiếp tục tạm dừng dịch vụ tắm nước ngọt, dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).
Ngoài ra, Đà Nẵng cho phép hoạt động trở lại các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời (trừ hoạt động thể dục, thể thao tại phòng tập gym, yoga, bida) với các điều kiện chủ dịch vụ các sân tập, sân chơi thể dục, thể thao phải ký bản cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng dịch.
-
Vàng tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 1,800USD
6h sáng nay (ngày 10/6, theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1,807USD/ounce, tăng 7 USD so với đầu giờ sáng 9/6 trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ giảm mạnh.
Giá vàng trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 9/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết vàng SJC ở mức: 56.83 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.33 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 56.90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Với mức giá quy đổi ở thời điểm hiện tại hơn 50.86 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch với giá vàng SJC trong nước khoảng hơn 6.7 triệu đồng/lượng.
Dự đoán: Trong cuộc khảo sát của Kitco News về thị trường vàng trong tuần tới, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, có vẻ như thời kỳ củng cố của vàng sau đợt bán tháo mạnh vào tháng 6 sắp kết thúc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm