Tin Việt Nam chiều 1/9: Tiếp nhận thêm 3 lô vaccine AstraZeneca, CDC Hà Nội nói về khả năng kéo dài giãn cách sau 6/9, hơn 60,000 học sinh Nam Định nghỉ học trước thềm tựu trường, Quảng Ngãi phong tỏa nhà máy 2,400 công nhân, cảnh sát Tp HCM nói gì về việc phát hiện 30 F0 di chuyển trên đường?
Nội dung chiều 1/9:
|
-
Việt Nam tiếp nhận thêm 3 lô với tổng hơn 2 triệu liều vaccine AstraZeneca
Trong 3 ngày qua, 2,016,460 liều vaccine AstraZeneca, thuộc hợp đồng mua 30 triệu liều của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC), chia thành ba đợt đã về đến Sài Gòn.
Cụ thể vào sáng nay (1/9), lô vaccine mới nhất đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất với số lượng 576,300 liều. Hai lô trước đó về vào ngày 30/8, lần lượt là 92,160 và 1,348,000 liều.
Sau khi làm thủ tục kiểm kê, thông quan, các lô hàng này sẽ được đưa về bảo quản tại kho lạnh của AstraZeneca Việt Nam và Công ty VNVC.
Như vậy, sau 15 đợt bàn giao, VNVC đã tiếp nhận hơn 10.1 triệu liều vaccine của AstraZeneca, tương đương khoảng 34% tổng lượng vaccine trong hợp đồng.
-
Cảnh sát Tp HCM nói gì về việc phát hiện 30 F0 di chuyển trên đường?
Chiều 31/8, tại cuộc họp báo định kỳ, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát Tp HCM cho biết, trong những ngày qua, tại chốt kiểm soát đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường.
Ông Hà lý giải, việc phát hiện F0 là do người đó khai báo trên phần mềm, có lịch sử đã từng là F0. Đại diện cảnh sát thành phố cho hay, các F0 di chuyển trên đường này chưa xác định được là F0 lúc nào, có thể họ đã khỏi bệnh. Hoặc đang là F0 nhưng đang di chuyển đến các khu cách ly và có thể có lý do khác. Hiện sự việc đã được báo lên Sở Y tế để xác định về thời điểm chuyển F0 để tìm phương án xử lý.
-
Hà Nội thêm 30 ca dương tính, CDC nói về khả năng kéo dài giãn cách sau 6/9
Trưa 1/9, Hà Nội ghi nhận thêm 20 dương tính mới, trong đó có 1 ca cộng đồng. Chùm lây nhiễm ở Thanh Xuân Trung ghi nhận thêm 7 ca.
Trước đó sáng cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội thông báo 30 ca dương tính, trong đó chùm lây nhiễm ở phường Thanh Xuân Trung có 23 ca.
Như vậy, từ sáng đến trưa, Hà Nội có tổng cộng 50 ca dương tính, nâng tổng số mắc trong đợt dịch 4 (từ 27/4) tới nay lên 3,318 ca, trong đó có 1,548 ca cộng đồng. Riêng chùm lây nhiễm Thanh Xuân Trung tính từ ngày 23/8 đến nay là 379 ca và có xu hướng tiếp tục tăng.
Cũng trong sáng 1/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết, sau hơn một tháng áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, thành phố vẫn còn 8 chùm lây phức tạp và thời gian tới nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận ca dương tính không rõ nguồn lây.
Theo ông Tuấn, rất có thể Hà Nội sẽ phải tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9, tuy nhiên đây là ý kiến chuyên môn, không phải quyết định cuối cùng, thành phố đang lên phương án cụ thể.
-
Nam Định cho hơn 60,000 học sinh nghỉ học, giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 khu có dịch
Theo kế hoạch của tỉnh Nam Định, hôm nay (1/9), học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tựu trường (trừ lớp 1). Tuy nhiên, theo thông báo của huyện Hải Hậu, vào ngày 31/8, sau khi xét nghiệm cho cán bộ, giáo viên, đã phát hiện 10 mẫu dương tính COVID-19 ở xã Hải Hưng và thị trấn Yên Định.
Ông Vũ Thế Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu cho biết, từ hôm nay (1/9), học sinh trên địa bàn huyện sẽ dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Hiện huyện đang lên phương án cụ thể, có thể sẽ học trực tuyến trong thời gian tới. Việc khai giảng cũng có thể không thực hiện, mọi hoạt động phải tạm dừng.
Toàn huyện Hải Hậu hiện có hơn 60,000 học sinh các cấp. Trước đó, học sinh lớp 1 của huyện đã tựu trường vào ngày 23/8.
Tại một diễn biến khác có liên quan, ngày 1/9, ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch huyện Hải Hậu cho biết, đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 đối với các địa phương có dịch. Cụ thể:
- Áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với tổ dân phố số 1, 2, 3, 4, 5 thuộc thị trấn Yên Định và xóm 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 thuộc xã Hải Hưng.
- Áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với toàn bộ xã Hải Thanh, xã Hải Phương và tổ dân phố số 6, 7 thị trấn Yên Định; các xóm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 20 thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu.
Thời gian áp dụng từ 12h ngày 1/9 đến khi có thông báo về việc dỡ bỏ cách ly. Từ 9h ngày 1/9, huyện Hải Hậu tạm dừng hoạt động của tất cả nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Dừng tất cả cuộc hội họp không cần thiết, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn không tổ chức nghi lễ trong thời gian này.
-
Cửa hàng tạp hóa ở Đà Nẵng đứt gãy nguồn cung khi được hoạt động trở lại
Ngày 1/9, nhiều cửa hàng tạp hóa tại Tp Đà Nẵng cho hay, hàng thiết yếu như mì, phở gói, dầu ăn, nước mắm, muối… bị đứt gãy nguồn cung sau khi TP cho phép hoạt động trở lại.
Vào sáng cùng ngày, tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, nhiều cửa hàng tạp hóa trong danh sách được phép hoạt động vẫn đóng cửa. Một số cửa hàng khác mở cửa nhưng không bán hoặc bán hạn chế vì hết hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Huấn, Phó chủ tịch phường Thạch Thang, đợt này chỉ có 14 cửa hàng tạp hóa có mặt tiền thoáng, rộng, đáp ứng điều kiện phòng dịch và nguồn hàng hóa được phép mở cửa. Các cửa hàng tạp hóa trong kiệt, hẻm diện tích chật hẹp vẫn phải đóng cửa vì dễ lây lan dịch bệnh.
Một chủ hàng tạp hóa ở đường Lê Lợi, phường Thạch Thang cho biết, tuy cửa hàng của gia đình được phường cho phép mở bán nhưng đành từ chối vì không nhập được hàng. Theo người này, hiện các mặt hàng thiết yếu như mì gói, phở gói, dầu ăn, nước mắm, muối và cá hộp, thịt hộp không còn. Việc nhập hàng từ nhà phân phối gần như tê liệt vì không di chuyển được.
Giám đốc Sở Công thương Tp Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho hay, danh sách các nhà cung cấp hàng thiết yếu được phép hoạt động trong thời điểm giãn cách đã được gửi các quận huyện để chuyển xuống phường giới thiệu cho hệ thống cửa hàng tạp hóa liên hệ nhập hàng.
Trong trường hợp các cửa hàng muốn nhập từ nguồn riêng, qua mối quen thì tổng hợp danh sách các đầu mối nhập hàng, quận sẽ cấp thẻ để nhà cung cấp này được hoạt động vận chuyển, giao hàng trong địa bàn quận.
-
Quảng Ngãi phong tỏa nhà máy 2,400 công nhân
Sáng 1/9, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã phong tỏa Công ty TNHH Properwell Việt Nam, sau khi ghi nhận một công nhân dương tính COVID-19 vào chiều ngày 31/8.
Đây là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài với 2,400 công nhân, chuyên sản xuất giày nữ xuất cảng. Trước mắt, tất cả cán bộ, nhân viên, công nhân và người làm việc tại doanh nghiệp này không được ra khỏi khu vực phong tỏa.
Nội dung sáng 1/9:
|
-
Tổng số mắc vượt 462,000 ca, gần 6,300 ca bệnh nặng
Tính đến sáng 1/9, tổng số mắc tại Việt Nam kể từ đầu mùa dịch đã lên 462,096 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 457,882 ca. Có 236,086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số tử vong tại Việt Nam tính đến sáng 1/9 vẫn là 11,064 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc. Hiện tổng số bệnh nhân nặng đang được điều trị là 6,295 ca, trong đó, 4,006 ca thở oxy qua mặt nạ, 1,259 ca thở oxy dòng cao HFNC, 91 ca thở máy không xâm lấn, 916 ca thở máy xâm lấn và ECMO là 23 ca.
Hôm qua (31/8), Việt Nam ghi nhận 12,607 ca mắc mới, trong đó có 7,231 ca cộng đồng, số ca tử vong liên quan COVID-19 chưa được cập nhật.
-
Tạp chí Science thông báo gỡ bài nghiên cứu chứa bản đồ ‘đường lưỡi bò’
Sáng 31/8 (theo giờ Việt Nam), tài khoản Facebook của tạp chí khoa học nổi tiếng Science thông báo, đã gỡ bài nghiên cứu chứa bản đồ ‘đường lưỡi bò’ trên Facebook, và đang xem xét các bước xử lý tiếp theo, tuy nhiên, hiện nghiên cứu này vẫn còn trên website.
Trước đó, tạp chí Science đã đăng tải bài nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc có tựa đề: “Phản ứng phủ xanh nhanh chóng của thảm thực vật vào mùa xuân năm 2020 tại Trung Quốc trước các hạn chế COVID-19: Ý nghĩa đối với biến đổi khí hậu”, trong đó, tác giả có dùng hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã gửi thư phản hồi đến tạp chí Science để phản đối bài nghiên cứu này.
Ngày 22/7/2020, tờ Pháp Luật của Việt Nam xuất bản bài báo với tiêu đề: “Trung Quốc lợi dụng khoa học để phát tán đường lưỡi bò”. Tờ này kết luận, đây là một cách làm không mới của chính quyền nước này, lồng ghép yêu sách “đường chín đoạn” vào lĩnh vực khoa học.
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Anh, thuộc Viện Biển Đông cho hay, từ năm 2010 đến nay, số lượng bài báo có “đường lưỡi bò” tăng lên qua từng năm. Năm 2018, các tạp chí khoa học tự nhiên uy tín đã đăng hơn 57 bài; sáu tháng đầu năm 2019 có 45 bài. Và xu thế này tiếp tục tiếp diễn ở các năm sau đó.
-
DOC tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng kết luận điều tra chống tránh thuế gỗ dán cứng
Ngày 31/8, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo gia hạn thời gian áp dụng kết luận việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Việt Nam.
Trước đó, ngày 17/ 6/2020, DOC đã khởi xướng việc điều tra này ở 2 nội dung:
Một là, về phạm vi sản phẩm (scope inquiry), DOC sẽ xem xét 5 yếu tố (gồm: mức độ đầu tư của các doanh nghiệp, mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quá trình sản xuất tại Việt Nam, quy mô của các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, phần giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở Việt Nam) để xác định gỗ dán cứng nhập cảng từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có thuộc phạm vi sản phẩm bị áp thuế hay không
Hai là, về lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (anticircumvention), các doanh nghiệp sản xuất và xuất cảng gỗ dán của Việt Nam cần chứng minh không lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc.
Đến ngày 11/3/2021, DOC thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận điều tra vụ việc đến ngày 24/8/2021.
Ngày 24/8/2021, DOC tiếp tục thông báo gia hạn thời gian điều tra và dự kiến vào ngày 24/11/2021, cơ quan này sẽ ban hành kết luận điều tra đối với nội dung 1 (về phạm vi sản phẩm) và ngày 20/4/2022 đối với nội dung 2 (về lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại).
-
Quảng Bình xuất hiện vệt dầu loang diện rộng dài gần 3km dọc bờ biển Hải Ninh
Chiều tối 31/8, chính quyền xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, đang phối hợp tìm nguyên nhân vệt dầu loang diện rộng mới xuất hiện dọc bờ biển xã.
Sự việc được phát hiện vào khoảng 15h chiều cùng ngày tại khu vực bãi tắm xã Hải Ninh. Vệt dầu loang kéo dài gần 3km dọc bờ biển từ thôn Tân Định đến thôn Hiển Trung.
Tại nhiều điểm trên bờ, vệt dầu trôi dạt với mật độ cao, có mùi, nhiều nguy cơ loang rộng, gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước.
Tối cùng ngày, vụ việc tại xã đã được báo lên huyện Quảng Ninh, dự kiến hôm nay 1/9, giới chức huyện sẽ xuống địa bàn để tìm hiểu nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, xử lý.
Hiện toàn xã Hải Ninh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
-
Được cấp thêm giấy đi đường, nhiều siêu thị, cửa hàng ở Sài Gòn mở cửa lại
Ngày 31/8, sau khi nhiều nhân viên được cấp thêm giấy đi đường, một số nhà bán lẻ tại Tp HCM đã tăng nguồn nhân lực về siêu thị, đồng thời, mở trở lại nhiều cửa hàng cung ứng hàng hóa cho người dân.
Đại diện Central Retail Việt Nam cho hay, hệ thống đã bắt đầu mở thêm các kênh đặt hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng, đường dây nóng và cả Zalo. Còn tại hệ thống bán lẻ Satra, nhân lực cho các cửa hàng tăng khoảng từ 10-20%, và tăng nhân viên tại các điểm sơ chế lên gấp 4 lần.
Trước đó, Sở Công thương Tp HCM cho biết, sẽ bổ sung 20,000 giấy đi đường cho nhân viên bán lẻ.
Trong ngày 31/8, các đơn hàng đặt qua kênh trực tuyến tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm tăng mạnh, trong khi tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ đã giảm 42.5% so với ngày 30/8.
-
Gần 3,300 ca dương tính, ‘Hà Nội giãn cách chưa đạt, người dân ra đường vẫn đông’
Sáng nay 1/9, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 30 ca dương tính mới, trong đó chùm lây nhiễm ở phường Thanh Xuân Trung có 23 ca, nâng tổng số mắc liên quan đến chùm lây nhiễm này lên 372 ca tính từ 23/8 đến nay và có xu hướng tiếp tục tăng.
Ngoài ra theo Sở Y tế, một số chùm lây nhiễm khác cũng đang có diễn biến phức tạp là chùm lây Văn Miếu với 106 ca tính từ 30/7, chùm lây Văn Chương với 89 ca tính từ 17/7, chùm lây ngõ 24 Kim Đồng 44 ca tính từ 24/8…
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến sáng nay, tổng số mắc tại Hà Nội là 3,298 ca, trong đó có 1,547 ca cộng đồng.
Trước đó, trong buổi làm việc chiều 31/8 tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai và phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, người dân Hà Nội ra đường vẫn đông, “việc thực hiện Chỉ thị 16 chưa đạt hiệu quả”.
Cũng trong ngày 31/8, Cảnh sát Hà Nội cho biết, từ 11h ngày 30/8 đến 11h ngày 31/8, tại 23 chốt kiểm soát 10,162 lượt phương tiện ra/vào, trong đó có 1,800 lượt bị yêu cầu quay đầu không vào thành phố, 496 lượt phương tiện không ra ngoài thành phố; xử phạt hành chính 59 trường hợp.
Về các hành vi vi phạm quy định giãn cách, Cảnh sát Hà Nội đã xử phạt với 759 trường hợp, trong đó, 78 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 2 cơ sở không dừng hoạt động kinh doanh; 679 trường hợp không thực hiện cách ly, tập trung đông người, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy định…
-
Bình Dương đưa khu điều trị 1,400 giường ở Bến Cát vào hoạt động
Ngày 31/8, tại thị xã Bến Cát, Khu điều trị COVID-19 GSI tại phường Thới Hòa với quy mô 1,400 giường đã được đưa vào hoạt động.
Khu điều trị này có chức năng thu dung, điều trị các ca có kết quả test nhanh dương tính hoặc PT-PCR mẫu gộp dương tính; điều trị các ca F0 nhẹ, không triệu chứng.
Ngày 31/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 4,530 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay lên 114.788 ca.
Bình Dương xây dựng kịch bản ứng phó với trên 150,000 ca trong thời gian sắp tới. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào hoạt động Khu điều trị dã chiến tại xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) với 1,000 giường, Khu điều trị Phú Chánh (thị xã Tân Uyên) mở rộng thêm 350 giường.
Hiện, tỉnh có 171 cơ sở cách ly tập trung (cách ly điều trị các F0 không triệu chứng và các trường hợp test nhanh), trong đó có 169 cơ sở cấp huyện và 2 cơ sở cấp tỉnh (Khu điều trị Hoàng Hùng, huyện Bàu Bàng và Khu điều trị Việt Đức, huyện Bến Cát). Số người đang được cách ly tập trung trong tỉnh là 43,970.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm