Tin Việt Nam ngày 9/6: Giá trứng gà Bắc-Nam nơi giảm, nơi lại tăng kỷ lục, Trung Quốc đồng ý nhập chanh leo Việt
Trứng gà Bắc-Nam nơi giảm, nơi lại tăng kỷ lục
Tại miền Bắc, mới đây, một chủ trại gà đẻ quy mô lớn ở Long Xuyên (Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho hay, lâu nay giá trứng gà công nghiệp đỏ vẫn ổn định ở mức 25,000-26,000 đồng/10 quả. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè, giá trứng giảm còn 23,000-23,500 đồng/10 quả.
Đáng chú ý, giá trứng gà giảm trong khi giá cám lại tăng đến 40%. Chủ trại này bán 2 vạn quả trứng mỗi ngày nhưng không thu được 1 đồng tiền lãi nào.
Cũng cùng tình trạng trên, chủ một trại gà Ai Cập đẻ trứng ở Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã khiến người nuôi không thu được đồng tiền lãi nào bởi giá trứng vẫn đứng yên. Hiện trại gà Ai Cập xuất bán ra thị trường khoảng 6,000 quả trứng/ngày, giá dao động từ 24,000-25,000 đồng/chục.
Tại các hệ thống siêu thị, chợ ở Hà Nội, giá trứng gà từ 29,000-32,000 đồng/10 quả tùy loại, trứng gà Ai Cập giá 35,000 đồng/10 quả, trứng gà ta 40,000-45,000 đồng/10 quả.
Trái với khu vực phía Bắc, giá trứng tại phía Nam lại tăng kỷ lục. Tại các chợ, siêu thị, giá trứng gà, vịt đã tăng lần lượt 3,000-7,000 đồng/10 quả và 2,000-4,000 đồng/10 quả.
Hiện giá trứng gà ở Sài Gòn dao động từ 30,000-42,000 đồng/chục. Cao nhất là trứng vịt, giá tăng lên 42,000 đồng/chục. Nguyên nhân chủ yếu cũng lại là do thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển tăng cao.
Theo Chủ trang trại gà đẻ trứng tại Đồng Nai, giá trứng gà công nghiệp đã tăng khoảng 50%, lên mức 25,000 đồng/chục. Tuy nhiên, với mức giá này người chăn nuôi cũng không có lãi bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, chưa kể giá xăng cũng tăng mạnh.
Theo các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng trứng gia cầm, hiện giá cám, chi phí vận chuyển, nhân công… đều tăng vọt. Người chăn nuôi chỉ dám tái đàn cầm chừng khiến nguồn cung giảm đáng kể.
Chuối Việt xuất sang Trung Quốc tăng vọt
Thời gian qua, khi hầu hết các mặt hàng rau quả xuất sang Trung Quốc giảm sâu thì chuối lại có lượng xuất tăng mạnh.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập cảng 742,000 tấn chuối, trong đó, chuối Việt chiếm 43%, vượt Philippines với 28%.
Lý giải về nguyên nhân, đại diện Hiệp hội Rau – Quả Việt Nam cho hay, hiện diện tích trồng chuối của Trung Quốc giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến người dân không tích cực trồng chuối. Nguồn cung nội địa giảm dẫn đến việc nhập cảng của nước này gia tăng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Panama khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
Về việc xuất cảng rau quả Việt, vị này cho biết thêm, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất cảng đạt hơn 1.4 tỉ USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu năm 2021.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất cảng rau quả sang Trung Quốc giảm tới 28% so với cùng thời kỳ, trong khi việc xuất cảng mặt hàng này sang các nước khác vẫn tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, tăng tới 52%.
Vị đại diện này cho rằng, do Trung Quốc siết chặt chính sách Zero-COVID. Trong những tháng cuối năm 2022, nếu Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, việc xuất cảng các mặt hàng rau quả có thể tăng trở lại.
Trung Quốc đồng ý nhập chanh leo từ Việt Nam
Hôm 8/6, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, phía Trung Quốc vừa đồng ý nhập cảng chanh leo của Việt Nam. Theo đó, nước này sẽ nhập chanh leo Việt vào tỉnh Quảng Đông qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh bằng hình thức thí điểm.
Về điều kiện để xuất cảng, chanh leo Việt phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch, đáp ứng an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp nào có nhu cầu xuất cảng mặt hành này thì liên hệ Cục Bảo vệ thực vật để đăng ký.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, chanh leo là 1 trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh, diện tích lớn nhất toàn quốc với 4,000 hecta. Đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng/hecta.
Hiện với quả sầu riêng, Việt Nam – Trung Quốc đang dự thảo nghị định thư, dự định sẽ ký kết trong năm nay 2022.
Với thị trường Mỹ, quả bưởi cũng đang hoàn tất các bước cuối để xuất cảng. Việt Nam cũng đang chuẩn bị xuất quả nhãn sang thị trường Nhật Bản, bằng phương pháp xử lý lạnh.
Yên Bái làm rõ việc học sinh không đi học vẫn được xét tốt nghiệp THCS
Tối 8/6 tại Yên Bái, ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cho biết, đang xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến việc một học sinh lớp 9 ở thị xã Nghĩa Lộ không đi học nhưng vẫn có điểm trong học bạ. Đáng chú ý, học sinh này vẫn được trường xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) năm học 2021-2022.
Lãnh đạo Sở cho hay, đã đề nghị Thị xã Nghĩa Lộ phối hợp Phòng GD&ĐT kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý tập thể và cá nhân. Kết quả sẽ được báo về Sở trước ngày 10/6.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí ngày 7/6, tại thị xã Nghĩa Lộ, đầu năm học 2021-2022, một học sinh lớp 9 của Trường tiểu học và THCS Trần Phú có đi học 1 tuần, sau đó theo gia đình vào Nam sinh sống.
Tuy nhiên, đến kết thúc năm học, em này vẫn có điểm, học bạ, điểm danh bình thường và được xét tốt nghiệp như các học sinh đi học đầy đủ khác.
Theo thông tin ghi chép trong Sổ theo dõi học sinh, gần đây nhất là vào ngày 27/4, học sinh này có đi học. Đến ngày 29/4, em lại được ghi là nghỉ, và những ngày khác trở đi em được ghi là đi học đủ.
Giải thích về sự việc trên, bà Vũ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú nói, do dịch bệnh, học sinh học trực tuyến nên có thể có nhầm lẫn.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lại có việc trong Sổ theo dõi có ngày ghi nghỉ, có ngày lại đi học bình thường, và vì sao lại nhầm lẫn ở tất cả các môn trong thời gian dài hay khi học sinh đi học trực tiếp trở lại mà vẫn nhầm… thì bà Hà không giải thích được.
Hàng loạt cây xanh hơn 10 năm tuổi ở Cà Mau chết khô
Mới đây tại tỉnh Cà Mau, người dân ở ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp Cà Mau phản ánh việc hàng loạt cây xanh có tuổi đời trên 10 năm trước Khu di tích lịch sử Đình Tân Hưng bị chết khô. Tình trạng trên đã diễn ra khá lâu và hiện đang tiếp diễn với những cây còn lại.
Người dân địa phương, cho biết, nguyên nhân cây xanh chết là do khi xây dựng tuyến đường và bờ kè trước Khu di tích, đơn vị thi công đã đổ bê tông vây kín hoàn toàn gốc cây, khiến hàng loạt cây bị chết.
Về vấn đề trên, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Cà Mau (đơn vị quản lý đền Tân Hưng) cho biết, khi công trình đang thi công, đơn vị đã cảnh báo, nhưng kiến nghị không được chủ đầu tư quan tâm khắc phục kịp thời.
Về phía chính quyền Tp Cà Mau, hôm 8/6, lãnh đạo thành phố cho hay, sẽ yêu cầu khắc phục, đục betong tạo khoảng trống cho cây, và sẽ trồng bổ sung vào những vị trí có cây đã chết.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Xem thêm