Tin Việt Nam ngày 9/5: Tiêu thụ nông sản dự báo gặp khó, giá rớt thảm; Xuất cảng phân bón tăng mạnh, giá nội địa vẫn cao
Xuất cảng phân bón tăng mạnh, giá nội địa vẫn cao
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong nhóm sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, phân bón là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất cảng tăng gần 50% về lượng và hơn 190% về giá trị, tương đương gần 440 triệu USD.
Tại thị trường nội địa, trong 2 năm dịch bệnh, giá phân bón liên tục tăng và hiện tiếp tục duy trì ở mức cao. Tiêu biểu như phân ure (khoảng 17,600 đồng/kg), kali (khoảng 18,000 đồng/kg), DAP (từ 22,500-27,000 đồng/kg)…
Đây được nhận định là mức giá quá cao, çhạm đến ngưỡng chịu đựng’ của người dân và sản xuất nông nghiệp được cho là sẽ không có lãi.
Mới đây, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ kiểm soát xuất cảng phân bón bằng hình thức áp thuế xuất 5%. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, phản ứng trên là chậm vì hiện giá phân bón thế giới đang trầm lắng, giao dịch kém, thậm chí giá ure đang có xu hướng giảm sau một thời gian dài tăng cao.
Hiện, các tỉnh Nam bộ Việt Nam đang vào mùa mưa, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang xuống giống vụ hè thu. Ngoài ure có giá giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg, các mặt hàng phân bón khác vẫn duy trì mức giá cao.
Tiêu thụ trái cây mùa này dự báo gặp khó, giá rớt thảm
Theo ước tính của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong quý 2 năm 2022 tại Nam Bộ, do một số loại quả vào mùa như: thanh long, chuối, nhãn, chôm chôm, sầu riêng,… tổng sản lượng cây ăn quả chính đạt gần 1.5 triệu tấn, cao hơn khoảng 137,000 tấn so với quý 1.
Đại diện Cục Trồng trọt nhận định, sản lượng trái cây năm 2022 không có đột biến về sản lượng hay chất lượng, tuy nhiên, việc tiêu thụ được dự báo sẽ gặp khó do phía Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”. Các biện pháp phòng dịch của nước này gây ùn ứ tại cửa khẩu, làm chậm tiến độ xuất cảng, ảnh hưởng đến tiêu thụ nội địa.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, 2 tháng qua, việc dừng thông quan tại các cửa khẩu chính ở Quảng Ninh, Lào Cai đã gây áp lực lớn đến xuất cảng nông sản Việt.
Hiện cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) và Móng Cái (Quảng Ninh) đã thông quan nhưng chưa có xe trái cây nào chuyển đến. Trong khi tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) lại đang tồn đến 372 xe trái cây.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp Việt chưa tuân thủ quy định về phòng dịch khi đưa hàng sang Trung Quốc gây ùn tắc ở khâu kiểm tra.
Với thị trường Liên minh châu Âu, dù rau quả Việt đang được hưởng lợi do ưu đãi thuế quan nhưng lại phát sinh vấn đề là EU tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% khiến lượng xuất cảng sụt giảm.
Hiện nhiều loại trái cây như: mít, xoài, chuối,… đang có mức giá rất thấp, từ 20,000-30,000 đồng/kg rớt xuống còn 4,000-6,000 đồng/kg với mít; xoài từ vài chục ngàn đồng/kg xuống còn 2,000 đồng/kg…; tiêu thụ khó khăn.
Riêng sầu riêng do đang vào vụ, lại do tổng sản lượng thu hoạch không nhiều nên dù giá giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Bộ Tài Chính đề nghị gia hạn 20,000 tỉ tiền thuế cho xe hơi sản xuất nội địa
Mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9 năm 2022 cho xe hơi sản xuất hoặc lắp ráp nội địa.
Thời gian gia hạn nộp thuế của kỳ tính thuế trên chậm nhất đến ngày 20/11/2022 và đề nghị được kiến nghị có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết 31/12.
Với phương án này, tổng thời gian gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là 10 tháng với 4 kỳ tính thuế. Cụ thể, kỳ nộp thuế tháng 6 sẽ gia hạn thêm 4 tháng, kỳ tháng 7 gia hạn thêm 3 tháng, kỳ tháng 8 gia hạn thêm 2 tháng, và kỳ tháng 9 gia hạn thêm 1 tháng.
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn trong 4 kỳ là khoảng 9,300 đến 11,400 tỉ đồng. Số thuế gia hạn cho doanh nghiệp là khoảng 20,000 tỉ đồng.
Giám đốc BV Quân y 110 và Hiệu trưởng Cao đẳng Y – Dược ASEAN bị bắt
Giám đốc Bệnh viện Quân y 110, Quân khu 1 là ông Diêm Đăng Thanh, còn Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN (trường tư thục) là ông Ngô Mạnh Trí.
Theo đó, ngày 7/5, hai ông này bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến sai phạm trong việc đào tạo và cấp bằng cao đẳng điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN cho nhân viên Bệnh viện Quân y 110.
Bệnh viện Quân y 110 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 1, là bệnh viện đa khoa hạng 1 của quân đội, đóng tại tỉnh Bắc Ninh. Hiện, công việc của Bệnh viện đang do một Phó giám đốc điều hành.
Ông Diêm Đăng Thanh (54 tuổi) tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991. Từ năm 2011, ông giữ chức Giám đốc bệnh viện. Tháng 2/2012, ông Thanh được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam 3 lãnh đạo Công ty Quản lý đường sông 3
Đêm 8/5, cảnh sát tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng 24 ngày đối với 3 lãnh đạo Công ty Cổ phẩn Quản lý đường sông số 3 (có trụ sở tại phường Hồng Hà, Tp Hạ Long, Quảng Ninh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Danh tính 3 bị can gồm:
- Ông Phạm Văn Phả (63, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty);
- Ông Đỗ Công Hào (49, Giám đốc công ty);
- Ông Phạm Văn Chinh (40, Phó Giám đốc công ty).
Đơn vị điều tra xác định, từ năm 2017-2021, Công ty Quản lý đường sông số 3 được cấp phép tham gia ký hợp đồng quản lý, bảo trì, điều tiết giao thông tuyến đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh.
Trong khi thực hiện, ông Phả chỉ thị cho ông Hào và ông Chinh lập khống chứng từ, sổ nhật ký phương tiện, hợp đồng thuê phương tiện, nhân công quản lý, bảo trì để nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế.
Đến ngày 13/4/2022, Công ty Quản lý đường sông số 3 bị buộc dừng tham gia các hoạt động đấu thầu trong 3 năm với tất cả các dự án do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư.
Công ty này bị cáo buộc là tại Gói thầu 07-11 Khu vực cầu Chanh – sông Chanh, tỉnh Quảng Ninh, đã cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu.
Gắn biển tên tiếng Việt với 2 ngôi chùa lâu đời ở Thái Lan
Ngày 8/5, tại 2 tỉnh miền Trung Thái Lan là Suphan Buri và Chachoengsao, 2 trong số những ngôi chùa Việt lâu đời đã diễn ra lễ gắn biển bằng tên Việt.
Cụ thể, ngôi chùa Wat Aphay Phati Kram được gắn tên Việt là chùa Tam Bảo, còn chùa Wat Annan Duoikai Tralom Prachom Phatsakan được gắn tên Ngọc Thành.
Trụ trì chùa Wat Aphay Phati Kram cho biết, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 2449 (theo lịch Phật giáo), từ đời Vua Rama thứ V, tính đến nay đã được 116 năm với nhiều nét của Phật giáo Trung Hoa
Từ cách đây khoảng 200 năm đến nay, trên toàn Thái Lan có khoảng 20 ngôi chùa gốc Việt được xây dựng.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm