Tin Việt Nam ngày 7/3: Hơn 2,500 người Việt đã được di tản an toàn khỏi Ukraine, giá vàng SJC tăng thẳng đứng lên gần 71 triệu đồng/lượng
Việt Nam ngày 7/3 ghi nhận hơn 147,000 ca nhiễm mới, 78 ca tử vong, gần 37,000 trường hợp khỏi bệnh.
Hơn 147,000 ca nhiễm, hơn 90,000 F0 cộng đồng
Tối 7/3, Bộ Y tế thông báo về 147,358 ca nhiễm mới gồm 23 ca nhập cảnh và 147,335 ca ghi nhận tại 63 tỉnh/thành, trong đó có 90,399 ca nhiễm cộng đồng.
Các tỉnh thành ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với hôm 6/3 là Hà Nội (tăng 2,740 ca), Nghệ An (tăng 2,574 ca), Gia Lai (tăng 2,363 ca).
Trong ngày, Việt Nam có 36,993 bệnh nhân khỏi bệnh, 78 ca tử vong, số ca nặng đang điều trị là 4,104 ca, trong đó có 3,661 ca thở oxy, 443 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 4.582 triệu ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là hơn 4.574 triệu ca. Hiện có 40,891 ca tử vong, hơn 2.718 triệu bệnh nhân khỏi bệnh.
Hà Nội hơn 32,000 ca nhiễm mới, gần 1,000 F0 nặng, nguy kịch
Ngày 7/3, Hà Nội ghi nhận 32,317 ca dương tính mới, trong đó có 12,443 ca cộng đồng, nâng tổng số F0 trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) đến nay lên hơn 430,500 ca.
Số ca nhiễm trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó nhiều nhất là Sóc Sơn (1,778), Đông Anh (1,773), Nam Từ Liêm (1,559), Gia Lâm (1,499), Mê Linh (1,334).
Cập nhật đến 6/3, Hà Nội có gần 682,700 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, khu cách ly và bệnh viện, trong đó có hơn 3,800 F0 mức độ trung bình, 971 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 886 ca phải thở oxy, 77 ca thở máy và 8 ca lọc máu.
Tính đến tối 7/3, số bệnh nhân COVID-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội là 1,223 ca.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tập trận ở vùng đặc quyền kinh tế
Chiều 7/3, trả lời câu hỏi về hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, một phần khu vực thông báo hàng hải mà phía nước này sẽ diễn tập thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo UNCLOS 1982.
Theo đó, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, đề nghị tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Trước đó ngày 4/3, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ra thông báo lập vùng cấm tàu thuyền qua lại phục vụ diễn tập quân sự trên Biển Đông, phía tây nam đảo Hải Nam. Quyết định này có hiệu lực tới ngày 15/3 và cảnh báo tàu bè tránh xa khu vực tập trận.
Chuyến bay đầu tiên đón công dân từ Ukraine đã cất cánh tới Romania
Vào lúc 11h30 trưa 7/3 (giờ Việt Nam), là ngày thứ 12 xảy ra chiến tranh Nga – Ukraine, máy bay Boeing 787-9 với tầm bay thẳng đường dài liên tục của hãng Vietnam Airlines đã cất cánh từ Nội Bài (Hà Nội), sang Bucharest (Romania) để đón người Việt về nước.
Theo dự kiến, chuyến bay sẽ đón 283 khách và trở về sân bay Nội Bài vào lúc 9h30 ngày 8/3.
Sau chuyến bay đầu tiên này, tới ngày 9/3, chuyến bay của hãng Bamboo Airways từ Hà Nội sang Warsaw (Ba Lan) chở 270 công dân, và về tới Nội Bài sáng 10/3.
Về đề nghị tăng chuyến đón người Việt về nước, hãng Vietnam Airlines được giao thực hiện chuyến thứ 3 chặng Bucharest (Romania)-Nội Bài (Hà Nội). Chuyến bay này sẽ cất cánh từ Nội Bài lúc 9h30 ngày 10/3 đi Bucharest (Romania) và hạ cánh tại Nội Bài lúc 11h30 (giờ Hà Nội) ngày 11/3.
Theo phương án đã xây dựng, công dân Việt tại Ukraine sẽ di chuyển đường bộ sang các quốc gia láng giềng như Ba Lan, Moldova hoặc Romania… , sau đó, được đón lên các chuyến bay để về nước.
Hơn 2,500 người Việt đã được di tản an toàn khỏi Ukraine
Tính đến 17h chiều 6/3, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia đã đón hơn 2,500 người Việt di tản khỏi vùng chiến sự Ukraine.
Trong hơn 2,500 người được di tản, có hơn 1,700 người đến Ba Lan, 290 người đến Hungary, khoảng 600 người đến Romania, hơn 40 người đến Slovakia.
Những công dân này đã được hỗ trợ các thủ tục cần thiết để nhập cảnh, quá cảnh. Nhà chức trách khu vực, các hội đoàn người Việt ở nước sở tại đón đã bố trí phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời cùng vật dụng thiết yếu cho bà con.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các đơn vị liên quan và các hãng hàng không chuẩn bị đưa người Việt và thành viên gia đình về nước trên 2 chuyến bay trong các ngày 7/3 (từ Romania) và 9/3 (từ Ba Lan). Hiện 400 người Việt từ Ukraine di tản qua Romania và 1,000 người sang Ba Lan, có nguyện vọng trở về Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine cho biết, một số kiều bào muốn ở lại để trông coi tài sản như tại Kharkov, Odessa, là những nơi tập trung đông người Việt sinh sống; một số kiều bào khác di tản ở nông thôn, số ít chọn ở lại trong thành phố…
Giá vàng SJC lên gần 71 triệu đồng/lượng
Trước lo ngại Hoa Kỳ cấm dầu Nga, sáng đầu tuần, giá vàng và giá dầu thế giới tăng vọt, theo đó, giá vàng SJC tại Việt Nam cũng tăng mạnh.
Cập nhật lúc 9h ngày 7/3, tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC ở mức 69.4 – 70.62 triệu đồng/lượng (mua – bán). So với phiên hôm 6/3, giá vàng tăng 1.4 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1.6 đồng/lượng ở chiều bán.
Tại Sài Gòn, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 70.6 triệu đồng/lượng. So với phiên hôm 6/3, giá vàng tăng tương tự như ở Hà Nội, khiến chênh lệch mua bán lên tới 1.2 đến 1.22 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, mỗi ounce vàng giao ngay tăng 20 USD, lên 1,993 USD/ounce. Giá vàng sau đó tiếp tục đi lên, hiện vượt 2,000 USD/ounce.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng tăng vọt, dầu Brent sáng nay có thời điểm tăng 18% chỉ trong vài phút, lên 139 USD/thùng. Hiện, mức tăng còn 9%.
Cập nhật lúc 12h cùng ngày tại Việt Nam, SJC nâng giá mua vào lên 71.25 triệu đồng và giá bán ra 72.87 triệu đồng/lượng, lần lượt tăng 3.25 triệu đồng và 3.85 triệu đồng so với cuối tuần.
Tại thị trường thế giới, đến 11h cùng ngày, giá vàng giao ngay trên Kitco là 1,991 USD/ounce.
Đơn hàng cá ngừ xuất sang Nga và Ukraine phải quay đầu
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại. Do rủi ro về giao dịch ngân hàng, giao dịch xuất cảng cá ngừ sang cả 2 quốc gia này đều phải tạm dừng.
Đứt gãy chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khiến các doanh nghiệp phải xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất sang các thị trường khác.
Nga và Ukraine là nhà cung cấp dầu hướng dương lớn trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Nếu cuộc xung đột kéo dài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ, đẩy chi phí sản xuất đóng hộp/túi tăng theo.
Hơn nữa, thị trường dầu mỏ vốn đã chịu áp lực sau dịch bệnh, nay lại càng thêm căng thẳng sau xung đột Nga – Ukraine. Chi phí nhiên liệu tăng đẩy giá cá ngừ nguyên liệu lên cao. Ngoài ra, giá cước vận chuyển đường biển cũng đang trong áp lực tăng giá, đặc biệt khi các hãng tàu lớn tuyên bố không nhận hàng đến và đi qua Nga.
VASEP dự kiến xuất cảng cá ngừ sẽ giảm tốc trong những tháng tới.
Hãng xe công nghệ đồng loạt tăng giá tất cả cách dịch vụ
Grab Việt Nam mới đây phát đi thông báo, từ ngày 10/3 sẽ tăng cước phí tất cả dịch vụ. So với bảng giá cũ, mức tăng khoảng 2,000-3,000 đồng/km. Đáng chú ý, giá cước trên có thể linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.
Cụ thể, giá cước GrabBike mới tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13,500 đồng cho 2 km đầu tiên, tại Sài Gòn là 12,500 đồng, tăng 4,300 đồng/km tiếp theo và 350 đồng/phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Ngoài ra, giá dịch vụ này cũng được điều chỉnh tăng tại 30 tỉnh thành khác.
Với GrabCar 4 chỗ, giá cước tối thiểu cho 2 km đầu tiên là 29,000 đồng/km tại cả Hà Nội và Sài Gòn, những kilomet tiếp theo 10,000 đồng/km.
Trước đó, từ 10/2, Be đã tăng giá cước tại Hà Nội, với mức phí là 14,000 đồng cho 2 km đầu của dịch vụ beBike, mỗi km tiếp theo cước tăng từ hơn 4,000 đồng/km lên 4,600 đồng/km. Cước phí của dịch vụ beDelivery được giữ nguyên, nhưng tăng cước với 2 km đầu, từ 14,500 đồng lên 16,000 đồng.
Với dịch vụ beCar 4 chỗ, mức tăng được điều chỉnh với 2 km đầu tiên từ 27,000 đồng lên 29,000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng nhẹ, tuy nhiên, sau 12 km, cước phí tăng từ 8,500 đồng lên 9,000 đồng/km.
Còn Gojek, hiện hãng này chưa có kế hoạch tăng giá cước bất chấp giá xăng tăng vọt. Đơn vị này khẳng định, không thể dễ dàng điều chỉnh trong ngắn hạn.
Lâm Đồng bác đơn xin tạm nghỉ bán của các cây xăng
Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng bác đơn đề nghị xin tạm dừng kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này xin tạm dừng bán trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh, ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa.
Trước đó, từ ngày 1/3, các doanh nghiệp như Công ty Xăng dầu Nhật Minh (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) xin dừng bán với lý do đang tu sửa. Công ty Xây dựng, Thương mại Quỳnh Phát (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) cũng đề nghị dừng bán trong một tháng, từ ngày 1/3 đến 1/4 với lý do để bổ sung ký hợp đồng với đầu mối xăng dầu khác.
Thời điểm trước đó nữa, từ ngày 14 đến 28/2, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho Công ty Xăng dầu Hoàng Phúc Lâm Đồng (đường Nguyễn Công Tráng, Tp Đà Lạt) dừng kinh doanh sau khi doanh nghiệp này xin tạm dừng với lý do sửa chữa cửa hàng. Tuy nhiên hết thời hạn tạm dừng, đến ngày 3/3, Công ty này lại tiếp tục có đơn đề nghị tạm dừng hoạt động.
Sở Công Thương đã không chấp thuận và yêu cầu doanh nghiệp này phải tiếp tục bán để bảo đảm nguồn cung. Cùng với đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục hoạt động, nghiêm túc kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm