Tin Việt Nam ngày 4/4: Biển Đông sắp đón 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, miền Trung đối diện với đợt lũ mới
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 9.82 triệu ca nhiễm, tổng 42,600 trường hợp tử vong, gần 7.79 triệu bệnh nhân khỏi bệnh.
Số ca nhiễm giảm sâu, số ca nặng xuống mức thấp nhất
Ngày ¾, Việt Nam ghi nhận hơn 50,700 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành, giảm gần 15,000 ca so với ngày trước đó. Ngoài ra 2 tỉnh Thái Bình và Bắc Giang bổ sung hơn 51,000 ca, nâng tổng số F0 trong ngày lên hơn 100,000 trường hợp.
Tại Hà Nội, đến chiều 3/4, thành phố này ghi nhận thêm hơn 6,300 ca mới (giảm hơn 1,100 ca so với ngày trước đó). Đáng chú ý, số nhiễm này chỉ bằng 19.3% so với mức kỷ lục ngày 8/3 (hơn 32,600 ca).
Còn tại Sài Gòn, số ca mới ngày 3/4 chỉ còn 347 ca, bằng 1/2 so với ngày trước đó và bằng khoảng 1/11 so với ngày 10/3, ngày thành phố có số ca nhiễm cao nhất trong 1 tháng gần đây.
Trong ngày toàn quốc ghi nhận số ca chuyển nặng đang điều trị giảm nhanh trong 1 tuần, với 2,000 ca. Đây là số giảm về mức thấp nhất tính từ tháng 8/2021. So với trung bình 7 ngày trước, số ca chuyển nặng đang điều trị giảm 40.2%, số tử vong giảm 30.3%.
Người trên 14 tuổi đi khám bệnh chỉ cần CCCD gắn chíp
Tại Bệnh viện Nhi quốc gia, hiện đã triển khai dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám chữa bệnh.
Theo đó, người bệnh khi đi khám bệnh (với trẻ trên 14 tuổi đã được cấp CCCD) hoặc làm các thủ tục hành chính tại bệnh viện thì chỉ cần dùng CCCD.
Với áp dụng trên, người bệnh không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Thông tin bảo hiểm y tế của người bệnh được tra trên cổng dữ liệu của Bảo hiểm y tế Việt Nam.
Giá ớt tại miền Trung tăng gấp 3 lần
Trong 2 ngày gần đây, giá ớt ở một số tỉnh miền Trung như Bình Định, Gia Lai, Nghệ An… bất ngờ tăng mạnh, lên gấp 3 lần so với thời điểm trước đó.
Cụ thể, tại An Khê (Gia Lai), giá ớt được thu mua ở mức 32,000-35,000 đồng/kg. Tại Nghệ An, giá ớt ở mức 20,000-22,000 đồng/kg.
Một số thương lái cho biết, khu vực miền Trung có diện tích trồng ớt khá lớn, tuy nhiên mấy ngày nay, mưa bão gây ngập lụt ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch, ảnh hưởng đến giá bán. Ngoài ra, giá ớt xuống thấp trong thời gian dài trước đó khiến nhiều người không chăm sóc, làm giảm nguồn cung, cũng khiến giá ớt tăng mạnh.
Tuy nhiên tại khu vực phía nam như Đồng Tháp, Sóc Trăng, giá ớt vẫn ghi nhận ở mức 15.000-16.000 đồng/kg.
Sài Gòn: Mặt bằng cho thuê sôi động trở lại
Theo chuyên trang Chợ Tốt Nhà, tính từ cuối năm 2021 đến sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường mặt bằng cho thuê chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu trên toàn bộ các quận, huyện ở Sài Gòn. Trong đó, quận 4 có lượt tìm kiếm tăng 151%, quận 6 tăng 138%, quận 7 tăng 125% và quận Bình Thạnh tăng 121%.
Riêng quận 1, 3, Phú Nhuận, dù nhu cầu không quá ấn tượng so với các quận trên, nhưng 3 quận này là khu vực được tìm thuê cao nhất với tốc độ tăng trưởng tốt nhất, lần lượt là 30%, 32% và 47%.
Tuy nhu cầu có sự tăng trưởng nhưng giá thuê trung bình ở các quận này đều giảm sau tết, trong đó rõ nhất là quận 7. Ở các quận khác, giá thuê mặt bằng đều được duy trì tương đối ổn định.
9 tỉnh thiệt hại nặng, miền Trung lại sắp đối diện với đợt lũ mới
Đợt mưa lũ trái mùa từ ngày 31/3-2/4 vừa qua đã gây thiệt hại cho 9 tỉnh miền trung, từ Quảng Bình tới Khánh Hòa. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 20,000 hecta lúa, 2,300 ha hoa màu. Tiếp đến là Quảng Nam thiệt hại 16,800 hecta lúa và 4,500 hecta hoa màu; Bình Định lần lượt là 15,120 hecta và 2.320 hecta.
Đáng chú ý, mưa lũ làm 2 người chết (ở Quảng Nam và Phú Yên), một người Phú Yên mất tích và 5 người ở Thừa Thiên Huế bị thương. Thủy sản bị thiệt hại nặng, chìm hơn 220 ghe thuyền và hư hại hơn 2,500 lồng bè.
Hiện dù lũ đã rút gần hết, nhưng miền Trung lại có nguy cơ đối diện với đợt lũ mới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm qua đến ngày 6/4, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và phía Đông Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to.
Trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.
Biển Đông sắp đón 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới
Theo thông tin từ các đơn vị dự báo quốc tế như Windy, Ventusky,…, khoảng từ ngày 7-8/4, có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Nam Biển Đông và 2 cơn bão ở phía Đông Philippines vào Biển Đông.
Đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện bão và ATNĐ sớm hơn so với quy luật hàng năm. Theo đó các tỉnh thành được khuyến cáo cần chủ động theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão trong thời gian tới để thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm