Tin Việt Nam ngày 27/8: Hơn 17,400 ca nhiễm, 386 ca tử vong, Serbia hứa tặng vaccine, tiếp nhận 403,000 liều AstraZeneca từ Úc, Trung Quốc tiếp tục dừng thông quan thêm 1 cửa khẩu, giảm 50% giá dịch vụ cất/hạ cánh với chuyến bay nội địa
Nội dung tối 27/8:
|
-
Hơn 17,400 ca nhiễm, Bình Dương thêm gần 8,700 ca
18h ngày 27/8, Bộ Y tế thông báo về 17,428 ca nhiễm mới gồm 19 ca nhập cảng, 12,901 ca ghi nhận tại 41 tỉnh/thành, và 4,508 ca đăng ký bổ sung của tỉnh Bình Dương được lấy mẫu từ các ngày trước đó.
Cụ thể, 12,901 ca mới ghi nhận chủ yếu tại Tp HCM (5,383), Bình Dương (4,187), Đồng Nai (996), Long An (454), Tiền Giang (312), Đà Nẵng (202), Tây Ninh (132), Khánh Hòa (131), Quảng Bình (125), Đồng Tháp (122), An Giang (91), Bình Thuận (87), Hà Nội (77), Cần Thơ (72), Thừa Thiên Huế (70), Đắk Lắk (63), Bà Rịa – Vũng Tàu (59), Nghệ An (57)…
Như vậy, riêng số ca mắc mới ghi nhận trong ngày 27/8 tại Việt Nam so với ngày 26/8 tăng 1,332 ca với 6,627 ca cộng đồng, trong đó Tp HCM tăng 1,449, Bình Dương giảm 681, Đồng Nai tăng 253, Hà Nội tăng 27, Long An tăng 5, Tiền Giang giảm 42. Trong ngày có 10,126 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tính từ đầu mùa dịch, tổng số mắc tại Việt Nam là 410,366 ca nhiễm, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 406,233 ca, trong đó có 195,840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
-
Thêm 386 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Trong ngày, Bộ Y tế thông báo về 356 bệnh nhân COVID-19 tử vong ghi nhận tại Tp HCM (287), Bình Dương (34), Đồng Nai (13), Khánh Hòa (10), Long An (7), Đà Nẵng (2), Bến Tre (1), Sóc Trăng (1), Thanh Hóa (1). Ngoài ra, có 30 ca tử vong từ ngày 01-27/8 tại Phú Yên được bổ sung thêm.
Tính đến 27/8, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam là 10,053 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca mắc.
Về tình hình điều trị, hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,146 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ 3,939 ca, thở ô xy dòng cao HFNC 1,222 ca, thở máy không xâm lấn 93 ca, thở máy xâm lấn 866 ca, ECMO 26 ca.
-
Thêm Serbia tặng vaccine và thiết bị y tế, tiếp nhận 403,000 liều AstraZeneca từ Úc
Ngày 27/8, tại cuộc điện đàm giữa nước Việt Nam và Serbia, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Selakovic cho biết, Chính phủ nước này quyết định tặng Việt Nam vaccine và một số thiết bị y tế để ứng phó dịch COVID-19.
Về số lượng, hiện chưa rõ Serbia sẽ tặng Việt Nam bao nhiêu liều, cũng như loại vaccine và thời gian trao tặng.
Cũng trong chiều cùng ngày, tại Tp HCM diễn ra lễ tiếp nhận 403,000 liều vaccine AstraZeneca. Đây là lô đầu tiên trong 1.5 triệu liều vaccine mà Chính phủ Úc đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ Úc đã công bố khoản viện trợ trị giá 40 triệu đôla Úc (AUD) cho chương trình vaccine và chích ngừa của Việt Nam đến năm 2023, trong đó có 13.5 triệu AUD để mua vaccine cho trẻ em, và gói viện trợ 8.3 triệu USD để mua tủ lạnh bảo quản vaccine công suất lớn.
Đến ngày 11/7, Thủ tướng Úc Scott Morrison gửi thư đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, thông báo hỗ trợ Việt Nam 1.5 triệu liều vaccine AstraZeneca trong năm 2021.
-
Trung Quốc tiếp tục dừng thông quan thêm 1 cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc vừa thông báo dừng hoạt động xuất nhập cảng hàng hóa tại cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn từ 17h ngày 26/8.
Hiện các doanh nghiệp, thương nhân, chủ hàng được yêu cầu đưa hàng về cửa khẩu trao đổi với chủ hàng phía Trung Quốc di chuyển sang các cửa khẩu khác để làm thủ tục.
Theo Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Cốc Nam Trần Văn Hùng, bình thường cửa khẩu Cốc Nam mỗi ngày thông quan khoảng 200-300 xe. Theo quy định 2 bên, đối với hàng xuất cảng, khi xe hàng lên đến bến bãi, chỉ việc chờ xe tải nhỏ phía Trung Quốc sang bốc xếp hàng lên là chuyển qua biên giới, các xe hàng nông sản có thể xuất cảng xong trong ngày.
Tuy nhiên gần đây, phía Trung Quốc siết chặt quản lý, hạn chế thông quan hàng hóa với các biện pháp như các loại hàng nông sản khi đến cửa khẩu đều phải chuyển từ xe đông lạnh sang xe không đông lạnh, chờ hàng nóng lên mới cho chuyển sang xe tải nhỏ vận chuyển qua biên giới. Việc này đã làm tăng chi phí lên khoảng 3 triệu đồng/xe và tốn nhiều thời gian. Do vậy, năng lực thông quan trong những ngày gần đây chỉ được khoảng 50-60 xe hàng nông sản.
-
Giảm 50% giá dịch vụ cất/hạ cánh với chuyến bay nội địa
Tại Dự thảo Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ ngành hàng không ở cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ 1/1 đến 31/12/2021, Bộ GTVT đưa ra đề nghị như sau:
- Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021, áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa. Theo đó, khung giá mức tối thiểu được áp dụng là 0 đồng, mức tối đa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT
- Từ ngày 1/1/2022 trở đi, tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư trên.
Nội dung chiều 27/8:
|
-
Trung Quốc bất ngờ dừng thông quan, xuất cảng tại cửa khẩu Lũng Vài
Sáng 27/8, ông Hoàng Khánh Duy, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn cho biết, chiều 26/8, đã nhận được thông báo của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về việc dừng các hoạt động thông quan, xuất cảng tại cửa khẩu Lũng Vài từ 17h cùng ngày (giờ Hà Nội). Đối diện cửa khẩu Lũng Vài là cửa khẩu Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam).
Trong thông báo gửi cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Tây cho hay, thời gian mở cửa trở lại sẽ căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch COVID-19.
Theo ông Duy, cặp cửa khẩu Lũng Vài – Cốc Nam chủ yếu thông quan hàng nông sản, việc phải dừng hoạt động không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất nhập cảng. Trong điều kiện bình thường, cửa khẩu này nghỉ làm việc thứ 7 và Chủ nhật. Nông sản xuất cảng từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ khoảng 30 xe/ngày, không có hàng nhập cảng.
Với thông báo dừng cửa khẩu Lũng Vài, đến ngày 27/8, Lạng Sơn chỉ còn 4/12 cửa khẩu hoạt động xuất nhập cảng với Trung Quốc, gồm các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma và Đồng Đăng.
-
Lào muốn mở một Đặc khu kinh tế Tam giác mới giáp Việt Nam và Trung Quốc
Ngày 27/8, Tờ Vientiane Times đưa tin, ngày 24/8, giới chức tỉnh Phongsaly (Lào) và một đại diện của nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU), nghiên cứu về việc phát triển một Đặc khu kinh tế Tam giác mới (SEZ).
Biên bản ghi nhớ có hiệu lực 18 tháng. Sau khi ký MOU, nhà đầu tư có 30 ngày để khảo sát và nghiên cứu khả thi. Nếu được thông qua, SEZ sẽ nằm ở huyện Nhot-ou, tỉnh Phongsaly, nơi có đường biên giới chung với Trung Quốc và Việt Nam.
Bà Khammala Souvong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phongsaly cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ khảo sát một khu vực rộng khoảng 250 km2, trong đó 100 km2 dùng cho dịch vụ và du lịch, 150km2 còn lại được sử dụng cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp.
Ngoài ra, một con đường nối làng Yai-ouneua đến địa điểm phát triển sẽ được khảo sát và thiết kế theo kế hoạch.
-
Công nhân dương tính, Tân Cảng Hiệp Phước ngừng dịch vụ đóng rút gạo
Sáng 27/8, cục Xuất nhập cảng (bộ Công Thương) cho biết, Tân Cảng Hiệp Phước đã ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan do có công nhân mắc COVID-19. Theo dự kiến, sớm nhất đến giữa tháng 9, hoạt động này mới vận hành trở lại.
Hiện, tại Tp HCM chỉ còn Bến 125 Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Nhơn Trạch ở Đồng Nai còn hoạt động đóng gạo bằng container. Tuy nhiên, năng lực đóng hàng của 2 cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước.
Tại Cần Thơ, cảng Tân Cảng Thốt Nốt chưa hoạt động trở lại. Tính đến 26/8, lượng hàng đang bị ùn ứ cục bộ tại cảng này là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container chưa đóng hàng.
Tân cảng Hiệp Phước là cảng vệ tinh trong hệ thống cung ứng dịch vụ logistics của Tân Cảng Sài Gòn, nơi thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản, bách hóa tổng hợp) tại khu vực phía Nam Tp HCM và các tỉnh lân cận.
Vì vậy, việc cảng Tân cảng Hiệp Phước tạm ngừng đóng rút gạo được nhận định là sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất cảng nông sản, đặc biệt là gạo.
-
Sài Gòn Co.op đề nghị hải quân hỗ trợ vận chuyển hàng hóa trong 20 ngày
Mới đây, thông qua Sở Công thương Tp HCM, Sài Gòn Co.op đề nghị Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đề nghị hỗ trợ, trong 21 ngày, từ 25/8 đến 15/9, Sài Gòn Co.op cần vận chuyển hàng từ tổng kho ở KCN Sóng Thần I (Dĩ An, Bình Dương) đến các điểm tập kết tại các quận/huyện của Tp HCM, trung bình 180 tấn/ngày.
Ngoài ra, từ 26/8 đến 15/9, đơn vị này cần vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu từ các gia đình, địa phương tại các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… đến tổng kho với số lượng khoảng 20 tấn/ngày.
Trước đó, Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân đã có văn bản đề nghị hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh về Sài Gòn.
-
Quảng Bình yêu cầu lập thêm các khu cách ly tập trung cấp huyện
Ngày 27/8, tỉnh Quảng Bình cho hay, đã yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố rà soát, khảo sát các địa điểm (cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở giáo dục, trường nghề có khu vực nội trú…) để thiết lập các khu cách ly tập trung F1.
Theo yêu cầu của tỉnh, mỗi địa phương phải tổ chức được các khu cách ly F1 đáp ứng tối thiểu 200 giường, hoàn thành trước ngày 29/8 để tổ chức cách ly tập trung khi có yêu cầu.
Trước đó, ngày 26/8, tỉnh Quảng Bình đã thành lập bổ sung khu cách ly tập trung ứng phó dịch bệnh tại Trường dân tộc nội trú tỉnh (P.Bắc Lý, Tp Đồng Hới).
Sau 14 ngày không phát hiện ca nhiễm cộng đồng, bắt đầu từ 24/8, tỉnh Quảng Bình xuất hiện ca nhiễm mới là thuyền viên ở xã Hải Phú, H.Bố Trạch.
Tiếp đó, từ 12h ngày 25/8 đến 12h ngày 26/8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 118 ca, chủ yếu ở các địa bàn có biển, liên quan đến hoạt động mua bán ở cảng cá Nhật Lệ. Từ 18h ngày 26/8 đến 6h ngày 27/8, có 7 ca nhiễm mới; tổng số ca nhiễm toàn tỉnh là 205.
Các F0 mới tập trung nhiều nhất ở huyện Bố Trạch, Tp Đồng Hới; các huyện có ghi nhận gồm: Quảng Ninh, Lệ Thủy và Tuyên Hóa.
Nội dung sáng 27/8:
|
-
Việt Nam sát mốc 393,000 ca nhiễm, vượt 9,600 ca tử vong
Tính đến sáng 27/8, Việt Nam có tổng cộng 392,938 ca nhiễm, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4), Việt Nam ghi nhận 388,814 ca, trong đó có 185,714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 26/8, Việt Nam ghi nhận 11,575 ca mắc mới tại 43 tỉnh/thành, trong đó có 5,603 ca cộng đồng.
Với 318 ca tử vong trong ngày 26/8, tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam là 9,667 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.
Hiện trong các bệnh nhân đang điều trị, số ca bệnh nặng 5,184 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ 3,223 ca, thở ô xy dòng cao HFNC 1,082 ca, thở máy không xâm lấn 85 ca, thở máy xâm lấn 765 ca, ECMO 29 ca.
-
Tổng cục Đường bộ thông báo đổi địa chỉ cấp giấy nhận diện phương tiện gắn mã QR
Ngày 26/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo, bắt đầu từ 18h cùng ngày, Hệ thống cấp giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa có mã QR trên địa chỉ: http://luongxanh.drvn.gov.vn sẽ không tiếp nhận đăng ký và cập nhật thông tin.
Để đăng ký mã QR mới, doanh nghiệp truy cập địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn để cập nhật thông tin, lấy mã rồi in và dán lên xe.
Đối với các phương tiện đã được cấp mã QR trước 18h ngày 26/8 tiếp tục được sử dụng đến khi hết hiệu lực.
-
Hà Nội thu gần 1.6 tỉ đồng tiền vi phạm giãn cách trong 24 giờ
Trong 24 giờ, tính từ 15h ngày 25/8 đến 15h ngày 26/8, Hà Nội xử lý 1,083 vụ vi phạm giãn cách, với số tiền gần 1.6 tỉ đồng.
Trước đó, trong hơn 1 tháng áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (tính từ 24/7 đến 15h ngày 25/8), toàn thành phố đã xử phạt tổng cộng 32,418 vụ vi phạm, trong đó, 295 vụ cảnh cáo, 32,117 vụ phạt tiền trên 50.1 tỉ đồng; 6 vụ chuyển xử lý hình sự.
Các vi phạm bị xử phạt phổ biến gồm: Ra ngoài khi không thực sự cần thiết (27,845 vụ); Không đeo khẩu trang nơi công cộng (2,959 vụ); Không giữ khoảng cách khi tiếp xúc (572 vụ); Vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định (395 vụ); Không hạn chế tập trung đông người hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng (194 vụ).
Sáng nay 27/8, Sở Y tế Hà Nội thông tin về 6 ca dương tính mới tại 3 quận/huyện, trong đó có 2 ca ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nâng tổng số mắc trong đợt dịch 4 (từ 27/4) đến nay lên 2,842 ca, trong đó có 1,484 ca cộng đồng.
-
Đà Nẵng thí điểm mở lại chợ truyền thống, không bán trực tiếp
Ngày 26/8, chính quyền Tp Đà Nẵng cùng Sở Công thương đồng thuận việc mở lại hoạt động tại các chợ truyền thống trên địa bàn và các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư.
Đối với việc mở lại chợ truyền thống, để bán lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, Đà Nẵng yêu cầu:
- Chỉ cho phép những tiểu thương không thuộc các vùng cách ly và tiểu thương đang lưu trú tại xã, phường có chợ;
- Ban quản lý chợ, tiểu thương, người lao động tại chợ đã tiêm vaccine, xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá tại các quầy hàng.
- Bố trí các quầy, sạp cách nhau tối thiểu 5m, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng; có lắp tấm che chống giọt bắn theo từng quầy sạp; tạo vạch chia khoảng cách 3m tại các vị trí chờ mua hàng trong chợ.
- Không bán trực tiếp, chỉ bán thông qua ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố; chia tần suất đi chợ theo địa bàn tổ dân phố với khung giờ nhất định…
Dự kiến hôm nay 27/8, chợ Hàn (quận Hải Châu), chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) và chợ Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) sẽ bắt đầu hoạt động trở lại; tiếp đến chợ Cồn ngày 28/8, sau đó là chợ đầu mối Hòa Cường.
-
Hải Dương buộc dừng hoạt động 22 DN để xét nghiệm sàng lọc COVID-19
Từ 7h ngày 26/8, 22 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bị buộc phải dừng hoạt động để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người làm việc và báo cáo về huyện.
22 doanh nghiệp phân bổ tại 7 khu vực gồm: thị trấn Lai Cách 7 DN; xã Tân Trường và xã Cẩm Phúc mỗi xã 4 DN; xã Lương Điền, Đức Chính, Cẩm Đông, mỗi xã 1 DN; thị trấn Cẩm Giang có 1 DN và 1 hộ kinh doanh.
Trước đó ngày 4/8, trong văn bản áp dụng, huyện Cẩm Giàng yêu cầu các DN trên địa bàn:
- Lấy mẫu xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người làm việc cung cấp dịch vụ như ăn uống, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc…;
- Xét nghiệm sàng lọc PCR COVID-19 tối thiểu cho 20% người làm việc tại DN.
Tuy vậy, đến nay, huyện này chưa nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm của 22 DN nói trên.
-
Bình Dương chuẩn bị phương án ứng phó dịch bệnh cấp độ cao
Tối 26/8, tỉnh Bình Dương xác nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày là 4,868 ca, tăng 17.9% so với ngày 25/8, trong đó, số mắc trong khu phong tỏa chiếm 55%, số ca sàng lọc cộng đồng là 37%, số còn lại được phát hiện trong khu cách ly tạm thời; nâng tổng số mắc trong đợt dịch thứ 4 đến nay lên 86,050 ca, số ca tử vong là 716 người.
Trước đó, tỉnh Bình Dương lên phương án ứng phó khi có 150,000 ca nhiễm với số giường tương ứng là 100,000 giường.
Hiện, tỉnh này đang gấp rút thêm 7,000 giường tại tại cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát) nâng quy mô điều trị lên 13,600 giường.
Tổng Công ty Becamex IDC cũng đang tiếp tục nâng quy mô lên 27,000 giường trong thời gian tới. Dự kiến trong tuần này, Bệnh viện Quốc tế Becamex sẽ đưa vào hoạt động 100 giường hồi sức cấp cứu (ICU) cho bệnh nhi và sản phụ.
Tỉnh Bình Dương đang chủ động xét nghiệm, phong toả nhiều điểm nóng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Hiện có tới 11 phường đang “khóa chặt” tại thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên. Tuy nhiên, người dân ở một số nơi phản ánh các gói cứu trợ vẫn chưa đến được với nhiều người ở vùng đỏ.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm