Tin Việt Nam ngày 25/7: Bắt thêm 6 bị can liên quan vụ ‘đưa, nhận hối lộ’ tại Bộ Ngoại giao; yêu cầu Bộ Tài chính sớm có phương án giảm thuế xăng, dầu
Bắt thêm 6 bị can ‘đưa, nhận hối lộ’ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao
6 người bị bắt sau khi cảnh sát điều tra mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành. Trong đó, 4 người bị điều tra về tội “nhận hối lộ” có nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cùng một nhân viên Cục cũng như chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) và chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giao thông vận tải).
Bên cạnh đó, cảnh sát điều tra cũng khởi tố, bắt giam 2 người khác về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và hành vi “đưa hối lộ” gồm cán bộ thuộc Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và phó giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury.
Trong ngày, chỗ ở và nơi làm việc của 6 bị can trên cũng bị khám xét.
Trước đó, từ cuối tháng 1/2022, hàng loạt bị can liên quan vụ án bị khởi tố, bắt tạm giam trong đó có Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Chánh Văn phòng và Phó phòng Bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về tội Nhận hối lộ.
Liên quan đến chủ các doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty hàng không An Bình; Giám đốc Công ty ATA Việt Nam và Giám đốc Công ty Việt Nam 19 bị bắt về tội Đưa hối lộ.
Đến tháng 4, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 người khác bị bắt về tội Nhận hối lộ, trong đó có chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) và nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Hồi cuối tháng 6, Cơ quan điều tra cho biết, bước đầu xác định các bị can nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Yêu cầu Bộ Tài chính sớm có phương án giảm thuế xăng, dầu
Hôm 25/7, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề nghị giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng, dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính cần có phương án giảm các loại thuế, phí liên quan đến mặt hàng trên trong ngắn hạn và trung hạn; báo cáo Chính phủ trước ngày 30/7.
Hiện trong giá bán lẻ xăng, dầu có 4 loại thuế gồm: thuế nhập cảng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có các loại chi phí chiếm khoảng 5-6%, như: lợi nhuận định mức, chi phí định mức, vận chuyển…
Sau khi thuế bảo vệ môi trường về mức sàn, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng chiếm từ 20-23% (với xăng), trên 11% (với dầu diesel).
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 21/7, xăng E5RON92 về mức hơn 25,000 đồng/lít, xăng RON95 hơn 26,000 đồng/lít, dầu diesel về gần 25,000 đồng/lít, dầu hỏa trên 25,000 đồng/lít và dầu mazut hơn 16,000 đồng/kg.
Cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây bắt đầu thu phí không dừng
Cụ thể, từ 26/7, trên cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây, 25 làn thu phí ETC tại 3 trạm thu phí trên tuyến (gồm 11 làn vào và 14 làn ra) sẽ chính thức vận hành.
Mức phí thu trên tuyến cao tốc hiện thấp nhất là 98,000 đồng/lượt, cao nhất là 373,000 đồng/lượt.
Cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây là tuyến cửa ngõ trọng điểm kết nối Sài Gòn với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Hiện trên tuyến cao tốc có khoảng 50,000 lượng xe/ngày đêm. Và từ 1/8 tới, cao tốc này chỉ cho xe sử dụng ETC lưu thông.
Trước đó, từ ngày 21/7, trên toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, VEC cũng đã triển khai thu phí tự động không dừng. Ngày 28/7 tới, VEC tiếp tục vận hành thu phí tự động trên tuyến Nội Bài – Lào Cai và Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Dự kiến, từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc, chỉ phục vụ phương tiện trả phí tự động.
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động, người điều khiển phương tiện cần dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí với số tiền tối thiểu đủ để thực hiện 1 giao dịch.
Bình Thuận dừng tìm kiếm tàu cá bị chìm
Hôm 25/7, Ban chỉ huy ứng phó thiên tai tỉnh Bình Thuận trình Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai về việc dừng tìm kiếm tàu cá bị chìm cùng 6 thi thể ngư dân sau nhiều ngày không thấy dấu vết.
9 người sống sót trong số 15 thuyền viên trên tàu bị nạn được cứu vớt, đưa về bờ đều xác định 6 ngư dân trên đã kiệt sức rồi chết vì đói sau nhiều ngày lênh đênh trên thuyền thúng, trôi dạt giữa biển. Thi thể của họ lần lượt được thả xuống biển, không rõ vị trí.
Hiện 9 ngư dân sống sót đã đoàn tụ với gia đình.
Nhập cảng phế liệu chứa chất phóng xạ có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng
Theo quy định trong Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa mới ban hành,Chính phủ quy định 2 hình thức là cảnh cáo và phạt tiền.
Trong đó, hình thức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Thời gian xử phạt vi phạm là 2 năm.
Bên cạnh đó, có thêm các hình thức phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các giấy tờ liên quan đến hoạt động. Hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện…
Tin tức Việt Namsẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.