Tin Việt Nam ngày 22/4: Tiếp tục tăng giá dịch vụ tại cảng Cát Lái, gia hạn gần 10,000 giấy đăng ký thuốc sắp hết hạn
Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 10.53 triệu ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có hơn 9.07 triệu F0 khỏi bệnh, gần 43,000 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0.4% so với tổng số ca nhiễm).
Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, cập nhật đến ngày 21/4, Bộ Y tế Đã cấp hộ chiếu vaccine điện tử cho 1.3 triệu người. Con số này tăng gấp đôi so với thống kê cách đây 5 ngày.
Đề nghị gia hạn gần 10,000 giấy đăng ký thuốc sắp hết hạn
Mới đây Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, gần 10,000 giấy đăng ký thuốc sắp hết hạn là do dịch COVID-19 kéo dài, các đơn vị đăng ký thuốc không kịp cập nhật hồ sơ, dữ liệu để cấp lại số đăng ký. Do đó, Cục đã có đề nghị cấp thẩm quyền cho phép gia hạn 10,000 số đăng ký.
Dự kiến trong tháng 5, Bộ Y tế ưu tiên giải quyết các giấy sắp hết hạn, đồng thời đề nghị Chính phủ giảm thủ tục. Với thuốc và nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày 31/12/2021 đến trước ngày 31/12/2022 mà không kịp thủ tục gia hạn thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.
Theo kế hoạch, 10,000 số đăng ký sẽ được Chính phủ chấp thuận gia hạn đến 31/12/2022. Và về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi Luật dược theo hướng gia hạn hồ sơ tự động trên hệ thống trực tuyến.
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, tổng số giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày 20/11/2021 đến ngày 31/12/2022 là gần 12,900 giấy. Tính đến hết quý 1/2022, có hàng trăm số đăng ký hết hạn lưu hành.
Chính thức vận hành tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc
Ngày 21/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, một số tuyến đường sắt liên vận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảng giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc (tuyến An Huy – Hà Nội, Thành Đô – Hà Nội) đã chính thức được vận hành.
Trong các ngày 15 và 16/4, một số tuyến đường sắt vận tải hàng hóa của Việt Nam với một số khu vực như Tứ Xuyên, An Huy của Trung Quốc đã đi vào khai thác.
Theo phát ngôn viên, Việt Nam và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng lẫn nhau. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 165.9 tỉ USD, tăng 24.6% so với năm 2020.
Quý 1/2022, kim ngạch xuất nhập cảng giữa hai nước đạt 40.8 tỉ USD, tăng 10.6% so với cùng thời kỳ năm 2021.
Giá xăng dầu lại tăng, gần 700 đồng/lít
Tại kỳ điều hành ngày 21/4, từ 15h, giá xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 680 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27,130 đồng/lít và xăng RON 95 là 27,990 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh như sau:
- Dầu diezel tăng 979 đồng/lít, có giá bán 25,359 đồng/lít;
- Dầu hoả tăng 800 đồng/lít, lên mức 23,820 đồng/lít;
- Dầu mazut tăng 871 đồng/lít, lên mức 21,800 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng tại thị trường Việt Nam đã có lần tăng trở lại sau 3 lần giảm liên tiếp. Tính chung trong gần 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng đã có 7 lần tăng, 3 lần giảm.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, đơn vị điều hành thực hiện trích quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 ở mức 400 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít, dầu diesel 100 đồng/lít, dầu mazut 250 đồng/kg.
Sài Gòn: Đề nghị tăng học phí năm học mới
Hôm 21/4, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị thành phố tăng học phí từ năm 2022-2023 và các năm học tiếp theo, áp dụng với cấp mầm non, phổ thông công lập từ quý 2/2022.
Đối với giáo dục mầm non, tiểu học, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Sở đề nghị áp dụng mức sàn năm học 2022-2023 bằng mức sàn với khu thành thị và nông thôn, từ 100,000-300,000 đồng/học sinh/tháng.
Tuy nhiên theo quy định, học sinh tiểu học được miễn học phí nên, do đó mức học phí được đề nghị trên với cấp học này sẽ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tư thục cùng cấp
Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ tại cảng Cát Lái
Mới đây, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo, từ ngày 1/5 sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ đóng/rút container hàng lạnh tại Tân Cảng – Cát Lái (Tp Thủ Đức).
Theo đó, với mặt hàng thông thường, giá mới của dịch vụ trên sẽ tăng từ 1.32 triệu đồng lên gần 1.87 triệu đồng/container tùy loại.
Với mặt hàng thủy/hải sản đông lạnh, giá mới áp dụng từ 2.29 triệu đến 3.3 triệu đồng/container, tùy loại…
Ngoài ra, phí đóng ghép hàng cùng một container tại bãi cũng được điều chỉnh tùy số lần đóng hàng.
Hiện các doanh nghiệp xuất cảng thủy sản và trái cây sử dụng nhiều container lạnh, đặc biệt với hàng đi tuyến xa như Hoa Kỳ, Canada… Tuy vậy, từ năm 2021 đến nay, các mặt hàng này gặp khó vì giá cước cao, thiếu container lạnh. Trong khi đó, chi phí logistics tăng cao, lại phải gánh thêm phí hạ tầng cảng biển mới được áp dụng từ 1/4.
Ước tính, cước vận chuyển đường biển đã tăng gần 97% so với cùng kỳ năm 2021.
Tin tức Việt Namsẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm