Tin Việt Nam ngày 21/6: Đại biểu ở Hà Nội nghi ngờ tỷ lệ ‘72% người đồng ý tăng học phí’, bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng liên quan đến Việt Á
Đại biểu ở Hà Nội nghi ngờ tỷ lệ ‘72% người đồng ý tăng học phí’
Hôm 20/6, tại hội nghị phản biện dự thảo nghị quyết của Hà Nội về mức thu học phí năm học 2022-2023, Mặt trận Tổ quốc thành phố bày tỏ nghi ngờ về kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo với tỷ lệ người đồng ý là 72% trong số 74,000 người.
Ông Ngô Hữu Thảo, đại biểu Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng, tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí rất đáng “nghi”, nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay. Theo ông Thảo, việc điều tra có số liệu cần phân tích cụ thể, không thể chung chung bao nhiêu % đồng ý. Cần chú ý tới nhóm gần 30% người không đồng tình.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Gia Ánh nhận định, nhóm người lấy ý kiến là giáo viên và phụ huynh. Giáo viên là người trong ngành, còn phụ huynh rất ngại có ý kiến khác nên kết quả khảo sát muốn 80% đồng tình cũng được. Theo ông Ánh, nếu mở rộng đối tượng góp ý thì kết quả sẽ khác.
Về kết quả khảo sát trên, tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không phản hồi, tuy nhiên ông này cho rằng, nếu năm nay không tăng học phí thì sang năm phải tăng gấp đôi. Nếu sang năm không tăng thì năm tiếp theo sẽ tăng gấp 3.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự thảo mức tăng học phí năm học 2022-2023. Với các trường chưa bảo đảm chi thường xuyên, học phí cấp Trung học cơ sở dự kiến lên 50,000-300,000 đồng/tháng, gấp đôi mức đang áp dụng. Các bậc học còn lại có mức tăng tương tự.
Dự thảo dự kiến sẽ được trình thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.
Bắt Giám đốc CDC Đà Nẵng liên quan đến Công ty Việt Á
Chiều 20/6 tại Đà Nẵng, cảnh sát đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng ông Tôn Thất Thạnh (58 tuổi, trú tại quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng) về hành vi “Tham ô tài sản”.
Ông Thạnh nguyên là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng bị bắt do liên quan đến vi phạm trong hoạt động mua sắm, sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phòng dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Cùng tội danh trên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (40 tuổi, Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) cũng khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng; bà Lê Thị Kim Chi (36, nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng).bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đồng thời, cảnh sát đã khám xét, thu giữ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án tại nơi ở và nơi làm việc của ông Thạnh và 2 bị can trên.
Cảnh sát xác định, từ năm 2020-2021, ông Tôn Thất Thạnh cùng các đồng phạm đã câu kết với Công ty Việt Á tham ô số vật tư xét nghiệm COVID-19 đã được Tp Đà Nẵng mua để phòng dịch COVID-19.
Cụ thể, ông Thạnh đã chỉ thị Nhàn và Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm COVID-19 thành mẫu đơn, đồng thời, biến hàng chục ngàn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á.
Sau đó, 3 bị can trên đã chuyển lại số vật tư dôi dư sau khi chuyển hóa cho Công ty Việt Á với giá trị thỏa thuận. Theo cơ quan điều tra, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là hơn 4 tỷ đồng.
Nhiều vaccine COVID-19 có nguy cơ bị tiêu huỷ do hết hạn
Tại cuộc họp Chính phủ sáng 20/6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, toàn quốc hiện đang tồn đọng một lượng lớn vaccine COVID-19, nguy cơ phải tiêu hủy vì hết hạn.
Theo Thứ trưởng, hiện tốc độ chích ngừa vaccine COVID-19 tại Việt Nam còn chậm, nhất là chích liều 3 cho người trên 18 tuổi và cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành nêu nhiều lý do khiến tỷ lệ chích liều 3 thấp, trong đó có việc người dân lo ngại tác dụng phụ của vaccine COVID-19.
Về biện pháp phòng dịch V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát, nêu rõ những nơi bắt buộc thực hiện, những nơi chỉ khuyến khích.
Xi măng tăng giá lần thứ 3, ngành xây dựng tiếp tục gặp khó
Từ giữa tháng 6 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán thêm 50,000-80,000 đồng/tấn. Đây cũng là lần thứ ba trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá.
So với 2 đợt trước, đợt điều chỉnh lần này nhiều hơn hẳn với 15 doanh nghiệp tăng giá. Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp, đến nửa cuối tháng 5, thị trường có 10 doanh nghiệp tham gia điều chỉnh giá.
Tại đợt điều chỉnh lần này, các doanh nghiệp như Norcem, Cẩm Phả, Hạ Long, Quang Sơn… đều đặt bước giá 70,000-100,000 đồng/tấn. Riêng Công Thanh miền Trung tăng giá 140,000 đồng/tấn.
Xi măng tăng giá tiếp tục gây khó cho ngành xây dựng. Theo quản lý dự án một công ty xây dựng ở Gò Vấp (Sài Gòn), gần đây, đơn vị phải báo giá phần xây dựng thô tăng 300,000-550,000 đồng/m2, lên mức 3.5-4.65 triệu đồng/m2.
Nếu giá xi măng cùng các loại vật liệu khác và giá thuê nhân công không giảm, công ty phải nghiên cứu tăng giá xây dựng.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Xem thêm