Tin Việt Nam ngày 17/3: Sài Gòn kiến nghị mua 20,000 liều Molnupiravir, Chính phủ chưa thay đổi đơn vị sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Việt Nam ngày 17/3 ghi nhận tổng cộng gần 359,000 ca nhiễm mới, 76 ca tử vong, hơn 135,000 trường hợp khỏi bệnh.
Hơn 178,000 ca nhiễm, 2 tỉnh bổ sung gần 181,000 F0
Tối 17/3, Bộ Y tế thông báo 178,112 ca nhiễm mới trong ngày, gồm 3 ca nhập cảnh và 178,109 ca ghi nhận tại 63 tỉnh/thành, trong đó có 124,725 ca nhiễm cộng đồng.
Ngoài ra, 2 tỉnh đăng ký bổ sung gần 181,000 ca là Vĩnh Phúc (24,975 ca) và Hải Dương (155,878 ca), nâng tổng số F0 trong ngày tại Việt Nam lên 358,965.
Trong ngày, Việt Nam có 135,683 bệnh nhân khỏi bệnh, 76 ca tử vong, số ca nặng đang điều trị là 4,435 trường hợp, trong đó có 440 ca thở máy và 6 ca ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 7.174 triệu ca nhiễm, 41,683 ca tử vong, gần 3.686 triệu bệnh nhân khỏi bệnh.
Hà Nội vượt mốc 900,000 ca, HS lớp 7-12 học trực tiếp dựa vào ‘số F0’
Ngày 17/3, Hà Nội ghi nhận thêm 25,311 ca nhiễm mới, trong đó hơn 8,000 F0 cộng đồng, nâng tổng số nhiễm trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 917,000 ca.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện, thị xã căn cứ vào số ca nhiễm, chủ động việc dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, đại diện Sở Y tế thành phố khẳng định, trong 7 ngày gần đây, số ca nhiễm, số ca nhập viện có xu hướng giảm. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân chuyển tầng cũng có xu hướng giảm.
Cà Mau: F0, F1 có thể làm việc trực tiếp, không ép buộc
Chiều 17/3, tỉnh Cà Mau ra quy định tạm thời về cách ly, điều trị F0 và cách ly F1, F2.
Theo đó, với F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là nhân viên, người làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp có thể tham gia làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Trường hợp người làm việc trực tiếp phải là tự nguyện, không được ép buộc. Ngoài ra, phòng, khu vực làm việc sẽ được cách ly, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh và được di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ nhà, nơi cách ly đến khu vực cách ly làm việc.
Tỉnh Cà Mau cho hay, trong khoảng một tuần qua, mỗi ngày có hơn 3,000 ca nhiễm mới. Tính đến 17/3, tổng số F0 tại Cà Mau lên tới hơn 110,000 ca, trong đó gần 31,000 F0 đang điều trị.
Sài Gòn kiến nghị mua 20,000 liều Molnupiravir
Mới đây tại Sài Gòn, Sở Y tế đã đề nghị đấu thầu mua 20,000 liều Molnupiravir để cấp miễn phí cho F0 điều trị tại nhà.
Theo đơn vị này, hiện lượng thuốc Molnupiravir được cấp đã sắp hết, dịch lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nên trong thời gian chờ ý kiến phản hồi của Bộ Y tế, Sở đề nghị thành phố cho phép chọn một cơ sở y tế đấu thầu mua thuốc Molnupiravir từ nguồn kinh phí phòng dịch.
Trước mắt, Sở Y tế dự kiến mua trước 20,000 liều Molnupiravir (mỗi liều 1,600 mg molnupiravir, liệu trình 5 ngày điều trị). Số thuốc này sẽ được chuyển đến các trạm y tế cấp phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà.
Chưa thay đổi đơn vị sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Ngày 16/3, trong Nghị quyết mới về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2022, Chính phủ chưa thay đổi đơn vị quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục được giao rà soát, thống nhất.
Trước đó, hồi cuối tháng 2 năm 2022, Bộ Công an đề nghị Chính phủ chưa thay đổi đơn vị quản lý về đào tạo, cấp giấy phép lái xe với lý do chưa có sự đồng thuận cao.
Bộ này đề nghị, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ không quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý như đã trình Quốc hội, thay vào đó sẽ do Chính phủ phân công.
Kiên Giang gần 1,000 tàu cá nằm bờ, kiến nghị cho chủ tàu giãn nợ
Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, trong tổng số gần 4,000 tàu cá (dài từ 15 m trở lên), tỉnh hiện có tới gần 1,000 tàu cá nằm bờ, chưa ra khơi hoạt động khai thác.
Đáng chú ý trong số này, có khoảng 300 tàu nằm bờ dài hạn, còn lại chưa ra khơi do giá xăng dầu tăng quá cao.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá Tp Rạch Giá cho hay, chi phí nhiên liệu chiếm đến 70% tổng chi phí chuyến ra khơi. Hiện chỉ có một thứ không tăng là giá hải sản. Ngoài ra, một khó khăn lớn nữa là giá nhân công trên tàu cũng tăng do khan hiếm nhân công đi biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Ngân hàng quốc gia kiến nghị Chính phủ sớm mở rộng, khoanh nợ, giãn nợ cho tất cả các chủ tàu; đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy định về 7 nhóm người được hưởng chính sách hoãn trả nợ do nguyên nhân khách quan.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm