Tin Việt Nam ngày 14/6: Bắt giữ 4 cán bộ ở Quảng Ninh liên quan đến Việt Á; hạ lưu sông Hồng nguy cơ ngập lụt
Quảng Ngãi đề nghị trả lại gần 200,000 liều vaccine COVID-19
Trong ngày 13/6, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã gửi văn bản đến Bộ Y tế đề nghị được trả lại gần 200,000 liều vaccine còn dư để Bộ phân bổ đến khu vực khác. Hiện số vaccine này còn hạn sử dụng đến ngày 30/6.
Lý do tỉnh này đưa ra là tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca mới, ca nhập viện và tử vong giảm; một số người dân khỏi bệnh không đồng ý chích ngừa. Bên cạnh đó, tiến độ chích vaccine COVID-19 tại Quảng Ngãi thời gian gần đây rất chậm và khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, nhiều khu vực trong tỉnh có sự biến động dân cư. Số người đi đến các tỉnh, thành khác để học tập, làm việc sau khi chích đủ 2 liều ước tính hơn 85,000 người.
Một lãnh đạo Sở Y tế cho hay, theo quy định, nếu xác định không sử dụng hết lượng vaccine được cấp thi phải báo với Bộ Y tế. Hiện Quảng Ngãi không chích hết lượng vaccine COVID-19 được cấp nên phải hoàn trả, nếu để lại sẽ hết hạn sử dụng.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã nhận hơn 2.7 triệu liều vaccine COVID-19 phân bổ, trong đó, tổng số vaccine đã sử dụng là gần 2.5 liều, chiếm 92%.
Bắt giữ 4 cán bộ y tế, tài chính ở Quảng Ninh do liên quan đến Việt Á
Tối 13/6 tại Quảng Ninh, cảnh sát điều tra tỉnh cho biết, vừa khởi tố và bắt tạm giam 4 người trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thị xã Đông Triều liên quan đến Công ty Việt Á.
Danh tính các bị can gồm:
- Nguyễn Thị Thanh Hảo, Trưởng phòng tài chính – kế hoạch thị xã Đông Triều;
- Đào Thị Kim Dung, Trưởng phòng y tế thị xã;
- Nguyễn Xuân Tiến Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã;
- Nguyễn Thành Định, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã.
Những cá nhân trên bị khởi tố, bắt tạm giam do làm trái công vụ, ký hồ sơ đấu thầu, nghiệm thu không đúng số lượng kit xét nghiệm và kit tách chiết thực tế với Công ty Việt Á, gây thất thoát cho ngân sách quốc gia.
Trước đó, sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Bình (Phó Chủ tịch), ông Dương Thành Trung (Phó trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch) bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Tiến (nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế) và ông Nguyễn Thành Định (Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế) cũng bị kỷ luật.
Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh đang xem xét trách nhiệm của ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh, nguyên Chủ tịch thị xã Đông Triều từ tháng 1/2020 đến hết tháng 6/2021.
Nguyên Tổng giám đốc Công ty IPC bị khởi tố vụ án thứ 3
Mới đây tại Sài Gòn, Viện Kiểm sát Nhân dân đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận (IPC) để điều tra về tội “Tham ô tài sản”. Đây là vụ án thứ 3 ông Dũng bị khởi tố.
Trong vụ án thứ nhất, ông Dũng bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” khi bán rẻ 9 triệu cổ phiếu của Công ty Nam Sài Gòn (Sadeco), cho Công ty Nguyễn Kim. Ở vụ án này, ông Dũng bị tuyên 19 năm tù.
Ở vụ án thứ hai, ông Dũng cũng bị khởi tố về cùng tội danh trên do sai phạm trong việc bán rẻ các nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây thuộc xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Vụ án này mới khởi tố và đang mở rộng điều tra.
Trong vụ án thứ 3, ông Dũng bị cáo buộc đã biển thủ tiền thù lao mà liên doanh Sepzone Linh Trung (có trụ sở đặt tại Khu chế xuất Linh Trung, Tp Thủ Đức) chi trả cho thành viên hội đồng tư vấn. Số tiền mà nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận (IPC) tham ô là hơn 114 triệu đồng và 5,000 USD.
Sài Gòn tăng giá bán trứng gà, vịt trong diện bình ổn
Hôm 13/6, Sở Tài chính thành phố đã điều chỉnh giá bán các mặt hàng trứng gia cầm tại 5 doanh nghiệp gồm: Công ty Ba Huân, Công ty Đông Hưng, Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Công ty Vĩnh Thành Đạt, Saigon Co.op .
Theo đó, từ ngày 15/6, giá các mặt hàng trên được áp dụng theo hướng điều chỉnh tăng 2,000 đồng/10 quả. Cụ thể:
- Trứng gà loại 1: Giá 31,500 đồng/vỉ 10 quả (18,900 đồng/vỉ 6 quả), tăng gần 7% so với giá bán hiện tại;
- Trứng vịt loại 1: Giá 37,000 đồng/vỉ 10 quả (22,200 đồng/vỉ 6 quả), tăng gần 6% so với giá bán hiện tại.
Trước đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm tại Sài Gòn đề nghị được tăng giá trứng gà, trứng vịt trong chương trình bình ổn thêm 2,000 đồng/10 quả để bù đắp chi phí và duy trì hoạt động.
Theo các doanh nghiệp, thời gian qua, chi phí đầu vào như: thức ăn chăn nuôi, hộp nhựa, bao bì, lương công nhân, xăng dầu… đồng loạt tăng cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với cùng thời kỳ năm 2021 khiến giá thành sản phẩm tăng.
Thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả, hạ lưu sông Hồng nguy cơ ngập lụt
Sáng 13/6, Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó thiên tai đã gửi công lệnh đến giám đốc các công ty thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang về việc điều chỉnh xả lũ các hồ thủy điện.
Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu đưa dần mực nước hồ Sơn La về cao trình 200 m, mực nước hồ Hòa Bình về cao trình 105 m, và mực nước hồ Tuyên Quang về cao trình 105.2 m trước ngày 15/6.
Và trong ngày 13/6, Thủy điện Sơn La được yêu cầu mở tiếp cửa xả đáy thứ 2 vào lúc 14h; Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 vào lúc 14h và mở cửa xả đáy thứ 4 vào lúc 20h cùng ngày; Thủy điện Tuyên Quang đóng một cửa xả đáy vào lúc 16h.
Lãnh đạo các hồ thủy điện có trách nhiệm thông báo cho địa phương, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy… khu vực hạ du các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang chủ động các biện pháp an toàn về người và tài sản.
Tại các khu vực nguy hiểm ở chân đập và hạ lưu đập, người dân không quay phim, chụp ảnh và các hoạt động khác, đặc biệt là hạ du hồ Hòa Bình.
Trước đó, vào 7h sáng 13/6, hồ Sơn La mở 1 cửa xả đáy với lưu lượng 1,684 m3/s; hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy với lưu lượng 3,324 m3/s; hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy với lưu lượng 992 m3/s.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 13 đến 15/6, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 120 mm.
Do ảnh hưởng xả của hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ tiếp tục lên nhanh, cảnh báo nguy cơ ngập lụt các vùng ven sông, bãi bồi ở khu vực hạ lưu, đặc biệt vùng chảy qua Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Hà Nội mưa lớn kéo dài, cây xanh gãy đổ, nhiều tuyến phố thành sông
Tối 13/6, sau một ngày nắng nóng, Hà Nội chuyển mưa dông kèm gió giật, sấm chớp. Ở nhiều quận nội thành, mưa lớn bắt đầu từ 19h30.
Theo số liệu quan trắc của Công ty Thoát nước Hà Nội, trận mưa kéo dài gần 2 tiếng, từ 19h55 đến 21h51 tập trung tại khu vực nội thành. Trong đó, quận Cầu Giấy là khu vực có lượng mưa cao nhất với 155.3 mm tại điểm đo Nhà văn hoá phường Mai Dịch. Điểm có lượng mưa lớn thứ 2 là tại Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa) 107.4 mm và điểm thứ 3 là tại Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) 96.3 mm.
Mưa lớn gây ngập úng ở nhiều tuyến phố Hà Nội như: Ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, phố Nguyễn Chính, Lê Duẩn, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng… Trần Cung, Trần Bình, Phan Văn Trường, Quan Nhân, Nguyễn Huy Tưởng…
Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, đã vận hành tối đa công suất các trạm bơm đầu mối và tổ chức lực lượng ứng trực tại các điểm úng ngập.
Trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ – Ninh Bình…, đoạn từ Km245 đến Km255 hướng Hà Nội – Ninh Bình, mưa lớn khiến 15 cây xanh bật gốc. Có 5 cây to gãy đổ, chiếm 1.5 làn đường, cản trở giao thông.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Xem thêm