Tin Việt Nam ngày 12/7: Vượt 2,300 ca mới trong ngày, thí điểm cách ly F1 tại nhà ở 63 tỉnh/thành, tăng thời gian cách ly lên 14 ngày, giá xăng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm
Nội dung tối 12/7:
|
-
Thêm 609 ca mắc mới, có 520 ca trong khu cách ly, phong toả
19h ngày 12/7, Bộ Y tế thông báo về 609 ca mắc mới COVID-19 (BN31591-32199) gồm 6 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bình Định và 603 ca trong nước tại TP. HCM (341), Bình Dương (128), Khánh Hòa (31), Tiền Giang (26), Phú Yên (17), Đà Nẵng (14), Trà Vinh (8 ), Hậu Giang (8 ), Quảng Ngãi (7), Sóc Trăng (4), Bắc Ninh (4), An Giang (3), Hà Nội (3), Thanh Hóa (2), Đồng Tháp (2), Nam Định (2), Bình Phước (2), Đắk Nông (1); trong đó, 520 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy trong ngày 12/7, Việt Nam ghi nhận 2,383 ca mắc mới, với 2,367 ca ở trong nước tại TP. HCM (1,764), Bình Dương (128), Tiền Giang (118), Đồng Nai (82), Khánh Hòa (58), Đồng Tháp (40), Phú Yên (30), Hà Nội (29), Vĩnh Long (26), Đà Nẵng (14), An Giang (11), Bình Phước (8 ), Trà Vinh (8 ), Hậu Giang (8 ), Bắc Giang (7), Hưng Yên (7), Quảng Ngãi (7), Sóc Trăng (5), Bắc Ninh (4), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), Thanh Hóa (2), Nam Định (2), Huế (1), Nghệ An (1), Vĩnh Phúc (1), Đắk Nông (1); trong đó, 2,096 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 19h ngày 12/7, Việt Nam có tổng cộng 28,689 ca bệnh, trong đó có 88 ca tử vong. Có 11 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Chính phủ đồng ý thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả các tỉnh/thành
Ngày 12/7, Chính phủ Việt Nam cho phép các tỉnh/thành thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo đề nghị trước đó của các tỉnh.
Hiện, Việt Nam đã có 3 địa phương triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà là TP. HCM, Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, số lượng F1 được cách ly tại nhà hiện còn rất ít. Trong đó, TP. HCM đã cách ly phân ra các khu vực gồm:
Với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), áp dụng cách ly các F1 tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.
Đối với trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa, áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra khu cách ly tập trung.
Với khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các F1 tại nhà theo hướng dẫn tại công văn số 5152 của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại công văn số 5152 của Bộ Y tế.
Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt người F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể thực hiện cách ly tập trung theo các quy định hiện hành.
-
Tăng thời gian cách ly lên 14 ngày người từ TP. HCM đến 62 tỉnh/thành
Ngày 12/7, Bộ Y tế ban hành công văn về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP. HCM về địa phương như sau:
- Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TP. HCM (trừ các trường hợp đi qua TP. HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 7 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.
- Thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại TP. HCM theo quyết định của đơn vị có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương lưu trú.
Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác, phải báo cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
-
Bình Phước phạt 106 triệu đồng vụ 53 người tụ họp tổ chức sinh nhật
Ngày 12/7, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến 53 nam nữ thanh niên tụ họp tổ chức sinh nhật vào tối 10/7. Cụ thể:
- Xã Bù Nho xử phạt 45 cá nhân về hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia phòng dịch và người có nguy cơ mắc dịch, mức phạt 2 triệu đồng/người; 6 trường hợp có độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi bị phạt 1 triệu đồng/người; 2 trường hợp bị xử phạt cảnh cáo do chưa đủ 16 tuổi.
- Huyện Phú Riềng xử phạt vi phạm hành chính chủ quán nhậu hải sản Chương BP (xã Bù Nho) 10 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà 2 đơn vị trên xử phạt đối với cá nhân và tổ chức là 106 triệu đồng.
Trước đó, tối 10/7, tại quán nhậu hải sản Chương BP (thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho) diễn ra buổi tiệc sinh nhật của một thanh niên trên địa bàn với sự tham gia của nhiều người.
Qua kiểm tra, giới chức ghi nhận 53 nam, nữ thanh niên đang dự tiệc sinh nhật tại quán. Trong số này, nhiều người đến từ các địa phương đang có ca dương tính trong tỉnh như H.Bù Gia Mập, Hớn Quản, TP.Đồng Xoài, TX.Phước Long. Ngoài ra, chủ quán nhậu không áp dụng các biện pháp phòng dịch như khuyến cáo.
Giới chức Bình Phước đã lập biên bản vi phạm hành chính, phun khử khuẩn tại quán nhậu hải sản, đồng thời test nhanh COVID-19 cho 53 trường hợp trên cho kết quả âm tính.
-
Giá xăng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm
Chiều 12/7, Liên Bộ Tài chính – Công Thương phát đi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.
Theo đó, từ 15h chiều cùng ngày, mức giá xăng dầu được niêm yết như sau:
- Xăng RON 95 tăng 867 đồng/lít, không quá 21,783 đồng/lít;
- Xăng E5 RON 92 tăng 850 đồng/lít, tối đa là 20,610 đồng/lít;
- Dầu diesel tăng 418 đồng/lít, giá bán 16,537 đồng/lít;
- Dầu hỏa tăng 452 đồng/lít, giá bán 15,503 đồng/lít;
- Dầu mazut tăng 221 đồng/kg, giá bán là 15,670 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, trích quỹ cho dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1,300 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 350 đồng/lít.
Như vậy, giá các mặt hàng trong nước có lần tăng giá thứ ba liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/5/2019. Giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 20,000 đồng một lít.
-
Trong tuần này, tốc độ Internet tại Việt Nam sẽ trở lại bình thường
Chia sẻ với truyền thông Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết, hiện trong các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam, chỉ còn tuyến AAG đang gặp lỗi và chưa khắc phục xong.
Dự kiến, đến ngày 17/7 tàu sửa chữa sẽ khắc phục lỗi của tuyến này. Khi đó, tốc độ truy cập quốc tế sẽ trở lại bình thường. Việc sửa chữa tuyến cáp AAG được thực hiện từ ngày 2/7, tuy nhiên trong quá trình này đơn vị quản lý tuyến cáp phát hiện thêm lỗi. Do vậy, thời gian hoàn tất sửa chữa phải kéo dài thêm 10 ngày, tới 17/7.
-
Bình Thuận hỗ trợ thanh long, hải sản cho TP. HCM và Bình Dương
Ngày 12/7, 4 xe tải xuất phát từ tỉnh Bình Thuận mang theo hải sản, nước mắm và thanh long vận chuyển về TP. HCM và tỉnh Bình Dương nhằm hỗ trợ cho người dân địa phương và các khu cách ly tập trung bị ảnh hưởng do COVID-19.
Tổng giá trị hàng hoá hỗ trợ khoảng 2 tỉ đồng gồm: 4 tấn cá tươi, 4 tấn cá khô, 7,200 lít nước mắm, 500 kg thanh long trắng sấy khô… Ngoài ra, chuyến hàng đợt này còn có 15 tấn thanh long được các doanh nghiệp hỗ trợ vào cho TP. HCM và Bình Dương.
Nội dung trưa 12/7:
|
-
Thêm 1,112 ca mắc mới, riêng TP. HCM có 879 ca
12h30 ngày 12/7, Bộ Y tế thông báo về 1,112 ca mắc mới COVID-19 (BN30479-31590) gồm 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh (5), Hải Phòng (1), Hoà Bình (1) và 1,105 ca trong nước tại TP. HCM (879), Đồng Nai (82), Tiền Giang (49), Đồng Tháp (38), Hà Nội (26), Phú Yên (9), Bắc Giang (7), Hưng Yên (7), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), Bình Phước (1), Sóc Trăng (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó, 998 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính từ 27/4 đến 12h30 ngày 12/7, Việt Nam có tổng cộng 28,086 ca bệnh, trong đó có 88 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
Hiện, TP. HCM và các tỉnh/thành phía Nam đang là điểm nóng COVID-19.
-
Hà Nội dừng hoạt động cắt tóc, gội đầu, nhà hàng chỉ được bán mang về
Ngày 12/7, chính quyền thành phố Hà Nội ra thông báo mới về việc áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu từ 00h ngày 13/7/2021:
- Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
- Dừng toàn bộ hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
- Kiểm soát toàn bộ người dân từ các tỉnh/thành trở về Thành phố.
- Người dân từ TP. HCM, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ, phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 tối đa 03 ngày trước khi trở lại TP. Hà Nội.
- Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại thành phố.
Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; hàng rong, trà đá vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch…; tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.
-
Thêm 4 ca tử vong tại Long An và Đồng Tháp
Sáng 12/7, Bộ Y tế thông báo về 4 ca tử vong mới, trong đó có 3 người ở Đồng Tháp và 1 trường hợp ở Long An, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam lên 123 trường hợp tính từ đầu mùa dịch, 88 ca trong đợt dịch thứ 4. Cụ thể như sau:
- Ca tử vong thứ 123 là BN19607 (nữ, 67 tuổi, ở huyện Cần Đước, Tỉnh Long An). Chiều tối 9/7, BN19607 tử vong sau 10 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: viêm phổi do Klebsiella kèm viêm phổi do COVID-19 trên bệnh nhân xơ gan mất bù, viêm gan B, xuất huyết tiêu hóa trên, suy tim, hạ Kali máu.
- Ca tử vong thứ 122 là BN19971 (nữ, 48 tuổi, nữ, ở TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ngày 8/7, BN19971 tử vong tại Bệnh viện Sa Đéc với chẩn đoán: viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân suy tim độ 3, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy thận mạn giai đoạn 5.
- Ca tử vong thứ 121 là BN17053 (nam, 74 tuổi, ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ngày 8/7, BN17053 tử vong tại Bệnh viện Sa Đéc với chẩn đoán: viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên trên bệnh nhân suy tim độ 3, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn giai đoạn 2, bắc cầu mạch vành.
- Ca tử vong thứ 120 là BN26658 (nam, 44 tuổi, ở TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ngày 8/7, BN26658 tử vong tại Bệnh viện Sa Đéc với chẩn đoán: viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân bội nhiễm, ung thư màng phổi, xơ gan.
-
Vietnam Airlines nối lại một số đường bay đến Úc, Đức, Anh, Nhật Bản
Theo tin Vietnam Airlines công bố ngày 12/7, từ tháng 7-10/2021, hãng này dự kiến sẽ mở lại các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và một số điểm đến tại châu Á, châu Âu và châu Úc. Cụ thể như sau:
Tại châu Úc, hãng dự kiến nối lại 2 đường bay gồm:
- Giữa TP. HCM và Sydney, vào thứ Năm, chủ nhật hàng tuần và chiều ngược lại vào thứ Ba, thứ Bảy hàng tuần. Bắt đầu từ ngày 15/7 đến 30/10;
- Giữa TP. HCM và Melbourne, vào thứ Ba hàng tuần và chiều ngược lại vào thứ Năm hàng tuần. Bắt đầu từ ngày 20/7 đến 30/10.
Tại châu Âu, hãng dự kiến mở lại đường bay giữa Hà Nội và Frankfurt (Đức), London (Anh). Cụ thể:
- Từ Hà Nội đến Frankfurt: lịch bay dự kiến vào ngày 25/7, 28/7 và 21/8; chiều ngược lại vào ngày 26/7, 29/7 và 22/8;
- Từ Hà Nội đến London: lịch bay dự kiến vào ngày 13/8 và 2/9; chiều ngược lại vào ngày 14/8 và 3/9.
Tại châu Á, hãng khai thác trở lại đường bay giữa Hà Nội và Tokyo (Nhật Bản) vào thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần, từ ngày 17/7 đến 30/10, .
Ngoài ra, hãng mở thêm đường bay giữa TP. HCM và Bangkok (Thái Lan) vào thứ Tư hàng tuần; đường bay từ Tokyo (Nhật Bản) đến TP. HCM vào thứ Năm hàng tuần. 2 đường bay này bắt đầu hoạt động lại từ ngày 1/8 đến 30/10.
Theo Vietnam Airlines, tất cả chuyến bay quốc tế trong giai đoạn này đều được thực hiện với dòng máy bay Boeing 787 và Airbus A350 trên chặng bay đường dài đến châu Âu và Úc.
-
Gần 17,000 công nhân Công ty Pouchen Việt Nam nghỉ 14 ngày để phòng dịch
Ngày 12/7, Công ty Pouchen (phường Hoá An, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai) đã cho toàn thể công nhân (gần 17,000 người) nghỉ phép thời hạn 14 ngày, tính từ 11/7 do tại một số phân xưởng của Công ty ghi nhận 2 ca dương tính COVID-19.
Trong thời gian nghỉ phép, công nhân vẫn sẽ được nhận lương theo quy định lương tối thiểu vùng. Riêng các đối tượng đặc biệt như bảo vệ, phòng cháy chữa cháy… sẽ làm việc theo sự sắp xếp của lãnh đạo đơn vị.
Cũng trong sáng cùng ngày 12/7, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận thêm 93 trường hợp dương tính mới, thêm nữ bệnh nhân 29 tuổi tại thành phố Biên Hòa tử vong với chẩn đoán ban đầu là theo dõi thuyên tắc phổi do COVID-19.
Trước đó, ngày 7/7, Đồng Nai có ca tử vong đầu tiên do COVID-19 là bệnh nhân nữ, 48 tuổi tại huyện Thống Nhất trên nền các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì.
Tính từ 27/4 đến sáng 12/7, tổng số ca nhiễm tại Đồng Nai là 376 ca, số ca tử vong là 2 ca.
-
TP. HCM yêu cầu không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 trong khu vực nội thành
Trưa 12/7, trong thông báo gửi đến các Sở, ban ngành, Ban quản lý (BQL) các Khu chế xuất và công nghiệp, BQL Khu Công nghệ cao trên địa bàn về việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, chính quyền TP.HCM khẳng định, không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi thành phố do nhu cầu thật sự cần thiết.
Chính quyền địa phương tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp ra đường mà không có lý do chính đáng.
-
Hà Nội tìm người tại 8 địa điểm liên quan các ca dương tính COVID-19
Sáng 12/7, CDC Hà Nội thông báo tìm người tại 8 địa điểm liên quan đến các ca dương tính mới là người về từ TP. HCM và nhiều địa điểm nằm ở trung tâm thành phố. 8 địa điểm gồm: chuyến xe Bus số 68 từ Sân bay Nội Bài về Hà Nội và 7 địa điểm ở quận Hai Bà Trưng, cụ thể theo bảng dưới đây:
Trong thông báo, CDC Hà Nội khuyến cáo những người từng đến 8 địa điểm vào thời gian như trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, Trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng.
Trong 2 ngày xét nghiệm sàng lọc người về từ TP. HCM, Hà Nội đã phát hiện 18 trường hợp dương tính COVID-19 tại Quốc Oai (8), Hai Bà Trưng (5), Ứng Hòa (3), Hoàng Mai (1), Nam Từ Liêm (1).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 317 ca mắc, trong đó, riêng từ ngày 5/7 tới nay có 59 trường hợp.
-
Nha Trang phát phiếu đi chợ, dừng hoạt động các bến cá
Sáng 12/7, Chủ tịch thành phố Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, sẽ phát phiếu đi chợ cho mỗi gia đình với tần suất 3 ngày/lần để giảm thiểu tình trạng người tập trung đông.
Theo đó, chính quyền các xã/phường sẽ in phiếu đến từng khu phố, cấp phát cho các gia đình, học sinh, sinh viên, người làm việc thuê nhà. Các chợ bố trí người thu lại phiếu, lưu giữ theo ngày để điều tra dịch tễ khi cần. Chợ truyền thống chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, các lối đi phụ ở chợ sẽ bị đóng.
Ngoài ra, từ ngày 12/7, tạm dừng hoạt động tất cả bến cá dân sinh trên địa bàn Nha Trang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Đồng thời, thành phố này cũng kiến nghị kéo dài thời gian tạm dừng hoạt động cảng cá Hòn Rớ cho đến khi hết giãn cách xã hội.
Từ ngày 23/6 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 277 ca dương tính COVID-19.
Nội dung sáng 12/7:
|
-
Thêm 662 ca mắc mới, 181 ca ngoài khu cách ly, phong tỏa
6h ngày 12/7, Bộ Y tế thông báo về 662 ca mắc mới COVID-19 (BN29817-30478) gồm 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Vĩnh Long (2), An Giang (1) và 659 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (544), Tiền Giang (43), Khánh Hòa (27), Vĩnh Long (26), An Giang (8), Bình Phước (5), Phú Yên (4), Huế (1), Nghệ An (1); trong đó, 478 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Trước đó, 19h ngày 11/7, Bộ Y tế thông báo về 713 ca, nâng ca mắc mới COVID-19 trong ngày lên 1,953 ca với 1,945 ca trong nước, trong đó, 1,361 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 12/7, Việt Nam có tổng cộng 26,981 ca bệnh, 84 ca tử vong liên quan COVID-19. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Bắc Thăng Long ở Hà Nội dương tính COVID-19
Tối 11/7, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận một nhân viên điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) dương tính với COVID-19 tên N.T.M.L (nữ, sinh năm 1984, là điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm).
Trước đó, từ ngày 24/6-7/7, nữ điều dưỡng tham gia điều trị các trường hợp F0 tại bệnh viện. Ngày 11/7, người này làm xét nghiệm, kết quả dương tính với COVID-19.
Qua truy vết, xác định được 3 trường hợp F1 đã được cách ly tập trung và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Trước đó, tối cùng ngày, CDC Hà Nội cũng thông báo về 2 trường hợp dương tính mới với COVID-19 đều là nữ, cùng làm việc tại phân xưởng Mounting-F1, Công ty SEI (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), là F1 của BN28475 và BN28476.
Như vậy, tính từ ngày 5/7 đến tối 11/7, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 50 ca dương tính, trong đó, 24 ca liên quan đến chùm ca bệnh tại Công ty SEI.
-
Hà Nội cách ly y tế thôn có 2 ngàn dân liên quan chùm 5 ca bệnh trong một gia đình
Ngày 12/7, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã phong tỏa, cách ly y tế đối với thôn Kinh Đào, nơi ở của gia đình có 5 ca nhiễm COVID-19, đồng thời truy vết, đưa hơn 100 F1 đi cách ly tập trung để theo dõi.
Sáng 12/7, tại các tuyến đường, ngõ nhỏ hướng vào thôn Kinh Đào (với 2 ngàn dân) đều có các chốt kiểm soát người ra vào, các tuyến đường trong làng đều vắng bóng người qua lại, mọi người dân được yêu cầu ở yên trong nhà khi không có việc thực sự cần thiết. Việc giao dịch, mua bán đồ dùng thiết yếu đều phải giữ khoảng cách qua hệ thống hàng rào cách ly.
Mọi người dân trong thôn chỉ được ra ngoài đi lấy đồ đạc, thực phẩm từ người thân bên ngoài gửi vào khi có sự cho phép của giới chức.
Qua truy vết trên toàn địa bàn huyện, đến nay xác định được 145 F1, 1,119 F2 và 1,536 F3 liên quan đến các ca nhiễm sinh sống ở tại 18/22 xã, thị trấn.
-
Cần Thơ, Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày
Từ 0h hôm nay (ngày 12/7), thành phố Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày để phòng dịch COVID-19 cụ thể như sau:
- Giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 với 2 quận trung tâm là Ninh Kiều và Cái Răng;
- Các quận/huyện còn lại giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Theo đó, người dân thành phố được khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng dịch.
Tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 12/7 trong 15 ngày (ngoại trừ H.Tân Phú Đông – cồn biệt lập thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15).
Tại khu vực giãn cách, tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu và các chợ không đảm bảo tiêu chí về an toàn trong phòng dịch. Người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, khi ra khỏi nhà phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác…
Ngoài ra tại tỉnh Bình Dương, cũng từ hôm nay (12/7), thêm 2 địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng nâng số địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị này lên 7/9 gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, H.Bàu Bàng, H.Dầu Tiếng. 2 huyện còn lại của Bình Dương chưa áp dụng Chỉ thị 16 là Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.
-
Bà Rịa-Vũng Tàu dừng tiếp nhận người đến từ nơi đang áp dụng Chỉ thị 16
Từ 0h ngày 12/7, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu áp dụng bổ sung các biện pháp phòng dịch gồm:
- Không tiếp nhận người về từ những nơi đang áp dụng Chỉ thị 16 (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cấp cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở vật liệu sản xuất.
- Chỉ tiếp nhận người về từ TP. HCM theo danh sách, phương án vận chuyển đã thống nhất giữa tỉnh với TP. HCM.
Theo đó, những người này khi về tỉnh được yêu cầu:
- Phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương;
- Tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo;
- Phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
-
Long An tạm dừng hoạt động công ty, doanh nghiệp từ hôm nay
Ngày 11/7, tỉnh Long An quyết định buộc các công ty, doanh nghiệp đã ghi nhận F0, F1 phải dừng hoạt động ngay để tập trung truy vết và khoanh vùng cách ly. Các công ty, doanh nghiệp còn lại cũng phải tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 12/7.
Các trường hợp đặc biệt vì nhiệm vụ phòng thiên tai, an ninh quốc phòng và tình huống khẩn cấp khác, cần báo Chủ tịch tỉnh.
Cũng từ 0h hôm nay (12/7), các xe và người qua lại giữa địa bàn Long An và các tỉnh giáp ranh được kiểm soát chặt. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, các xe còn lại sẽ không được ra, vào địa bàn tỉnh.
Long An có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230 ngàn công nhân. Mỗi ngày có hơn 36 ngàn công nhân ở tỉnh này đến TP. HCM làm việc. Ngược lại, hơn 20 ngàn công nhân từ TP. HCM và các địa phương lân cận khác đến Long An làm việc.
Đến nay, Long An ghi nhận 393 ca COVID-19 trong cộng đồng được cấp mã số, 4 ca tử vong. 15 huyện/thị/thành trên địa bàn tỉnh đều đã xuất hiện ca nhiễm với 3,600 F1, 17 ngàn F2 và gần 25 ngàn F3. Tỉnh xuất hiện 13 chùm lây nhiễm đều liên quan đến yếu tố dịch tễ từ TP. HCM.
Trước đó, từ 0h ngày 8/7, tỉnh Long An áp dụng giãn cách xã hội tại TP. Tân An và 4 huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc theo Chỉ thị 16; 10 địa phương còn lại thực hiện Chỉ thị 15.
-
Vàng thế giới giảm nhẹ đầu tuần, dự báo?
Trong phiên giao dịch vào lúc 6h45 hôm thứ Hai (12/7, giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0.07% xuống 1,806.6 USD/ounce, theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0.19% xuống 1,807.2 USD.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch này vì áp lực từ sự phục hồi của lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ, theo đó làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1,807.9 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 50.35 triệu đồng/lượng. Tính chung trong một tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 28 USD/ounce.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56.75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56.75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.57 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP. HCM, chiều bán ra là 57.50 triệu đồng/lượng.
Như vậy, hiện giá vàng tại Việt Nam có mức chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Trong tuần tới giá vàng thế giới sẽ diễn biến ra sao?
Tình hình cho thấy, dù giá vàng thế giới đã vững trên ngưỡng 1,800 USD/ounce nhưng dòng tiền lớn vẫn chưa trở lại thị trường. Do vậy vàng vẫn chưa bứt phá ra khỏi vùng 1,800 USD/ounce để tiến tới một vùng giá mới tăng bật hẳn lên.
Hướng Dương tổng hợp
Xem thêm