Tin Việt Nam ngày 12/7: Grab bị yêu cầu giải trình việc thu phụ phí; sầu riêng xuất cảng chính ngạch sang Trung Quốc
Bộ Công Thương yêu cầu Grab giải trình việc thu phụ phí nắng nóng
Liên quan đến khoản phụ thu phí nắng nóng, hôm 11/7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Grab cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện được cộng trực tiếp vào giá cước.
Ngoài ra, Grab cũng bị yêu cầu cung cấp thông tin về căn cứ, cơ sở áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa hãng và lái xe… Mọi thông tin được yêu cầu gửi về Cục trước ngày 18/7.
Trước đó, Grab công bố, từ ngày 6/7, tại Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh, thành khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế…, hãng sẽ thu thêm “phụ phí nắng nóng” 5,000 đồng với mỗi chuyến GrabBike và với mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Với dịch vụ Grab Express, mức phí này là 3,000 đồng/đơn hàng.
Cũng theo thông báo, phụ phí sẽ được cộng dồn trực tiếp vào màn hình hiển thị giá trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến. Ngoài ra, Grab cũng thu thêm một số loại phí và phụ phí như: phụ phí khi mưa lớn, phụ phí kẹt xe, phí chờ đợi.
Đáng chú ý, phía Grab không công bố chi tiết điều kiện áp dụng mà chỉ nói chung “phụ phí sẽ được áp dụng khi thời tiết nắng nóng gay gắt”. Chính sách này sau khi công bố đã gặp nhiều sự chỉ trích từ cả tài xế và người dùng do phía hãng không nêu rõ tiêu chí xác định nắng nóng…
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết, hiện dịch vụ vận tải chưa được định giá, do đó Grab phải kê khai giá cước với đơn vị quản lý và thực hiện đúng chính sách đặt ra.
Trong trường hợp giá kê khai có bất thường, Grab có trách nhiệm giải trình, làm rõ trước đơn vị quản lý.
Công ty Phân bón Miền Nam lại bị phạt tiền
Hôm 11/7 tại Sài Gòn, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố cho biết, Công ty Phân bón Miền Nam (mã chứng khoán: SFG) bị phạt 85 triệu đồng.
Nguyên nhân Công ty này bị phạt là do không công bố thông tin theo quy định về việc ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính trong 2 năm 2019 và 2020. Ngoài ra, về báo cáo thường niên năm 2019, doanh nghiệp này đã công bố thông tin không đúng thời hạn quy định.
Công ty Phân bón Miền Nam có trụ sở tại phường 5, quận 3. Trước đó, Công ty trực thuộc Bộ Công Thương – Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Đến năm 2010, Công ty cổ phần hoá và được đổi tên.
Vào cuối tháng 5/2022, Công ty bị phạt gần 38 triệu đồng do khai sai thuế và phải nộp hơn 190 triệu đồng tiền truy thu và chập nộp thuế.
Theo báo cáo tài chính quý 1 năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của SFG tăng gần 159 tỷ đồng, đạt 139% so với cùng thời kỳ năm 2021. Trong đó, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 28 tỷ đồng, tăng gần 26 tỷ đồng.
Sầu riêng chính thức xuất cảng chính ngạch sang Trung Quốc
Hôm 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất sang Trung Quốc.
Có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày ký, Nghị định thư này sẽ được gửi để phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trên website cùng với danh sách các vùng trồng của Việt Nam cũng như cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất cảng.
Theo đó, sầu riêng Việt sẽ được nhập qua tất cả cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép. Khi tới cửa khẩu, hải quan nước này sẽ kiểm tra hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm dịch.
Những lô hàng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói từ Việt Nam mà không đăng ký sẽ không được nhập vào Trung Quốc.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, đến cuối năm 2021, sản lượng sầu riêng của Việt Nam ước đạt 642,600 tấn, tăng 15% so với năm 2020.
Trước đó, ở nhiều nước trên thế giới, sầu riêng Việt được xuất cảng chủ yếu dưới dạng múi đã tách vỏ hoặc được cấp đông. Sau khi Nghị định thư trên được công bố trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sầu riêng Việt sẽ được xuất cảng dạng quả tươi.
Như vậy, cùng với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt và chanh leo; sầu riêng là loại quả thứ 11 của Việt Nam xuất vào Trung Quốc.
Hơn 800 căn nhà ở miền Tây bị hư hại do mưa lốc, triều cường
Tại tỉnh Cà Mau, theo thống kê từ Ban chỉ huy ứng phó thiên tai, trong 3 ngày qua tính đến 11/7, mưa giông kèm lốc xoáy đã làm sập, tốc mái hơn 750 nhà dân, hơn 340 hecta lúa, hoa màu bị ngập úng, một tàu cá bị chìm, một ngư dân tử vong. Tổng thiệt hại ước tính 6 tỷ đồng, trong đó, các khu vực bị ảnh hưởng nhiều là huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân và Đầm Dơi.
Ngoài ra, triều cường dâng cao khoảng 1.7 m, kèm sóng lớn tại đây đã làm sạt lở ở hơn 120 m đê biển Tây ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Theo đại diện Hạt quản lý đê, những đoạn đê bị sạt lở không còn rừng phòng hộ.
Đáng chú ý, đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài khoảng 108 km, có vị trí trọng yếu phòng hộ hơn 90,000 hecta đất nông nghiệp và hàng ngàn gia đình sinh sống.
Trong khi đó tại Kiên Giang, những ngày qua mưa giông kèm lốc xoáy khiến gần 50 căn nhà tại các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng bị sập, tốc mái, thiệt hại ước tính 3 tỷ đồng.
Còn tại Bạc Liêu, thời tiết xấu cũng làm 25 nhà dân ở huyện Phước Long, Hồng Dân và Đông Hải, Hoà Bình bị hư hại.
Cảnh báo mưa lớn, triều cường khu vực Nam Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 12/7, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, tại khu vực biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, biển động mạnh, sóng cao từ 3-5 m.
Cơ quan khí tượng nhận định, mùa mưa năm 2022 người dân cần lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc xoáy, sấm sét và gió giật mạnh, mưa lớn gây ngập cục bộ ở vùng trũng, thấp.
Đặc biệt vào những tháng cuối năm, bão, áp thấp nhiệt đới diễn ra với tuần suất nhiều hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Nam Bộ, triều cường kết hợp mưa lớn, mực nước có khả năng lên cao gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.