Tin Việt Nam ngày 02/09: Tiếp nhận 26 công dân được giải cứu khỏi sòng bạc ở Campuchia; Kon Tum thêm 7 trận động đất
Tiếp nhận 26 công dân được giải cứu khỏi sòng bạc ở Campuchia
Hôm 01/09 tại Phnom Penh, Campuchia, 26 công dân Việt đã được đưa về nước qua cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Trong số những người về từ Campuchia có 11 người được giải cứu từ sòng bài liên quan vụ 42 người bỏ trốn, vượt sông Bình Di ngày 18/08.
Trước đó, hôm 26/08 tại Campuchia, 63 lao động Việt cũng đã được giải cứu và được đưa về nước vào chiều 29/08.
Như vậy đến nay, hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp sang Campuchia đã được đưa về Việt Nam an toàn.
Hiện phía Việt Nam đang đề nghị Campuchia không xử phạt hành chính đối với những trường hợp bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép.
Kon Tum thêm 7 trận động đất trong một ngày
Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, từ 9h sáng đến 18h30 chiều ngày 01/09, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có thêm 7 trận động đất liên tiếp.
Đáng chú ý, trong số 7 trận động đất có trận mạnh 4.1 độ Richter, xảy ra lúc 13h39 cùng ngày, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Các trận khác có độ lớn từ 2.7 đến 3.9 độ, độ sâu chấn tiêu từ 8-8.2 km.
Như vậy, đây là ngày thứ 10 khu vực này liên tục xảy ra dư chấn sau trận động đất ngày 23/08, gây rung động cho vùng chấn tâm và các vùng lân cận ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ông Phạm Thế Truyền, phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, trận động đất ngày 23/08 với cường độ mạnh 4.7 độ Richter tương đương với động đất xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 năm 2012.
Theo thang đo richter, trận động đất mạnh trên 4 độ có thể khiến đồ vật trong nhà rung lắc, nguy cơ gây thiệt hại.
Đà Lạt: Phố thành sông sau mưa lớn kéo dài
Vào khoảng 15h hôm 01/09, tại thành phố Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện trận mưa lớn kèm gió mạnh. Mưa lớn kéo dài khiến nước từ các đỉnh đồi đổ về gây ngập nặng.
Khu vực ngập nặng nhất là đường Phan Đình Phùng, nước dồn về suối Cam Ly kéo theo nhiều bùn đỏ, rác thải, sau đó nước dâng tràn khiến tuyến đường này ngập nặng khoảng 30 phút. Nhiều nhà dân, khách sạn bị ngập sâu đến 1 mét, mọi hoạt động kinh doanh, sinh hoạt bị ngưng trệ, giao thông tê liệt.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường khác ở thành phố Đà Lạt cũng bị ngập nặng như: Cách Mạng Tháng Tám, Cam Ly, Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân…; ảnh hưởng đến hoạt động của ngành du lịch, kinh doanh trong ngày đầu kỳ nghỉ dịp 02/09.
Đến hơn 17h cùng ngày, nước ngập đã rút bớt, người dân lưu thông trở lại. Các khu vực bị ngập đều có đặc điểm chung là nằm dọc suối Cam Ly, vốn là con suối chảy qua nhiều khu vực ở Đà Lạt.
WMO cảnh báo hiện tượng thời tiết hiếm gặp
Hôm 31/08, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, ở phía đông và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương, hiện tượng La Nina đang tăng cường.
Theo ông Petteri Taalas, Tổng giám đốc WMO, 3 năm liên tiếp có La Nina là hiện tượng rất hiếm gặp. Tác động làm mát của nó đang làm chậm đà tăng của nhiệt độ toàn cầu, tuy nhiên điều này không có nghĩa là tình trạng ấm lên toàn cầu đang giảm bớt.
La Nina là hiện tượng nhiệt độ bề mặt biển mát hơn trên diện rộng, dẫn đến thay đổi mô hình thời tiết trên toàn thế giới. Ở một số khu vực của Thái Bình Dương gần xích đạo, La Nina là hiện tượng tự nhiên mang tính chu kỳ.
Trên Đại Tây Dương, La Nina thường gây ra nhiều trận bão lớn hơn so với các vùng khác. Còn ở miền Tây Hoa Kỳ, La Nina khiến ít mưa và cháy rừng nhiều hơn. Với miền Trung Mỹ quốc, hiện tượng này gây thiệt hại mùa màng nhiều hơn.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.