Tin tặc Trung Quốc tiết lộ cách giúp Bắc Kinh đánh cắp bí mật của nước ngoài
Một tin tặc Trung Quốc đã tiết lộ cách ông ta thay mặt cho chế độ cộng sản tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các chính phủ, các công ty và các nhóm bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Hành động này đã cuốn phăng tấm màn che chắn thế giới bí mật của các hoạt động gián điệp mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ.
Người tố giác này, đã nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện giấu tên, là một quan chức an ninh mạng cao cấp tại một công ty công nghệ có tên An Trí Dịch Đạt Nam Kinh (Nanjing Anzhiyida Technology Ltd) ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Ông ta cho biết ở phía sau công ty này bị kiểm soát bởi các quan chức cao cấp của Trung Cộng, họ là những người sử dụng nó như một vỏ bọc để thực hiện các cuộc xâm nhập mạng phức tạp được gọi là “các cuộc tấn công có chủ đích” (Advanced Persistent Threats – APT) để đánh cắp các bí mật thương mại từ các mục tiêu nước ngoài. Các cuộc tấn công APT được thiết kế để giành được quyền truy cập vào một hệ thống và không bị phát hiện trong một thời gian dài, trong khi ăn cắp một luồng dữ liệu ổn định.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có “nhu cầu rất lớn” đối với các hoạt động APT, và đã tạo ra một “chuỗi công nghiệp lâu bền”, người tố giác nói.
“Ví dụ, có nhiều nhà đóng tàu nước ngoài có các công nghệ tiên tiến, hoặc Học viện Khoa học Trung Quốc cần một số công nghệ cao từ nước ngoài. Khi ấy họ sẽ truy cập vào các tài khoản email của họ để lấy [thông tin],” ông ta nói. Công nghệ này “sau đó ngay lập tức trở thành công nghệ của Trung Cộng,” ông ta nói thêm.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, chế độ Trung Cộng đã phát động một chiến dịch gián điệp mạng táo bạo, khai thác cả các tin tặc nhà nước và phi nhà nước để đánh cắp thông tin cá nhân và thương mại nhạy cảm từ một loạt các mục tiêu ở nước ngoài: các chính phủ, các công ty và các nhà hoạt động chỉ trích Trung Cộng. Trong những năm gần đây, các công tố viên liên bang đã công bố một số cáo trạng đối với các tin tặc Trung Quốc có quan hệ với cơ quan tình báo hàng đầu của chế độ đó, Bộ An ninh Nhà nước (MSS).
Kinh doanh sinh lợi
Trên giấy tờ, An Trí Dịch Đạt là một công ty công nghệ chuyên về nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo cho các cơ quan an ninh và pháp luật của chế độ Trung Cộng.
Nhưng công ty này cũng có một nhiệm vụ bí mật: tiến hành các cuộc xâm nhập APT vào một loạt các mục tiêu, các hoạt động mà người tố giác có tham gia sâu vào. Ông ta cho biết, công việc này được thực hiện dưới sự chỉ đạo cuối cùng của Chánh văn phòng mới bị cách chức của Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô (PLAC). PLAC là một cơ quan quyền lực của Đảng giám sát bộ máy an ninh của quốc gia, bao gồm cảnh sát, các tòa án, và các nhà tù.
Hồi cuối tháng 10, cơ quan chống tham nhũng của chế độ Trung Cộng tuyên bố đã mở cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Vương, ông này cũng là thành viên cốt cán của Tỉnh ủy Giang Tô. Cơ quan này cho biết, hôm 24/10, ông Vương đã tự nộp mình cho nhà cầm quyền để thẩm vấn.
Trong khi theo hồ sơ đăng ký công ty, An Trí Dịch Đạt liệt kê cổ đông duy nhất của họ là một người tên Jiang Peng, nhưng trên thực tế công ty này được quản lý bởi một phụ nữ 34 tuổi tên Qiu Peipei do ông Vương ủy quyền, theo người tố giác. Ông ta cũng nói thêm rằng chồng của cô Qiu là Liu Bin, giám đốc trung tâm chỉ huy dữ liệu lớn của cục an ninh công cộng tỉnh Giang Tô, ông đó cũng ủy thác công việc cho công ty này.
Cô Qiu đã ra lệnh cho người tố giác tiến hành các cuộc tấn công APT nhắm vào các chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công việc mà quá khó khăn đối với các hacker mạng đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Những công việc này đã mang lại cho những người bảo trợ quyền lực của công ty những lợi tài chính to lớn.
“Họ để lại tất cả các trang web khó xâm nhập cho chúng tôi, chúng là những trang web mà cảnh sát, an ninh quốc gia của Trung Quốc hoặc Bộ Tổng tham mưu của Quân Giải phóng Nhân dân đã thất bại trong việc xâm nhập,” ông ta nói.
Theo người tố giác, công ty này đã đầu tư các nguồn lực khổng lồ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh APT, và kiểm soát một mạng lưới các công ty an ninh mạng để thực hiện các cuộc tấn công.
Nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công
Ngoài mục đích lợi nhuận, các quan chức còn ra lệnh cho công ty này tiến hành các vụ tấn công nhằm trục lợi chính trị: bằng cách nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công trong nước và các trang web của Pháp Luân Công ở nước ngoài.
Tại Trung Quốc, những người theo học Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ Trung Cộng đàn áp, thường xuyên bị nhà cầm quyền theo dõi, sách nhiễu, giam giữ, và bỏ tù nhằm cố gắng buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình.
Các tin tặc đã thực hiện những cuộc tấn công APT để tìm ra địa chỉ IP của các học viên Pháp Luân Công, sau đó có thể sử dụng địa chỉ này để truy tìm và bắt giữ họ.
“Bởi vì ở Trung Quốc, mọi kết nối băng thông rộng đều yêu cầu xác thực tên thật. Với địa chỉ IP của một người nào đó được sử dụng để lướt web, bạn có thể tìm thấy địa chỉ nhà riêng, thông tin cá nhân, và số điện thoại di động của người dùng internet đó,” ông ta nói.
Công ty này cũng được thưởng một khoản tiền cho mỗi học viên Pháp Luân Công bị bắt, người tố giác nói thêm.
Ngoài ra, ông ta nói, công ty này còn được giao nhiệm vụ xâm nhập vào các trang web của Pháp Luân Công, các trang web khác và các tài khoản email của những người chỉ trích chế độ. Công việc này được thực hiện với sự phối hợp của MSS chi nhánh tỉnh Giang Tô (còn được gọi là JSSD) và các công ty mạng khác do JSSD kiểm soát.
Người tố giác cho biết ông Vương và Liu đã tổ chức các công ty mạng mà họ kiểm soát để tạo ra một cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của các học viên Pháp Luân Công, với hy vọng thu được những lợi thế chính trị và lợi nhuận tài chính khổng lồ.
“Nếu máy quay phim ở trên đường có tính năng nhận dạng khuôn mặt, giả sử học viên Pháp Luân Công mà họ muốn bắt đang đi bộ trên đường. [Với cơ sở dữ liệu này] khuôn mặt có thể được nhận ra ngay tức thì, và họ có thể bị bắt ngay lập tức,” ông ta nói.
“Đội quân tin tặc”
Người tố giác mô tả hầu hết các tin tặc Trung Quốc là những người trẻ sinh sau năm 1990 hoặc 2000. Một phần lớn trong số họ được tuyển dụng bởi các quan chức ĐCSTQ như ông Vương, Liu hoặc những người được họ uỷ quyền như cô Qiu.
Ông Liu hoặc cô Qiu sẽ liên hệ với những tin tặc này, áp dụng cách tiếp cận cây gậy và củ cà rốt để bắt họ chấp nhận công việc, sử dụng những lời dụ dỗ như: “Điều này tốt cho đất nước của chúng ta”, “Bạn sẽ được cấp một danh tính: đặc vụ.”
Nếu họ chống lại, thì sẽ có những lời đe dọa, như “Nếu không làm điều này, bạn sẽ có kết cục là ngồi tù,” người tố giác nói.
Ông ta cũng nói rằng quy mô của “đội quân tin tặc” chính thức của chế độ Trung Cộng không lớn như người ta đồn đại.
“Trung Cộng đơn giản là không đủ khả năng để thuê họ, và bản thân các tin tặc cũng không muốn làm việc trong hệ thống đó về lâu về dài”.
Thay vào đó, chế độ này phụ thuộc nhiều vào mạng lưới các công ty an ninh mạng bán chính thức như An Trí Dịch Đạt để thực hiện các cuộc tấn công.
Giang Tô: Một ổ nóng gián điệp
Gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một số vụ truy tố xoay quanh cáo buộc gián điệp mạng và kinh tế do JSSD dàn xếp.
Tháng 9/2018, Ji Chaoqun, 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đã bị bắt tại Chicago với cáo buộc đã bí mật làm việc cho một quan chức cấp cao của JSSD để giúp cố gắng tuyển dụng các kỹ sư và các nhà khoa học. Người điều khiển của anh ta được cho là Xu Yanjun, phó giám đốc bộ phận tại JSSD.
Vài tuần sau, Xu bị dẫn độ từ Bỉ sang Hoa Kỳ với cáo buộc đã âm mưu và cố gắng thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp các bí mật thương mại từ nhiều công ty hàng không và hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ.
Sau đó, vào tháng 10, Bộ này đã công bố một cáo trạng chống lại 10 công dân Trung Quốc, bao gồm hai quan chức JSSD và sáu tin tặc làm việc dưới sự chỉ đạo của JSSD. Các quan chức JSSD bị cáo buộc dẫn đầu một âm mưu đánh cắp các thiết kế động cơ phản lực cánh quạt đang được phát triển thông qua sự hợp tác giữa một nhà sản xuất hàng không vũ trụ Pháp và một công ty hàng không vũ trụ có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Gu Xiaohua và He Jian.