Tín hiệu suy thoái tăng cường khi thước đo kinh tế quan trọng giảm trong tháng thứ 17 liên tiếp
Một chỉ số kinh tế quan trọng giúp dự đoán các cuộc suy thoái đã giảm vào tháng Tám trong tháng thứ 17 liên tiếp, cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Những tiếng trống suy thoái đang đập mạnh hơn khi thước đo kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ do Conference Board đưa ra đã giảm trong tháng thứ 17 liên tiếp, với nguyên nhân chính là việc Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh mẽ.
Hôm 21/09, Conference Board cho biết, Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI), là thước đo hướng tới tương lai bao gồm 10 chỉ số riêng lẻ, đã giảm 0.4% trong tháng Tám. Số liệu mới nhất này đưa tổng mức giảm trong sáu tháng lên 3.9% trong thước đo LEI, được thiết lập để dự đoán sự thay đổi chu kỳ kinh doanh, bao gồm cả suy thoái.
Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cao cấp về Chỉ số Chu kỳ Kinh doanh, tại The Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “Với sự sụt giảm trong tháng Tám, Chỉ số Kinh tế Hàng đầu của Hoa Kỳ hiện đã giảm gần một năm rưỡi liên tiếp, cho thấy nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng đầy thách thức và có thể suy thoái trong năm tới.”
Bà nói rằng chỉ số dẫn đầu đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi số lượng đơn đặt hàng mới yếu, làm giảm kỳ vọng của người tiêu dùng về điều kiện kinh doanh trong tương lai, điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn, và việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh mẽ.
Bà nói: “Tất cả những yếu tố này cho thấy rằng hoạt động kinh tế trong tương lai có thể sẽ giảm tốc và trải qua một đợt suy thoái ngắn nhưng nhẹ.”
Conference Board kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 2.2% vào năm 2023 và sau đó giảm xuống 0.8% vào năm 2024.
Suy thoái kép?
Hoa Kỳ đã trong suy thoái một thời gian, với một số nhà phân tích cho rằng nước Mỹ đã rơi vào tình trạng suy thoái vào năm ngoái — và sắp xảy ra một đợt suy thoái khác.
Hai quý đầu năm 2022 đã chứng kiến sản lượng kinh tế của Mỹ giảm ở mức 1.6% hàng năm trong quý từ tháng Một đến tháng Ba và ở mức 0.6% hàng năm từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Theo một định nghĩa chung về suy thoái (hai quý tăng trưởng âm liên tiếp), điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ đã rơi vào một cuộc suy thoái.
Hiện tại, dự báo (nowcasting) GDP của Fed ở Atlanta, một ước tính tăng trưởng kinh tế theo thời gian thực cho thấy nền kinh tế tăng trưởng ở mức 4.9% trong quý 3 năm 2023, dường như còn rất xa so với vùng suy thoái.
Nhà phân tích kinh tế Mike “Mish” Shedlock, người có blog được liệt kê trong số 25 blog tài chính hàng đầu của tạp chí Time, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng ông nhận thấy một cuộc suy thoái kép sắp xảy ra.
Suy thoái kép là khi một cuộc suy thoái kéo theo một giai đoạn phục hồi ngắn ngủi — trước khi chuyển sang tiêu cực và một lần nữa rơi vào vùng suy thoái.
“Chúng ta chưa bao giờ có những chỉ số như thế trong thời gian dài như vậy, mà nền kinh tế đang không suy thoái. Chu kỳ,” ông Shedlock nói khi được yêu cầu bình luận về các chỉ số kinh tế hàng đầu mới nhất từ The Conference Board, đồng thời nói thêm rằng ông tin rằng nhiều nhà kinh tế nhìn thấy điềm báo trước cho thấy một sự suy giảm nhưng “họ ngại nói ra ngay bây giờ.”
Ông Shedlock đã nêu ra một thước đo thay thế gọi là GDPplus, do các nhà kinh tế tại Fed Philadelphia phát triển khoảng một thập niên trước, kết hợp một thước đo ít được sử dụng gọi là tổng thu nhập quốc nội (GDI) để ước tính hoạt động kinh tế theo thời gian thực.
Ông nói: “Trong thời kỳ suy thoái, tổng thu nhập quốc nội thường tốt hơn nhiều so với hai thước đo này.”
Các con số của Fed Philadelphia, thể hiện tốc độ tăng trưởng theo quý, cho thấy GDI âm trong quý 4 năm 2022 (âm 3.4%) và quý đầu tiên của năm 2023 (âm 1.8%), trước khi chuyển sang dương (0.5%) vào quý 2 năm 2023.
Khi kiểm tra các con số của Fed Philadelphia và các dữ liệu khác, ông Shedlock cho biết ông thấy một cuộc suy thoái khác đang ở phía trước.
Ông nói: “Tôi nghĩ có thể chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái, và sắp thoát khỏi suy thoái, và sẽ quay trở lại tình trạng suy thoái kép vào cuối năm nay.”
‘Suy giảm sắp diễn ra’
Dữ liệu từ thị trường nhà ở, theo truyền thống là một trong những thị trường phục hồi cuối cùng trong thời kỳ suy thoái, cũng đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo.
Hôm 21/09, Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia (NAR) loan báo doanh số bán nhà hiện tại đã giảm 0.7% trong tháng Tám. So với cùng thời kỳ năm trước, doanh số đã giảm 15.3%.
Đồng thời, giá bán nhà hiện hữu trung vị đã tăng 3.9% so với một năm trước lên 407,100 USD. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá vượt trên 400,000 USD.
Bình luận về sự sụt giảm mạnh trong các giao dịch mà không có sự sụt giảm tương ứng của giá nhà, ông Shedlock cho biết đây là một hành động bất thường và cho rằng các chính sách tiền tệ dễ dàng của Fed là nguyên nhân gây ra những biến dạng thị trường.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự suy giảm giao dịch nào mà không có sự suy giảm về giá cả,” ông nói. “Nhưng đây là những gì Fed đã tạo ra.”
Ông kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục như vậy chừng nào Fed vẫn giữ lãi suất ở mức cao. Ông Shedlock quy trách nhiệm cho Fed đã bỏ qua các tín hiệu lạm phát rõ ràng và giữ chân mình trên bàn đạp tăng tốc tiền tệ bằng cách tiếp tục chương trình mua tài sản được gọi là nới lỏng định lượng — và bằng cách giữ lãi suất ở mức gần 0 quá lâu.
Fed đã bỏ qua áp lực tăng giá nhà một phần vì thước đo lạm phát tiêu chuẩn, Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), không trực tiếp phản ánh giá nhà mà sử dụng tiền thuê nhà và cái gọi là tiền thuê tương đương của chủ sở hữu, tức là số tiền mà những người sở hữu nhà ở sẽ trả tiền nếu họ phải thuê nhà.
“Vì vậy, việc bỏ qua tất cả những điều đó là bỏ qua lạm phát,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng khi đại dịch xảy ra, Fed đã bỏ qua tất cả các bong bóng mà chính sách tiền tệ tự do của họ đã tạo ra và cắt giảm lãi suất.
“Đó là một vấn đề nan giải mà Fed đã đưa ra,” ông nói.
Trong một bài đăng gần đây trên blog của mình, ông Shedlock viết rằng “những người buôn bán địa ốc liên tục nói với tôi rằng không có sự suy giảm nào xảy ra” nhưng những con số lại cho thấy một thực tế khác.
Ông viết: “Bất chấp sự phủ nhận từ nhiều phía, sự suy giảm vẫn đang diễn ra.”
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trong tuần này (18-24/09). Với phiếu bầu của mình, họ quyết định duy trì lãi suất quỹ liên bang chuẩn ở mức từ 5.25% đến 5.5%, mức cao nhất trong 22 năm.
Đồng thời, các quan chức Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trước cuối năm nay và cho biết mức cắt giảm lãi suất sẽ nhỏ hơn vào năm 2024.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times