Tín thuế xe điện của Hoa Kỳ được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ba bên
Trong tuần vừa qua, ba nhà lãnh đạo của Canada, Hoa Kỳ, và Mexico đã gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn lần đầu tiên kể từ năm 2016 với mục đích tăng cường hợp tác về kinh tế, an ninh, y tế, và di cư.
Hôm 18/11, sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày, những lo ngại về các chính sách bảo hộ [mậu dịch] ở Hoa Kỳ và Mexico đã được các bên liên quan khác nhau nêu ra. Một trong những mối quan tâm như vậy – đó là khoản tín thuế trị giá 12,500 USD gây tranh cãi của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đối với xe điện do Hoa Kỳ sản xuất — đã xuất hiện vài giờ trước hội nghị thượng đỉnh trong buổi chụp ảnh thông thường tại Oval Office.
Khi được hỏi liệu khoản tín thuế được đề xướng này có được sửa đổi để hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe hơi ở Canada hay không, Tổng thống Joe Biden nói rằng: “Tôi không biết”.
“Chúng tôi sẽ nói về điều đó ở một mức độ nào đó,” ông nói. “Chúng tôi thậm chí còn chưa thông qua điều đó ở Hạ Viện nữa — có rất nhiều yếu tố phức tạp.”
Khoản tín thuế lên tới 12,500 USD cho các xe điện mới là một phần của dự luật chi tiêu trị giá 1.75 ngàn tỷ USD đã được Hạ viện thông qua hôm 19/11. Dự luật này có thể sẽ gặp trở ngại trong một nửa Thượng viện, với khả năng có sự phản đối của Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Joe Manchin.
Canada cho biết tín thuế này sẽ gây ra tác hại kinh tế nghiêm trọng, với hàng chục ngàn việc làm sẽ bị mất ở một trong những lĩnh vực sản xuất lớn nhất của nước này. Đồng thời, người lao động ở Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vào phiên tối của hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Justin Trudeau đã nói trong một cuộc họp báo rằng ông đã nhấn mạnh các mối lo ngại của Canada về khoản tín thuế này với chính phủ TT Biden và nhấn mạnh tác động của nó lên việc làm và ngành công nghiệp xe hơi của Canada.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những công việc cần thiết để không chỉ làm nổi bật vị thế của mình mà còn phải tìm ra một giải pháp”.
Reuters đưa tin cho biết hồi cuối tháng Mười, Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng đã gửi một lá thư cho các quan chức Hoa Kỳ nhằm cảnh báo về tác động của một chương trình như vậy và nó sẽ không phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận thương mại tự do USMCA giữa các nước.
Cải cách năng lượng của Mexico
Trình bày trong bối cảnh một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Hoa Kỳ cho biết TT Biden sẽ giải quyết vấn đề năng lượng này với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador. Sự cải tổ năng lượng theo kế hoạch của Mexico đã làm dấy lên những mối lo ngại trong khu vực tư nhân ở cả ba quốc gia này.
Sự cải tổ này đang tìm kiếm một giải pháp nhằm giúp nhà nước tăng cường kiểm soát thị trường điện, và giành quyền kiểm soát thị trường điện này khỏi các công ty tư nhân. Các nhóm doanh nghiệp ở cả ba quốc gia đều bày tỏ các mối lo ngại rằng hành động này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của họ hoặc đẩy họ ra khỏi thị trường đó.
Trước khi lên đường tới Hoa Thịnh Đốn, ông López Obrador nói với truyền thông Mexico rằng ông đã chuẩn bị để bảo vệ kế hoạch này trước mặt ông Biden và ông Trudeau nếu nó xảy ra, nhưng ông vẫn mong đợi sự tiếp thu từ “những người liêm chính”.
Ông nói rằng, “Rất đơn giản, chúng tôi không muốn giá điện tăng. Và sự lạm dụng của các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty ngoại quốc, và đặc biệt là các công ty Tây Ban Nha, họ cần phải ngừng coi chúng ta như một vùng đất để chinh phục; chuyện này đã chấm dứt, họ có thể đi chiếm đoạt ở nơi khác”.
Các nhóm doanh nghiệp ở cả ba quốc gia đều nhìn nhận kế hoạch cải tổ này là không thuận lợi và đã chỉ ra vấn đề này trong một bức thư viết cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia này trước thềm hội nghị thượng đỉnh ba bên.
“Những nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước với chi phí từ các nhà cung cấp năng lượng tái tạo và tư nhân khác chỉ làm suy yếu sự chắc chắn của việc đầu tư”, Phòng Thương mại Canada, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, và Consejo Coordinanor Empresarial – một hiệp hội kinh doanh ở Mexico, đã viết trong lá thư đó.
Các nhóm này cũng có nhiều quan điểm chung hơn trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ và các thực tiễn hạn chế thương mại tự do khác, cho rằng các nước nên bảo đảm các môi trường đầu tư cởi mở và minh bạch, điều chỉnh định nghĩa của họ về các dịch vụ thiết yếu, và cải thiện việc quản lý biên giới để bảo đảm cho việc duy trì dòng chảy của hàng hóa.
Những lo ngại về Trung Quốc
Ông López Obrador cũng đã có một lập trường bảo hộ khác trong cuộc hội nghị thượng đỉnh này, nhưng lần này là đứng từ quan điểm của khu vực Bắc Mỹ và toàn bộ lục địa so với Trung Quốc.
“Hội nhập kinh tế, tôn trọng đầy đủ chủ quyền của chúng ta, là công cụ tốt nhất để đối mặt với sự cạnh tranh bắt nguồn từ sự tăng trưởng ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là sự mở rộng sản xuất và thương mại của Trung Quốc”, ông nói trong bài diễn văn khai mạc.
Tổng thống Mexico cho biết tốc độ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc so với tốc độ trì trệ hơn của khu vực Bắc Mỹ có thể đặt ra các tình huống khó xử về an ninh trong tương lai. Sự mất cân bằng kinh tế này có thể dẫn đến việc “sử dụng vũ lực, điều này sẽ khiến tất cả chúng ta gặp nguy hiểm”, ông nói.
Ông López Obrador cũng cho biết tình trạng phụ thuộc vào Á Châu có thể được thay thế bằng việc đầu tư nhiều hơn vào khu vực Bắc Mỹ.
“Tại sao chúng ta không thể sản xuất ở Bắc Mỹ?” ông hỏi. “Chà, tất nhiên là chúng ta có thể. Đó là một vấn đề có thể xác định nên một chiến lược kinh tế trong khu vực”.
Ông Noé Chartier là một phóng viên của The Epoch Times tại Montreal.
Bản tin có sự đóng góp của The Canadian Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: