Tin độc quyền: Nội bộ rối ren, “Đông bắc bất mãn” trở thành nỗi lo của Trung Cộng
Cuộc chiến quyền lực cấp cao làm cho vùng Đông bắc chậm phát triển, người dân oán thán khiến Trung Cộng lo sợ
Từ đợt bùng phát đại dịch mới đến sự chuyển giao quyền lực của Chính phủ Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa thay đổi lập trường cứng rắn, nên mở đầu năm Sửu 2021 đối với Trung Cộng mà nói, chắc chắn sẽ vẫn phát ra những tín hiệu xấu tiếp theo của năm cũ (2020). Tờ Epoch Times gần đây đã nhận được thông tin đặc biệt từ những người trong nội bộ Trung Cộng, “Đông bắc bất mãn” lộ rõ những cơn sóng ngầm trong thể chế Trung Cộng đang gia tăng và sự bất bình ở nhiều nơi bắt đầu bùng phát.
Vạch trần thể chế lãnh đạo tập trung làm lộ rõ “Đông bắc bất mãn” và lên án Trung ương “hy sinh Đông bắc”
Epoch Times gần đây đã nhận tin độc quyền từ những người thân cận với Ban công tác Mặt trận thống nhất Trung Cộng. Người trong cuộc cho biết, “Gần đây tôi đã có một cuộc gặp mặt năm mới với các lãnh đạo cũ của Ban công tác Mặt trận thống nhất, và được biết rằng Ban công tác Mặt trận thống nhất hiện đang rất chú ý, hoặc nói cách khác là rất lo lắng về các vấn đề đang lan rộng,” đó chính là “sự bất mãn của Đông bắc.”
Người đưa tin nói rằng vị lãnh đạo cũ của Ban công tác Mặt trận thống nhất tiết lộ “sự bất mãn của người dân Đông bắc đối với Tập Cận Bình là rất nghiêm trọng.”
Vị cựu lãnh đạo nói: “Vì Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường tự do, cho nên ở đâu phát triển, ở đâu không phát triển, thì tùy thuộc vào chính sách nhà nước cho hay không cho: cho cơ chế, cho đất, cho người, cho tiền thì có thể phát triển.” Ví dụ như Đại Liên và Thẩm Dương đều là Thành phố trung tâm ở Đông bắc, nhưng “mấy năm nay hai nơi này căn bản là không phát triển,” “khí hậu giống như Đông bắc Hoa Kỳ, nhưng Đông bắc Trung Quốc thì không phát triển.” Đông bắc Hoa Kỳ luôn là khu vực phát triển nhất Hoa Kỳ về công nghiệp và thương mại. Đông bắc Trung Quốc trước đây từng là cơ sở công nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng nay đã trở thành khu vực lạc hậu về kinh tế.
Vị cựu lãnh đạo cũng nói “hiện tại sự bất mãn của người dân Đông bắc đối với ông Tập là rất lớn, có nguyên nhân của nó; chính sách mới hầu như không cấp gì cho Đông bắc. Sắp tới Trung Quốc sẽ công bố thành phố trung tâm quốc gia thứ 10, nhưng vùng Đông bắc với một triệu km vuông thì không có thành phố nào được cả.
Vị lãnh đạo cũ tiết lộ rằng “Cơ quan Quản lý Không gian mạng Quốc gia và Ban công tác Mặt trận thống nhất hiện đang chú ý đến sự không hài lòng của cư dân mạng ở Đông bắc. Hiện tại việc sàng lọc tin tức trên mạng rất chặt chẽ.”
Người cung cấp tin nhấn mạnh với Epoch Times rằng chính quyền Trung Cộng đã giám sát chặt chẽ những oán than dậy đất đến từ khu vực Đông bắc, “Tại sao Tập Cận Bình lại hận Đông bắc và người dân Đông bắc đến vậy, chỉ vì ân oán cá nhân và đấu tranh chính trị với Bạc Hy Lai nên đã hy sinh sự phát triển của ba tỉnh Đông bắc hay sao?”
Theo những người trong cuộc, khu vực Đông bắc cho rằng chính quyền Trung ương không cấp chính sách ưu đãi cho ba tỉnh phía Đông và không hỗ trợ Đông bắc phát triển, là vì ân oán cá nhân giữa Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai mà liên lụy đến Đông bắc, phải hy sinh luôn ba tỉnh khu vực phía đông này.
Bạc Hy Lai là đối thủ chính trị do Tập đoàn Giang Trạch Dân của Trung Cộng nâng đỡ và đã cạnh tranh với Tập Cận Bình giành quyền lãnh đạo Trung Cộng. Trước khi vào Bắc Kinh năm 2004, ông ta đã từng chiếm cứ Đông bắc (Liêu Ninh) trong 20 năm; năm 2012 bởi vì cấp dưới thân cận của mình-Vương Lập Quân-Trưởng công an Trùng Khánh đào tẩu, dẫn đến âm mưu đảo chính của Chu Vĩnh Khang câu kết với phe Giang bị bại lộ và cuối cùng bị Tập Cận Bình tóm được.
Theo lý lịch của Bạc Hy Lai, năm 1984 Bạc Hy Lai giữ chức Phó Bí thư, Bí thư huyện ủy huyện Kim Châu, tỉnh Liêu Ninh. Sau đó ông được thăng cấp nhanh chóng, lần lượt làm Bí thư khu ủy Kim Châu thành phố Đại Liên, Giám đốc Ban Tuyên giáo Thành ủy Đại Liên, Phó Thị trưởng Thành ủy Đại Liên, Thị trưởng Đại Liên, Bí thư Thành ủy Đại Liên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, Tỉnh trưởng Liêu Ninh. Từ năm 2004 đến năm 2007, ông về Bắc kinh lần lượt giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng các tổ chức đảng tại Bắc Kinh. Từ năm 2007 đến năm 2012, ông là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Phân tích dữ liệu: Sự suy thoái của ba tỉnh miền Đông và bước ngoặt cuộc tranh giành quyền lực của Trung Cộng
Đông bắc Trung Quốc nói chung là chỉ Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, thường được gọi là ba tỉnh phía đông hoặc ba tỉnh đông bắc. Ba tỉnh Đông bắc giàu tài nguyên, đất đai rộng lớn với diện tích 1,62 triệu km vuông, chiếm 14% diện tích cả nước. Nền kinh tế của ba tỉnh Đông bắc trong những năm gần đây rất chậm và tỷ trọng của nó trong cả nước ngày càng giảm.
Dịch bệnh đã tấn công nền kinh tế Trung Quốc vào năm ngoái (2020), nhưng Trung Cộng vẫn tuyên bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2.3% so với cùng kỳ năm 2019. Tất cả các tỉnh ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc, nơi bắt nguồn của dịch bệnh, đều tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, kinh tế ba tỉnh miền Đông vẫn ở mức cũ không phát triển.
Trong ba năm qua, tỷ trọng GDP của ba tỉnh Đông Bắc cả nước giảm dần theo từng năm:
Năm 2018, tổng GDP của ba tỉnh Đông bắc (Liêu Ninh + Hắc Long Giang + Cát Lâm) đạt xấp xỉ 5.68 (2.53 + 1.64 + 1.51) nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 6.3% cả nước.
Năm 2019, tổng GDP của ba tỉnh Đông bắc đạt khoảng 5.02 nghìn tỷ (2.49 + 1.36 + 1.17) nhân dân tệ, và tỷ trọng quốc gia tiếp tục giảm xuống còn 5.1%.
Vào năm 2020, xu thế đi xuống của nền kinh tế ba tỉnh phía đông không suy giảm, với tổng GDP xấp xỉ 5.11 (2.51 + 1.37 + 1.23) nghìn tỷ nhân dân tệ, và tỷ trọng cả nước sẽ giảm xuống 5.0%.
Có nhiều ý kiến khác nhau về lý do tại sao Đông bắc Trung Quốc sa sút; nhưng trong khoảng mười năm trở lại đây, sự lên xuống về kinh tế của ba tỉnh Đông bắc lại trùng hợp kinh người với cuộc tranh giành quyền lực của Trung Cộng.
Vào đầu thế kỷ này, chính quyền Trung Cộng đã cố gắng phục hưng cho vùng Đông bắc. Tháng 10 năm 2003, Ủy ban Trung ương Trung Cộng và Quốc vụ viện đã ban hành “Một số ý kiến về việc thực hiện chiến lược phục hưng các cơ sở công nghiệp cũ ở Đông bắc Trung Quốc.”
Sau đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ba tỉnh Đông bắc bắt đầu tăng nhanh, từng bước thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các vùng trong cả nước. Năm 2008, GDP của ba tỉnh Đông Bắc chiếm tỷ trọng đến 8.62% so với cả nước. Đây là lần đầu tiên tỷ trọng GDP của ba tỉnh Đông bắc so với cả nước ngừng giảm và đã tăng trở lại kể từ khi bước vào thế kỷ 21.
Biểu đồ dưới đây là phân tích dữ liệu về GDP của ba tỉnh Đông bắc Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2020.
Từ bảng số liệu GDP từ 2009-2020 của 3 tỉnh Đông bắc, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù tổng sản lượng kinh tế của ba tỉnh Đông bắc từ năm 2012 đến năm 2014 vẫn dương, nhưng đường cong tăng trưởng (tăng trưởng GDP) đã đi ngang; và từ năm 2014, tăng trưởng kinh tế của ba tỉnh này hầu như không tăng, thậm chí tăng trưởng âm (đi xuống).
Điều đáng nói, GDP danh nghĩa của ba tỉnh đông bắc ở năm 2019, 2020 đã lùi về mức của năm 2012, nếu tính cả yếu tố lạm phát thì kinh tế ba tỉnh đông bắc thực tế đã xuống đến mức không bằng của năm 2012. Chính vào năm 2012, Tập Cận Bình đã hạ được người người có gốc rễ với Đông bắc Bạc Hy Lai. Vào tháng 10/2013, Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân.
Còn ở biểu đồ tỷ trọng của GDP ba tỉnh vùng Đông bắc so với cả nước trong khoảng 2009-2020 đã phác họa rõ hơn thời gian suy giảm phát triển ở ba tỉnh: kể từ năm 2012, tỷ trọng GDP của ba tỉnh trong cả nước đã giảm dần.
Khẩu hiệu “Chấn hưng Đông bắc” của Trung ương trở thành lời nói suông
Sau khi Bạc Hy Lai ngã ngựa vào năm 2012, chính quyền Trung Cộng đã nhiều lần đưa ra khẩu hiệu “Chấn hưng Đông bắc.”
Trong hai phiên họp vào năm 2016, Tập Cận Bình đã đề nghị rằng chấn hưng Đông bắc cần phải nỗ lực tạo ra một con đường mới để chấn hưng toàn diện. Vào 09/2018, trong chuyến thị sát ba tỉnh vùng Đông bắc, Tập Cận Bình đã đề nghị “Chấn hưng Đông bắc trong thời đại mới.” Vào 06/2019, khi Lý Khắc Cường mở hội nghị của Hội đồng Nhà nước và các nhóm lãnh đạo cơ sở công nghiệp cũ bàn về phục hưng Đông bắc, ông đã đề nghị “Nỗ lực thực hiện hồi sinh toàn diện Đông bắc.”
Tuy nhiên trên thực tế, việc chính quyền Trung Cộng “chấn hưng Đông bắc” chỉ là khẩu hiệu suông. Từ năm 2013 đến nay, tiền bạc, chính sách v.v. để hỗ trợ và đầu tư của chính quyền Trung ương vào ba tỉnh này so với các tỉnh trong cả nước, là không tăng mà còn giảm.
Ba tỉnh phía đông được coi là trọng điểm về công nghiệp nặng và nông nghiệp của cả nước, đầu tư tài sản cố định là một trong những phương thức quan trọng nhất để kích thích phát triển kinh tế.
Theo một bài viết năm 2015 trên CaiXin Media của truyền thông Trung Quốc, kể từ năm 2013, sự phát triển kinh tế ở Đông bắc Trung Quốc đã suy giảm kiểu “trượt vách đá.” Một trong những chỉ tiêu kinh tế phản ánh rõ nhất chính sách thiên vị và đầu tư vốn, là đầu tư vào tài sản cố định, đã thay đổi đáng kể.
Bài trên CaiXin Media đã nêu rõ từ năm 2004 đến năm 2011, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định ở Đông bắc Trung Quốc là trên 30%, nhưng nó đã giảm xuống 18.7% vào năm 2013 và giảm xuống 2.9% vào năm 2014, thấp hơn nhiều so với tốc độ bình quân 15% trên toàn quốc.
Cục Thống kê quốc gia của Trung Cộng bắt đầu công bố dữ liệu về đầu tư tài sản cố định tại ba tỉnh miền Đông từ năm 2015. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia, đầu tư cố định ở ba tỉnh miền Đông liên tiếp giảm mạnh 11.2% và 23.5 % trong năm 2015 và 2016; không thấy sự khởi sắc trong giai đoạn 2017-2020. Tỷ lệ tăng trưởng đầu tư cố định theo trình tự là 2.8%, 1%, -3% và 4.3%.
Số liệu đầu tư tài sản cố định của ba tỉnh Đông bắc từ năm 2004 đến nay cũng cho thấy năm 2012 phát triển kinh tế của Đông bắc Trung Quốc đã gặp phải một bước ngoặt “gặp vách đá.”
Trung Cộng lo lắng rằng vùng Đông bắc có thể trở thành Tân Cương và Tây Tạng tiếp theo
Tại sao chính quyền trung ương lại đối xử với Đông bắc như vậy? Người trong cuộc đã tiết lộ bí mật đằng sau nó, rằng sự bất mãn của xã hội Đông bắc đang tích tụ, dẫn đến sự sợ hãi của chính quyền Trung ương đối với ba tỉnh phía đông này.
Tân Cương và Tây Tạng vốn là một trong những tâm bệnh của Trung Cộng. Trong những năm gần đây, nơi này càng trở thành tâm điểm quốc tế để phơi bày sự bạo hành và tội ác diệt chủng của Trung Cộng. Những người trong cuộc đã chỉ ra rằng ba tỉnh của Đông bắc Trung Quốc có thể trở thành Tân Cương và Tây Tạng tiếp theo khiến cho Trung Cộng lo sợ.
Nguồn tin còn nói rõ, ba tỉnh phía đông là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số bao gồm Mãn Châu, Mông Cổ, Hồi và Bắc Triều Tiên v.v., đồng thời là một vùng biên giới rộng lớn, tiếp giáp với Nga là nơi có mối thù lịch sử sâu sắc với Trung Quốc và một Triều Tiên đang trên đà mất kiểm soát. Nằm ở vị trí địa lý cực kỳ nhạy cảm, hơn nữa điều quan trọng nhất là trong lịch sử ba tỉnh Đông bắc đã từng đòi “độc lập” và đã từng phản đối chính quyền Trung ương.
Trong lịch sử, người dân vùng Đông bắc Trung Quốc là dũng mãnh và kiêu ngạo khó thuần. Trong thời kỳ quân phiệt hỗn chiến của Trung Hoa dân quốc, Trương Tác Lâm, một thủ lĩnh của phe Quân phiệt Phụng hệ, đã đối đầu với chính quyền Bắc Kinh từ năm 1922 đến năm 1926, từng nhiều lần tuyên bố độc lập cho ba tỉnh phía Đông.
Trên thực tế, trước khi Trung Cộng nắm chính quyền, ba tỉnh miền Đông là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhất Trung Quốc.
Khi Trương Tác Lâm cai trị vùng Đông bắc, ông đã tích cực phát triển ngành công thương nghiệp và thiết lập một hệ thống công nghiệp tương đối hoàn chỉnh ở vùng này. Vào thời điểm Nhật đầu hàng năm 1945, ba tỉnh Đông bắc đã hình thành một hệ thống công nghiệp tương đối hoàn chỉnh và tiên tiến ở châu Á lúc bấy giờ, vào năm đó vùng Đông bắc đã chiếm 85% tổng giá trị sản lượng công nghiệp của toàn Trung Quốc; Đông bắc khi đó thậm chí còn vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn nhất Châu Á.
Dưới sự thống trị của Trung Cộng, đặc biệt là những năm gần đây, khu vực Đông bắc ngày càng suy giảm dẫn đến lòng dân tan rã, xã hội ngày càng bất mãn với sự tranh giành quyền lực của Trung Cộng làm ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống của người dân. Một người trong cuộc nói với The Epoch Times rằng Ban công tác Mặt trận thống nhất lo ngại vấn đề bất mãn ở Đông bắc sẽ ngày càng mở rộng và họ đang tăng cường giám sát xã hội Đông bắc.
Ban công tác Mặt trận thống nhất là một cơ quan đặc vụ được Trung Cộng sử dụng để mở rộng ảnh hưởng và loại bỏ những người bất đồng chính kiến. Cơ quan này tham gia vào rất nhiều công tác đặc biệt ở cả trong và ngoài nước như xâm nhập, giám sát và thu thập thông tin tình báo v.v.
Do Ye Ziming thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: