Tin độc quyền: Bắc Kinh chuyển công suất công nghiệp dư thừa sang các nước BRI
Các tài liệu nội bộ của Trung Quốc do The Epoch Times thu được cho thấy một trong những động lực chính đằng sau Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) là loại bỏ năng lực công nghiệp dư thừa của quốc gia bằng cách chuyển chúng sang các nước tham gia BRI.
Dưới danh nghĩa Hợp tác Năng lực Công nghiệp Quốc tế
Theo một báo cáo của chính quyền tỉnh Cát Lâm có tiêu đề “Kế hoạch tham gia của Cát Lâm trong BRI”, BRI có ý nghĩa chiến lược sâu rộng đối với sự lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. Để hưởng ứng hành động này, Cát Lâm đã nỗ lực hết sức để chuyển dịch công suất công nghiệp dư thừa của mình.
Chính quyền thành phố Chu Châu, tỉnh An Huy, đã thực hiện một kế hoạch BRI được nêu trong một tài liệu, có tiêu đề “Kế hoạch khai triển tham gia xây dựng Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21”. Chính quyền địa phương cam kết “tuân thủ đầy đủ” các hướng dẫn của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Trung Quốc và một loạt bài diễn văn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về việc thực hiện kế hoạch BRI và khuyến khích các doanh nghiệp địa phương chủ chốt tham gia các chương trình hợp tác ở nước ngoài.
Theo bản kế hoạch, chính quyền địa phương khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực công nghiệp dư thừa khai triển đầu tư vào các nước BRI. Chính quyền hỗ trợ một số nhóm công ty nhất định như những công ty kinh doanh xi măng, thủy tinh và chế tạo vật liệu thiết lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
Nhà bình luận Trung Quốc Li Linyi nói rằng kế hoạch của thành phố Chu Châu tiết lộ ý định thực sự đằng sau cái gọi là BRI của Trung Quốc và các chương trình hợp tác quốc tế có liên quan là chuyển năng lực công nghiệp lạc hậu và dư thừa của Trung Quốc sang các nước BRI.
Nhà sản xuất xe hơi FAW của Trung Quốc
Chính quyền tỉnh Cát Lâm là người ủng hộ nhiệt tình của BRI vì tình trạng dư thừa năng lực trong ngành công nghiệp xe hơi của tỉnh này. Tập đoàn First Automobile Works (FAW), có trụ sở chính tại thành phố Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm, đã tham gia vào chương trình Hợp tác Năng lực Công nghiệp Quốc tế vào năm 2016.
Vào năm 2015, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước, ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc dư thừa công suất nghiêm trọng, với 81% công suất được sử dụng đối với xe chở khách và chỉ 52% với xe thương mại. Công suất sử dụng đề cập đến năng lực chế tạo và sản xuất đang được sử dụng bởi một công ty.
Theo một nghiên cứu về ngành xe hơi năm 2019 do công ty Guosen Securities có trụ sở tại Hồng Kông công bố, các công ty xe hơi Trung Quốc gồm FAW Group, Geely Auto, Chery và BYD Auto đã không đạt được 70% công suất sử dụng trong năm 2018.
Năm 2018, các thương hiệu riêng của FAW, bao gồm Bestune, Hongqi, FAW Jilin và Tianjin FAW, có tổng công suất thiết kế là 780,000 xe, theo Chedongxi, một kênh truyền thông độc lập của Trung Quốc chuyên ngành công nghiệp xe hơi thông minh. Trong năm 2017, chỉ có 210,000 xe được bán ra, với chưa đến 30% công suất sử dụng.
Các nguồn tin công khai cho thấy FAW đã chắc chắn thu xếp được việc lập một nhà máy lắp ráp ở Pakistan, có khả năng sản xuất 3,000 xe cỡ nhỏ và 1,000 xe tải hạng trung và hạng nặng. Công ty cũng đang lên kế hoạch cho một chương trình sản xuất 5,000 xe chở khách.
Tài liệu nội bộ của Cát Lâm, có tiêu đề “Thư viện dự án hợp tác năng lực quốc tế và sản xuất thiết bị tỉnh Cát Lâm” tiết lộ rằng liên doanh giữa First Automobile Works (FAW) ở Cát Lâm và Pakistan đã không thu được bất kỳ lợi nhuận nào do doanh số bán hàng kém ở Pakistan.
Để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình, chính quyền tỉnh Cát Lâm đã phải yêu cầu chính quyền trung ương của Trung Quốc hỗ trợ, yêu cầu dự án BRI “được nằm trong danh sách hợp tác năng lực Trung Quốc-Pakistan”. Đồng thời, tỉnh Cát Lâm hy vọng rằng Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước (SASAC) sẽ yêu cầu Pakistan “ưu tiên mua các sản phẩm xe tải FAW cho các dự án kỹ thuật lớn của Pakistan”.
Theo các tài liệu này, lãnh đạo Đảng của tỉnh Cát Lâm, ông Bayanqolu, đã đưa các dự án [đầu tư ra] nước ngoài của FAW vào chương trình làm việc hàng đầu của mình khi gặp các nhà lãnh đạo Lào và Miến Điện trong chuyến thăm của ông này tới hai quốc gia Đông Nam Á hồi năm 2016 và 2018.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu.