Tín đồ Cơ Đốc Trung Quốc đối mặt với một Giáng Sinh không chắc chắn
Giáng Sinh đã đến ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đây là thời điểm của một mùa mua sắm, chụp ảnh với ông già Noel và tặng những quả táo được gói trong giấy bọc quà cho bạn bè.
Giáng Sinh được tổ chức rộng rãi ở Trung Quốc, nhưng không phải như một ngày lễ tôn giáo, hay thậm chí như một ngày nghỉ làm. Nó tương tự như Ngày Thánh Patrick ở Hoa Kỳ — một ngày vui với những truyền thống và phong cách trang trí đặc biệt của riêng nó. Đối với nhiều người trẻ ở Trung Quốc, Giáng Sinh còn là một ngày lễ lãng mạn, gần giống như Lễ Tình Nhân.
Các trung tâm mua sắm của Trung Quốc được trang trí theo mùa, với tất cả những cây thông Noel, đèn nhấp nháy, và những bài hát mừng Giáng Sinh mà người Mỹ sẽ thấy quen thuộc.
Nhưng đối với các tín đồ Cơ Đốc ở Trung Quốc, mùa lễ này có thể ít rộn ràng hơn một chút, vì họ thấy mình bị hạn chế hơn bao giờ hết trong khả năng thực hành đức tin của mình. Năm nay, nhiều người sẽ thấy mình quay trở về sống trong một truyền thống Cơ Đốc Giáo cổ xưa: gặp nhau trong bí mật, lo sợ chính quyền bắt bớ.
“Tình hình của các tín đồ Cơ Đốc ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2021,” Mục sư Lưu Di (F. Jonathan Liu) của Hiệp hội Công nghĩa Ki-tô hữu Trung Quốc có trụ sở tại New York nói với The Epoch Times. Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát các hoạt động của các nhà thờ Cơ Đốc Giáo nhiều hơn, bằng cách sử dụng các biện pháp kiểm soát đại dịch của mình.”
Ông nói: “Các nhà chức trách Trung Quốc hiện cũng đang đàn áp nghiêm trọng các hiệp thông của sinh viên Cơ Đốc Giáo, không chỉ yêu cầu họ gia nhập đảng [Cộng Sản] mà còn ép buộc gia đình gây áp lực buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.”
Cơ Đốc Giáo ở Trung Quốc
Cơ Đốc Giáo không phải là điều gì đó mới mẻ ở Trung Quốc — các nhà truyền giáo Dòng Tên đã truyền bá tôn giáo này lần đầu tiên vào thế kỷ 16. Chính quyền Trung Quốc báo cáo có 44 triệu người Trung Quốc là tín đồ Cơ Đốc, chiếm khoảng 3% dân số, mặc dù có thể còn nhiều người hơn nữa chưa được thống kê.
Lịch sử hiện đại của Cơ Đốc Giáo ở Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1920 với nhà truyền giáo Nghê Thác Thanh (Ni Tuosheng), người thành lập hàng trăm nhà thờ nhỏ và các nhóm học Kinh Thánh, đồng thời là nhà xuất bản sách giải thích Kinh Thánh cho người Trung Quốc. Sau khi những người cộng sản giành chính quyền, ông Nghê bị bắt và ở tù 20 năm đến hết đời.
Tôn giáo luôn bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô thần kiểm soát chặt chẽ. Sau chiến thắng của những người cộng sản vào năm 1949 là nhiều năm đàn áp ở mức độ thấp. Tuy nhiên vào những năm 1960, Cách mạng Văn hóa đã làm dấy lên một chiến dịch quốc gia bạo lực nhằm phá hủy các nhà thờ, sát hại hoặc bắt giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo, và xóa sổ tất cả các hoạt động tôn giáo.
Chỉ vài năm sau, năm 1978, Hiến pháp mới của Trung Quốc bao gồm điều khoản bảo đảm quyền tự do tôn giáo và cấm phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2020 của Open Doors, một tổ chức bất vụ lợi của Hà Lan, các tín đồ Cơ Đốc và các tôn giáo thiểu số khác vẫn bị Bắc Kinh liên tục đặt vào tầm ngắm với sự kiểm duyệt, giám sát, và hạn chế của chính quyền.
Cuộc đàn áp của ĐCSTQ
Bản báo cáo nêu trên cho biết: “Đã có sự gia tăng các cuộc khám xét và sách nhiễu đối với các tín đồ Cơ Đốc và gia đình. Hàng ngàn nhà thờ đã bị hư hại hoặc phá hủy, một số bị tịch thu, trong một chiến dịch đã lan rộng đến gần như tất cả các vùng miền của đất nước. Trong khi đó, các luật mới quy định về tôn giáo… tiếp tục được áp đặt hà khắc hơn.”
Báo Cáo Đàn Áp được xuất bản hàng năm bởi tổ chức Cơ Đốc bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ ChinaAid đã ghi lại hàng trăm sự kiện cụ thể của việc đàn áp tôn giáo, bao gồm các vụ đóng cửa nhà thờ, những lần đột kích của cảnh sát, các vụ bắt bớ các mục sư và những người truyền đạo đường phố, và trong năm 2002, thậm chí cả những bản án tử hình dành cho năm lãnh đạo nhà thờ Trung Quốc.
Năm 2016, ChinaAid đã ghi chép lại về cái chết của Đinh Thúy Mai (Ding Cuimei), một phụ nữ theo đạo Cơ Đốc bị chôn sống khi đang bảo vệ nhà thờ của mình khỏi bị phá hủy. Năm 2020, báo cáo cho thấy Nhà thờ Đông Hồ, một nhà thờ được chính phủ cấp phép, đã bị phá dỡ vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày Chủ Nhật Phục Sinh — vì bị cáo buộc vi phạm quy tắc xây dựng. Theo người sáng lập ChinaAid, ông Phó Hy Thu (Bob Fu), “những trường hợp này chỉ đại diện cho một phần nhỏ của cuộc đàn áp tôn giáo đang diễn ra trên khắp Trung Quốc.”
Việc thể hiện niềm tin tín ngưỡng, giống như hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống ở Trung Quốc, đều là do Đảng Cộng Sản kiểm soát.
Dưới sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản, Các tín đồ Cơ Đốc Trung Quốc chỉ có thể gia nhập các nhà thờ được đăng ký và giám sát bởi một trong ba cơ quan chính quyền: Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, Hội đồng Cơ Đốc Giáo Trung Quốc, hoặc Nhà thờ Tam Tự. Các tổ chức này được kiểm soát trực tiếp bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, một cơ quan quyền lực chịu trách nhiệm phối hợp hoặc vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với Đảng ở trong và ngoài nước.
Đối mặt với sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với đức tin của họ, nhiều tín đồ Cơ Đốc Trung Quốc đã chọn thờ phượng trong các giáo đoàn nhỏ, không đăng ký. Những “nhà thờ tư gia” này lại chính là mục tiêu của hầu hết các cuộc truy quét, bắt bớ, và phá dỡ của cảnh sát.
Tuy nhiên, ngay cả những nhà thờ lớn được nhà nước chấp thuận cũng cần giấy phép đặc biệt để tiến hành các sự kiện ngày lễ. Vào Giáng Sinh năm ngoái, Nhà thờ Công Giáo Thái Hồ ở tỉnh An Huy đã chia sẻ giấy phép tổ chức Thánh lễ Giáng Sinh chính thức của mình lên mạng — cho thấy các con dấu cấp phép bị chính quyền yêu cầu từ cảnh sát địa phương, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, sở kế hoạch địa phương, và chín cơ quan chính phủ khác.
Mục sư Lưu nói với The Epoch Times: “Các nhà thờ chính thức chắc chắn có thể tổ chức lễ Giáng Sinh, nhưng kiểu ăn mừng này luôn bị pha trộn với màu sắc chính trị mạnh mẽ. Ví dụ, năm ngoái, trong lễ Giáng Sinh của Nhà thờ Mộ Nhĩ Đường, Thượng Hải, các thành viên trong nhà thờ đã hát những bài nhạc đỏ để ca ngợi chính quyền Cộng Sản Trung Quốc.”
Các tín đồ Cơ Đốc đang gặp nguy hiểm
Theo mục sư Lưu, mọi thứ sắp bị hạn chế hơn nữa. “Các Biện pháp Quản lý Dịch vụ Tin tức Tôn giáo Trên Internet sẽ được thực hiện kể từ ngày 01/03/2022,” ông nói. “Luật này nghiêm cấm bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào thực hiện các hoạt động tôn giáo trực tuyến, và ngay cả nội dung tôn giáo cũng bị cấm đăng lại. Điều này sẽ càng thu hẹp không gian cho các hoạt động tôn giáo.”
Báo cáo của Open Doors cho biết: “Tình hình của các tín đồ Cơ Đốc đã trở nên tồi tệ trên khắp cả nước. Có tin tức đưa rằng các công dân đang được thưởng tiền để tiết lộ thông tin về các tín đồ Cơ Đốc và các nhóm thiểu số khác cho chính quyền. Điều này phản ánh quyết tâm của Đảng Cộng Sản trong việc kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống.”
Ông Lưu cho biết các tín đồ Cơ Đốc đang gặp nguy hiểm ngay cả ở Hồng Kông. Ông nói: “Tự do tôn giáo ở Hồng Kông đã bị kìm hãm nghiêm trọng dưới cái gọi là Luật An ninh Quốc gia,” khi đề cập đến luật do Bắc Kinh áp đặt từ tháng 06/2020, vốn hạn chế đáng kể quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội nhóm trong thành phố.
“Nhiều mục sư ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông đã chạy sang lưu vong ở Đài Loan hoặc các nước khác, trong khi các tổ chức tôn giáo yêu nước vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.”
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa Hồng Kông sẽ thể hiện giống Trung Quốc đại lục hơn, và các tổ chức tôn giáo của thành phố này cũng vậy. Ngay cả Hồng Kông cũng sẽ đàn áp Pháp Luân Công và bất kỳ tổ chức tôn giáo nào khác bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc gọi là ‘tà giáo.’”
Câu chuyện về một trong những tín đồ Cơ Đốc nổi tiếng nhất Trung Quốc cho thấy mọi thứ có thể trở nên nguy hiểm như thế nào. Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) đã cải đạo sang Cơ Đốc Giáo vào năm 2005 sau khi bào chữa cho một người đàn ông bị bỏ tù vì in Kinh Thánh mà không có giấy phép.
Vốn nổi tiếng với việc bào chữa cho các nhà hoạt động, các học viên Pháp Luân Công, và lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền, năm 2006 ông Cao xuất bản cuốn sách “Một Trung Quốc công bằng hơn”, từ bỏ tư cách đảng viên Đảng Cộng Sản và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008.
Ông Cao đã bị bỏ tù trong nhiều năm, và khi được trả tự do, ông cho biết đã bị cảnh sát mật Trung Quốc tra tấn dã man. Hồi tháng 08/2017, ông Cao đã mất tích và hiện vẫn chưa rõ ông đang ở đâu.
Ông Lorenzo Puertas là một phóng viên tự do đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Ông là một người học hỏi lâu năm về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, có bằng y học cổ truyền Trung Quốc và bằng triết học tại Đại học California, Berkeley.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: