Tin Covid-19 thế giới sáng 28/7: Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dương tính virus Vũ Hán
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số hơn 4,4 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 150.000 ca tử vong.
Theo CNBC, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien nhiễm Covid-19 sau một sự kiện gia đình và đang tự cách ly tại nhà. Ông O’Brien đã không xuất hiện ở văn phòng từ tuần trước và ông vẫn điều hành Hội đồng An ninh Quốc gia qua điện thoại.
Nhà Trắng cũng đã xác nhận, ông có một số triệu chứng nhẹ của Covid-19, khẳng định TT Trump và Phó tổng thống Mike Pence không có nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán.
Ông O’Brien, 54 tuổi, nguyên là đặc phái viên chuyên trách giải cứu con tin được TT Trump chỉ định làm Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ từ tháng 9 năm 2019 thay cho ông John Bolton. Giới quan sát nhận định rằng ông O’brian là người có quan điểm rất cứng rắn trong đối sách với Trung Quốc.
Hơn 1 triệu y bác sĩ ở Brazil kêu gọi quốc tế điều tra TT Bolsonaro
Công đoàn đại diện hơn 1 triệu y bác sĩ Brazil hôm 27/7, gửi hồ sơ kêu gọi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra cách thức mà chính quyền ông Bolsonaro ứng phó Covid-19.
Trong hồ sơ có đoạn cáo buộc chính quyền đã phạm tội cẩu thả trong xử lý đại dịch Covid-19, đe dọa mạng sống của nhân viên y tế và người dân Brazil. Đây là vụ kiện đầu tiên nhằm vào một chính phủ do thất bại trong quản lý y tế công cộng dẫn tới lượng lớn người tử vong và bị bệnh.
Theo ông Marcio Monzane, đại diện công đoàn UNI Americas, tổ chức dẫn đầu vụ kiện, cho rằng chính quyền Bolsonaro phải chịu trách nhiệm vì “cách ứng phó nhẫn tâm trong đại dịch”.
Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng số hơn 2,4 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 87.000 ca tử vong.
Châu Âu sẽ phải chuẩn bị ứng phó làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trong bối cảnh tình trạng bùng phát dịch liên tục làm gia tăng ở nhiều nơi. Viễn cảnh tái áp đặt các biện pháp hạn chế là điều có thể xảy ra, trong khi hàng triệu người đang di chuyển trên khắp lục địa này cho kỳ nghỉ hè.
Đức chỉ định xét nghiệm bắt buộc với người đến từ 130 quốc gia
Ngày 27/7, Đức công bố kế hoạch xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với những người đi nghỉ mát quay về từ những nước có nguy cơ cao để ngăn dịch lây lan. Đức đã chỉ định 130 quốc gia có nguy cơ cao trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Mỹ.
Trong khi đó, vùng Catalonia của Tây Ban Nha có thể cũng sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu không kiểm soát được các đợt bùng phát mới trong vòng 10 ngày.
Trung Quốc xây bệnh viện dã chiến 2000 giường tại Hồng Kông
Trung Quốc sẽ xây một bệnh viện dã chiến khẩn cấp ở Hồng Kông trong bối cảnh ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại đặc khu này tăng nhanh.
Tổng thư ký Hành chính Hồng Kông, ông Matthew Cheung hôm 27/7 cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ xây một “bệnh viện dã chiến” khẩn cấp khoảng 2.000 giường bệnh ở Hồng Kông.
Hồng Kông là một trong những nơi đầu tiên Covid-19 bùng phát sau khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc song đã kiểm soát khá tốt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong tháng qua, số ca nhiễm ở Hồng Kông tăng vọt và các biện pháp cách biệt cộng đồng từng phần dường như không thể ngăn làn sóng gia tăng ca nhiễm mới.
Hơn 1.000 ca được xác nhận từ đầu tháng 7 đến nay, chiếm hơn 40% tổng số ca nhiễm từ khi virus xuất hiện tại thành phố hồi tháng 1. Hồng Kông hiện ghi nhận hơn 2.600 ca nhiễm với 19 trường hợp tử vong.
Indonesia vượt 100.000 ca nhiễm sau 1 tháng thiết lập ‘bình thường mới’
Các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại Indonesia có nguy cơ mất kiểm soát khi tổng số ca mắc viêm phổi Vũ Hán tại nước này đã vượt mốc 100.000 trường hợp vào ngày 27/7, với hơn 4.800 ca tử vong.
Con số tăng đột biến chỉ một tháng sau khi nước này nới lỏng giãn cách xã hội và thiết lập trạng thái ‘bình thường mới’. Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại con số trên thực tế có thể còn cao hơn bởi Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán thấp nhất thế giới.
Hiện đã có 34/34 tỉnh thành của xứ vạn đảo có trường hợp mắc viêm phổi Vũ Hán, kể cả những nơi xa xôi hẻo lánh như quần đảo Maluku hay Papua ở cực đông. Hội Chữ thập đỏ Indonesia ngày 27/7 đã phải lên tiếng cảnh báo đại dịch đang có nguy cơ “vượt tầm kiểm soát” tại Indonesia.
Tổ chức này cho biết đang nỗ lực tuyên truyền người dân thay đổi thói quen thường ngày, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang cùng với vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh lây nhiễm.