Tìm tương lai lạc quan của Hoa Kỳ trong quá khứ của chúng ta
Vào những năm 1770, Anh Quốc là đế chế lớn mạnh nhất hành tinh. Ý tưởng rằng 13 thuộc địa bằng cách nào đó có thể thách thức về mặt quân sự đối với Anh Quốc là điều gần như không thể hình dung được, chứ chưa nói đến việc đánh bại.
Tuy nhiên, vào đầu năm 1775, những người dân ở thuộc địa nhận ra rằng mối quan hệ của họ với Anh Quốc cần phải thay đổi đáng kể và xung đột có thể nổ ra là một hệ quả. Khi đó sự thay đổi sẽ như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.
Một số người chủ trương độc lập. Nhưng những người khác nghĩ rằng có những lựa chọn khác. Thật vậy, cho đến tận năm 1775, không ai khác ngoài ông Thomas Jefferson tin rằng có khả năng Anh Quốc và các thuộc địa sẽ đi đến một thỏa thuận để giữ các thuộc địa trong đế chế Anh.
Mặc dù vậy, những người dân thuộc địa đã biết một điều gì đó lớn lao đang đến. Họ chỉ không biết chính xác điều đó sẽ như thế nào.
Tất nhiên, câu trả lời là cuộc cách mạng — và sự độc lập.
Về cốt lõi, cuộc cách mạng Mỹ không phải là về quyền đánh thuế; mà là về việc liệu những người thuộc địa có được tự do hay không.
Trước khi những Nhà Lập Quốc tuyên bố độc lập, các xã hội đã được tổ chức theo hệ thống phân cấp từ trên xuống. Quyền lực bắt đầu ở cấp cao nhất với một vị vua hoặc một số nhà lãnh đạo khác và phân chia tầng thứ xuống đến giới quý tộc và rồi mới tới thường dân.
Nhưng các Nhà Lập Quốc đọc [các tác phẩm] của các nhà tư tưởng Thời kỳ Khai sáng, từ ông Locke đến ông Montesquieu, và có cách hiểu ngược lại về triết học chính trị. Họ phản đối sự phân cấp [từ trên xuống]. Họ tin rằng các xã hội tự nhiên đi theo hướng từ dưới lên, với quy luật tự nhiên quyết định dòng chảy đó, chứ không phải quyền lực và thẩm quyền.
Nói cách khác, chủ quyền và quyền lực đến từ người dân, những người này ủy nhiệm một số quyền hạn cho các nhà lãnh đạo. Nhưng giá trị căn bản luôn là sự tự do.
Không giống như ở Âu Châu, nơi đầy những xã hội phân cấp [từ trên xuống], những người dân thuộc địa sống theo tư duy Khai sáng. Thật vậy, người Anh đã để cho họ tự dựa vào chính mình để tìm đường đến Thế Giới Mới.
Kết quả là, những người dân thuộc địa tự cai trị một cách độc lập, áp dụng theo những gì họ đọc được trong triết học Khai sáng. Ví dụ, tất cả 13 thuộc địa đã thành lập các cơ quan lập pháp của riêng họ, mặc dù dưới cái bóng của chủ nghĩa đế quốc Anh. Họ không có lý do gì để làm điều này trừ khi họ coi trọng quyền tự cai trị.
Tôi bàn luận về dòng lịch sử này khi suy ngẫm về tầm quan trọng của Ngày Độc Lập trên podcast của tôi “Newt’s World” hồi tháng 07/2021. Khách mời của tôi là một trong những nhà sử học lỗi lạc nhất của quốc gia, ông Allen Guelzo. Một người bạn lâu năm và là một tác giả có sách bán chạy nhất, ông Allen là giám đốc của Chương trình Sáng kiến James Madison về Chính trị và Kỹ thuật Quản trị nhà nước, ông cũng là học giả có kinh nghiệm trong Hội đồng Nhân văn tại Đại học Princeton.
Như ông Allen giải thích với tôi, vào giai đoạn 1765–1775, trước cuộc cách mạng, những người thuộc địa đã “tạo ra thế giới của riêng họ” — một thế giới khá giống với thí nghiệm về tư tưởng được mô tả trong các tác phẩm của các nhà triết học Khai sáng.
Ông Allen cũng nêu chi tiết về việc, vài thập kỷ sau cuộc cách mạng, một nhà sử học trẻ tuổi đã hỏi một cựu đại úy quân đội tại sao ông ta và những người dân thuộc địa khác lại chiến đấu chống người Anh tại Lexington và Concord. Câu trả lời của vị cựu đại úy rất đơn giản: Chúng tôi luôn tự chủ, và họ muốn rằng chúng tôi không nên làm như vậy.
Những người dân thuộc địa từ chối chấp nhận một hệ thống mà theo đó họ sẽ bị quản trị bởi những quan chức vô danh ở London.
Người Mỹ là duy nhất trong lịch sử có phương thức tiếp cận về quản trị mà tôi dám nói là biệt lệ. Và điều này phần lớn do văn hóa quyết định hơn bất cứ điều nào khác.
Điều quan trọng là phải ghi nhớ lịch sử này, ngay cả đã 245 năm sau khi những Nhà Lập Quốc tuyên bố độc lập. Ngày nay, nhiều người Mỹ bi quan về tương lai của đất nước mình — và với lý do chính đáng. Nhưng nhìn vào toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ, thật khó để không trở thành một người lạc quan. Những Nhà Lập Quốc đã bền chí làm nên một cuộc cách mạng, ông Lincoln đã nhẫn chịu cuộc nội chiến, và tất cả họ vẫn luôn lạc quan về đất nước này như là niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng của nhân loại.
Như ông John Adams đã dự đoán, độc lập của Mỹ sẽ là “kỷ nguyên đáng nhớ nhất” trong lịch sử đất nước, được kỷ niệm trong nhiều thế hệ như một ngày của “tự do”. Người dân Mỹ nên tiếp tục chứng minh là ông đã đúng.
Từ Gingrich360.com.
Tác giả Newt Gingrich, một đảng viên Đảng Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ Viện từ năm 1995 đến năm 1999 và là ứng cử viên tranh cử tổng thống vào năm 2012
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Newt Gingrich thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: