Tìm kiếm nhịp điệu bản thân, để mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn
Xin chào bạn! Ngày hôm nay của bạn thế nào? Đúng hơn là, mỗi ngày của bạn ra sao?
Từng đêm, mỗi khi ngả đầu lên chiếc gối êm ái, bạn cảm thấy hài lòng hay thất vọng với cách mình đã dùng thời gian và sức lực?
Cách chúng ta hoạt động trong một ngày thường có sự khác biệt giữa mong muốn và thực tế; chúng ta có động lực hơn, lập kế hoạch khắt khe, đặt báo thức sớm hơn, và cố gắng thúc đẩy bản thân đạt được những thay đổi to lớn. Tuy nhiên, cách làm tận lực, ôm đồm này thường không được lâu dài.
Mọi chuyện sẽ chuyển biến hài hòa hơn khi bạn quan tâm đến nhịp điệu trong một ngày của bản thân.
Nhịp điệu hấp dẫn hằng ngày có thể khiến bạn cảm thấy vừa thanh thản thoải mái lại vừa tràn đầy động lực, đem lại cảm giác thân thuộc và gắn kết với thực tại cũng như tương lai.
Để tìm được nhịp điệu của bản thân, hãy lắng nghe những nhịp điệu nội tại của tự nhiên.
Lấy ví dụ, giáo viên tại các lớp mầm non dạy theo phương pháp Waldorf/ sẽ thực hành triết lý nhịp điệu tuần hoàn, được mô phỏng tương tự những nhịp thở. Các hoạt động của học sinh được sắp xếp xen kẽ giữa vui chơi và nghỉ ngơi với học tập và sáng tạo.
Người lớn luôn hướng đến năng suất và mức độ hoàn thành công việc, bởi vậy một ngày của chúng ta thường tựa /một hơi hít vào rất dài – chúng ta thúc ép bản thân phải hoàn thành “tất cả mọi việc” cho đến khi kiệt sức. Và đến khi thở ra thì năng lượng của chúng ta đã cạn kiệt, mặc dù lúc đó mới chỉ là thời gian của nửa ngày.
Từng ngày, từng tuần, từng mùa, và trong chính cuộc sống của chúng ta đều có nhịp điệu. Chúng ta có thể hòa hợp hoặc lạc nhịp với những âm điệu đó.
Tương tự như triết lý Waldorf/ lấy cảm hứng từ sự lên xuống nhịp nhàng của hơi thở, chúng ta cũng có thể xem xét chu kỳ năng lượng và chu kỳ giấc ngủ của mình, thậm chí là cả các mùa trong năm để tạo ra những nhịp điệu mà ta sẽ duy trì mỗi ngày.
Thấu hiểu bản thân
Bước đầu tiên để tìm ra nhịp điệu của bạn chính là lắng nghe bản thân, nguồn năng lượng, và đồng hồ sinh học nội tại, hay còn gọi là nhịp điệu sinh học.
Khoảng thời gian nào bạn cảm thấy tinh thần sung mãn nhất trong ngày? Khi nào bạn cảm thấy rã rời mệt mỏi nhất? Khung giờ bạn muốn tập thể dục là khi nào? Lượng thời gian ngủ lý tưởng của bạn là bao lâu? Khi nào bạn cảm thấy ý tưởng dồi dào nhất? Khoảng thời gian nào bạn muốn nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng?
Hiểu được sự thay đổi cao- thấp tự nhiên của năng lượng trong ngày có thể giúp bạn sắp xếp thời gian hiệu quả, giúp điều chỉnh các hoạt động sao cho hài hòa với cơ thể. Nếu bạn là người thích dậy sớm, hãy sắp xếp công việc trí óc vào buổi sáng khi tâm trí bạn minh mẫn nhất. Thu xếp những công việc ít cần đến hoạt động não hơn vào buổi chiều, chẳng hạn như giặt giũ và dọn dẹp, như vậy sẽ giúp bạn tận dụng tốt thời gian của mình trong khi vẫn để bộ não được nghỉ ngơi. Và nếu bạn mệt tới mức không thể giặt giũ được? Có lẽ đã đến lúc bạn nên chợp mắt một chút.
Quan sát nhịp điệu tự nhiên của cơ thể một cách khách quan sẽ giúp bạn có một ngày làm việc trôi chảy và hiệu quả hơn rất nhiều.
Điều chỉnh những kỳ vọng
Một trong những lý do khiến việc quản lý thời gian không hiệu quả, trái với mong muốn là do những kỳ vọng của chúng ta không thực tế. Chúng ta thường đặt kỳ vọng quá cao về những điều có thể làm trong một ngày, nhưng lại đánh giá thấp những gì có thể thực hiện được trong một năm.
Khi bạn điều chỉnh những công việc phù hợp với nhịp điệu hằng ngày của mình, hãy thay đổi cả các kỳ vọng của bạn. Việc đi bộ 10 phút mỗi ngày sẽ tốt hơn là 45 phút mỗi tuần. Viết một trang sách mỗi ngày, và đến cuối năm, bạn sẽ viết được 365 trang.
Hãy cho bản thân một khoảng thời gian ngơi nghỉ và trân trọng với những thành quả nhỏ nhất. Hãy đặt mục tiêu vào sự kiên trì hàng ngày thay vì tập trung vào khối lượng công việc.
Dòng chảy của một tuần
Bạn cũng có thể xem lại một tuần của bạn trôi qua như thế nào.
Thông thường một tuần sẽ bắt đầu từ Thứ Hai; Thứ Hai được xem là ngày “lên dây cót” và quay trở lại trạng thái làm việc. Ngày thứ Ba có thể vô cùng năng suất sau khi đã có sự chuẩn bị của ngày hôm trước. Thứ Tư và thứ Năm dần trôi qua và bạn mong muốn hoàn tất mọi việc vào thứ Sáu. Ngày thứ Sáu, bạn bắt đầu thả lỏng chuẩn bị cho cuối tuần. Và khoảng thời gian cuối tuần là thời điểm dành cho gia đình, bạn bè, thư giãn với thú vui bản thân, và nạp lại năng lượng.
Một tuần của bạn có thể khác xa so với khuôn mẫu trên đây, nhưng bất kể nó diễn ra như thế nào, hãy luôn chú tâm và sắp xếp công việc một cách hài hòa.
Chuyển đổi theo các mùa
Mỗi mùa trong năm cũng có thể khơi dậy những xúc cảm khác nhau. Cái giá lạnh của mùa đông khiến chúng ta muốn ở nhà nhiều hơn, cùng nhau nhâm nhi tách trà bên lửa ấm, và bổ sung năng lượng. Đây có thể là khoảng thời gian tuyệt vời để đọc những cuốn sách mà bạn ưa thích, hoặc tham gia một khóa học trực tuyến mà bạn đang cân nhắc.
Ngược lại, mùa hè là khoảng thời gian vui vẻ, ngập tràn ánh nắng cùng các hoạt động thể chất. Đây là lúc bạn có thể tăng cường tập thể thao, hiện thực hóa một dự án, hoặc gặp gỡ những người thân yêu.
Vào mùa xuân, chúng ta ấp ủ những dự định, lập kế hoạch, và phát triển bản thân để chuẩn bị cho những kế hoạch trong tương lai. Khi mùa thu đến, chúng ta thu thập và gói ghém mọi thứ, gặt hái những thành quả lao động của mình.
Mỗi một mùa đều đem đến các bài học về cách sử dụng thời gian và sức lực một cách hiệu quả.
Bởi vậy, nếu như một ngày của bạn diễn ra không như mong đợi, hãy quan sát và lắng nghe thiên nhiên để điều chỉnh nhịp điệu bản thân hòa hợp cùng vạn vật.
Tác giả Barbara Danza là một người mẹ đã có hai con, có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô chú trọng những thách thức và cơ hội nuôi dạy con trong thời hiện đại; và những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: