Tìm hiểu về Hiến Pháp: Tại sao ông Joe Biden Sai khi nghĩ rằng Tu chính án thứ Chín bảo vệ việc phá thai
Tổng thống Joe Biden gần đây đã tái khẳng định quan điểm bấy lâu nay của ông rằng Tu chính án thứ Chín của Hiến Pháp bảo vệ việc phá thai và ông muốn các tòa án thực thi điều khoản đó.
Mặc dù việc phá thai không được đề cập trong Hiến Pháp, nhưng ông Biden là một trong số nhiều người tuyên bố Tu chính án thứ Chín bảo vệ các quyền chưa được định rõ. Trong vụ án nổi tiếng năm 1965 của Tối cao Pháp viện về “sự phát sinh và vùng tối”, phe đa số các chính trị gia theo phái tự do đã đề nghị — mặc dù không thực sự ra phán quyết — rằng Tu chính án thứ Chín bảo vệ quyền riêng tư chưa được ghi rõ (pdf). Ở những nơi khác trên phạm vi chính trị, một số người cho rằng Tu chính án thứ Chín bảo vệ các quyền kinh tế.
Tất cả đều sai. Lỗi của họ xuất phát từ việc không hiểu nền tảng của Tu chính án thứ Chín và không quen với sự thay đổi bằng cách can thiệp trong ngôn ngữ tiếng Anh.
Tu chính án thứ Chín có nội dung như sau:
“Việc liệt kê trong Hiến Pháp, về một số quyền nhất định, sẽ không được hiểu là phủ nhận hoặc hạ thấp những quyền khác mà công dân đang có.”
Dịch từ Anh ngữ trang trọng của thế kỷ 18 sang Anh ngữ thông tục của thế kỷ 21, điều đó có nghĩa là:
Allo! Độc giả! Hiến Pháp này trao cho liên bang một số quyền hạn cụ thể. Để biết sức mạnh của mỗi quyền đó tới đâu, hãy kiểm tra các từ ngữ được dùng. Hiến Pháp này cũng có những ngoại lệ chung giới hạn tất cả hoặc một số quyền hạn. Đừng quá cố gắng tập trung vào các trường hợp ngoại lệ mà quên mất các giới hạn trong văn bản gốc!
Trước khi tôi giải thích cách chúng ta đến với phiên bản dân dã đó, hãy xem xét ba điều:
• Quyền hạn của liên bang bị giới hạn bởi cách diễn đạt về các quyền được cấp ban đầu và các trường hợp ngoại lệ áp dụng rộng rãi cho tất cả hoặc nhiều quyền đã cấp đó.
• Tu chính án này yêu cầu người đọc phải tính đến cả hai loại giới hạn — không chỉ các trường hợp ngoại lệ.
• Tu chính án thứ Chín là một hướng dẫn cho người đọc, không phải là một thay đổi căn bản trong Hiến Pháp. Về mặt này, nó giống như Tu chính án thứ Mười và thứ Mười Một. Các luật sư gọi hướng dẫn như vậy là “quy tắc xây dựng”. (Lưu ý rằng cụm từ ‘tu chính’ là “sẽ không được hiểu là.”)
Các giới hạn từ văn bản gốc
Hiến Pháp trao nhiều quyền hạn cho chính phủ liên bang, cho các quan chức và cơ quan của nó. Danh sách quyền hạn nổi tiếng nhất nằm trong Điều I, Phần 8, nhưng có nhiều quyền hạn khác nằm rải rác trong Hiến Pháp.
Nói chung, khi quý vị giao cho ai đó quyền lực để làm điều gì đó, quý vị sẽ giới hạn quyền hạn của họ. Giả sử quý vị nói với một đại lý bất động sản, “Hãy tìm người mua ngôi nhà của tôi.” Quý vị vừa cấp quyền đại lý để tìm người mua nhà. Nhưng quý vị đã không trao quyền cho đại lý để tìm người mua xe hơi của quý vị. Các từ ngữ sử dụng nói về quyền được cấp xác định các giới hạn của nó.
Dưới đây là minh họa từ Hiến Pháp: Quốc hội được giao quyền “điều chỉnh Thương mại … giữa một số Tiểu bang”. Các hồ sơ từ thời kỳ lập pháp cho chúng ta biết rằng “Thương mại” không đề cập đến toàn bộ nền kinh tế, mà chỉ xác định thương mại hàng hóa và một số hoạt động liên quan. Sản xuất, bất động sản và nông nghiệp đều bị loại trừ (pdf). Ngoài ra, cụm từ “giữa một số Tiểu bang” cho chúng ta biết rằng quyền được cấp không bao gồm thương mại hoàn toàn nằm trong một tiểu bang. Một lần nữa, các từ ngữ xác định các giới hạn.
Hầu hết những người xây dựng Hiến Pháp đều coi những giới hạn này là biện pháp bảo vệ chính yếu của văn bản này đối với quyền tự do. Nhưng họ cũng thêm một vài ngoại lệ. Ví dụ: họ đã “đục lỗ” trong thẩm quyền của Quốc hội trong việc điều chỉnh thương mại và áp thuế bằng cách tuyên bố rằng Quốc hội không thể ưu đãi một số cảng hàng hải này hơn những cảng khác (Điều I, Mục 9, Khoản 6).
Các nhà chỉ trích nói “Như vậy vẫn là có quá nhiều quyền hạn!”
Vào ngày 17/09/1787, những nhà lập pháp đã công bố bản dự thảo Hiến Pháp cho công chúng. Bản dự thảo này đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối khác nhau. Tuy nhiên, một chủ đề chung là Hiến Pháp trao quá nhiều quyền hạn cho chính quyền trung ương.
Các nhà chỉ trích — ông Patrick Henry trong số họ — yêu cầu các ngoại lệ bổ sung đối với cơ quan liên bang. Họ muốn có những ngoại lệ để bảo vệ các quyền tự nhiên, chẳng hạn như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Họ cũng muốn được bảo vệ cho những “đặc quyền” (lợi ích do chính phủ tạo ra) được trân trọng từ lâu, chẳng hạn như xét xử bởi bồi thẩm đoàn và đặc quyền chống lại sự tự buộc tội.
Những người chỉ trích này đã chỉ ra rằng một số hiến pháp tiểu bang có danh sách các trường hợp ngoại lệ tương tự. Những danh sách đó được gọi là “các luật về quyền và đặc quyền” —hoặc (gọi tắt) là “các luật về quyền”.
Những người ủng hộ Hiến Pháp: ‘Tuyên ngôn Nhân quyền có thể trở nên nguy hiểm!’
Hầu hết những người ủng hộ Hiến Pháp không nghĩ rằng một dự luật về quyền là cần thiết. Họ nghĩ rằng các giới hạn trong quyền hạn được liệt kê đã cung cấp đủ sự bảo vệ. Họ cũng cho rằng việc thêm vào danh sách các trường hợp ngoại lệ có thể nguy hiểm. Lý do của họ xuất phát từ hai hướng dẫn tiêu chuẩn mà tòa án và luật sư sử dụng để giải thích các văn bản pháp luật.
Nguyên tắc đầu tiên trong số các nguyên tắc này là nếu một mục bị bỏ qua khỏi danh sách, thông thường bạn có thể cho rằng việc bỏ sót là cố ý và mục đó sẽ bị loại trừ. Bằng cách minh họa, hãy tưởng tượng vợ/chồng của quý vị nói quý vị đến cửa hàng cùng với danh sách mua sắm. Danh sách viết:
Bánh mỳ
Đậu phộng
Trái cây
Xà lách
Những từ gợi ý một giới hạn: Nếu trái với phong tục gia đình, quý vị không cần phải mua thịt.
Hướng dẫn thứ hai là một biến tấu của hướng dẫn đầu tiên. Vẫn áp dụng cho danh sách — cụ thể là danh sách các trường hợp ngoại lệ. Hướng dẫn nó nói rằng các trường hợp ngoại lệ làm tăng niềm tin của quý vị vào quy tắc chung. Giả sử danh sách có nội dung:
Bánh mỳ
Đậu phộng
Trái cây
Xà lách, nhưng không phải xà lách romaine hoặc rau diếp lá
Các trường hợp ngoại lệ đối với rau diếp lá và xà lách romaine làm tăng sự tin tưởng của quý vị rằng quý vị có thể mua bất kỳ loại rau diếp nào khác. Trong ngôn ngữ thông thường, “Ngoại lệ chứng minh quy tắc.”
Những người ủng hộ Hiến Pháp — ông James Madison trong số họ — đã chỉ ra rằng một danh sách dài các trường hợp ngoại lệ đối với thẩm quyền của chính phủ liên bang (tức là dự luật về quyền) có thể thúc đẩy ý tưởng rằng chính phủ liên bang có thể điều chỉnh mọi thứ không có trong danh sách đó. Ví dụ: một lệnh cấm cụ thể về kiểm soát báo chí có thể khuyến khích các tòa án mở rộng quyền hạn của Quốc hội để bao gồm quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp không phải báo chí. Một luật sư của chính phủ có thể lập luận rằng việc bổ sung luật về quyền đã thực sự mở rộng thẩm quyền của Quốc hội ở những nơi khác.
Theo cách này, những người ủng hộ Hiến Pháp lập luận, luật về quyền có thể gây nguy hiểm cho các giới hạn khác của Hiến Pháp đối với chính phủ liên bang.
Biện pháp để ngăn chặn nguy hiểm
Tuy nhiên, để được phê chuẩn Hiến Pháp, các nhà lập pháp đã phải hứa một dự luật về quyền. Sau đó, họ phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để thêm dự luật về quyền trong khi vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của các giới hạn khác của văn bản về quyền lực?
Một gợi ý đến từ hội nghị phê chuẩn Virginia, nơi đã chứng kiến cuộc tranh luận giữa những người chỉ trích như ông Henry và những người ủng hộ như ông Madison.
Hội nghị đã chính thức chuẩn y rằng “những điều khoản tuyên bố rằng Quốc hội sẽ không được thực hiện một số quyền hạn nhất định, sẽ không được giải thích, theo bất kỳ cách nào, để mở rộng quyền hạn của Quốc hội; nhưng chúng được hiểu là đưa ra các ngoại lệ đối với các quyền hạn được chỉ định trong trường hợp này, hoặc nếu không, như được đưa thêm vào chỉ là để thận trọng hơn.”
Hãy xem xét từ, “được hiểu là:” Mục đích của gợi ý này không phải để thay đổi ý nghĩa của Hiến Pháp, mà là cách nó “được hiểu”.
Sau [hội nghị] Virginia, bốn hội nghị tiểu bang khác đã phê chuẩn Hiến Pháp: New York, North Carolina, Rhode Island và Vermont. Cả bốn tiểu bang này đều đề nghị cụm từ tương tự.
Vào ngày 08/06/1789, ông Madison đưa ra dự luật về quyền theo đề nghị của mình trong Quốc hội liên bang mới, trong đó có đoạn viết này:
“Các ngoại lệ ở văn bản này hoặc ở bất kỳ chỗ nào khác trong hiến pháp, được đưa ra có lợi cho một quyền cụ thể, sẽ không được hiểu là làm giảm tầm quan trọng chính đáng của các quyền khác mà người dân đang có; hoặc để mở rộng quyền hạn được hiến pháp cho phép; đó chỉ là giới hạn thực tế của các quyền hạn đó, hoặc chỉ là được đưa thêm vào để thận trọng hơn.”
Sự thay đổi trong Anh ngữ
Lưu ý rằng không giống như năm nghị quyết của tiểu bang, dự thảo của ông Madison đề cập đến “quyền” cũng như “quyền hạn” [rights vs. powers]. Điều đó có đáng kể không? Không hẳn vậy. Ông Madison, giống như nhóm còn lại của chúng ta, đôi khi lặp lại chính mình, và đó là những gì ông ấy đã làm ở đây.
Ngày nay, chúng ta thường phân biệt giữa “quyền” (do người dân nắm giữ) và “quyền lực” (do các cơ quan và chính phủ nắm giữ). Nhưng vào thế kỷ 18, hai từ này thường được hoán đổi cho nhau. Do đó, định nghĩa về “quyền” trong từ điển năm 1789 của Thomas Sheridan bao gồm “sự quan tâm; quyền lực, đặc quyền; quyền miễn trừ, đặc quyền.” Mọi người thường nói về việc trao “quyền” cho chính phủ. Ngôn ngữ của chúng ta lưu lại dấu vết của cách sử dụng này, như khi chúng ta nói, “Tổng thống có quyền phủ quyết một đạo luật” – nghĩa là quyền lực được phủ quyết một đạo luật.
Quốc hội đã cô đọng và tinh chỉnh bản dự thảo của ông Madison. Họ giải quyết tình trạng dư thừa bằng cách giữ “quyền” và bỏ đi từ “quyền lực”. Họ có thể bỏ đi “quyền” và giữ “quyền lực” sẽ có cùng một tác dụng.
Bên cạnh cách sử dụng Anh ngữ từ thế kỷ 18, còn có thêm bằng chứng cho thấy ngôn ngữ cuối cùng đề cập đến “quyền” có nghĩa giống như các nghị quyết của công ước tiểu bang đề cập đến “quyền hạn”.
Đầu tiên, chính ông Madison đã nói như vậy. Khi ông Edmund Randolph phản đối Tu chính án thứ Chín vì nó đề cập đến “quyền” thay vì “quyền hạn”, ông Madison đã viết rằng ông có thể “không thấy sức mạnh của sự khác biệt này,” và việc hạn chế quyền hạn và bảo vệ quyền cũng giống như vậy. Thứ hai, không có tiểu bang nào đề nghị các nghị quyết về “quyền lực” phản đối cách diễn đạt của Tu chính án thứ Chín; trái lại, tất cả họ đều phê chuẩn nó.
Bỏ qua Tu chính án thứ Chín
Trong lịch sử, các sửa đổi hiến pháp là công cụ cải cách mạnh mẽ. Chỉ ngoại trừ Tu chính án số Mười Tám (đã chính thức bị bãi bỏ), mọi sửa đổi từng được thông qua vẫn giữ được ít nhất một số hiệu lực cho đến ngày nay. Ngoại trừ Tu chính án thứ Chín.
Những lo sợ của những người phản đối luật nhân quyền đã trở thành sự thật. Bắt đầu từ những năm 1930 và 1940, Tối cao Pháp viện đã bỏ qua Tu chính án thứ Chín và mở rộng quyền hạn được quy định của chính phủ liên bang để bao gồm hầu hết tất cả các hoạt động không được bảo vệ cụ thể trong tám tu chính án đầu tiên. (Xem loạt bài của tôi trên Epoch Time Việt Ngữ, “Tối cao Pháp viện đã viết lại Hiến Pháp như thế nào.”)
Ông Biden đã đúng rằng tòa án nên khôi phục Tu chính án thứ Chín. Thực chất thì tu chính án này không bảo vệ việc phá thai, như ông ta tuyên bố; đúng hơn, nó sẽ giảm quyền hạn của chính phủ liên bang xuống các giới hạn hiến pháp. Tôi không nghĩ rằng tổng thống sẽ quan tâm nhiều đến điều này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp và là nhà sử học hiến pháp. Ông là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015). Cuốn sách đó bao gồm những thảo luận rộng hơn về Tu chính án thứ Chín.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: