Tìm hiểu về hệ nội tiết của bạn
Hệ nội tiết gồm có nhiều thành phần, nhiều chất hóa học và cách thức hoạt động tinh tế.
Hormone có vẻ không phải là một vấn đề lớn, cho đến khi cơ thể chúng ta có những thay đổi lớn. Bạn hãy nghĩ về những thời điểm cột mốc trong đời như dậy thì, mãn kinh, mang thai v.v… được đánh dấu bằng những biến đổi thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Hệ nội tiết chịu trách nhiệm về những biến động này. Tuy nhiên, phần lớn thời gian còn lại, hệ nội tiết đảm nhận trách nhiệm cho những mối quan tâm thường xuyên hơn, chẳng hạn như chu kỳ giấc ngủ của bạn, quá trình sửa chữa mô của bạn và ổn định lượng đường trong máu của bạn.
Đề cập đến hệ nội tiết, hầu hết chúng ta đều đã nghe nói đến một vài tuyến nội tiết và một số hormone, chẳng hạn như testosterone, estrogen và cortisol.
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu rõ ràng về cách mà hệ cơ quan này hoạt động ra sao.
Có rất nhiều điều cần biết về hệ thống nội tiết. Có nhiều thành phần, nhiều chất hóa học và một khám phá tương đối gần đây giải thích cách thức hoạt động của hệ cơ quan này.
Các tuyến nội tiết
Hệ nội tiết bao gồm khoảng 50 hormone, được sản xuất bởi các cơ quan được gọi là các tuyến nội tiết, bao gồm: tuyến yên, tuyến tùng, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến ức, tuyến tụy và tuyến thượng thận, cũng như tuyến nội tiết giới tính như tinh hoàn và buồng trứng.
Cơ thể của bạn còn có các tuyến khác, nhưng chỉ những tuyến được liệt kê ở trên là thành phần của hệ nội tiết. (Các tuyến còn lại, chẳng hạn như tuyến mồ hôi và tuyến lệ thuộc về hệ thống ngoại tiết. Hệ thống bạch huyết cũng có các tuyến riêng của nó.)
Các tuyến nội tiết là những cơ quan không có ống dẫn và hormone được sản xuất ra sẽ trực tiếp đổ vào máu. Bạn có thể coi hormone là phương tiện giao tiếp mà các tuyến nội tiết dùng để xây dựng và điều hòa các chức năng của cơ thể. Hormone thường được gọi là “sứ giả hóa học” sẽ hướng dẫn các bộ phận khác nhau của cơ thể thực hiện những hoạt động cần thiết vào đúng thời điểm. Hầu hết các hoạt động giao tiếp này diễn ra âm thầm nên chúng ta cũng không cần phải nghĩ quá nhiều về nó. Bạn chỉ cần tưởng tượng tất cả những sứ giả hóa học này đi qua máu của bạn để thông báo cho các bộ phận cơ thể khác nhau phải làm gì và làm vào lúc nào. Hormone hướng dẫn quá trình trao đổi chất, sinh sản, nhiệt độ cơ thể, phản ứng với căng thẳng và nhiều hơn thế nữa.
Bây giờ, hệ thống khá phức tạp này cần một hệ thống khác để điều phối nó. Hệ thống nội tiết không hoạt động riêng lẻ. Có những cấu trúc nhỏ xíu trong não thực sự dẫn dắt toàn bộ chương trình này.
Chỉ huy trung tâm của hệ thống nội tiết được gọi là trục HPA (hạ đồi- tuyến yên- tuyến thượng thận.) H là viết tắt của vùng hạ đồi, P là tuyến yên và A là tuyến thượng thận, tuyến liên quan đến phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của chúng ta.
Bạn có thể coi trục HPA là điểm mà hệ thống thần kinh và hệ thống nội tiết của bạn gặp nhau. Tuyến yên nằm sâu trong não của bạn, đôi khi được gọi là “tuyến chủ” vì vai trò chỉ huy tất cả các tuyến nội tiết khác trong cơ thể. Tuy nhiên, tuyến yên chỉ có kích thước bằng một hạt đậu. Hạt đâụ này nhận lệnh từ một tuyến nhỏ xíu khác có tên gọi là vùng hạ đồi. Vùng hạ đồi có kích thước cỡ hạt hạnh nhân.
Vùng hạ đồi sẽ báo cho tuyến yên biết phải làm gì và tuyến yên sẽ gửi thông điệp đến bất kỳ tuyến nào khác trong cơ thể thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, tuyến yên báo cho tuyến tụy sản xuất insulin để đưa chất dinh dưỡng ra khỏi máu và vào tế bào.
Hai tuyến thượng thận — là mẫu mô dài khoảng 8cm nằm trên đầu mỗi quả thận. Đây là những tuyến liên quan đến phản ứng căng thẳng và sinh tồn, tiết ra hormone có tên là cortisol.
Hormone ưu tiên
Các tuyến thượng thận không được tìm thấy trong não trong trục HPA, nhưng khi cần, tuyến này sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của toàn bộ hệ thống.
Ví dụ, khi tuyến thượng thận tiết ra một lượng đáng kể cortisol, cơ thể sẽ ức chế sản xuất testosterone, một loại hormone liên quan đến ham muốn tình dục nam và khối lượng cơ.
Tiến sĩ Andrew Neville, một chuyên gia y học tự nhiên tại tiểu bang Pennsylvania chuyên nghiên cứu về tuyến thượng thận cho biết, cơ thể tự động ức chế sản xuất testosterone để ưu tiên cho sự sinh tồn.
“Cơ thể của bạn sẽ tắt nguồn những thứ không quan trọng, chẳng hạn như quá trình sinh sản. Nó không thực sự quan tâm đến kinh nguyệt hoặc đời sống tình dục của bạn. … ‘Hãy quên tất cả những điều đó đi. Chúng tôi phải đề phòng mối đe dọa này. Chúng tôi có thể bật công tắc lại điều đó sau khi qua cuộc chiến sống sót,’” tiến sĩ Neville nói.
Lý tưởng nhất là khi mối đe dọa qua đi, chức năng hormone trở lại bình thường. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể làm trì hoãn hoặc thậm chí làm trật bánh quay trở lại này. Khi đó, toàn bộ năng lượng của bạn chỉ tập trung vào phản ứng căng thẳng này và các chức năng nội tiết tố còn lại của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ Neville nói, “Tất cả đều hoạt động trong phản ứng vô cùng tinh tế, năng động, đầy sắc thái này. Tôi nói với bệnh nhân của mình rằng hệ nội tiết hoạt động như một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp với một nhạc trưởng dày dặn kinh nghiệm 30 năm.Thật tinh tế. Nhưng nếu bạn bắt đầu thay đổi chức năng đó, thì bạn sẽ bắt đầu nghe y như như một ban nhạc cấp hai. Nó không đẹp lắm. Có rất nhiều điều có thể xảy ra sai lầm bởi vì các hormone thực sự điều phối phần lớn các cơ chế sinh lý của chúng ta, chẳng hạn như chữa bệnh, sửa chữa tế bào, tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh và bật và tắt gen.”
Chức năng của các tuyến nội tiết
Chúng ta có thể xem xét hoạt động của các tuyến còn lại của hệ nội tiết được đặt dưới sự chỉ huy của trục HPA.
Tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở vùng cổ và được đặt tên từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là cái khiên. Tuy nhiên, một số người nói rằng hình dạng của tuyến giáp trông giống một con bướm hơn. Tuyến giáp giám sát nhiều chức năng khác nhau – bao gồm giấc ngủ, trao đổi chất, cân nặng, chu kỳ kinh nguyệt và nhịp tim.
Tuyến ức
Tuyến ức có liên quan đến khả năng miễn dịch. Tuyến ức được tìm thấy ở vùng ngực trên, sản xuất các hormone kích hoạt giải phóng tế bào bạch cầu và tế bào T, đồng thời tiết ra hormone để hướng dẫn sự phát triển của bạn. Tuyến ức ở trẻ em có kích thước lớn và bắt đầu thu nhỏ lại khi bạn bước vào tuổi dậy thì. Đến khi bạn già đi thì tuyến ức sẽ bị thoái hóa mỡ.
Tuyến tụy
Tuyến tụy là tuyến liên quan đến tiêu hóa. Nằm bên cạnh dạ dày, tuyến tụy được biết đến nhiều nhất với việc tiết ra hormone insulin, nhưng nó cũng sản xuất ghrelin và leptin – những hormone truyền đến trục HPA để thông báo mức độ đói và no của chúng ta.
Tuyến sinh dục
Các tuyến sinh dục chịu trách nhiệm về sinh sản. Testosterone thường là hormone liên quan đến nam giới, trong khi phụ nữ đồng nghĩa với estrogen và progesterone. Tuy nhiên, cả tinh hoàn và buồng trứng đều sản xuất cả ba loại hormone sinh dục này (mặc dù với số lượng khác nhau).
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ liên quan đến quá trình giải phóng đều đặn của estrogen và progesterone trong khoảng thời gian 28 đến 30 ngày kéo dài từ tuổi dậy thì đến mãn kinh.
Testosterone là hormone chính của nam giớ, đươc tiết ra liên tục, tuy nhiên, việc sản xuất testosterone vẫn thay đổi hàng ngày. Ví dụ, testosterone thường tăng một chút vào buổi sáng, giảm vào cuối buổi chiều, tăng cao vào buổi tối, chỉ giảm trong khi ngủ và có thể tăng trở lại vào buổi sáng.
Đặc điểm của hormone
Bạn có thể nghĩ rằng, có lẽ chúng ta mới có những hiểu biết sơ khởi về hệ nội tiết gần đây vì quá nhiều đặc điểm phức tạp của hệ cơ quan này. Nhưng theo Tiến sĩ James Giordano, Giáo sư thần kinh học và sinh hóa tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, nền tảng kiến thức về hệ nội tiết đã tồn tại trong khái niệm cổ xưa về cơ thể người.
Giáo sư Giordano cho biết, “Toàn bộ ý tưởng về cơ thể con người đã rất phổ biến ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Cổ nhân đã thực sự có cái nhìn sâu sắc về cách mà hệ nội tiết hoạt động. Những cơ quan này có khả năng thay đổi chức năng giải phẫu và chức năng sinh lý của các hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể.”
Trong khoảng một trăm năm trở lại đây, sự hiểu biết của chúng ta về hệ thống tinh tế này đã trở nên chi tiết hơn nhiều. Chẳng hạn, chúng tôi đã học được rằng dựa trên những gì chúng được tạo ra, các hormone được chia thành 2 nhóm. Nhóm steroid, bao gồm tất cả các hormone giới tính và căng thẳng, được tạo ra từ cholesterol. Và nhóm non- steroid (mọi thứ khác) đều được tạo ra từ protein.
Tuy nhiên, hiểu biết mang tính đột phá về hệ nội tiết chắc chắn là về bí mật đằng sau cách các hormone giao tiếp.
Những thụ thể hormone
Các hormone di chuyển trong máu để truyền tải thông điệp của chúng. Nhưng máu đi khắp nơi trong cơ thể thì làm thế nào để cho thông điệp đến được đúng người nhận? Giáo sư Giordano giải thích rằng việc truyền thông điệp thực sự xảy ra ở cấp độ phân tử và các hormone chỉ trao đổi thông tin với các mô được trang bị để đọc thông điệp của chúng.
Đó là bởi vì hormone chỉ có thể ảnh hưởng đến các tế bào có các thụ thể cho hormone cụ thể đó. Và bởi vì các tế bào có nhiều vai trò, mỗi tế bào có thể có các thụ thể cho một số hormone khác nhau.
Nếu tế bào có nhiều thụ thể hơn đối với một loại hormone cụ thể, nó sẽ nhạy cảm hơn với loại hormone đó. Tế bào có nhiều thụ thể hơn đối với một loại hormone cụ thể được gọi là tế bào “điều hòa tăng”. Chúng được điều chỉnh để trả lời nhiều tín hiệu của hormone đó hơn, có lẽ vì đây là giai đoạn phát triển trong cuộc đời của người đó hoặc họ đang trải qua tuổi dậy thì và do đó, một số đặc điểm di truyền nhất định được kích hoạt hoặc tắt đi.
Hormone thậm chí có thể thay đổi những đặc điểm di truyền được điều hòa tăng hoặc điều hòa giảm trong tế bào thông qua các thụ thể này.
Phương thức giao tiếp khóa và chìa khóa không chỉ xảy ra ở hệ nội tiết. Các hoạt động sinh hóa khác ngoài phạm vi nội tiết cũng hoạt động theo kiểu trung gian thụ thể, chẳng hạn như chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh và các thành phần khác nhau của hệ thống miễn dịch.
Những thay đổi tinh tế, hệ thống tinh tế
Trục HPA hoạt động như bộ não của toàn bộ quá trình nội tiết, nhưng sự liên lạc hoạt động theo hai cách. Các tuyến nội tiết sau khi tiếp nhận được hướng dẫn từ chỉ huy trung tâm sẽ phản hồi bằng nội tiết tố trở lại trục HPA. Những câu trả lời này rất cần thiết để làm cho hệ thống chạy trơn tru hơn. Vùng dưới đồi cần phản hồi để tính toán hành động tiếp theo và hướng dẫn tuyến yên phát một tập hợp hướng dẫn mới đến các tuyến bên dưới. Sự phối hợp nhịp nhàng này diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm, cho đến khi nào chúng ta còn sống.
Giáo sư Giordano cho biết, “Đó là một tập hợp các hệ thống và quy trình rất tinh tế, được trang trí công phu và rõ ràng nhằm giữ cho cơ thể luôn trong trạng thái điều chỉnh thích ứng liên tục. Tuy nhiên, chúng ta không phải là những nhà máy tự động sinh học. Tất cả chúng ta đều có những động lực và bản năng sinh học chính. Chúng ta là động vật có vú. Nhưng vẻ đẹp của hệ thần kinh, cho dù là ở người, chó hay hươu cao cổ, đều không nằm ở khả năng tương tác mà chính là khả năng kiềm chế.”
Nói cách khác, tất cả chúng ta đều đóng một vai trò có ý thức trong cuộc giao tiếp liên tục của các hormone. Những thứ như dậy thì và điều chỉnh lượng đường trong máu có thể nằm ngoài tầm kiểm soát có ý thức của chúng ta. Nhưng những hoạt động có ảnh hưởng bởi hormone khác, chẳng hạn như tình dục và cảm giác đói, có thể ảnh hưởng dai dẳng và không ngừng đến cuộc sống của chúng ta.
Hệ thống thần kinh của chúng ta cho phép chúng ta nhận thức được những thay đổi mà cơ thể chúng ta trải qua và cảm giác của chúng, và chắc chắn nó cho phép chúng ta nhận thức được hậu quả của những hành động hoặc việc không hành động của chúng ta. Hãy coi nó như ba miền tương tác. Chúng ta có những cảm giác về các chức năng cơ thể của chúng ta. Chúng ta có nhận thức và cách giải thích về ý nghĩa của các chức năng cơ thể. Và chúng ta có quyền kiểm soát cách chúng ta phản ứng với những cảm giác cơ thể.
Lượng hormone chúng ta sản xuất khác nhau ở mỗi người và thậm chí thay đổi theo cùng một người trong suốt cả ngày. Cơ thể chúng ta không sản xuất đủ một loại hormone cụ thể có thể dẫn đến nhiều triệu chứng. Điều trị rối loạn nội tiết liên quan đến việc bổ sung các hormone mà chúng ta có thể bị thiếu. Hãy nghĩ đến việc chích insulin cho bệnh nhân tiểu đường hoặc một số hình thức điều trị thay thế hormone khác.
Nhưng có những cách khác để cải thiện chức năng nội tiết của chúng ta mà không cần đến thuốc uống hoặc thuốc chích.
Ví dụ, những gì chúng ta ăn và lượng thức ăn chúng ta tiêu thụ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến độ nhạy insulin của tế bào, có nghĩa là tuyến tụy của chúng ta không cần phải sản xuất quá nhiều insulin để hoàn thành công việc.
Và vì thế, tiến sĩ Neville cho biết chỉ cần cố gắng sống cân bằng với thiên nhiên là bạn đã có thể ảnh hưởng tích cực đến nồng độ hormone.
“Chúng ta là những sinh vật có nhịp điệu rất nhịp nhàng. Chúng ta được thiết kế theo cách đó. Nếu một người phụ nữ có thể cải thiện nhịp sinh học của mình, cô ấy thực sự có thể bình thường hóa các hormone buồng trứng của mình. Vì vậy, hãy thức dậy với ánh nắng mặt trời. Bình thường hóa chu kỳ ngủ / thức của bạn và ngủ đủ giấc. Đó là về việc tìm kiếm sự cân bằng. Chúng ta biết điều này vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nói chung, nhưng chúng ta gặp khó khăn trong việc tuân thủ nó trong thế giới hiện đại, độc hại, nhịp độ nhanh và căng thẳng mà chúng ta đang sống.”
Quản lý căng thẳng là một quá trình lâu dài hướng tới việc cân bằng nội tiết tố của chúng ta. Hãy nhớ rằng chỉ khi tuyến thượng thận không ở trong tình trạng cảnh giác cao — cơ thể chúng ta tràn ngập cortisol để cơ thể sẵn sàng chiến đấu hoặc chạy trốn — thì các tuyến còn lại của chúng ta mới được phép hoạt động hết công suất.
May mắn thay, có những điều chúng ta có thể làm để giảm bớt phản ứng căng thẳng của mình, chẳng hạn như ăn uống đầy đủ, thiền định, tận hưởng sự tương tác xã hội lành mạnh hoặc dành thời gian hòa mình cùng thiên nhiên.
Việc ngăn ngừa cơ thể lãng phí nguồn nội tiết tố quý giá do căng thẳng mãn tính là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Thu Anh biên dịch và biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times