Tìm bình yên trong chính nghĩa: ‘Elijah nơi hoang dã’
Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi về thể chất và cả tinh thần. Chúng ta có công việc, gia đình, học hành, sở thích, v.v. những điều rất dễ khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật như “Elijah nơi hoang dã” (1) của Frederic Leighton (1830–1896), hoàn thành năm 1878, có thể khai trí cho chúng ta cách thư giãn trong lối sống bận rộn ngày nay.
Elijah nơi hoang dã
Elijah là một nhà tiên tri người Hebrew, người đã đối đầu với Vua Ahab và Nữ hoàng Jezebel vì họ thờ phụng thần Baal (2). Elijah đã cảnh báo hoàng gia rằng việc thờ phụng sẽ dẫn đến hạn hán ở vùng đất của họ. Tất nhiên, nhà vua và hoàng hậu phớt lờ lời cảnh báo của ông, và quả thật hạn hán sau đó đã xảy ra.
Chẳng bao lâu, bánh mì còn đáng giá hơn vàng, và nước lại càng trở nên khan hiếm. Người dân phải chịu nhiều đau khổ.
Elijah quay lại chỗ vua và hoàng hậu, thách thức các thầy tế lễ của họ đốt lửa cúng tế bằng lời cầu nguyện. Các thầy tế lễ của Baal đã nỗ lực hết sức nhưng không thể tạo ra lửa. Nhưng Elijah đã cầu nguyện Chúa, và Chúa đã ban lửa cho tất cả mọi người được chiêm ngưỡng. Dân chúng đã bị Elijah thuyết phục và xử tử các thầy tế lễ của Baal.
Nữ hoàng Jezebel tức giận vì các thầy tế lễ của bà đã bị hành quyết và thề sẽ làm như thế với Elijah. Nhưng nhà tiên tri đã chạy trốn đến một vùng hoang dã để thoát khỏi cơn thịnh nộ của nữ hoàng.
Elijah thất vọng và chán nản nơi hoang vu. Ông mệt mỏi, đói và khát. Ông chìm vào giấc ngủ, và trong giấc ngủ, một thiên thần chạm vào ông và bảo ông hãy ăn uống. Elijah thức dậy và tìm thấy nước và bánh bên cạnh.
Elijah lại chìm vào giấc ngủ, thiên thần lại đến bảo ông ăn uống trở lại để chuẩn bị cho cuộc hành trình dài phía trước. Elijah đã làm theo lời dặn dò và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho phần còn lại của cuộc hành trình.
Frederic Leighton và Thiên Thần hộ mệnh của Elijah
Frederic Leighton là một họa sĩ hàn lâm người Anh rất nổi tiếng trong thế kỷ 19. Ông là Chủ tịch của Học viện Hoàng gia được phong tước, và trở thành nam tước đầu tiên trong giới họa sĩ Anh.
Trong bức tranh “Elijah Nơi Hoang Dã,” Leighton đã tổ hợp tài tình những gam màu trầm ấm tạo nên một khung cảnh tựa như chạng vạng tối.
Thiên thần là tâm điểm của bức tranh; vầng hào quang có màu vàng đậm nhất trong cả bố cục, càng làm tăng thêm độ tương phản với các gam màu tối hơn trên khuôn mặt của thiên thần. Leighton cũng sử dụng một số màu phụ để làm cho thiên thần nổi bật hơn một chút so với các yếu tố khác, đặc biệt là ở đôi cánh nơi những sắc vàng tối, cam, đỏ bổ túc cho những gam màu lam nhẹ và tím.
Thiên thần nhìn Elijah một cách ân cần, đặt nước và bánh bên cạnh khi ông đang say giấc. Cơ thể của Elijah tạo thành một đường cong uốn lượn từ khoảng giữa bên phải của bố cục đến giữa phần dưới cùng của bố cục.
Hình ảnh Elijah được vẽ bằng màu cam lặng (muted oranges – màu cam không sáng), màu của da thịt. Màu cam da thịt của ông dù không tương phản nhiều với gam màu nâu ấm áp của tấm vải mà ông đang nằm, nhưng lại tương phản với màu xanh của bầu trời nơi ông ngã đầu với khuỷu tay hướng lên trời.
Leighton đã tạo ra một bức tranh ấm áp và tĩnh lặng. Việc dùng các cặp màu bổ túc có sắc độ mạnh có thể tạo cảm giác chói mắt. Nhưng Leighton đã giảm độ sáng của màu, thậm chí đưa một số màu xanh lam, tím và cam gần như màu xám. Việc sử dụng tông màu trầm ấm của ông đã cho chúng ta được chiêm ngưỡng một khung cảnh yên bình, ấm áp.
Bình yên nơi Chính Nghĩa
Khoảnh khắc đẹp đẽ làm sao khi thiên thần đến với Elijah, lúc ông đang trong tình trạng kiệt sức. Bức tranh này, với sự ấm áp và cảm giác an toàn, khiến tôi cân nhắc tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, không phải là cảm giác nghỉ ngơi thông thường, mà là sự bình yên trong tâm hồn khi chúng ta trao gửi lòng vị tha.
Tôi biết khá nhiều người thích nghỉ ngơi. Họ dành nhiều thời gian để thư giãn ở nhà, thấy mệt mỏi với thế giới xung quanh. Họ làm việc ít nhưng không ngừng nghĩ ngợi. Không phải bất kỳ sự nghỉ ngơi nào đều mang lại cho chúng ta sự yên bình mà chúng ta mong muốn.
Thiên thần không xuất hiện trước bất kỳ ai. Thiên thần hiện ra với Elijah và giúp Elijah. Tại sao lại là Elijah? Có phải vì trái tim và tâm trí của ông luôn luôn đặt nơi chính nghĩa trên mọi thứ? Đây có phải là lý do tại sao khuỷu tay và đầu ông hướng lên thiên thượng trong nền trời bao la?
Có phải Leighton muốn nói với chúng ta rằng chỉ khi tâm trí chúng ta hướng về thiên đường, chúng ta sẽ được các thiên thần giúp đỡ? Khi ấy, chúng ta sẽ trải nghiệm sự tĩnh lặng cùng cảm giác an toàn và chúng đến cùng những suy nghĩ về chân lý và lòng vị tha?
Chúng ta có thể đang tìm kiếm sự nghỉ ngơi không đúng cách. Chúng ta sẽ không tìm thấy sự yên bình cho đến khi trái tim và tâm trí của chúng ta đặt đúng chỗ.
Nghệ thuật có một khả năng phi thường là dẫn dắt chúng ta khám phá những gì chúng ta không thể thấy, khiến ta muốn tự vấn bản thân mình [khi thưởng thức những tác phẩm] rằng “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với tất cả những ai chiêm ngưỡng nó?”, “Nó ảnh hưởng thế nào đến quá khứ và tương lai?” “Nó nói lên điều gì về trải nghiệm của con người?”
Đây là một số vấn đề tôi sẽ khám phá trong loạt bài “Chạm đến nội tâm” (Reaching Within): Những gì Nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim.
Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện thực hành (practicing representational artist).
Chú thích của người dịch:
(1) “Elijah in the Wilderness,” tạm dịch “Elijah Nơi Hoang Dã”
(2) Trong lịch sử Israel, vua Ahab và Nữ hoàng Jezebel đã thờ Baal (hay Bael, Baell), là một vị thần nông nghiệp, mùa màng trong thần thoại Canaanite, về sau đã trở thành một vị thần sa ngã và biến thành quỷ.