Tiêu dùng cá nhân tăng trong khi thu nhập giảm – Bức tranh hỗn hợp của sự phục hồi kinh tế
Người tiêu dùng Mỹ tăng chi tiêu 5.6% trong tháng 6, trong khi thu nhập cá nhân giảm 1.1%, phản ánh một bức tranh đa chiều về kinh tế của Hoa Kỳ. Nước này đang nỗ lực duy trì đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh số người nhiễm virus Trung Cộng (COVID-19) ngày càng gia tăng và dữ liệu về việc làm chưa rõ ràng.
Tiêu dùng cá nhân là động lực chính của kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do đó sự bền vững của số liệu liên quan đến tiêu dùng cá nhân được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố hôm 31/7 là một dấu hiệu đáng khích lệ.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Sal Guatieri của BMO Capital Market nhận xét trong bản báo cáo thị trường: “Sự phục hồi chi tiêu nhanh chóng là một khởi điểm tốt cho Quý III”. Tuy nhiên, “các chỉ số tần suất cao cho thấy mức tiêu thụ chậm lại trong tháng 7 do mới mở cửa một phần các hoạt động kinh doanh tại vài tiểu bang”.
Hiện tại, COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi trên khắp đất nước và theo báo cáo hôm 30/7 cho thấy có 1.43 triệu người Mỹ nộp đơn thất nghiệp vào tuần trước, làm dấy lên hoài nghi về sự phục hồi kinh tế. Để so sánh, trong giai đoạn trước đại dịch, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới ở Mỹ lập đỉnh ở mức 695,000 người được ghi nhận vào năm 1982. Tổng cộng, có khoảng 30 triệu người Mỹ đang thất nghiệp.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hôm 29/7 đã bày tỏ lo ngại về sự suy yếu của phục hồi kinh tế.
“Tất cả những gì chúng ta có thể đề cập hôm nay là có bằng chứng của dữ liệu tần suất cao và của các kết quả khảo sát… nhưng dường như chúng ta đang thấy sự tăng trưởng chậm lại”, ông Powell phát biểu trong một cuộc họp báo. “Có thể điều đó chỉ mang tính ngắn hạn nhưng cũng có thể không. Tính thời điểm dường như có liên quan đến các biến động trong nhiều trường hợp” kể từ hồi tháng 6, ông nói thêm.
Dữ liệu về chi tiêu vào ngày 31/7 lại tương phản với dự báo ảm đạm về GDP quý II được cập nhật vào hôm 30/7, cho thấy kinh tế Hoa Kỳ đang ở giai đoạn giằng co nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái, bị thu hẹp đến 32.9% theo quy đổi năm.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng việc đóng cửa kinh tế sẽ dẫn đến sự thu hẹp rất, rất mạnh của GDP. Tuy vậy, cũng có bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ trở lại”, ông Ricchiuto kinh tế trưởng Mizuho Securities USA cho biết.
Điểm sáng phải nhắc đến đó là doanh số bán lẻ và tiêu dùng cá nhân tăng trưởng liên tục, tạo được khoảng 7,5 triệu việc làm vào tháng 5, do kết thúc đợt phong tỏa cũng như cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu cho thấy tăng chi tiêu của người dân có thể chỉ là ngắn hạn. Theo báo cáo hôm 31/7 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thu nhập cá nhân giảm 1.1%, tiếp sau mức giảm mạnh trong tháng 5 là 4.4%. Trong khi đó, thu nhập tăng 12.1% vào tháng 4 khi chính phủ tiến hành giải ngân khoản trợ giúp 600 USD/tuần từ nguồn trợ cấp thất nghiệp liên bang, dự kiến kết thúc vào ngày 31/7 trong khi các nhà lập pháp đang đàm phán điều khoản gia hạn.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters với hơn 500 nhà kinh tế cho thấy triển vọng kinh tế thế giới khá mờ mịt cùng với số lượng người nhiễm virus Trung Cộng gia tăng, nguy cơ thực hiện tái phong tỏa sẽ làm chậm sự phục hồi kinh tế hoặc thậm chí còn đảo ngược tiến trình.
“Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch sẽ sớm bắt kịp với các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu”, ông Jan Lambregts – giám đốc nghiên cứu thị trường tài chính toàn cầu của Rabobank cho biết.
“Những gì chúng ta cần là một loại vaccine hoặc những đột phá đáng kể về thuốc men để tái khởi động nền kinh tế một cách dứt khoát và khôi phục kinh doanh cũng như niềm tin của người tiêu dùng – tuy nhiên không có cây đũa thần nào trong thời điểm hiện tại”, ông Lambregts nói thêm.
Hầu hết các nhà kinh tế và nhà đầu tư dài hạn cùng với FED đều nhận định rằng triển vọng kinh tế phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của loại virus này.
Reuters và Associated Press đóng góp cho bản tin này.
Tác giả: Tom Ozimek