‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 16: Trương Nghi lừa Sở [P.2]
Tần quốc tấn công nước Hàn – Kỳ vọng đánh qua Tam Xuyên
Trương Nghi đến nước Sở, Sở Hoài Vương vừa nhìn thấy ông, hận không thể cắn cho ông ta hai nhát, Sở Vương lập tức lệnh giam ông ta vào ngục, đợi chọn một ngày tốt sẽ giết Trương Nghi cho hả dạ.
Trương Nghi sai người báo cho Trịnh Tụ, ái thiếp của Sở Vương: “Nương nương có biết không, Trương Nghi đã bị bắt giam vào ngục rồi, Trương Nghi là sủng thần của Tần Vương, nếu như nước Sở giết chết Trương Nghi, Tần Vương sẽ rất đau lòng. Để cứu Trương Nghi, Tần Vương sẽ làm hai việc: thứ nhất, Tần Vương sẽ cắt thành Thượng Dung dâng cho nước Sở; thứ hai, Tần Vương sẽ đem mỹ nhân tặng cho Sở Hoài Vương. Nữ tử nước Tần vốn đẹp, Sở Hoài Vương vì sợ nước Tần, cũng sẽ đối xử tốt đối với những mỹ nữ này, như vậy nàng chẳng phải sẽ bị thất sủng sao?”
Chuyện này giống với chủ ý lúc Trần Bình giải vây cho Bạch Đăng. Trịnh Tụ nghe xong lập tức tin ngay, nàng nghĩ mình phải cứu Trương Nghi, làm sao bây giờ? Nửa đêm, đột nhiên Trịnh Tụ khóc nức nở, Sở Hoài Vương vừa đau lòng, cũng rất buồn bực, hỏi Trịnh Tụ sao nàng khóc?
Trịnh Tụ đáp: “Con người Trương Nghi này là ai, là danh sĩ thiên hạ, Tần Vương sủng ái ông ta. Chúng ta bây giờ đang giao tranh với nước Tần, đánh trận nào thua trận đó, nếu như chúng ta giết chết Trương Nghi, Tần Vương sẽ rất giận. Dưới cơn nóng giận, nếu nước Tần tấn công chúng ta, thiếp sợ nước Sở mang mối lo mất nước, tông miếu của chúng ta cũng không thể giữ được, cho nên thiếp rất lo lắng”. Lại nói: “Trương Nghi vì sao phải lừa gạt ngài? Đều vì chủ của mình mà thôi. Khi đó ông ta vì phục vụ cho nước Tần, ông ta mới lừa ngài. Nếu như ngài đối xử với Trương Nghi tốt, để Trương Nghi phục vụ cho ngài, Trương Nghi sẽ còn lừa ngài sao? Hắn cũng sẽ tận trung với ngài giống như đối với Tần Vương”.
Sở Hoài Vương vốn là người hồ đồ, nghe mỹ nhân vừa khóc, vừa nói thì càng hồ đồ hơn. Ngày hôm sau ông cho thả Trương Nghi và mời ông ta dùng cơm, nói chuyện phiếm. Trương Nghi nhân cơ hội nói ra một phen. Đây cũng là lần đầu tiên Trương Nghi đem chủ trương liên hoành nói ra. Đoạn văn này rất dài, bên trong có rất nhiều thành ngữ, lần đầu được ghi trong “Sử ký” thế này: Giống “Tích vũ trầm chu” nghĩa là “Tích lông vũ cũng làm chìm thuyền”, “Chúng khẩu tước kim”, “Tích hủy tiêu cốt” đều có nghĩa miệng lưỡi thị phi có thể hủy hoại con người, dẫn họ đến chỗ chết, v.v.
Trương Nghi lúc đó đã có một bài nói cực dài để thuyết phục nước Sở liên minh cùng với nước Tần. Sở Hoài Vương bị Trương Nghi thuyết phục, quyết định cùng nước Tần thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược như thế.
Lời bạch: Trương Nghi lấy thuật lừa dối đùa giỡn Sở Hoài Vương trong lòng bàn tay. Ông ta lấy mảnh đất sáu dặm làm giá để lừa Sở Hoài Vương đoạn tuyệt ngoại giao với nước Tề. Sau khi thấy thực lực quân sự cường đại của nước Tần hai lần đánh bại nước Sở, ông ta mạo hiểm đi vào nước Sở. Ông ta lợi dụng sủng thần Cận Thượng và sủng cơ Trịnh Tụ của Sở Hoài Vương mà tránh được đại họa sát thân, cũng thuyết phục được nước Sở từ bỏ hợp tung, gia nhập sách lược liên hoành của mình.
Trương Nghi sau khi thuyết phục Sở Vương lại đi du thuyết các chư hầu khác. Ông ta trước tiên đến nước Tề. Ông ta tâu với Tề Vương: “Quốc Vương xem hiện nay nước Tần rất cường đại, nếu như ngài không cùng nước Tần kết liên minh, nước Tần sẽ cùng quốc gia khác liên quân đến tấn công ngài, ngài biết không? Nước Hàn cắt nhường Nghi Dương (hiện nay là huyện Nghi Dương tỉnh Hà Nam), nước Triệu cắt nhường Hà Gian (vùng ở giữa khu vực của sông Hoàng Hà và sông Chương), nước Ngụy cắt nhường Hà Ngoại (khu vực phía nam của Hoàng Hà), hiện tại Tam Tấn đều phải cắt đất của mình hối lộ nước Tần. Sau khi Tam Tấn và nước Tần liên minh, Tam Tấn lại tiếp giáp với nước Tề, nếu như liên quân bốn nước tiến đánh nước Tề, nước Tề sẽ vô cùng nguy hiểm”.
Ông ta vừa đề cập chuyện này, khiến Tề Vương sợ hãi, lập tức ưng thuận cùng nước Tần ký kết liên minh.
Trương Nghi thúc đẩy sách lược liên hoành, mặc dù ông đến mỗi quốc gia nói chuyện không giống nhau, nhưng tư tưởng trung tâm là giống nhau, đó là đe dọa. Ông nói quốc gia này liên minh với nước Tần, quốc gia kia cũng liên minh với nước Tần, ngài bây giờ bị cô lập, nếu như bọn họ cùng tấn công, quốc gia của ngài sẽ nguy hiểm.
Kỳ thực, ông ta là lừa gạt, lúc ấy ông ta nói Tam Tấn nước này cắt đất, nước kia cắt đất, thực ra căn bản không phải. Bởi vì ông ta đầu tiên đi sứ là sang Tề. Đợi khi nước Tề đồng ý cùng nước Tần liên minh xong, ông ta lại mang việc nước Tề cùng nước Tần liên minh đi hù dọa nước khác. Cứ lừa một vòng như thế, cuối cùng tất cả mọi người đều quyết định liên minh với nước Tần.
Quốc Quân nước Tề sau đó phát hiện Trương Nghi đến nước Tề trước, rồi mới tới Tam Tấn. Tất cả những gì ông ta nói đều là lời dối trá, Tề Vương đã rất thống hận Trương Nghi.
Trương Nghi sau khi du thuyết một vòng quay trở về nước Tần, thế nhưng trước khi ông ta trở lại, Tần Huệ Văn Vương đã băng hà. Con trai của Tần Huệ Văn Vương là Đãng kế vị, chính là Tần Vũ Vương. Tần Vũ Vương này là một dũng sĩ, ông ta đặc biệt thích cùng người khác so sức lực, so đấu vật, giống như một võ tướng, nhưng ông ta lại là người hữu dũng vô mưu. Khi còn là Thái tử, ông ta đặc biệt ghét Trương Nghi, cảm giác Trương Nghi là con người lừa đảo. Tần Vũ Vương rất thô lỗ lại rất thẳng thắn, ông ta đặc biệt chán ghét dạng lừa đảo như vậy.
Lời bạch: Trương Nghi biết Tần Vũ Vương không ưa mình, đại thần tả hữu cũng ngày đêm nói xấu Trương Nghi. Trương Nghi cảm thấy ông ta không sống nổi tại nước Tần nữa. Trương Nghi đến gặp Tần Vũ Vương thỉnh cầu cho đến nước Ngụy. Lý do của Trương Nghi là Tề Vương hận ông ta thấu xương, chỉ cần nước Ngụy tiếp nhận ông ta, nước Tề sẽ nhất định khởi binh phạt Ngụy. Sau khi nước Tề cùng nước Ngụy giao tranh, nước Tần có thể thừa cơ tấn công nước Hàn. Nước Hàn sau khi bại trận, quân Tần có thể đánh thông con đường Tam Xuyên, đến vùng ngoại ô của Chu Thiên tử, cũng lấy được đồ tế lễ của nhà Chu. Tần Vương có thể ép thiên tử để lệnh thiên hạ, thành tựu nghiệp bá vương của nước Tần.
Năm 310 TCN, Trương Nghi rời khỏi nước Tần đến nước Ngụy, tin tức này lập tức đến tai nước Tề, quả nhiên nước Tề đem quân tiến đánh nước Ngụy. Quốc Quân nước Ngụy nói với Trương Nghi: “Ngươi xem, sau khi ngươi đến đã gây cho ta bao nhiêu phiền phức như thế”. Trương Nghi thưa: “Vấn đề này rất dễ giải quyết, thần phái người đi nói một câu, nước Tề sẽ không tiến đánh nước Ngụy nữa”.
Trương Nghi phái một người đi tìm Tề Vương, ông ta tâu: Thưa Tề Vương, ta đề nghị ngài đừng đem quân đánh nước Ngụy, Trương Nghi khi ấy nói với Tần Vương, hắn chỉ cần vừa đến nước Ngụy, ngài sẽ hạ lệnh tiến đánh nước Ngụy. Nếu như ngài thật sự làm theo những lời nói dự kiến này của Trương Nghi, cho thấy Trương Nghi vẫn rất có tầm nhìn xa, như vậy Tần Vương sẽ còn chuộng hắn, cảm thấy hắn vẫn có năng lực.
Lời này thốt ra, quả nhiên Tề Vương liền rút quân. Trương Nghi đã lưu lại ở nước Ngụy, quê hương của ông ta. Năm thứ hai, năm 309 TCN, Trương Nghi bị bệnh qua đời.
Tô Tần và Trương Nghi, hai đại biểu cho tung hoành gia đến lúc này đều đã mất. Sau này còn có một số người làm công việc du thuyết này, ví dụ những người như Công Tôn Diễn, Tô Đại, Tô Lệ, v.v. Họ sau này cũng là những kẻ sĩ du thuyết nổi tiếng thời kỳ hậu Chiến quốc.
Trong “Tư trị thông giám” ghi chép một đoạn hội thoại của Mạnh Tử: Lúc ấy một vị hỏi Mạnh Tử, người giống như Công Tôn Diễn và Trương Nghi có được tính là đại trượng phu không? Tại sao? Bởi vì hễ bọn họ “nộ nhi thiên hạ cụ, an cư nhi thiên hạ tức”, là ý nói, hai người bọn họ vừa tức giận, giữa các nước liệt quốc liền phát sinh chiến tranh, nếu như bọn họ không muốn giao tranh, chỉ cần nói một chút, giữa các nước liệt quốc sẽ duy trì được hòa bình. Người có được năng lực lớn như thế có được tính là đại trượng phu không?
Mạnh Tử trả lời: Đại trượng phu là gì, một đại trượng phu nên ở vào vị trí đúng đắn, làm những việc chính nghĩa, thành đạt thì cứu giúp thiên hạ, nghèo khó thì chỉ lo sống tốt cuộc sống của mình, người có đạo đức như vậy mới là đại trượng phu.
Tiếp đó, Mạnh Tử đã nói một câu rất nổi tiếng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, như vậy gọi là đại trượng phu. “Dâm” ở đây là ý tâm bị loạn, “di” nghĩa là sự thay đổi về hành vi, “khuất” nghĩa là chí hướng bị áp chế thui chột. Câu này có nghĩa là con người không bởi vì hoàn cảnh bên ngoài thay đổi mà thay đổi tiết tháo của mình, người như vậy mới được xem như là đại trượng phu.
Sau khi Trương Nghi chết bệnh, Tần Vũ Vương luôn nhớ mãi không quên những lời Trương Nghi nói với ông về thông Tam Xuyên để dòm ngó nhà Chu. Ông hỏi hai vị tướng quốc thuộc hạ, một người gọi là Cam Mậu, một người gọi là Sư Lý Tật. Hai vị đại thần này mặc dù là tả hữu thừa tướng, nhưng mối giao hảo vẫn luôn không được tốt.
Tần Vương hỏi bây giờ có thể đi tấn công nước Hàn không? Cam Mậu thưa: “Có thể, nhưng trước khi đánh nước Hàn, chúng ta nhất định phải giữ gìn tốt mối quan hệ với nước Ngụy, bởi vì duy nhất có thể cứu được nước Hàn chính là nước Ngụy, hai nước họ là láng giềng. Thần bây giờ thay mặt Đại vương đi sứ nước Ngụy, thuyết phục nước Ngụy cùng chúng ta tấn công nước Hàn”.
Đại thần Cam Mậu liền đi sứ nước Ngụy, Quốc Quân nước Ngụy đồng ý với thỉnh cầu của Cam Mậu, nhưng Cam Mậu chưa trở về nước Tần, phái một thuộc hạ tên là Hướng Thọ báo lại với Tần Vũ Vương: “Ngụy quốc đã đáp ứng cùng chúng ta thành lập quan hệ chiến lược, cùng chúng ta tấn công nước Hàn, nhưng thần suy nghĩ một chút thì chúng ta vẫn là không nên tấn công nước Hàn”.
Việc này khiến Tần Vương rất buồn bực: Lúc đầu chẳng phải ngươi tâu đi đánh nước Hàn, chẳng phải ngươi nói thành lập quan hệ ngoại giao với nước Ngụy sao, vì sao khi mọi việc đến bước sắp thành công, ngươi lại khuyên can ngừng đánh đây? Tần Vũ Vương tự mình tới tiền tuyến gặp Cam Mậu, nơi họ gặp mặt gọi là Tức Nhưỡng (nơi này hiện nay trên địa đồ đã không tìm được, nên gọi Tức Nhưỡng).
Tần Vũ Vương hỏi Cam Mậu: “Vì sao ngươi lại nói không đánh nước Hàn?”. Cam Mậu thưa: “Để thần kể cho Đại vương nghe một câu chuyện”. Hắn nói, có một người tên là Tăng Sâm (chính là Tăng Tử, học trò của Khổng Tử), là một người có phẩm chất đạo đức cao thượng, khi ấy ở một nơi gọi là Phí. Tại đất Phí này, có một người cũng tên là Tăng Sâm giết người. Có người chạy tới nói với mẫu thân của Tăng Sâm rằng Tăng Sâm giết người. Mẫu thân Tăng Sâm lúc ấy đang dệt vải, nghe được tin này cũng không ngẩng đầu lên, bà nói con trai ta không thể giết người.
Qua một lúc lại có người thứ hai chạy tới nói lời giống như vậy, giục bà mau đi xem một chút, Tăng Sâm giết người. Bà dừng lại, không dệt nữa, ngồi ở đó nghĩ một lát, bà nói con trai ta nhất định sẽ không làm loại chuyện này, rồi bà tiếp tục dệt vải.
Một lát sau lại có người thứ ba chạy tới nói với mẫu thân của Tăng Sâm, Tăng Sâm giết người rồi. Lần này, bà ta nghe được những lời này, sợ quá, quăng cả khung dệt chạy ra ngoài, xem xem rốt cuộc chuyện này có thật hay không.
Cam Mậu nói: “Tăng Sâm vốn có tiếng là người hiền tài như thế, mẫu thân của ông hiểu rõ ông ta như vậy, thế mà sau khi ba người nói ông ta giết người, mẫu thân của ông ta lập tức tin ông ta giết người thật. Hiện thần ở nơi này, sự tín nhiệm của Đại Vương đối với thần tuyệt đối không giống mẹ Tăng Sâm tín nhiệm Tăng Sâm, mà người tố thần giết người lại không chỉ có ba người. Thần lo lắng phản ứng của ngài cũng sẽ giống như mẫu thân của Tăng Sâm”.
Câu chuyện Tăng Sâm giết người là một điển cố được ghi chép trong “Sử ký” và “Chiến Quốc sách”, một điển cố rất nổi tiếng. Đại thi nhân Lý Bạch thời Đường còn có câu thơ nói về câu chuyện này: “Tăng Sâm khởi thị sát nhân giả, sàm ngôn tam cập từ mẫu kinh” (Tăng Sâm há là kẻ giết người, ba lần sàm ngôn khiến hiền mẫu giật mình).
Tần Vũ Vương nghe vậy, hiểu ý tứ của Cam Mậu. Cam Mậu khuyên nếu như chúng ta muốn đi đánh nước Hàn, chúng ta nhất định phải đánh hạ một thành lớn gọi là thành Nghi Dương, nay là huyện Nghi Dương tỉnh Hà Nam. Vì thành Nghi Dương này rất khó tấn công, chúng ta nếu như có người mất mạng, tổn thất nhiều ngân lượng, khẳng định khi đó sẽ có người khuyên Đại Vương thu binh, ngừng tấn công nước Hàn. Khi sự việc còn chưa tạo thành tổn thất nhiều người và của như vậy, chúng ta chi bằng bây giờ không đánh nữa.
Tần Vũ Vương nói: “Ta và ngươi cùng ký một minh ước, đem minh ước này chôn ở Tức Nhưỡng. Ta nhất định toàn lực ủng hộ ngươi, cho đến khi đánh hạ được thành Nghi Dương của nước Hàn mới thôi”. Sau đó Tần Vũ Vương quay trở về.
(Còn tiếp)
Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân”
Do Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: