“Tiếu Đàm Phong Vân” – Tập 15: Hợp tung liên hoành [P1]
Theo dõi loạt bài trong link: “Tiếu đàm phong vân” |
Tô Tần du thuyết hợp tung lục quốc
Lời bạch: Năm 341 TCN, tướng quốc Bàng Quyên của nước Ngụy tử trận, một năm sau đó nước Ngụy lại bị Thương Ưởng đánh bại, làm mất vùng lãnh thổ phía tây Hoàng Hà, từ đây nước Ngụy bắt đầu suy sụp. Trong “Sử ký – Việt Vương Câu Tiễn thế gia” ghi chép rằng: Ước chừng ngay tại lúc nước Sở thôn tính nước Việt, đem toàn bộ tỉnh Chiết Giang đưa vào bản đồ, ba nước Tề-Sở-Tần lúc này đều rất lớn mạnh, một số nhân sĩ bắt đầu du thuyết nhằm liên kết và chia rẽ giữa các quốc gia này. Giữa các Chư hầu với nhau hôm nay liên minh thề ước, ngày mai có thể liều mạng ngươi sống ta chết ở trên chiến trường, mỗi người trong lòng đều mang ý riêng. Đây có lẽ cũng là thời kỳ quan hệ ngoại giao phức tạp nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Chiến quốc là một thời kỳ Bách gia tranh minh, thời đó có hai tư tưởng học vấn nổi trội nhất: một là tư tưởng Nho gia, hai là tư tưởng Mặc gia, cả hai đều là học thuyết nổi tiếng. Trên phương diện dùng binh thì học vấn của Binh gia được coi trọng nhất; ở phương diện ngoại giao thì học vấn Tung Hoành gia đứng đầu. Nhân vật đại biểu cho học vấn Tung Hoành gia là Tô Tần và Trương Nghi. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên đã viết riêng một truyện về Tô Tần và Trương Nghi, đó là “Sử ký – Tô Tần liệt truyện” và “Trương Nghi liệt truyện”. Hai người họ đề ra sách lược tung hoành đã chi phối quan hệ ngoại giao của thời kỳ Chiến quốc kéo dài đến cả một thế kỷ.
Vì sao được gọi là Tung Hoành gia? Tung là dọc, Hoành là ngang. Nếu như xem bản đồ thời Chiến quốc một chút, chúng ta sẽ biết phía cực bắc là nước Triệu, tiếp đó là nước Ngụy, nước Hàn. Nếu muốn chống lại nước Tần, cần phải liên hợp các nước Triệu, Hàn, Ngụy và nước Sở ở phía nam lại với nhau. Từ bắc đến nam hình thành một đường phòng tuyến theo chiều dọc thẳng đứng chống cự thế tấn công của nước Tần, đây gọi là “hợp tung”. Phía sau tung tuyến này là nước Yên và nước Tề, hợp tung là sáu nước liên hợp lại đối kháng nước Tần.
Nước Tần ở vùng Thiểm Tây, phía tây Trung Quốc, nếu như từ nước Tần vẽ một đường ngang hướng về mỗi quốc gia trong sáu nước, và mỗi một quốc gia này thực hiện tốt quan hệ ngoại giao với nước Tần, sau đó lợi dụng nước Tần làm hậu thuẫn để tấn công nước khác, đây gọi là “liên hoành”.
Nhân vật đại biểu của phái Tung Hoành gia là Tô Tần và Trương Nghi. Vậy Tô Tần và Trương Nghi là người như thế nào? Tư Mã Thiên đã viết trong phần cuối của truyện về Trương Nghi như thế này: Tô Tần và Trương Nghi “Thử lưỡng nhân chân khuynh nguy chi sĩ tai” (hai người này thật nham hiểm xảo trá thay). “Khuynh nguy” có nghĩa là nham hiểm xảo trá, đã nham hiểm lại còn xảo trá.
Theo “Sử ký – Trương Nghi liệt truyện” ghi lại: “Trương Nghi, người nước Ngụy. Lúc đầu đã từng cùng Tô Tần theo Quỷ Cốc tiên sinh học thuật, Tô Tần tự nhận không bằng Trương Nghi”. Ý tứ là Tô Tần và Trương Nghi đều là đệ tử của Quỷ Cốc Tử, Tô Tần tự nhận mình thua kém hơn Trương Nghi.
Tô Tần là nhân vật đại biểu của phái Hợp tung. Lúc đầu ông cũng không đưa ra chủ trương hợp tung chống Tần. Vì nhà của ông ở ngay tại vùng phụ cận Lạc Dương, nên khi rời khỏi Quỷ cốc, ông đến gặp Chu Thiên Tử, nhưng Chu Thiên Tử không dùng ông. Sau đó Tô Tần đã đến nước Tần. Trong “Chiến quốc sách” và “Sử ký” ghi lại việc Tô Tần du thuyết Tần Vương có điểm không giống nhau. Theo ghi chép trong “Chiến quốc sách – Tần sách”: Tô Tần nói với Tần Vương rằng, vị trí địa lý của nước Tần rất đắc địa, bốn mặt có núi bao quanh, phía đông là Hàm Cốc quan, tiếp đó là sông Hoàng Hà, lại đi về phía nam là vùng đất Ba Thục, cho nên nước Tần chẳng những đất đai hết sức phì nhiêu, mà địa thế còn cực kỳ hiểm yếu. Nếu như nước Tần làm tốt vấn đề nội chính, thì việc thống nhất thiên hạ là không thành vấn đề. Lúc ấy Tô Tần đã nói với Tần Huệ Văn Vương: “Nếu muốn thôn tính thiên hạ thành tựu nghiệp Đế vương, thần có thể giúp ngài thực hiện lý tưởng này”.
Tuy nhiên, thời điểm ông đến nước Tần thì thời cơ không tốt lắm, bởi vì lúc ấy Tần Huệ Văn Vương vừa mới giết Thương Ưởng, từ trong nội tâm Tần Huệ Văn Vương đã rất chán ghét những chí sĩ du thuyết dựa vào miệng lưỡi để thuyết phục người khác như Tô Tần và Thương Ưởng.
Tần Huệ Văn Vương nói với Tô Tần: “Ta nghe nói khi lông vũ của con chim chưa mọc dài ra thì nó không thể bay cao được, ta cho rằng đạo đức của ta còn chưa đủ thuần hậu, chính lệnh của ta còn chưa đủ lưu loát, cho nên ta hy vọng chờ đợi thêm một thời gian nữa. Ông ấy từ chối và cho Tô Tần lui ra”.
Sau khi Tô Tần quay về quán trọ, ông đã đem sách lược tấn công và chiến tranh của Tam Vương Ngũ Bá chép lại thành cuốn sách mười mấy vạn chữ giao cho Tần Vương. Mặc dù Tần Vương đã xem, nhưng ông ta vẫn không có ý muốn dùng Tô Tần. Tô Tần ở lại đất Tần một thời gian rất dài, đã tiêu hết toàn bộ số tiền mà mình mang theo. Ông đem xe ngựa, người hầu, y phục của mình đều bán đi, thu thập hành lý còn lại vác lên vai, đi bộ trở về quê nhà ở Lạc Dương.
Trên đường trở về Lạc Dương, Tô Tần đã chịu rất nhiều khổ cực, người vừa đen vừa gầy, một bộ dáng nghèo túng. Sau khi về đến nhà, thê tử của ông đang dệt vải, ông nói chuyện với thê tử, thê tử cũng không ngẩng đầu lên. Ông rất đói bụng, ông nói với chị dâu rằng có thể nấu cho ông một bữa cơm hay không, chị dâu của ông nói trong nhà không có củi. Ông đi thỉnh an cha mẹ, cha mẹ ông đều không để ý đến ông. Lúc đó Tô Tần rất buồn chán.
Tại sao người nhà có thái độ này đối với ông như vậy? Thời ấy Trung Quốc là một xã hội nông nghiệp, đừng nói là du thuyết, cho dù anh đi ra bên ngoài buôn bán, thì địa vị xã hội của anh đều rất thấp. Truyền thống của Trung Quốc là trọng nông khinh thương (coi trọng làm nông, xem thường buôn bán), mà Tô Tần đã không làm ruộng lại không buôn bán, chỉ dựa vào miệng lưỡi sắc bén để mưu cầu phú quý. Người thời ấy xem đó là một chuyện không thể tưởng tượng nổi.
Khi chúng ta đọc “Sử ký – Tô Tần liệt truyện” sẽ thấy viết rằng: “Phong tục người Chu, quản lý sản nghiệp, dốc sức làm việc công thương, cốt lấy cái lợi hai phần mười. Nay ông bỏ việc gốc mà khua môi múa mép, có nghèo khốn, cũng là đáng lắm”. Tô Tần đi ra ngoài du thuyết, chẳng những không thể thu hoạch được gì, trái lại ông còn đem tiền trong nhà tích cóp được cũng tiêu xài hết, vì thế người nhà đã không bằng lòng với ông.
Tự Tô Tần cảm thấy du thuyết không thành công là do học vấn của mình không đủ. Ông lục lọi toàn bộ sách có trong nhà đem ra, có chừng mười mấy rương sách, ông tìm trong số đó được cuốn tên là “Thái công âm phù kinh”. Tô Tần khắc khổ đọc cuốn sách này từ sáng sớm đến tối mịt. Trung Quốc có một câu thành ngữ, “Huyền lương thứ cổ” hay “Đầu huyền lương, chùy thứ cổ” (treo tóc lên xà nhà, lấy dùi nhọn đâm chân), ý nói khi người này đọc sách là chăm chú đến cỡ nào. Lúc ấy, Tô Tần đọc sách vào ban đêm, khi cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ, ông sẽ dùng dùi nhọn đâm vào bắp đùi của mình khiến máu chảy đầy chân. “Thứ cổ” trong “Huyền lương thứ cổ” kỳ thực chính là từ chuyện của Tô Tần mà ra.
Cứ thế qua hơn một năm, Tô Tần cảm thấy mình có thể nắm vững tình thế thiên hạ trong lòng bàn tay rồi, Tô Tần lần thứ hai bước lên con đường đi du thuyết bên ngoài.
Lần này Tô Tần đi đến nước Triệu, cũng không gặp được cơ hội. Tô Tần rời nước Triệu đi về phía đông đến nước Yên, lúc đó Tô Tần đã rất nghèo túng rồi, nghèo túng tới mức độ nào? Ông ở trọ không có tiền trả nhà trọ, không có tiền ăn cơm. Thấy ông đáng thương, có một người ở cùng quán trọ đã cho ông 100 đồng tiền, Tô Tần dựa vào sự giúp đỡ của người khác mà nán lại, chờ đợi thời cơ.
Quốc Quân của nước Yên lúc này là Yên Văn Công. Khi Yên Văn Công đi tuần, Tô Tần có một lần đứng ngay tại bên đường đợi Yên Văn Công, được Yên Văn Công nhìn thấy. Yên Văn Công nói với Tô Tần: “Ôi chao, ta đã sớm nghe nói đến danh tiếng của ông, nói rằng ông đã từng viết sách mười mấy vạn chữ về chiến lược tiến công của Tam Vương Ngũ Bá giao cho Tần Vương, ta vẫn luôn muốn kết giao với ông”. Cứ như vậy Tô Tần đã được Yên Văn Công đưa về cung, đó là vào năm 334 TCN.
Cũng chính tại năm này, nước Sở đã diệt và thôn tính toàn bộ đất đai của nước Việt. Nếu như chúng ta xem bản đồ thời kỳ Chiến quốc, thì nước Tần ở tận cùng phía tây, ở giữa là Tam Tấn, tức là ở giữa có nước Triệu, nước Hàn và nước Ngụy. Lại nhìn về hướng đông, thì phía bắc là nước Yên, phía nam là nước Tề, toàn bộ phía nam Trường Giang là nước Sở.
Khi đó Tô Tần phân tích tình thế các nước đương thời cho Yên Văn Công rằng, nước Tần ở tận cùng phía Tây, nước Yên ở tận cùng phía đông, nếu như nước Tần tấn công nước Yên nhất định phải vượt qua nước Hàn hoặc nước Triệu mới có thể tấn công nước Yên. Cho dù nước Tần đánh hạ được thành trì của nước Yên, thì nước Tần cũng không giữ được. Nước Tần không có khả năng vượt qua ngàn dặm để thủ một tòa thành đơn độc, cho nên khả năng nước Tần tấn công nước Yên là không có. Dưới tình huống này, nếu như ngài đi kết minh với nước Tần, thì trên phương diện ngoại giao là một sai lầm rất lớn.
Ngược lại, nếu như nước Triệu tấn công nước Yên, vì biên giới hai nước Triệu-Yên tiếp giáp nhau, trong thời gian chưa đầy bốn, năm ngày, nước Triệu có thể lập tức đánh đến đô thành của nước Yên. Cho nên với vị trí địa lý này của nước Yên, ngài không cần kết minh với nước Tần, mà hẳn nên kết minh với nước Triệu láng giềng của ngài.
Lời của Tô Tần đã thuyết phục được Yên Văn Công, Yên Văn Công cấp cho Tô Tần rất nhiều tiền, cả xe ngựa, người hầu, để ông đi du thuyết nước Triệu, giữ mối quan hệ tốt đẹp với nước Triệu.
Sau khi Tô Tần có được tiền rồi, đầu tiên ông lấy ra 100 cân hoàng kim đến quán trọ đưa cho người đã từng giúp đỡ ông, Tô Tần vẫn là người biết báo ân.
Khi đến nước Triệu, Tô Tần nói với Triệu Túc Hầu rằng, nước Triệu ở đây, mặc dù có lãnh thổ hai ngàn dặm, binh sĩ chiến đấu rất giỏi, lương thực dự trữ dư giả, nhưng nếu ngài muốn đánh nước Tần, thì ngài vẫn đánh không lại nước Tần. Vậy tại sao nước Tần không tấn công nước Triệu?
Bởi vì phía nam của nước Triệu có nước Hàn và nước Ngụy, nếu như nước Tần đánh nước Triệu, thì hai nước Hàn-Ngụy có thể chặn đường rút lui của quân Tần. Nước Triệu muốn chống lại nước Tần, thì hẳn nên trước tiên giao hảo quan hệ với nước Ngụy và nước Hàn, chứ không phải kết quan hệ tốt đẹp với nước Tần.
Mặt khác nước Hàn và nước Ngụy không có núi cao sông rộng để phòng thủ, tại vùng đồng bằng Dự Đông không có con sông lớn hay ngọn núi cao nào, rất dễ bị tấn công. Nếu như nước Tần tiến đánh nước Hàn và nước Ngụy, diệt đi hai nước này rồi, nước Triệu ắt sẽ rơi vào nguy hiểm. Kế sách tốt nhất hiện nay: ba nước Hàn, Triệu, Ngụy nhất định phải liên hợp lại với nhau.
Tô Tần thưa: “Theo thần quan sát, lãnh thổ của các nước chư hầu tính gộp lại với nhau lớn gấp năm lần so với nước Tần, binh sĩ của các nước chư hầu cộng lại cao hơn binh sĩ nước Tần gấp mười lần. Nếu như chúng ta không liên hợp lại với nhau, từng nước một trong chúng ta sẽ bị nước Tần đánh bại, chúng ta sẽ nhất định quy phục nước Tần. Đánh bại người khác hay bị người khác đánh bại; để người khác xưng thần hay là mình xưng thần với người khác, chẳng lẽ là có thể nói giống nhau sao? Cho nên kế sách hiện nay, hẳn là sáu nước liên hợp lại với nhau để chống nước Tần”.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: