“Tiếu đàm phong vân” – Tập 14: Nhất minh kinh nhân[1] (P.2)
Quản Trọng phò Tề Hoàn Công thành tựu nghiệp Bá
Quản Di Ngô tuy bắn tên rất chuẩn, nhưng người tính không bằng trời tính. Tiểu Bạch khi đó mặc y phục có một cái móc đai, cái móc này làm bằng đồng, mũi tên bắn trúng vào cái móc, Tiểu Bạch may mắn không bị thương. Nhưng Tiểu Bạch là người cơ trí, đã nhanh chóng cắn rách đầu lưỡi nhổ ra một ngụm máu, ngã xuống xe. Quản Trọng thấy vậy cho rằng ông ta đã chết. Sau đó Tiểu Bạch đã chạy suốt đêm về đến nước Tề, trở thành Quốc Quân của nước Tề.
Sau khi ông lên kế vị, nước Lỗ rất tức giận, vốn nước Lỗ muốn lập công tử Củ làm Quốc Quân nước Tề, vì vậy giữa nước Lỗ và nước Tề phát sinh một cuộc chiến tranh. Trong cuộc chiến này nước Lỗ bị thua, nước Tề nhân thắng lợi của mình yêu cầu nước Lỗ phải giết công tử Củ, công tử Củ liền tự sát.
Lúc đó Bảo Thúc Nha và Tiểu Bạch đã đến nước Tề, hơn nữa Tiểu Bạch đã trở thành Quốc Quân của nước Tề. Bảo Thúc Nha tâu với Tiểu Bạch, thần kiến nghị Quốc Quân đưa Quản Trọng còn sống bình an trở về nước Tề. Trong “Sử ký-Tề Thái Công thế gia” ghi chép Bảo Thúc Nha tâu với Tiểu Bạch như thế này, thần may mắn đi theo ngài, bây giờ ngài đã thực sự là Quốc Quân nước Tề. Với địa vị tôn quý của ngài, Bảo Thúc Nha thần đã không thể làm cho ngài thêm tôn quý. Nếu như ngài bằng lòng làm Quốc Quân, có Bảo Thúc Nha thần và đại phu Cao Hề phò tá ngài là đủ rồi, nước Tề chúng ta chắc chắn sẽ thịnh vượng, nhưng nếu như ngài muốn xưng bá thiên hạ, thì phải tìm được Quản Trọng, nhất định phải để Quản Trọng đến phò tá ngài.
Câu nói này làm tôi nhớ đến trong “Sử ký”, Tiêu Hà dưới ánh trăng đuổi theo Hàn Tín, ông đã đưa Hàn Tín trở về. Khi ông đi gặp Lưu Bang, ông cũng từng nói những câu tương tự rằng, “Nếu như Hán Vương người chỉ muốn xưng vương ở Hán trung, có hay không có Hàn Tín đều không có vấn đề gì, nhưng nếu người muốn tranh thiên hạ, thì ngoài Hàn Tín ra không ai có thể cùng người bàn bạc chuyện này. Đánh giá của Bảo Thúc Nha đối với Quản Trọng là giống với đánh giá của Tiêu Hà với Hàn Tín.
Tiểu Bạch có phản ứng như thế nào? Tiểu Bạch vốn dĩ rất căm hận Quản Di Ngô, bởi vì ông ta vô thanh vô tức đã bắn tên, thiếu chút nữa khiến ông mất mạng. Nhưng khi nghe sự tiến cử của Bảo Thúc Nha, Tiểu Bạch lập tức quyết định đưa Quản Trọng về nước Tề, hơn nữa ông còn đối đãi với Quản Trọng giống như đối với thầy học và thúc phụ, gọi Quản Trọng là Trọng phụ, đối đãi giống như cha, như chú của mình. Chúng ta thấy công tử Tiểu Bạch: Thứ nhất, ông có chí hướng nhìn xa trông rộng, muốn xưng bá thiên hạ; Thứ hai, ông là người độ lượng, cho dù anh đã từng muốn giết tôi, tôi vẫn muốn dùng anh, đây chính là tố chất mà người muốn thành đại sự tất phải có.
Quản Trọng về bên cạnh Tiểu Bạch được một năm, là năm 685 TCN. Khổng Tử có một lần thảo luận với các học trò về Quản Trọng, Khổng Tử nói, người giống như Quản Trọng, từng “cửu hợp chư hầu, chỉnh đốn thiên hạ”, điều ông dựa vào không phải bạo lực, mà dựa vào nhân đức. Nếu như bản thân Quản Trọng không phải là một người nhân đức, ông làm sao có thể làm được đến mức như vậy? Một đệ tử của Khổng Tử gọi là Tử Cống, chúng ta đã xem qua tập “Ngô-Việt tranh bá”, đều biết Tử Cống là người có tài hùng biện. Tử Cống thưa với Khổng Tử, Quản Trọng chẳng những không thể chết theo công tử Củ, chủ nhân của mình, ngược lại lại đi phò tá kẻ thù của ông ta là Tiểu Bạch, một người như vậy cũng có thể coi là “Nhân” sao?
Khổng Tử trả lời thế nào? Khổng Tử nói: “Quản Trọng phò tá Tề Hoàn Công, chẳng những xưng bá chư hầu chỉnh đốn thiên hạ, hơn nữa ông còn lập lại được uy quyền cho thiên tử của nhà Chu, ngăn được rất nhiều cuộc xâm lăng của các dân tộc thiểu số. Nếu như không phải có Quản Trọng, người dân phải chịu sự uy hiếp của các dân tộc du mục, phải chịu sự uy hiếp và thụt lùi rất lớn. Cho nên Quản Trọng là một người tâm hoài thiên hạ. Ông không cần để ý người bình thường đánh giá ông như thế nào. Nếu như không phải có Quản Trọng, chúng ta hôm nay có thể sẽ phải xõa tóc, vạt áo mở phía bên trái, cuộc sống cũng giống như những nơi chưa được khai hóa văn minh. Chúng ta hôm nay có thể bảo tồn văn minh của chúng ta, là nhận ân huệ rất lớn của Quản Trọng. Cuối cùng ông nói, Quản Trọng sẽ không giống người bình thường chỉ ôm giữ những tiểu tín tiểu nghĩa chết tại chỗ mương nước, chết không ai biết”.
Lời bạch: Quản Trọng là danh tướng trong lịch sử Trung Quốc, ông có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử hệ thống hóa và lưu lại những phương pháp cụ thể như kinh thế tế dân, trị lý quốc gia. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với Tề Hoàn Công, Quản Trọng trước tiên nhấn mạnh đạo đức lập quốc. Ông nói: Lễ-Nghĩa-Liêm-Sỉ là tứ duy của quốc gia; tứ duy không được chú trọng, quốc gia sẽ bị diệt vong; Quốc Quân phải biết quý tiếc sức dân như thế nào, kết hợp quân sự và nông nghiệp như thế nào, phát triển buôn bán giao dịch như thế nào, xây dựng ngân sách cho quân sự như thế nào, trưng binh như thế nào, xử lý quan hệ ngoại giao như thế nào, và phát động chiến tranh với bên ngoài, đến cuối cùng tôn sùng các Vương của nhà Chu, đánh đuổi các dân tộc thiểu số ra khỏi bờ cõi, thành tựu nghiệp Bá.
Thuật trị quốc của Quản Trọng về sau được ghi chép trong cuốn sách có tên “Quản Tử”. Quyển sách này có khả năng không phải Quản Trọng viết, nhưng tư tưởng là của Quản Trọng. Quản Trọng rất chú trọng chữ tín, rất giữ chữ tín. Có một câu chuyện, vào năm thứ 4 Tề Hoàn Công, tức năm 681 TCN, Tề Hoàn Công cùng Lỗ Trang Công cử hành một lần hội minh tại một nơi gọi là Kha, hai Quốc Quân cử hành một yến hội long trọng.
Ngay tại bữa tiệc, thuộc hạ của Lỗ Trang Công là đại thần Tào Mạt đột nhiên rút ra một thanh đoản kiếm, kề vào cổ Tề Hoàn Công, rồi nói: Mấy năm gần đây hai nước Tề-Lỗ giao chiến, nước Tề đã xâm chiếm rất nhiều đất đai của nước Lỗ, bây giờ ta yêu cầu ngài đem tất cả đất đai xâm chiếm được trả lại cho nước Lỗ.
Tề Hoàn Công nếu như không đáp ứng, lập tức sẽ bị giết chết. Tề Hoàn Công nói: Được, được, ta đáp ứng ngươi. Tề Hoàn Công vừa nói xong, Tào Mạt ném thanh đoản kiếm xuống đất, giống như chẳng có chuyện gì, trở lại bàn tiệc nói nói cười cười, sau đó bắt đầu dùng bữa.
Tề Hoàn Công đương nhiên rất ấm ức, chờ đến lúc yến hội kết thúc, nói với Quản Trọng, hôm nay ta bị ép, dưới sự uy hiếp mà định minh ước, nhưng ta không muốn trả cho nước Lỗ đất đai đã chiếm được. Quản Trọng thưa “Phàm là việc đắc chí vì món lợi nhỏ, thì sẽ vứt bỏ chữ tín đối với chư hầu, mất sự ủng hộ của thiên hạ, không đáng như vậy”. Qua việc này có thể thấy Quản Trọng là người rất trọng chữ tín.
Thứ hai, Quản Trọng cũng rất chú trọng lễ. Ông tôn trọng vương thất nhà Chu. Năm 680 TCN, Tề Hoàn Công thảo phạt nước Tống. Dưới sự cho phép, ông đã dùng cờ hiệu thiên tử nhà Chu để đánh. Kết quả nước Tống không dám đánh nhau với quân đội thiên tử nhà Chu, lập tức đầu hàng. Tề Hoàn Công nếm được chút vị ngon ngọt, cái vị ngon ngọt này tại thời Hán gọi là “Hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu”, đó là khi anh cướp được thiên tử về trong tay, anh có thể đi hiệu lệnh chư hầu. Trong “Sử ký” không gọi Hiệp thiên tử (kẹp thiên tử), mà gọi là gì, gọi là Tề Hoàn Công “Phụng thiên tử dĩ lệnh chư hầu”, là tôn phụng thiên tử sau đó hiệu lệnh chư hầu.
Tề Hoàn Công hội chư hầu hết thảy chín lần. Trong đó ba lần là binh xa chi hội, là thắng trận trong chiến tranh, sau đó cùng các quốc gia chư hầu khác hội minh. Sáu lần là y phục chi hội, là dựa vào sức hiệu triệu này của ông, dựa vào sức cảm hóa đạo đức và sự lớn mạnh về quân sự của nước Tề mà cử hành hội minh, cả thảy chín lần.
Khi đến lần hội minh thứ 9, Chu Thiên Tử có ý đặc biệt đem thịt đã từng tế tự Văn Vương và Võ Vương ban cho Tề Hoàn Công, ban thêm cung tiễn bôi màu đỏ, xe và đồ lễ, đồ cúng quý giá của thiên tử nhà Chu. Lúc ấy Chu thiên tử có mệnh lệnh rằng, khi nhận những đồ ban thưởng này Tề Hoàn Công có thể không cần quỳ xuống tạ ơn.
Năm 651 TCN, Tề Hoàn Công đã tương đối già, đã tại vị 35 năm, ông chuẩn bị tiếp nhận mệnh lệnh, vì ông đã già, ông cũng không muốn quỳ xuống tạ ơn.
Quản Trọng nói không thể, ngài hôm nay sở dĩ có thể đạt tới vị trí này, là bởi vì ngài tôn trọng ngôi Vương của nhà Chu, tôn kính vương thất nhà Chu nên cái lễ này không thể bỏ, khuyên Tề Hoàn Công nhất định phải quỳ xuống tạ ơn.
Cho nên con người Quản Trọng, chúng ta vừa mới nhìn thấy sự kiện Tào Mạt, ông giảng tín; lần này khi tiếp nhận Chu thiên tử ban thưởng ông lại rất tôn trọng lễ.
(Còn tiếp)
[1] Nhất minh kinh nhân: Đây là một thành ngữ trong tiếng Hoa, “Thử điểu bất phi tắc dĩ, nhất phi xung thiên; bất minh tắc dĩ, nhất minh kinh nhân”. Tạm dịch: Con chim đó không bay thì thôi, một khi đã bay thì bay vút lên trời; không hót thì thôi, một khi đã hót thì khiến người ta kinh ngạc. Theo dịch giả: “Nhất minh kinh nhân” được hiểu là nói một tiếng làm kinh động lòng người.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: