“Tiếu đàm phong vân” – Tập 14: Nhất minh kinh nhân[1] (P1)
Quản – Bảo chi giao
Lời bạch: Nước Tề trước sau đã cứu nước Triệu và nước Hàn, trở thành một nước mạnh nhất phương Đông. Khi đó nước Tề ngoài việc mạnh về võ lực ra, cũng dựa vào việc trăm nhà đua nhau học ở Tắc Hạ Học Cung (được coi là trường đại học quốc lập thời Chiến Quốc) mà trở thành Trung tâm học thuật của Trung Quốc thời đó. Nhưng Quốc Quân nước Tề trước đó không quan tâm triều chính khiến quốc gia rơi vào kết cục nguy hiểm, nước Tề đã làm thế nào để thoát khỏi thế cục nguy hiểm mà đi đến cường thịnh?
Nước Tề vào thời Xuân Thu là một nước lớn, nghiêm túc mà nói, nước Tề thời Xuân Thu và nước Tề thời Chiến Quốc là hai quốc gia, chỉ là quốc hiệu không đổi. Nước Tề vào thời Xuân Thu thuộc về họ Khương, thời Chiến Quốc thuộc họ Điền. Trong “Sử ký” cũng phân biệt “Tề Thái Công thế gia” và “Điền Hoàn thế gia” để ghi lại lịch sử của hai nước. “Điền Hoàn thế gia” cũng gọi là “Điền Kính Trọng Hoàn thế gia”, trong đó “Điền” là họ “Hoàn” là danh, “Kính Trọng” là Thụy hiệu. Một người mang họ Điền Hoàn, Thụy hiệu của người đó là Kính Trọng, lịch sử ghi chép lại bắt đầu từ chỗ người đó gọi là “Điền Hoàn thế gia”.
Quốc Quân đầu tiên của nước Tề là Khương Tử Nha. Sau khi Vũ Vương phạt Trụ, Khương Tử Nha là đệ nhất công thần. Khi Vũ Vương phân chư hầu, đã lấy nước Tề phong cho Khương Thái Công.
Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết kể về Khương Tử Nha. Trong “Sử ký” ghi chép rõ ràng nhất là khi Khương Tử Nha ngồi câu cá bên bờ sông Vị Thủy gặp Chu Văn Vương. Chúng ta đều biết “Khương Thái Công câu cá, người nào tình nguyện thì mắc câu”, lưỡi câu của ông lại thẳng. Chu Văn Vương trước khi gặp được Khương Tử Nha, vốn là muốn đi săn. Ông cho người bốc một quẻ, trên hào từ nói ông sẽ gặp một người đặc biệt tài giỏi, kết quả Chu Văn Vương gặp được Khương Tử Nha.
Nhìn thấy Khương Tử Nha, Văn Vương vô cùng phấn khởi, vô cùng vui mừng, ông nói với Khương Tử Nha “Thái Công của ta nói với ta, sắp tới có sẽ một thánh nhân đến nhà Chu, từ đó trở đi sẽ trở nên hưng thịnh.” Ông nói người mà ông nội của mình nói chính là Khương Tử Nha, ông nội của ta đã đợi ông lâu lắm rồi.
Nguyên văn trong “Sử ký” ghi như thế này: “Tự ngô tiên quân Thái Công viết, đương hữu thánh nhân thích Chu, Chu dĩ hưng. Tử chân thị dã? Ngô Thái Công Vọng tử cửu hĩ.” Vì thế Khương Tử Nha có thêm một cái tên, gọi là Thái Công Vọng, chính là ba chữ trong câu “Ngô Thái Công Vọng tử cửu hĩ”.
Tổ tiên của Khương Tử Nha từng là thuộc hạ của Vua Nghiêu, vào thời Ngũ Đế đã làm đến chức Tứ nhạc. “Tứ nhạc” là chức quan cai quản chư hầu bốn phương. Về sau khi Đại Vũ trị thủy, vì có công phụ tá Đại Vũ trị thủy nên được phong đến một vùng đất gọi là “Lữ”. Chúng ta biết cổ nhân có một thói quen, đó là chỉ đất làm họ, được phong đến nơi này, như vậy từ đây nhà họ sẽ mang họ này, cho nên Khương Tử Nha còn được gọi là Lữ Thượng. Gọi Khương Thượng, Lữ Thượng, Khương Tử Nha, Thái Công Vọng, đều là chỉ cùng một người.
Khương Tử Nha từ khi được Chu Vũ Vương phong quốc về sau, tồn tại cho đến năm 386 TCN, vị Quốc Quân cuối cùng gọi là Tề Khang Công. Lúc này nước Tề có một nhà đại phu họ Điền, thế lực rất lớn mạnh, mà Tề Khang Công khi đó chỉ còn lại một tòa cô thành ở ven biển. Điền gia được Chu Thiên Tử phong làm chư hầu, nước Tề bắt đầu do họ Điền làm chủ. Năm 379 TCN Tề Khang Công chết bệnh, không có người nối dõi, toà cô thành kia cũng thuộc về họ Điền. Năm 386 TCN, chúng ta có thể nói họ Điền thay thế họ Tề. Đến năm 379 TCN, nước Tề mà Khương Tử Nha kiến lập nên đã không còn tồn tại nữa.
Dựa theo ghi chép trong “Sử ký ‧ Tề Thái Công thế gia”: Khương Tử Nha chẳng những rất giỏi về đánh trận, mà còn cũng rất giỏi về quản lý quốc gia. Ông đã làm cho quốc gia trở nên giàu có. Bởi vì giáp biển, nên công nghiệp, thương nghiệp, ngư nghiệp, và nghề làm muối đều phát triển rất tốt, nước Tề vì vậy mà thịnh vượng.
Khi Khương Tử Nha vừa tới nước Tề không lâu, Chu Vũ Vương bị bệnh chết. Một người con trai nhỏ tuổi của Vũ Vương kế vị, đó là Chu Thành Vương, lúc ấy khoảng 13 tuổi. Chu Vũ Vương gửi gắm con côi cho em trai của mình là Chu Công Đán phò tá Thành Vương. Sau khi Chu Công phụ chính không lâu, hai người em khác của Chu Vũ Vương là Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ làm loạn, Khương Thái Công trợ giúp Chu Thiên Tử đi bình loạn.
Một người em khác của Chu Vũ Vương là Triệu Công, đã nói với Khương Tử Nha rằng: Thiên hạ lớn như thế, từ phía đông đến biển cả, từ phía tây đến Hoàng Hà, từ phía nam đến Mục Lăng, (Mục Lăng thuộc thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang ngày nay), từ phía bắc đến Vô Lệ, (nơi này gần đảo Hồ Lô tỉnh Liêu Ninh ngày nay), đó là thiên hạ mà Trung Quốc thời đó biết đến. Triệu Công nói, nội trong phạm vi lớn như thế, ngũ đẳng hầu tước cùng cửu châu phương bá[2] ông đều có thể đến chinh phạt, nghĩa là lúc đó cho Khương Tử Nha quyền đi chinh phạt thiên hạ, điều đó cho thấy địa vị của nước Tề rất cao.
Sau thời Khương Tử Nha hơn ba trăm năm, không có chuyện gì lớn đặc biệt phát sinh. Đến hơn ba trăm năm về sau, Trung Quốc tiến vào thời kỳ Xuân Thu. Tại thời Xuân Thu, nước Tề đã có một vị Quốc Quân tài giỏi, cũng là Ngũ Bá thứ nhất thời Xuân Thu – Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công tên là Khương Tiểu Bạch. Tề Hoàn Công sở dĩ có thể xưng bá là bởi vì ông ta có một vị tướng quốc nổi tiếng, tên là Quản Trọng. Quản Trọng có thể lên làm tướng quốc là do Quản Trọng có một bằng hữu tốt gọi là Bảo Thúc Nha. Trong lịch sử có lưu lại một câu thành ngữ “Quản-Bảo chi giao”, là nói về quan hệ giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha đặc biệt tốt.
Bảo Thúc Nha đối với Quản Trọng chẳng những có ơn tri ngộ, mà cũng có ơn cứu mạng. Trong “Sử ký – Quản Yến liệt truyện” có ghi chép một đoạn tự thuật của Quản Trọng: “Ngô thủy khốn thời, thường dữ Bảo Thúc giả”, ý là: Khi ta còn nghèo đã từng làm ăn chung với Bảo Thúc Nha. Chữ “Giả” này có người phiên dịch thành thương nhân, kỳ thật tại thời cổ đại thương và giả là hai khái niệm khác nhau. Cái gì gọi là thương? “Thương” là đem một vật vận chuyển đến một nơi khác để buôn bán, chúng ta thường gọi là nhà buôn, đây được gọi là thương. “Giả” là ngồi trong tiệm trực tiếp bán hàng, cho nên nói là “hành thương tọa giả”.
Lúc ấy Quản Trọng cùng Bảo Thúc Nha cùng nhau làm ăn, mỗi khi chia tiền Quản Trọng luôn lấy hơn một chút, tuy rằng vốn liếng ít, nhưng khi chia tiền ông phải cầm nhiều hơn một chút. Bảo Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng là một người tham lam, bởi vì ông ta biết nhà Quản Trọng rất nghèo.
Quản Trọng đề xuất ý kiến với Bảo Thúc Nha, nói việc buôn bán này chúng ta nên làm như thế này, ba lần đưa ra chủ ý thì Bảo Thúc Nha lỗ vốn cả ba lần, nhưng Bảo Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng là người kém cỏi, bởi vì ông ta biết việc kinh doanh có lúc sẽ có lãi, có lúc sẽ thua lỗ.
Quản Trọng đã từng phụ tá qua ba đại thần, ba lần đều bị đại thần đuổi đi, nhưng Bảo Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng không có tiền đồ, vì ông nhận thấy thời vận của một người có lúc lên, có lúc xuống.
Quản Trọng khi đánh trận đã từng nhiều lần bị thua trận, sau đó Quản Trọng liều mạng chạy trở về, chạy rất nhanh. Bảo Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng là người nhát gan, ông ta biết Quản Trọng còn có mẹ già ở nhà, cần phải về nhà tận hiếu.
Sau khi công tử Củ mà Quản Trọng phò tá bị chết, Quản Trọng chẳng những không chết cùng chủ nhân của mình, ngược lại chạy đến chỗ kẻ địch để làm việc, chính là đến chỗ Tiểu Bạch làm tướng quốc. Bảo Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng là một người vô sỉ, không cho rằng ông ta là một người không thể chết vì khí tiết, bởi vì ông biết con người Quản Trọng hoàn toàn không lo lắng vì danh dự của mình, điều Quản Trọng lo lắng là tài năng, chí hướng cùng khát vọng của mình không thể tỏa sáng khắp thiên hạ.
Cuối cùng Quản Trọng cảm thán một câu như thế này, ông nói: “Sinh ta là cha mẹ, hiểu ta là Bảo Tử.” Khi tôi đọc “Sử ký”, đến đoạn Quản Yến liệt truyện, tôi liền nhớ lại đến lời cổ nhân đã từng nói: Đời người có một tri kỷ là đủ. Như vậy chẳng nghi ngờ gì Bảo Thúc Nha chính là tri kỷ của Quản Trọng. Ông có ơn tri ngộ, đồng thời cũng có ơn cứu mạng đối với Quản Trọng. Chuyện này là như thế nào?
Lời bạch: Năm 698 TCN, Tề Tương Công kế vị. Đạo đức của Tề Tương Công vô cùng bại hoại, ông ta cùng em gái của mình thông dâm, giết chết em rể Lỗ Hoàn Công, sau đó lại đem kẻ thi hành mệnh lệnh là Bành Sinh làm con dê thế tội giết chết. Ông ta không giữ tín nghĩa, đắc tội với hai đại thần là Liên Xưng và Quản Chí Phủ. Về sau hai đại thần Liên Xưng, Quản Chí Phủ cùng em họ của Tề Tương Công là Công Tôn Vô Tri cùng mưu loạn, giết chết Tề Tương Công.
Tề Tương Công chết, Công Tôn Vô Tri trở thành Quốc Quân nước Tề, nhưng các đại thần không phục. Đại thần Ung Lẫm sau đó giết chết Công Tôn Vô Tri, lúc này nước Tề không có Quốc Quân. Tề Tương Công có hai người em, một người là công tử Củ, một người là công tử Tiểu Bạch. Khi đó hai người em này nhìn thấy hoàng huynh cả ngày không làm việc tốt, biết là chắc chắn sẽ có họa, thế là mỗi người chạy trốn đến một nước. Công tử Củ chạy đến nước Lỗ, công tử Tiểu Bạch chạy đến nước Cử.
Khi đó Bảo Thúc Nha thương lượng với Quản Trọng. Ông ta nói hai công tử nhất định sẽ có một vị lên làm Quốc Quân, chúng ta hai người mỗi người phò tá một vị, tương lai ai làm Quốc Quân, người kia cũng có thể theo cùng. Cho nên Quản Trọng đến nước Lỗ phò tá công tử Củ, Bảo Thúc Nha theo công tử Tiểu Bạch ở nước Cử.
Nước Tề phát sinh họa loạn, tin tức được truyền đi, công tử Củ và công tử Tiểu Bạch đều biết tin, họ vội vàng trở về đô thành nước Tề. Vì vị trí Quốc Quân để trống, ai về trước người đó sẽ làm Quốc Quân. Trong cuộc đua chạy đường dài này, công tử Củ thua. Vì sao? Quản Trọng thực ra biết Tiểu Bạch ở nước Cử, nước Cử cách nước Tề tương đối gần, mà nước Lỗ cách nước Tề tương đối xa.
Quản Trọng đã rất lo lắng công tử Tiểu Bạch chạy về trước, ông trước tiên cho người chặn xe của công tử Tiểu Bạch. Khi nhìn thấy công tử Tiểu Bạch, Quản Trọng không nói câu nào, lệnh giương cung lắp tên bắn vào Tiểu Bạch. Quản Di Ngô là một tay Thần tiễn thủ, sau khi mũi tên bắn đi, Tiểu Bạch khi đó kêu to một tiếng, nhổ ra một ngụm máu, sau đó ngã xuống xe.
Quản Trọng rất an tâm cho rằng công tử Tiểu Bạch đã bị tên bắn chết rồi, ông trở về tâu với công tử Củ, chúng ta không cần vội vàng, đi từ từ thôi, người ở bên đó đã bị thần bắn chết rồi, nhưng kỳ thực chưa chết.
(Còn tiếp)
[1] Nhất minh kinh nhân: Đây là một thành ngữ trong tiếng Hoa, “Thử điểu bất phi tắc dĩ, nhất phi xung thiên; bất minh tắc dĩ, nhất minh kinh nhân”. Tạm dịch: Con chim đó không bay thì thôi, một khi đã bay thì bay vút lên trời; không hót thì thôi, một khi đã hót thì khiến người ta kinh ngạc. Theo dịch giả: Nhất minh kinh nhân được hiểu là nói một tiếng làm kinh động lòng người.
[2] Phương bá: bá của một địa phương, ở đây chỉ người đứng đầu của các châu trong cửu châu.
Do BiHui thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: