“Tiếu đàm phong vân” – Tập 13: Tôn-Bàng đấu trí (P3)
Tôn Tẫn giả điên thoát khỏi nước Ngụy
Buổi tối hôm đó sau khi dùng bữa xong, Tôn Tẫn bắt đầu nôn ói, nôn ói xong, ông đem toàn bộ những thẻ tre mà mình đã viết ném vào trong lửa đốt hết. Ông bắt đầu nói mấy lời quái lạ không ai hiểu được, vừa cười, vừa làm ầm ĩ, làm náo loạn. Bàng Quyên tới nơi, nhìn thấy Tôn Tẫn nước mắt nước mũi đầy mặt, khắp nơi đều rối loạn ngổn ngang, ông ta hỏi Thành Nhi có chuyện gì xảy ra. Thành Nhi trả lời, mới vừa rồi không biết có chuyện gì, sau khi dùng bữa tối xong thì đại nhân trở nên như vậy, giống như bị điên rồi. Bàng Quyên không tin, hỏi Tôn Tẫn rằng, này huynh, huynh còn nhận ra ta hay không? Tiếp đó Tôn Tẫn cố ý nói ra mấy câu nói hoang đường vô nghĩa.
Bàng Quyên làm thế nào đây? Ông ta rất độc ác, sai người kéo Tôn Tẫn vào trong chuồng heo, bên trong toàn là phân heo, cực kỳ bẩn. Tôn Tẫn vào trong chuồng heo nằm xuống, bộ dáng dường như rất thoải mái. Bàng Quyên có vẻ không xác định rõ được tình hình. Vào nửa đêm, Bàng Quyên phái một người, mang theo rượu và đồ ăn ngon vào trong chuồng heo nói với Tôn Tẫn rằng, tiểu nhân biết Tôn Khách khanh thân bị oan uổng, tiểu nhân rất đồng cảm với ngài, tự tiểu nhân vụng trộm làm một ít đồ ăn và rượu cho ngài, Bàng tướng quân không biết đâu.
Tôn Tẫn vừa nhìn biết ngay đây là bẫy của Bàng Quyên, lập tức đem rượu và đồ ăn ném qua một bên, hét lớn ngươi lại bỏ thuốc độc cho ta! Ông bắt đầu chửi bới người kia, người bị mắng lập tức nhặt một cục phân từ trên mặt đất đưa cho Tôn Tẫn, Tôn Tẫn liền há miệng ăn. Người này sau khi trở về, kể rõ tình huống đó cho Bàng Quyên, Bàng Quyên nói: Xong rồi, người này thực sự điên rồi.
Bàng Quyên lệnh với những người bên dưới rằng, từ nay về sau mỗi ngày các ngươi đều phải báo cáo với ta về động tĩnh của Tôn Tẫn, kỳ thực, Bàng Quyên vẫn không thể hoàn toàn yên tâm. Vì chân Tôn Tẫn không đi được, nên ông chỉ có thể bò trên mặt đất. Có lúc ông bò ra bên ngoài phơi nắng, ngồi dựa vào bên cạnh giếng. Người qua đường biết ông là Tôn Khách khanh, thương cảm ông đã bị bệnh lại tàn phế, có đôi khi họ cho ông đồ ăn, cho ông nước uống, Tôn Tẫn có khi ăn có khi không ăn, sau đó ông thường xuyên nói mấy lời nhảm nhí linh tinh. Cứ như thế một khoảng thời gian, trong tâm Bàng Quyên cũng càng lúc càng buông lỏng.
Lời bạch: Mặc dù Bàng Quyên không ép Tôn Tẫn chép binh pháp nữa, nhưng vẫn tiếp tục kín đáo theo dõi ông. Tôn Tẫn làm thế nào để thoát khỏi sự khống chế của Bàng Quyên. Trong “Sử ký” ghi lại rất đơn giản, “Sứ giả nước Tề đến Lương (nước Ngụy), Tôn Tẫn âm thầm gặp và nói với sứ giả nước Tề về cực hình mình chịu. Sứ giả nước Tề cho là kỳ tài, trộm đưa ông về nước Tề”. Cách nói này của “Sử ký” cần nên thảo luận. Tôn Tẫn không thể đi lại, không có xe thì không cách nào đi đâu được, ông làm sao có thể lén đi gặp sứ giả nước Tề, còn có thể nói chuyện, còn có thể bí mật bỏ trốn được? Đây là câu hỏi thứ năm của chúng ta khi đọc “Sử ký”. Còn những điều được ghi chép trong “Đông Chu liệt quốc chí” là, tin tức Tôn Tẫn bị tuyên truyền đến nước Tề, Mặc Tử đang làm khách trong phủ của đại phu Điền Kỵ, để cứu Tôn Tẫn, ông cùng Điền Kỵ đã định ra một kế sách, phái Thuần Vu Khôn lấy danh nghĩa tiến cống lá trà, đi đến nước Ngụy.
Lúc đó Thuần Vu Khôn dẫn theo Cầm Hoạt Ly cùng đi với ông. Ban ngày họ giải quyết việc công sự, đến ban đêm, Cầm Hoạt Ly bí mật chạy đi gặp Tôn Tẫn. Khi ấy vừa lúc Tôn Tẫn ngồi bên cạnh giếng, nhìn thấy Cầm Hoạt Ly, Tôn Tẫn trợn mắt nhìn chằm chằm ông ta mà không nói lời nào. Tôn Tẫn đã biết Cầm Hoạt Ly từ trước khi ở Quỷ Cốc họ đã từng nói chuyện với nhau rồi. Cầm Hoạt Ly lập tức rơi lệ nói với Tôn Tẫn rằng, “Tôn khanh khốn khổ đến nước này ư?”
Cầm Hoạt Ly nói ta lần này tới đây, bề ngoài là tiến cống lá trà, kỳ thực là để đón ông đi nước Tề. Lúc ấy Tôn Tẫn nghe xong câu nói này, lệ rơi như mưa. Ông nói một người tàn phế như ta thế này, ta cho rằng một đời này sẽ chết ở nơi đây, mỗi ngày Bàng Quyên phái người theo dõi ta, ta lại không thể đi đứng được, ngài làm sao có thể đưa ta về nước Tề? Cầm Hoạt Ly nói, việc công rất nhanh sẽ làm xong xuôi trong hai ngày, mỗi ngày ông đều ở nơi này chờ ta, một khi việc công làm xong ta sẽ sớm báo cho ông biết.
Cầm Hoạt Ly giải quyết việc công xong, vào lúc nửa đêm, phái một người nô bộc của ông, tên là Vương Nghĩa, đi tìm Tôn Tẫn. Vương Nghĩa lấy y phục của Tôn Tẫn khoác lên người mình, rồi làm cho đầu tóc rối loạn che lấp đi gương mặt, sau đó nằm sấp xuống bên cạnh cái giếng, Tôn Tẫn được mang lên xe rời đi. Qua hai ngày sau, Vương Nghĩa đoán Tôn Tẫn đã đến được nước Tề, vội cởi bỏ bộ y phục dơ bẩn, khoác vào y phục của chính mình rồi rời khỏi đó.
Quan viên địa phương vốn dĩ mỗi ngày đều phải tới chỗ của Bàng Quyên để báo cáo Tôn Tẫn đang ở đâu, đột nhiên không thấy Tôn Tẫn. Quan địa phương nói với Bàng Quyên rằng, có phải nhảy xuống giếng rồi hay không? Bởi vì họ thực sự tìm không thấy. Bàng Quyên cho người tìm khắp nơi cũng không có tin tức, lại sợ Ngụy Vương hỏi, nên ông ta tâu với Ngụy Vương rằng Tôn Tẫn đã nhảy xuống giếng rồi. Cứ như vậy Tôn Tẫn đã rời khỏi nước Ngụy, đi đến được nước Tề. Sau khi đến được nước Tề, ông ở lại trong phủ của đại phu Điền Kỵ.
Vị Điền Kỵ này rất thích cá cược đua ngựa. Có một lần Tôn Tẫn xem Điền Kỵ và Tề Uy Vương cược đua ngựa, phát hiện ngựa của Điền Kỵ thực ra không kém bao nhiêu so với ngựa của Tề Vương, nhưng Điền Kỵ luôn luôn thua, mỗi lần đều thua rất nhiều tiền. Về sau Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ, ta có một biện pháp, ông hẹn Tề Vương hai ngày nữa đến cược đua ngựa, cược ba trận, mỗi trận lấy ngàn lượng vàng làm tiền cược. Ngàn lượng vàng là khoảng một ngàn cân vàng, tất nhiên vàng ở thời kỳ Chiến quốc chỉ chính là đồng thau. Một ngàn lượng vàng là một số tiền đặt cược rất lớn. Thời ấy chi phí một năm của một gia đình bình thường có thể cũng chỉ có mấy lượng vàng mà thôi.
Lúc ấy Tề Vương vừa thấy Điền Kỵ ra tiền đặt cược lớn như thế đã cười, nói rằng khanh cược khoản tiền lớn như vậy, e là cược xong ba trận, toàn bộ gia sản của khanh đều sẽ thuộc về ta. Điền Kỵ đáp, cược xong sẽ biết. Kết quả của trận thi đấu thứ nhất, ngựa của Điền Kỵ thua ngựa của Tề Vương rất xa, Tề Vương nhìn thấy Điền Kỵ thua thê thảm, buông tiếng cười ha ha. Điền Kỵ đã thua một ngàn lượng vàng. Kết quả trận thứ hai và trận thứ ba, Điền Kỵ đều thắng. Tề Vương rất lấy làm lạ, nói ngựa của ta xưa nay đều tốt hơn ngựa của khanh, làm sao lại xuất hiện kết quả như thế?
Điền Kỵ thưa thần có một vị Khách khanh gọi là Tôn Tẫn, đưa ra cho thần một phương pháp hay. Phương pháp này có thể mọi người đều biết, rất nổi tiếng, chính là lấy con ngựa kém nhất của anh thi với con ngựa tốt nhất của người kia, trận thứ nhất thì thua; sau đó lấy con ngựa tốt nhất thi với con ngựa tốt thứ hai của người kia, vậy sẽ thắng; trận thứ ba là lấy con ngựa tốt thứ hai thi với con ngựa kém nhất của người kia, cho nên mặc dù có thua một trận, nhưng sẽ thắng liền hai trận. Đây chính là điển cố “Điền Kỵ đua ngựa” rất nổi tiếng.
Vừa nói điều này ra, Tề Uy Vương nhận thấy Tôn Tẫn thật đúng là một nhân tài, muốn phong Tôn Tẫn làm đại phu. Tôn Tẫn thưa, không được rồi, thần là “Hình dư chi nhân”, ý chỉ người bị tàn phế do hình phạt, không nên làm quan thì hơn, hay là thần làm cố vấn cho ngài vậy.
Kỳ thực Tôn Tẫn một lòng chờ giao tranh với nước Ngụy, ông phải báo thù. Cuối cùng, cơ hội đã đến rất nhanh.
Năm 354 TCN, nước Ngụy tấn công nước Triệu. Bàng Quyên đánh trận vẫn rất lợi hại, nhanh chóng đánh hạ được đô thành Hàm Đan của nước Triệu. Nước Triệu thấy chẳng mấy chốc mà bị mất nước, họ vội đến cầu cứu nước Tề. Tề Uy Vương phong Điền Kỵ làm tướng quân, Tôn Tẫn làm quân sư đi cứu nước Triệu. Lúc ấy Tôn Tẫn đưa ra một phương pháp cực kỳ nổi tiếng, đó là “vây Ngụy cứu Triệu”, đây là kế thứ hai trong ba mươi sáu kế. Tôn Tẫn khi đó đã nói ra mấy câu được ghi lại trong “Sử ký”, trong đó còn có một câu thành ngữ là “Phê cang đảo hư” (đánh vào điểm yếu của quân địch, lợi dụng sơ hở của địch mà tiến vào).
Tôn Tẫn nói, khi dùng binh, nhất định phải tránh đi mũi nhọn của quân địch, mà tấn công nơi yếu nhất của quân địch. Nếu như chúng ta bây giờ giao chiến với Bàng Quyên, quân đội trong tay hắn là lực lượng tinh nhuệ nhất nước Ngụy, hơn nữa họ vừa mới đánh hạ đô thành của nước Triệu, sĩ khí đang mạnh, chúng ta giao chiến chính diện với hắn sẽ tổn thất rất lớn. Biện pháp đơn giản nhất là, chúng ta không đi cứu nước Triệu, mà bao vây nước Ngụy lại. Vây Ngụy cứu Triệu, khi đó Bàng Quyên nhất định phải đem quân quay về, chúng ta sẽ chờ hắn đem quân trở về nửa chừng, trong binh pháp gọi là “Dĩ dật đãi lao” (nhàn hạ chờ quân địch mệt mỏi), đường xa chạy trở về để cứu quốc gia. Chúng ta mai phục sẵn nơi này, nhàn hạ chờ chúng mệt mỏi, như thế chúng ta có thể dễ dàng đánh bại Bàng Quyên.
Kết quả Bàng Quyên quả nhiên trúng kế, trên đường trở về, đã xảy ra một trận chiến tại Quế Lăng, đương nhiên Bàng Quyên bị đánh bại, nước Tề đánh thắng trận. Hơn nữa Bàng Quyên biết người mà hắn sợ nhất kia chẳng những chưa chết, mà còn đang ở nước Tề.
Bàng Quyên biết chỉ cần Tôn Tẫn còn sống, thì hắn (Bàng Quyên) không thể xưng bá thiên hạ được. Phải làm sao đây? Bàng Quyên liện dùng một kế ly gián, phái người rải ra lời đồn ở nước Tề, đồn rằng đại phu Điền Kỵ không chỉ đánh trận rất lợi hại, mà lòng người dân nước Tề đều quy thuận ông ta, tương lai có một ngày nhất định sẽ làm phản. Bàng Quyên cho người đưa lời đồn như vậy, Tề Uy Vương lập tức tin ngay, kết quả Điền Kỵ bị bãi quan. Sau khi Điền Kỵ bãi quan, Tôn Tẫn theo Điền Kỵ cũng rời khỏi quân đội của nước Tề.
(Còn nữa)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: