‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 12: Vương Bá khác đường (P1)
Thương Ưởng gian trá đoạt Tây Hà
Lời bạch: Năm 350 TCN, Thương Ưởng lần thứ hai thực hiện biến pháp, dời đô thành của nước Tần từ Nhạc Dương đến Hàm Dương. Năm 341 TCN, hai nước Ngụy-Tề giao chiến, nước Ngụy thua nặng, chủ tướng bị giết, quân Ngụy bị tổn thất lớn. Thương Ưởng cho rằng, thời cơ đoạt Tây Hà xây dựng nghiệp bá đã đến, ông ta đến gặp Tần Hiếu Công thỉnh cầu được đi đánh nước Ngụy.
Dựa theo ghi chép trong “Sử ký – Thương quân liệt truyện”, năm 340 TCN, Vệ Ưởng nói với Tần Hiếu Công, mảnh đất Tây Hà này là mảnh đất chiến lược quan trọng, nhân lúc bây giờ nước Ngụy bại trận, chư hầu rời xa, chúng ta nhanh chóng giành lấy mảnh đất này.
Một khi chiếm lĩnh Tây Hà, nước Tần có thể mở rộng biên giới phía đông đến bên bờ sông Hoàng Hà. Sau khi chiếm được Hoàng Hà, nước Tần dựa vào Hoàng Hà cùng sự hiểm trở của núi Hào, chẳng những có thể xưng bá Tây Vực, mà lại có thể chờ đợi khi Trung Nguyên có biến, có thể vượt qua Hoàng Hà để thống nhất Trung Quốc. Tần Hiếu Công nghe những lời Vệ Ưởng tâu, cảm thấy có đạo lý, nên đã trao quyền cho Vệ Ưởng lãnh binh tiến công nước Ngụy.
Lúc ấy người mà nước Ngụy cử ra chống lại Thương Ưởng là ai? Đó là công tử Ngang. Khi ở Ngụy quốc, Vệ Ưởng đã có quan hệ rất tốt với công tử Ngang. Công tử Ngang từng tiến cử Thương Ưởng với Ngụy Vương. Lần này công tử Ngang lãnh binh nghênh chiến, hoàn toàn không nghĩ thật sự phải sử dụng binh đao với Vệ Ưởng. Công tử Ngang muốn qua tình bằng hữu để đàm phán cùng Vệ Ưởng, xóa bỏ được trận chiến này. Vệ Ưởng trong lòng hiểu rất rõ ràng, tương kế tựu kế viết một phong thư gửi cho công tử Ngang.
Vệ Ưởng nói, năm đó ở Ngụy quốc, chúng ta là bằng hữu thân thiết, hiện tại chúng ta đều vì chủ của mình, trên chiến trường phải sử dụng binh đao, nghĩ tới thấy thật là chuyện đau lòng. Chi bằng thế này, chúng ta bỏ đi giáp trụ, thay bằng triều phục, sau đó tìm một nơi phong cảnh tươi đẹp cùng nhau dùng bữa, uống chút rượu, nghe nhạc, đàm đạo, ký tên vào hiệp nghị hòa bình, ngài thấy thế nào?
Công tử Ngang vốn có dự định như vậy, nghe Vệ Ưởng chủ động nói như thế, như nói hộ lòng mình, lập tức đáp ứng yêu cầu của Vệ Ưởng. Vệ Ưởng liền cùng công tử Ngang hẹn định một ngày.
Đến ngày hẹn, công tử Ngang chỉ dẫn theo rất ít binh sĩ, ước chừng khoảng 300 người, mang theo một bộ nhạc công, một chút rượu và một vài món ăn, đến gặp Vệ Ưởng. Tại tiệc rượu chủ khách cùng vui, tiếp rượu và thức ăn liên tục, dùng bữa rất vui vẻ. Đột nhiên một tiếng pháo nổ, công tử Ngang nhìn Vệ Ưởng, chuyện gì xảy ra? Vệ Ưởng nói, lừa ngài một lần, xin tha thứ. Sau đó rất nhiều binh lính Tần xông ra, bắt công tử Ngang cùng toàn bộ thuộc hạ, không một ai chạy thoát.
Vệ Ưởng cho binh lính của mình mặc quân phục binh sĩ của nước Ngụy, quay trở lại thành nơi công tử Ngang trấn giữ. Thành đó do Ngô Khởi xây dựng, gọi là Ngô thành. Quân Tần chạy đến dưới thành hô, công tử vừa cùng Vệ Ưởng ký hiệp ước hòa bình, bây giờ trở về, xin mở cửa thành. Người trên thành cũng không nhìn kỹ. Sau khi mở cửa thành, quân Tần tiến thẳng vào, không đánh mà thắng công chiếm được thành. Công tử Ngang không thể làm gì khác, buộc phải đầu hàng quân Tần.
Lúc này nước Ngụy không có đại tướng nào có thể cầm quân, Ngụy Vương không còn cách nào, quyết định đem toàn bộ Tây Hà cắt nhường cho nước Tần. Nước Tần đã mở rộng biên giới đến tận bên bờ sông Hoàng Hà.
Vệ Ưởng trở về, Tần Hiếu Công khen ngợi và ban thưởng cho ông hai khu vực là đất Thương và đất Vu, tổng cộng 15 thành ấp. Lúc này, Vệ Ưởng chính thức trở thành Thương Ưởng, vì được phong đất Thương.
Thương Ưởng rất đắc ý, ông ta có một lần nói trước mặt quan khách trong một buổi dạ yến, mọi người nhìn ta xem, năm xưa là một đứa con thứ ở nước Vệ, “Cắp sách đi vào nước Tần”, ý là mang theo sách lược Bá vương đến nước Tần, giúp nước Tần trở thành một nước giàu binh mạnh. Ta nắm giữ quốc chính của nước Tần, bây giờ ta lại lấy được Tây Hà, mở mang bờ cõi cho nước Tần, Quốc Quân ban thưởng cho ta một mảnh đất như vậy. Các ngươi nghĩ xem, đại trượng phu cả đời đạt đến mức này, đã là không thể hơn được nữa có phải không? Chính là “Đại trượng phu đắc chí, có thể nói đã đến cực điểm vậy,” không thể tốt hơn được nữa.
Phía dưới tân khách thay nhau biểu thị chúc mừng. Lúc này một người đứng lên nói, một ngàn người vâng vâng dạ dạ, không bằng một người biểu thị ý kiến khác. Nếu như ngài muốn nghe lời chân thật, hãy đồng ý với tôi rằng, bất luận tôi nói cái gì, cũng sẽ không giết hoặc xử phạt tôi.
Thương Ưởng nhìn ra là người ông từng muốn kết giao bằng hữu nhưng bị từ chối, người này tên là Triệu Lương. Thương Ưởng nói, ngài có gì cứ việc nói thẳng, ta sẽ không trách phạt. Ta muốn hỏi ngài, ta và Ngũ Cổ đại phu, ai giỏi hơn?
Ngũ Cổ đại phu là ai? Ngũ Cổ đại phu là Bách Lý Hề người vào thời kỳ Xuân Thu đã phò tá Tần Mục Công hoàn thành nghiệp Bá. Chúng ta biết, thời Xuân Thu có năm vị làm Bá chủ: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Vương. Khi Tần Mục Công xưng Bá trong những năm Xuân Thu, tể tướng của ông ta là Bách Lý Hề.
Bách Lý Hề vì sao được gọi là Ngũ Cổ đại phu? Chữ “Cổ” này có nghĩa là da dê màu đen, bởi vì Bách Lý Hề được dùng năm tấm da dê màu đen đổi về, nên người ta gọi ông là Ngũ Cổ đại phu. Liên quan tới câu chuyện về Bách Lý Hề chúng ta phải nhắc lại một chút. Ông nhờ tài đức sáng suốt mà nổi danh, là một tướng quốc đã giúp nước Tần giành được mảnh đất Tây Hà. Thương Ưởng sau khi đoạt được Tây Hà, cũng muốn đem mình so sánh với Bách Lý Hề năm xưa.
Triệu Lương nói mấy câu với Thương Ưởng. Triệu Lương nói, năm đó khi Ngũ Cổ đại phu làm tướng quốc tại nước Tần, trời rất nóng nhưng ông ra ngoài không cần dùng đến dù; lúc mệt mỏi, ông không ngồi trên xe; khi ông ấy chết bách tính khóc than, giống như song thân lìa đời, trẻ con dừng việc ca hát, nông phụ ngừng giã gạo. Tất cả mọi người đều thương tiếc ông, bởi vì Bách Lý Hề rất được lòng người.
Thế nhưng ngài hoàn toàn trái lại, nhờ một hoạn quan được Quốc Quân sủng ái để yết kiến Quốc Quân, riêng điều này đã không phải là đường đường chính chính. Ngài sau khi vừa nắm được quốc chính của nước Tần, phương pháp mà ngài áp dụng đó là giết hại bách tính một cách tàn nhẫn. Trải qua hai mươi năm thống trị của ngài, cuối cùng bách tính đối với ngài chỉ có e sợ mà không có tôn trọng, là “thấy uy mà không thấy đức”. Đạo đức của bách tính cũng bị ngài làm bại hoại, bách tính “chỉ biết lợi không biết nghĩa”, họ chỉ hiểu được lợi ích, không còn hiểu đạo nghĩa nữa.
Còn nữa, ngài lạm sát người vô tội, đối xử với hai vị thầy của Thái tử, một người ngài cho cắt mũi, một người ngài cho thích chữ trên mặt, Thái tử đối với ngài căm thù đến tận xương tủy. Phụ tử, huynh đệ trong dân gian cũng ôm hận rất lâu rồi. Ngài cũng biết là ngài không đắc nhân tâm, cho nên mỗi lần ngài ra ngoài, đều tuyển võ sĩ khỏe mạnh nhất làm vệ sĩ. Ngồi trên xe, tên đã lắp trên cung, đao đã ra khỏi vỏ, đi nhanh trên đường. Nếu như không có lực lượng hùng hậu như thế, ngài sẽ không dám ra ngoài, chỉ dám ở trong nhà. Ngài làm sao giống được Ngũ Cổ đại phu? Ngũ Cổ đại phu đang ngồi ở trong xe có thể bước xuống trực tiếp nói chuyện cùng dân chúng.
Triệu Lương nói, trong “Thư Kinh” giảng “Đắc nhân giả xương, thất nhân giả băng” (người được lòng người thì hưng thịnh, mất lòng người sẽ sụp đổ), những việc ngài làm có đắc được nhân tâm không? Lại có một cách nói khác gọi là “Thị đức giả xương, thị lực giả vong”, người dựa vào đạo đức mới có thể hưng thịnh, người dựa vào bạo lực nhất định sẽ diệt vong. Người như ngài quá bạo lực, ngài bây giờ chưa gặp chuyện là vì còn có Tần Hiếu Công ở trên che chở cho ngài, là vì Quốc Quân còn tại vị. Một khi Quốc Quân băng hà, vận mệnh của ngài cũng giống giọt sương mai dưới ánh sáng mặt trời, “Nguy như triêu lộ”, vừa chớp mắt một cái là bốc hơi mất tăm, không hình không bóng.
Ngài chẳng lẽ ngay cả điểm này cũng không rõ sao, lại còn tham luyến phú quý đất Thương đất Vu? Biện pháp duy nhất bảo toàn cho chính ngài bây giờ là từ bỏ chức vị hiện tại, đem 15 thành trả về cho quốc gia. Ngài hãy tiến cử một số hiền tài đến phò tá Hiếu Công. Bản thân ngài từ quan thoái vị, đến nơi sơn dã ở đó làm một người dân thường, có lẽ như vậy ngài mới có thể tránh được tai họa.
Triệu Lương khuyên Thương Ưởng tiến cử người khác, cũng có thể là người được tiến cử sẽ nói đỡ cho Thương Ưởng một vài lời tốt, nhưng Thương Ưởng ngay cả chuyện như vậy cũng không làm. Thương Ưởng căn bản không có nghiêm túc suy tính một chút về những điều Triệu Lương nói. Kết quả tháng năm năm sau, Tần Hiếu Công băng hà. Thái tử Doanh Tứ lên kế vị, đây chính là Tần Huệ Văn Công.
Sau khi Tần Huệ Văn Công lên kế vị, bởi vì năm đó Thương Ưởng xử phạt thầy của ông ta, ông ta quả là hận Thương Ưởng thấu xương. Lúc này công tử Kiền (là người đã chịu hình bị cắt mũi) và Công Tôn Giả (là người bị thích chữ lên mặt) đều đến.
Công tử Kiền đã đóng cửa ở nhà tám năm, đủ biết ông ta hận Thương Ưởng tới mức nào? Bọn họ tâu với Tần Huệ Văn Công rằng, chúng thần nghe nói “Tả hữu thái trọng giả thân nguy, đại thần thái trọng giả quốc nguy”, nếu như đại thần nào nắm quá nhiều quyền lực của đất nước thì Quốc Quân sẽ nguy hiểm. Bây giờ nước Tần cho dù dân chúng ở đâu, hễ nhắc tới pháp luật họ không nói là pháp luật nước Tần mà nói là pháp luật của Thương quân. Dân chúng chẳng mấy chốc chỉ biết có Thương Ưởng mà không biết có Quốc Quân. Đến một lúc nào đó, Thương Ưởng một khi tạo phản sẽ đoạt giang sơn của Quốc Quân dễ như trở bàn tay.
Thắng Tứ vốn đã hận Thương Ưởng, sau khi nghe những lời này, thấy rất có đạo lý, liền mệnh lệnh cho Thương Ưởng giao lại ấn tướng, bãi bỏ tước quan của ông ta. Thương Ưởng đến thời điểm này vẫn không ý thức được nguy hiểm, vẫn mở yến tiệc lớn đãi khách, rồi chuẩn bị trở về đất Thương đất Vu mà mình được phong. Ông ta lúc ấy thiết yến tân khách, lễ nghi dùng trong yến tiệc là trộm dùng lễ nghi của bậc Vương, tương đương với tiếm quyền.
Việc này vào thời đó là vấn đề rất nghiêm trọng, chẳng khác nào tội mưu phản. Cho nên Thắng Tứ, là Tần Huệ Văn Công, hạ lệnh bắt giữ Thương Ưởng. Mệnh lệnh vừa ban ra, dân chúng đô thành Hàm Dương ai ai cũng muốn tự mình bắt, họ xắn tay áo, cơ hồ tất cả mọi người đều lao ra ngoài, muốn bắt được Thương Ưởng.
Thương Ưởng đột nhiên nghe thấy phía sau có tiếng hô giết rộ lên, biết người ta đến bắt mình. Lúc đó ông ta sợ quá, nhanh chóng cởi bỏ quan phục, mặc y phục của thường dân, chuẩn bị chạy trốn.
Ban đêm ông ta chạy đến một nhà trọ. Chủ nhà trọ nói, căn cứ theo pháp luật Thương quân của nước Tần chúng ta, người không có giấy tờ tùy thân nên không thể ở trọ. Thương Ưởng than: Ai da, ta làm sao tự mình định ra pháp luật lại hại mình thế này! Nửa đêm không có cách nào ở trọ, ông ta đành phải tiếp tục chạy.
Bởi vì hai nước Tần-Ngụy giáp ranh, ông ta muốn chạy sang nước Ngụy. Kết quả Quốc Quân nước Ngụy vừa nghe nói Thương Ưởng tới, lập tức cho người bắt lại đưa trở về nước Tần. Thương Ưởng lừa công tử Ngang của nước Ngụy, cướp mất mảnh đất Tây Hà này, nên Ngụy Vương cũng rất hận ông ta.
Thương Ưởng không có cách nào, lại chạy về đến đất phong ở nước Tần, tụ tập binh xa muốn tạo phản. Thái phó của Quốc Quân là Công Tôn Giả đuổi tới, cho bắt Thương Ưởng đưa về đô thành. Tần Huệ Văn Công liệt kê tội lỗi của Thương Ưởng, đem ra ngoài thành xé xác, ngũ mã phanh thây.
Trong “Đông Chu liệt quốc chí” nói “Bách tính tranh đạm kỳ nhục, tu du nhi tận”. Dân chúng hận ông ta, cắt thịt của ông ta, cắt một lúc hết toàn bộ thịt trên người. Thương Ưởng đã không được lòng dân đến mức độ như vậy.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: