‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 11: Biến pháp của Thương Ưởng [Phần 3]
Thương Ưởng thưởng người lập quân công, thực thi chế độ liên đới với dân chúng
Pháp gia có một cơ sở triết học, khái quát lại chỉ có ba chữ, đó là “Tính ác luận”. Trong thời kỳ Chiến Quốc có rất nhiều cuộc tranh luận diễn ra giữa các gia phái về bản tính của con người là thiện hay ác. Đối với chúng ta, nhân tính thiện hay ác là một vấn đề triết học, nhưng vào thời ấy, đây là một vấn đề chính trị rất thực tế, vì nó liên quan đến quản lý và cai trị dân chúng của quốc gia như thế nào. Nếu như nhân tính là thiện, tất phải có một bộ phương pháp quản lý tương ứng; nếu như nhân tính là ác, thế thì cũng sẽ có một bộ phương pháp quản lý khác.
Thời ấy Mạnh Tử cho rằng nhân chi sơ tính bản thiện, con người vừa sinh ra đã mang bản tính lương thiện. Còn Tuân Tử cho rằng nhân chi sơ tính bản ác, con người vừa sinh ra chính là toàn ác. Nếu như nhân tính là thiện, vậy ác ở trên thế giới này từ đâu mà có? Nếu như nhân tính là toàn ác, thì con người làm sao để hướng thiện? Một người ngay cả một cơ sở đạo đức để hướng thiện cũng không có, thì ít nhất phải biết cái gì là tốt, cái gì là xấu, sau đó mới có thể biết lựa chọn cái tốt hoặc cái xấu. Nếu như nhân tính là toàn ác, thì người đó ngay cả tiêu chuẩn thiện-ác, đúng-sai cũng không có, vậy anh ta làm sao có khả năng hướng thiện? Cho nên nói, thiện ác đồng tồn tại trong nhân tính.
Tính ác luận trong thời Chiến Quốc có một vị thế trong xã hội bấy giờ. Đối với giả thuyết cho rằng bản tính con người là ác, điều này sẽ nảy sinh ra hai loại phương thức đối đãi khác nhau. Một loại phương thức đối đãi là dùng Vương đạo của Nho gia hoặc là lấy đạo của Thánh nhân để dẫn dắt họ làm một người tốt. Nếu như nhân tính không tốt, chúng ta sẽ dẫn dắt họ hướng về thiện, đây là một loại phương thức.
Còn có một loại phương thức khác, nếu như nhân tính là ác, chúng ta cũng chỉ có thể dùng hình phạt tàn khốc nhất để trừng phạt họ, quản thúc họ giống như gia súc, đây được gọi là lấy ác chế ác. Thực không may, Pháp gia cho rằng nhân tính là ác, hơn nữa nhất định phải lấy ác chế ác. Toàn bộ lý luận của Pháp gia, một bộ lý luận chính trị cũng thế, một bộ lý luận quân sự cũng thế, hết thảy đều xây dựng trên nhân tính vốn là ác và lấy ác chế ác.
Pháp gia không thừa nhận đạo đức con người, cho rằng từ xưa đến nay làm gì có Vua nhân ái, bề tôi trung thành, cha hiền, con hiếu. Con người căn bản không có đạo đức, tất cả mọi người hễ họ có biểu hiện ra mặt thiện và tốt thì đều cho là giả bộ. Pháp gia căn bản không thừa nhận một vị Vua sẽ dùng lòng nhân ái đối đãi với đại thần, đại thần sẽ có lòng trung thành với Đức Vua. Lý luận của Pháp gia là, mối quan hệ giữa Vua và đại thần là một loại quan hệ giữa người thuê và người làm công, Vua trả tiền, đại thần góp sức, coi như một loại trao đổi hàng hóa với nhau.
Giữa Vua và đại thần là mối quan hệ người thuê-người làm công, vậy giữa Vua và dân là mối quan hệ gì? Là mối quan hệ đối địch. Mỗi một người dân nếu mang tâm làm loạn phạm thượng, đối với họ nhất định phải nghiêm khắc, nhất định phải dùng nghiêm hình khốc pháp, đây chính là lý luận của Pháp gia. Nếu như quý vị xem “Thương Quân thư”, sẽ thấy Thương Ưởng nói rằng ông ta muốn bãi bỏ toàn bộ giáo dục đạo đức, còn nói rằng “Cái gọi là hình phạt không phân biệt đẳng cấp, là từ khanh tướng, tướng quân cho đến đại phu, thứ dân, hễ có người không theo lệnh Vua, mà phạm vào lệnh cấm, làm loạn chế độ, xử tội chết không tha.”
Pháp gia dùng nghiêm hình khốc pháp, thường xuyên giết người. Khi nhìn thấy hai chữ “Pháp gia”, rất nhiều người nhìn chữ đoán nghĩa một cách khôi hài, nói rằng thấy có một chữ “Pháp” của pháp luật trong “Pháp gia”, liền cho rằng phàm là người coi trọng pháp luật thì đều là Pháp gia. Họ cho rằng Quản Trọng là Pháp gia, Tử Sản là Pháp gia, Gia Cát Lượng là Pháp gia, Tào Tháo là Pháp gia.
Kỳ thực tôi cho rằng các nhân vật thực sự đại biểu cho Pháp gia chỉ có ba người, gồm Thương Ưởng, Lý Tư, Hàn Phi Tử. Trong đó, Thương Ưởng là người khởi xướng, Hàn Phi Tử là người cực đoan nhất. So với Thương Ưởng, Hàn Phi Tử đi còn xa hơn, hoang đường hơn, cực đoan hơn, hơn nữa Pháp gia của Hàn Phi Tử hoàn toàn dựa vào vô thần luận. Hàn Phi Tử đã từng nói một câu, nhất định phải dùng bạo lực để áp bức và bóc lột người dân, xem người dân như trâu ngựa, không cho họ có tư tưởng tự do, không để họ có ngôn luận tự do, không thể cho họ có hành vi tự do. Hàn Phi Tử nói, “Cấm gian chi pháp, thái thượng cấm kỳ tâm, kỳ thứ cấm kỳ ngôn, kỳ thứ cấm kỳ sự” (tạm dịch: Luật cấm phạm pháp, thứ nhất là cấm tư tưởng, thứ hai là cấm lời nói, thứ ba là cấm việc làm). Lệnh cấm chế cao nhất chính là cấm tư tưởng của mọi người, gọi là “cấm kỳ tâm”; tiếp đó là “cấm kỳ ngôn”, không để cho mọi người nói lên tiếng nói của mình, tiếp nữa là “cấm kỳ sự”, không cho tự do làm việc.
Hàn Phi Tử là một đại biểu cho chủ nghĩa phản trí. Ông muốn cắt đứt triệt để mối liên hệ với giáo dục đạo đức và văn hóa của cổ nhân xưa. Ông chủ trương đốt sách, thiêu hủy toàn bộ. Ông nói “Minh chủ trị quốc, vô thư giản chi nghĩa, dĩ pháp vi giáo; vô tiên vương chi ngữ, dĩ lại vi sư” (tạm dịch: Minh chủ trị quốc, chẳng cần học đạo nghĩa trong sách, mà hãy học tập pháp luật; không cần nghe những lời dạy của các vị vua trước, mà hãy lấy các quan lại làm thầy). Có nghĩa là: thiêu hủy hết thảy giáo dục đạo đức và văn hóa được tích lũy trong dân gian từ trước đến nay, các ngươi không cần học bất kỳ văn hóa nào, cũng không cần thực hiện bất kỳ giáo dục đạo đức gì, điều các ngươi cần làm duy nhất là dựa theo pháp luật của ta mà làm, nếu như các ngươi muốn học cái này cái kia, cứ đi tìm những vị quan lại hiểu pháp luật kia mà học. Đây là cốt lõi triết học và thống trị của Pháp gia.
Lời bạch: Tư tưởng tôn sùng bản ác của nhân tính đồng thời việc lấy ác chế ác của Pháp gia đã trở thành triết học thống trị của nước Tần. Thương Ưởng đã nhận được sự ủng hộ hết lòng của Tần Hiếu Công. Từ sau sự kiện dời cây lập uy tín, Thương Ưởng đã ban bố toàn bộ pháp lệnh mà ông muốn thay đổi, mở màn cho một đợt biến pháp như vũ bão. Điều đặc biệt đáng nói ở đây chính là, khi rất nhiều người chứng kiến quá trình biến pháp của Thương Ưởng, giúp cho nước Tần thực hiện được việc thống nhất thiên hạ, thì có lẽ họ cũng không nghĩ tới kết quả là nước Tần đánh mất giáo hóa đạo đức và bị đứt gãy văn hóa. Đây cũng là nguyên nhân diệt vong của nhà Tần, có thể nói đế quốc Đại Tần “thành cũng nhờ Thương Ưởng, bại cũng vì Thương Ưởng”.
Biến pháp của Thương Ưởng được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kể từ năm 359 TCN đến năm 350 TCN. Ở giai đoạn này, biến pháp Thương Ưởng mang nội dung chủ yếu là khuyến khích nông nghiệp, trừng phạt thương nghiệp; khuyến khích lập quân công, khống chế quý tộc. Nói cách khác ông thông qua phương thức khen thưởng nông nghiệp, làm cho quốc gia thu được nhiều thuế và lương thực. Ông ban thưởng quân công, bất kỳ người nào chỉ cần trên chiến trường lập được công trạng, chặt được đầu của quân địch sẽ được ban thưởng một cấp tước.
Vào thời ấy, tước vị ở nước Tần gồm có 20 cấp, người có tước vị khi ra bên ngoài được ngồi xe ngựa đẹp đẽ, mặc cẩm y hoa phục, chính là “bất cứ hoa lệ nào cũng được hưởng”. Nếu như một người không có quân công, cho dù người đó có bao nhiêu tiền thì chỉ có thể ngồi xe trâu, mặc y phục bằng vải bố. Thương Ưởng thông qua phương thức như vậy cổ vũ binh lính nước Tần giết quân địch ở trên chiến trường. Kết quả cuối cùng là, quân lính nước Tần vừa ra chiến trường, liền liều mạng chém đầu quân địch. Cho nên bên trong “Thương Quân Thư” nói rằng, muốn để cho binh sĩ nhìn thấy quân địch thì giống như lang sói nhìn thấy thịt, dùng người như vậy. Rất nhiều người đều gọi đội quân của nước Tần là “hổ lang chi sư”, ý nói quân đội của nước Tần như hổ như sói. Điều này bắt đầu từ khi Thương Ưởng thực hiện biến pháp.
Thương Ưởng còn làm một bộ luật nữa. Ông nhóm mỗi năm gia đình thành một Ngũ, mười gia đình thành một Thập. Mười nhà trong một Thập này phải dò xét lẫn nhau. Nếu một nhà phạm tội, thì chín nhà còn lại đều phải tố cáo, nếu không sẽ bị chém ngang lưng, phải bị giết chết, hơn nữa còn bị chết rất thảm. Vậy nếu như tố cáo thì sao? Tố cáo thì được gọi là “cáo gian”, “được thưởng giống như giết địch”, được ban thưởng tước vị giống như giết được địch vậy.
Thương Ưởng sử dụng phương thức như vậy để khuyến khích việc mật báo. Chúng ta biết mật báo là một việc bị coi thường nhất, bán rẻ bạn bè, hàng xóm để giành lấy phú quý, nên luôn bị coi thường nhất. Nhưng một trong những phương thức chủ yếu mà Thương Ưởng khống chế dân chúng lại là mật báo, “Luật mật báo”, “Luật về tội liên đới”. Mục đích của Thương Ưởng là gì? Ông ta không hề kiêng kỵ điều gì, ông muốn biến dân chúng nước Tần lúc ấy đều trở thành “gian dân” (người dân gian ác). Tại sao như vậy?
Thương Ưởng cho rằng, nếu như dân chúng đều thiện lương, như thế giữa họ với nhau sẽ là anh đối tốt với tôi, tôi đối tốt với anh, mọi người sống sẽ rất hòa nhã, anh tín nhiệm tôi, tôi tín nhiệm anh, kết quả là người dân sẽ thân thiết với nhau, người dân đều rất thân thiết với nhau. Còn nếu như là gian dân thì sao, anh đề phòng tôi, tôi đề phòng anh, không có ai có cảm giác an toàn, lúc này người dân sẽ cảm thấy, nếu như tôi muốn được hưởng thụ cảm giác an toàn thì nên làm gì đây? Nếu ai tôi cũng không tin tưởng, thì chỉ có thể dựa vào sự che chở của quyền lực. Lúc ấy người dân sẽ đi thân cận với những người có quyền lực.
Trong “Thương Quân Thư” Thương Ưởng nói rằng, “Dùng thiện thì dân thân thiết với nhau, dùng gian thì dân sẽ thân chế độ”. Nếu như mọi người đều tốt, dân chúng sẽ thân thiết gần gũi với nhau; nếu như mọi người ai cũng rất xấu, đều là gian dân, dân chúng sẽ đi thân cận với chế độ. Thương Ưởng mong muốn biến dân chúng trở thành gian dân.
Để duy trì sự thống trị, Thương Ưởng đã đặt ra một bộ biện pháp, như cấm đoán dân chúng có tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận, hơn nữa còn cấm đoán dân chúng tự do di chuyển. Ông dùng tất cả biện pháp để biến người dân thành những người dân gian ác, người dân yếu nhược, người dân nghèo, người dân ngu muội.
Thương Ưởng cho rằng, khi dân chúng nghèo, chỉ dùng một chút lợi ích là có thể dụ dỗ họ; bởi vì họ nghèo, cho nên ai nói cho họ điều gì thì họ sẽ tin điều đó. Thương Ưởng thông qua phương pháp như thế, khiến cho dân chúng nước Tần trở nên gian, trở nên yếu, trở nên nghèo, trở nên thấp kém, trở nên ngu dại, đây là mục đích cuối cùng cần phải đạt được trong toàn bộ hệ thống biến pháp của ông. Chúng ta thấy được biến pháp của Thương Ưởng, kỳ thực hoàn toàn là đi ngược lại với Thiên đạo, đi ngược lại Vương đạo, hoặc là nói đi ngược lại với nhân tính.
Rất nhiều người cảm thấy đốt sách là việc làm giống như Lý Tư hay Tần Thủy Hoàng đã từng làm, kỳ thực khi Thương Ưởng thực hiện biến pháp lần thứ hai vào năm 350 TCN, đã xác định rõ ý định thiêu hủy “Kinh Thi”, “Thượng Thư” và sách của Bách Gia Chư Tử.
Biến pháp của Thương Ưởng đã biến dân chúng nước Tần thành loại người ham tranh đấu và hung ác. Lúc này, Thương Ưởng đã hướng ánh mắt nhìn đến các nước xung quanh. Ông cảm thấy rằng lúc này đã có thể dùng binh lực để đối ngoại rồi.
Vào lúc này, nước Ngụy vừa mới chết một vị đại tướng, hơn nữa Thái tử của nước Ngụy cũng bị bắt làm tù binh trong lúc chiến tranh, thực lực của nước Ngụy đã chịu tổn thất rất lớn. Thương Ưởng cho rằng, ở thời điểm này dùng quân đội đánh nước Ngụy, có thể giành được vùng đất Tây Hà vốn có vị trí trọng yếu. Như vậy, Thương Ưởng quả thực làm cho nước Tần nhất thời thực hiện được nước giàu binh mạnh, nhưng ông lạm sát kẻ vô tội, đi ngược lại với Thiên đạo, đi ngược lại nhân tính, tất nhiên ông cũng sẽ tự chuốc lấy báo ứng cho chính mình. Kết cục của Thương Ưởng sẽ như thế nào đây? Mời quý vị xem tập tiếp theo “Vương – Bá khác đường”. Xin cảm ơn.
(Còn nữa)
Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa Ngữ
Xem thêm: