‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 11: Biến pháp của Thương Ưởng (Phần 1)
Thưởng Ưởng gặp Hiếu Công, luận về nước giàu binh mạnh
Lời bạch: Năm 362 TCN, Tần Hiếu Công lên ngôi. Khi đó, nước Tần không được coi là một quốc gia văn minh. Tần Hiếu Công cho rằng nước Tần cần gấp rút chiêu mộ nhân tài, nhanh chóng thực hiện nước giàu binh mạnh. Vì thế ông đã hạ lệnh “Các tân khách và quần thần, ai có thể đưa ra kế hay khiến nước Tần lớn mạnh, ta sẽ tôn chức quan, và phân phong đất đai cho người đó.” Nghĩa là không chỉ phong một chức quan, mà còn muốn phân phong quốc thổ cho người đó. Sau khi nghe được tin này, Thương Ưởng đi đến nước Tần, tâu và hiến kế với Tần Hiếu Công con đường biến pháp (cải cách lớn về chế độ pháp lệnh của quốc gia) để trở nên lớn mạnh. Khi người đời sau xét lại đoạn lịch sử Tần diệt sáu nước, đều công nhận biến pháp của Thương Ưởng là khởi điểm cho nước Tần trở thành một nước giàu, binh mạnh. Như vậy Thương Ưởng là một người như thế nào? Ông có ảnh hưởng gì đến nước Tần và lịch sử Trung Quốc sau này?
Thương Ưởng vốn không phải là tên của ông, ông là Công tử Thứ Nghiệt của nước Vệ. Công tử Thứ Nghiệt là con trai của phi tử Quốc quân nước Vệ, không phải con trai của chính thê. Ông ở nước Vệ, nên gọi ông là Vệ Ưởng. Ông còn có một tên gọi khác, đó là Công Tôn Ưởng, Công Tôn là họ. Thời nhà Chu, con trai của các chư hầu đều được gọi là Công tử, cháu của chư hầu gọi là Công Tôn. Họ Công Tôn trên thực tế là một kiểu tượng trưng cho thân phận, hoặc là tượng trưng cho tước vị, về sau mới biến thành một họ, cho nên Vệ Ưởng cũng được gọi là Công Tôn Ưởng.
Công Tôn Ưởng từ nhỏ đã đặc biệt thích học về luật hình sự. Ông cảm thấy nước Vệ quá nhỏ, không đủ để triển hiện tài hoa của ông, nên ông đã rời Vệ đến Ngụy, là nước Ngụy của Ngụy Văn Hầu.
Đánh giá của tôi về Vệ Ưởng hết sức phụ diện, giống như đánh giá của tôi đối với Pháp gia rất phụ diện vậy. Ông ta ngang ngược độc hành, hà khắc vô tình, không biết tiến thoái, tự mua dây buộc mình, đến cuối cùng không được chết tử tế, là nhân vật đại biểu cho Pháp gia. Không chỉ có tôi nhận xét ông ta hà khắc vô tình, mà trong “Sử ký – Thương quân liệt truyện”, Tư Mã Thiên cũng nói “Thương quân, ông ta bẩm sinh là người hà khắc lạnh lùng”.
Vệ Ưởng sinh năm 395 TCN, năm thứ hai sau khi Ngụy Văn Hầu mất. Ngụy Văn Hầu qua đời, Thái tử Kích, là Ngụy Vũ Hầu lên ngôi. Ngụy Vũ Hầu tại vị tổng cộng 26 năm, sau khi ông ta hoăng (chết), vì không chỉ định người thừa kế, nên hai công tử của nước Ngụy là Ngụy Oanh và Ngụy Hoãn tranh nhau ngôi vị Quốc quân. Giữa hai người đã phát sinh một cuộc chiến tranh, cuộc chiến này thiếu chút nữa khiến cho nước Ngụy diệt vong. Ngụy Oanh sau đó giành phần thắng, chính là Ngụy Huệ Văn Vương sau này. Mạnh Tử gọi ông là Lương Huệ Vương, do trong thời gian tại vị, ông ta đã dời đô thành của nước Ngụy ở An Ấp (huyện Hạ, tỉnh Sơn Đông ngày nay) đến Đại Lương (thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam ngày nay). Ông tại vị tổng cộng 50 năm. Theo “Sử Ký” ông tại vị chỉ có 38 năm, nhưng căn cứ vào nghiên cứu của người khác thì ông tại vị tổng cộng 50 năm. Ông là người có ảnh hưởng lớn với nước Ngụy, sự suy yếu của nước Ngụy cũng bắt đầu từ đây.
Một vị đại thần có tên Công Thúc Tọa là thuộc hạ của Ngụy Huệ Văn Vương, làm đến chức Tướng quốc trong triều. Khi Vệ Ưởng đến nước Ngụy, đầu tiên ông làm môn hạ nương tựa Công Thúc Tọa. Công Thúc Tọa nhận Vệ Ưởng làm Trung Thứ Tử, phụ trách giáo dục cho con thứ (con của thê thiếp). Là thầy dạy cho con trai của Công Thúc Tọa, Vệ Ưởng được tiếp xúc thường xuyên với Công Thúc Tọa. Khi đàm luận quốc gia đại sự, ông thường đưa ra dự kiến đúng, nên Công Thúc Tọa cho rằng Vệ Ưởng là một người tài hoa.
Công Thúc Tọa sau này bị bệnh, bệnh rất nặng, Ngụy Huệ Văn Vương đã đích thân đến phủ của ông thăm viếng. Ngồi đầu giường của ông, Ngụy Huệ Văn Vương chảy nước mắt hỏi ông rằng, nếu như có một ngày khanh bệnh không dậy nổi, ta cần đem quốc chính giao cho ai? Công Thúc Tọa thưa, thần có một vị Trung Thứ Tử tên là Vệ Ưởng, người này mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng lại là một người tài hoa, thần hy vọng Quốc quân có thể đem toàn bộ quốc chính của nước Ngụy ủy thác cho người này, hết thảy quốc gia đại sự đều giao cho người này xử lý. Lúc ấy Ngụy Huệ Văn Vương không nói gì, ngay tiếp sau đó Công Thúc Tọa lại nói một câu, nếu như Quốc quân không thể dùng hắn, xin ngài nhất định giết chết hắn. Ngụy Huệ Văn Vương chỉ nói một chữ “nặc”. “Nặc” nghĩa là “Được”.
Khi Ngụy Huệ Văn Vương rời khỏi phủ Công Thúc Tọa đã than rằng, ôi chao Tướng quốc bệnh đến hồ đồ rồi, trước hết khuyên Trẫm đem một quốc gia phó thác cho một người trẻ tuổi không có danh tiếng, lại còn đem toàn bộ quốc gia phó thác cho hắn; sau đó lại nói cho Trẫm rằng, nếu như không thể giao phó cho hắn thì giết hắn đi, ông ấy thực sự đã lẫn lộn đầu đuôi hết rồi. Ngụy Huệ Văn Vương tiếp đó lắc đầu thở dài rồi rời đi.
Khi Ngụy Huệ Văn Vương rời đi, Công Thúc Tọa cho gọi Vệ Ưởng đến trước giường của ông và nói, ta vừa mới thưa với Quốc quân, xin Quốc quân dùng ngươi, nhưng nếu như không dùng ngươi, sẽ phải giết chết ngươi. Công Thúc Tọa nói tiếp, ta làm một đại thần, phải lấy quốc gia làm trọng, lấy Quốc quân làm trọng. Ta trước là nói chuyện với Quốc quân, nhưng ta thấy rằng Quốc quân sẽ không dùng ngươi, có khả năng sẽ giết ngươi. Làm bằng hữu, ta khuyên ngươi nhanh chóng rời khỏi đây.
Vệ Ưởng nghe xong đã nói, nếu như Quốc quân chẳng nghe lời của ngài mà dùng tôi, thì cũng không có khả năng nghe lời ngài mà giết tôi, vì Quốc quân không hiểu được năng lực của tôi.
Công Thúc Tọa vì sao lại nói với Ngụy Vương như vậy? Kỳ thật đạo lý rất đơn giản. Ông đương nhiên không hy vọng Ngụy Vương giết chết Vệ Ưởng, ông chỉ muốn dùng cách nói mang tính cực đoan để truyền cho Ngụy Vương một tín hiệu rõ ràng. Công Tôn Ưởng nếu như giúp ngài, nước Ngụy có thể trở thành một nước giàu mạnh; nhưng nếu như ông ta muốn làm hại ngài, thì ngài có thể rơi vào tình huống rất thảm. Cho nên nếu như ngài không thể để ông ta giúp ngài, thì ngàn vạn lần không thể để ông ta làm hại ngài, cần phải giết ông ta đi, nhưng Ngụy Huệ Văn Vương đã không nghe lời khuyên này.
Qua một thời gian, Công Thúc Tọa bệnh chết. Về sau, một vị công tử của nước Ngụy gọi là Công tử Ngang, cũng tiến cử Vệ Ưởng, kết quả Ngụy Vương vẫn là không dùng.
Vệ Ưởng nhận thấy mình không thể làm nên sự nghiệp ở nước Ngụy được. Cũng đúng thời điểm này, Vệ Ưởng đọc được bảng cáo thị của Tần Hiếu Công. Ông biết nếu như ai đến nước Tần, giúp nước Tần trở thành một nước lớn mạnh, thì không những có được phú quý, mà còn sẽ có một vùng đất được phong rộng lớn. Vệ Ưởng vì thế đã rời nước Ngụy, đi đến nước Tần.
Vệ Ưởng đến nước Tần hẳn nên tìm những người phụ trách ban bố thông báo kia, báo rằng ta là người đã nhìn thấy bố cáo mới đến đây, ta phải làm thế nào để diện kiến được Tần Vương. Nhưng Vệ Ưởng không làm vậy, ông ta nhờ hoạn quan Cảnh Giám, một thuộc hạ được Hiếu Công sủng ái và tin tưởng, thỉnh cầu Cảnh Giám tiến cử ông. Cảnh Giám đem Vệ Ưởng giới thiệu cho Tần Hiếu Công. Tần Hiếu Công và Vệ Ưởng đã nói chuyện với nhau tổng cộng bốn lần, ba lần đầu gặp nhau có thể nói là không thoải mái.
Lần thứ nhất gặp Tần Hiếu Công, Vệ Ưởng nói một mớ lời lẽ này nọ, Tần Hiếu Công có phản ứng gì đây? Trong “Sử ký – Thương quân liệt truyện” viết như thế này, “Hiếu Công đã gặp Vệ Ưởng, nói chuyện hồi lâu, Hiếu Công cứ luôn ngủ, chẳng nghe.” Ý là nói, lời của Vệ Ưởng nói dông dài lải nhải, đã nói với Hiếu Công một lúc rất lâu, Hiếu Công nghe đã ngủ thiếp đi, đợi khi tỉnh lại thì thấy Vệ Ưởng vẫn còn nói, nghe một hồi ông lại ngủ thiếp đi, đến khi tỉnh lại thấy Vệ Ưởng vẫn còn nói, cho nên “cứ luôn ngủ”, nghe một chốc thì ngủ thiếp đi, nghe một chốc thì ngủ thiếp đi. Có thể thấy Vệ Ưởng nói chuyện không có lực hấp dẫn nào, khiến cho người nghe nhàm chán muốn ngủ.
Nhưng tính tình của Tần Hiếu Công rất tốt, mặc dù ông thường thường ngủ thiếp đi, nhưng đợi khi Vệ Ưởng nói xong rồi thì cho Vệ Ưởng rời bước. Việc này nếu xảy ra với Chu Nguyên Chương thì ông ta sẽ đem Vệ Ưởng ra đánh một trận. Vệ Ưởng rời đi, Hiếu Công nói với Cảnh Giám rằng, người mà ngươi tiến cử là một kẻ khoe khoang khoác lác, chỉ biết nói một mớ lời suông chẳng có tác dụng gì, gọi là “kẻ ngông”. Ngươi sao có thể tiến cử một người như thế cho ta chứ? Hiếu Công rất không vui.
Cảnh Giám về đến nhà liền trách cứ Vệ Ưởng, ngươi sao có thể nói những chuyện không đâu với Quốc quân? Vệ Ưởng đáp, tôi sợ chí hướng của Quốc quân quá lớn, nên nói cho ngài ấy một số đạo lý làm Đế như thế nào. “Đế” chính là như Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn v.v., là giảng những người này quản lý quốc gia như thế nào, Hiếu Công nghe không lọt tai.
Vệ Ưởng nói tôi còn có một bộ phương án thứ hai, bộ thứ nhất ông ấy nghe không lọt cũng không việc gì, xin cho tôi một cơ hội nữa. Tính tình Cảnh Giám cũng rất tốt, lại một lần nữa báo với Tần Hiếu Công, thưa rằng khách nhân của thần vẫn chưa nói xong, ngài có thể cho hắn ta một cơ hội nữa không? Tần Hiếu Công lại đồng ý.
Lần thứ hai gọi Vệ Ưởng vào trong cung, Vệ Ưởng bắt đầu giảng Thành Thang phạt Kiệt, Vũ Vương phạt Trụ, những điều giảng là Đại Vũ Vương, Thương Thang Vương và Chu Vũ Vương làm thế nào để quản lý quốc gia, giảng toàn là Vương đạo. Kết quả Tần Hiếu Công lại nghe không lọt tai. Hiếu Công lại trách cứ Cảnh Giám, Cảnh Giám trở về lại trách cứ Thương Ưởng.
Thương Ưởng cảm khái, ái chà, xem ra chí hướng Hiếu Công chẳng ra làm sao cả! Lần thứ nhất tôi giảng cho ông ấy cách làm Đế, giống như Nghiêu Thuấn vậy nhưng ông ta không nghe; lần thứ hai tôi giảng cho ông ta làm Vương như thế nào, giống như Thành Thang, Chu Vũ, ông ấy cũng không nghe. Thế cũng tốt, tôi còn có bộ phương án thứ ba, tôi dạy ông ta làm thế nào để xưng Bá. Cảnh Giám nói ngài trước hết hãy nghỉ ngơi, tôi không dám lại đi thưa với Hiếu Công lần nữa. Hiếu Công đang không hài lòng rồi.
Một hôm, khi Tần Hiếu Công đang dùng cơm, bỗng nhiên buông đũa xuống nói, người sống ở đời, như hồng nhạn bay qua cửa, giống như bóng chim bay qua ngoài khung cửa, nháy mắt đã trôi qua, ta đã treo bảng chiêu hiền rất lâu rồi, sao đến hôm nay cũng chưa tìm được một người tài đức nào vậy?
Kỳ thật Tần Hiếu Công không hiểu một đạo lý rằng, ở đời rất khó gặp một bậc đại thánh đại hiền, mà ông mới treo bảng được mấy tháng. Lúc này, Cảnh Giám nhân cơ hội lại thưa rằng, vị khách nhân Thương Ưởng của nhà thần có tổng cộng ba phương pháp quản lý quốc gia khác nhau, gồm Đế, Vương, Bá. Lần thứ nhất ông ta giảng với ngài làm thế nào để làm Đế, lần thứ hai giảng làm thế nào để làm Vương, ông ta còn có một bộ phương pháp làm thế nào để xưng Bá.
Hiếu Công vừa nghe liền lên tinh thần, đồng ý gặp Vệ Ưởng lần nữa. Lần thứ ba, Vệ Ưởng nói cho Tần Hiếu Công về Ngũ Bá thời Xuân Thu trước đây. Lần này Tần Hiếu Công chịu nghe, nhưng vẫn không cảm thấy hưng phấn, cũng không cảm thấy những điều Vệ Ưởng nói có thể giải quyết ngay được vấn đề của nước Tần.
Đợi đến khi Vệ Ưởng rời đi, Hiếu Công nói với Cảnh Giám một câu như thế này, lần này khách nhân của ngươi nói làm cho ta cảm thấy có thể cùng với hắn bàn luận thêm nữa. Cảnh Giám trở về đem lời truyền đạt lại cho Vệ Ưởng. Vệ Ưởng nói, tôi rốt cuộc biết được Quốc quân muốn nghe lời gì rồi.
Khi Vệ Ưởng đi gặp Hiếu Công lần thứ tư, lần này chỉ bàn về Bá đạo làm cho nước giàu binh mạnh. Kỳ thực mọi người nói xem, Vệ Ưởng có biết Tần Hiếu Công không muốn nghe Đế đạo và Vương đạo không? Ông ta đương nhiên biết. Tại sao ông ta lại làm như vậy? Trước mặt Tần Hiếu Công, ông ta đem hai đạo Đế và Vương nói ra thật nhàm chán, thật khiến cho người ta chán ghét, thật khiến cho người ta cảm thấy buồn ngủ, như vậy là vì để chặt đứt ý niệm làm Đế làm Vương của Tần Hiếu Công.
Lời này không phải do tôi nói như thế, trong “Thương quân liệt truyện” khi Tư Mã Thiên đưa ra đánh giá cuối cùng về Thương Ưởng, Tư Mã Thiên cũng nói, Vệ Ưởng giảng về đạo Đế, đạo Vương “phi kỳ chất dã”, đây không phải thực tâm của ông ta. Khi Vệ Ưởng bắt đầu nói cho Tần Hiếu Công làm sao để nước có thể giàu, binh có thể mạnh, thì Tần Hiếu Công có phản ứng gì? “Hiếu Công nói chuyện với Vệ Ưởng, không ngừng dịch cái đệm ngồi của mình đến chỗ của Vệ Ưởng, nói mấy ngày không chán”. Lần này Vệ Ưởng đã tìm đúng mạch của Tần Hiếu Công rồi.
Vệ Ưởng đã nói những chuyện gì với Tần Hiếu Công, trong “Sử ký” không có ghi lại, nhưng tôi nghĩ hẳn chính là tư tưởng trong “Thương quân sách”. “Thương quân sách” là một cuốn sách của Thương Ưởng, tổng cộng có 26 chương, đã quy nạp và tổng kết có hệ thống những hiểu biết về các phương diện chính trị, pháp luật trong suốt cuộc đời của Thương Ưởng.
Trong “Đông Chu liệt quốc chí” đã đưa ra một tổng kết rất thấu triệt về Thương Ưởng. Vệ Ưởng nói “Dục phú quốc mạc như lực điền, dục cường binh mạc như khuyến chiến, dụ chi dĩ trọng thưởng nhi hậu dân tri sở xu, hiếp chi dĩ trọng phạt nhi hậu dân tri sở úy”. (Tạm dịch: Muốn nước giàu không gì bằng chăm chỉ làm ruộng, muốn binh mạnh không gì bằng khuyến khích chiến đấu, lấy trọng thưởng để dụ dỗ sau đó dân biết mà hướng tới, lấy trọng phạt để uy hiếp sau đó dân biết mà kính sợ).
Câu đầu tiên “muốn nước giàu không gì bằng chăm chỉ làm ruộng”, là nói nếu như ngươi muốn cho một quốc gia giàu có, thì nhất định phải khuyến khích nông nghiệp; câu thứ hai nói “muốn binh mạnh không gì bằng khuyến khích chiến đấu”, nếu như ngươi muốn lực lượng quân sự của một quốc gia hùng mạnh, nhất định phải cổ vũ dân chúng nguyện ý đi chiến đấu, có quyết tâm đi đánh trận. Như vậy khuyến khích nông nghiệp như thế nào, cổ vũ dân chúng lập công trong chiến đấu ra làm sao? Vệ Ưởng đưa phương pháp cụ thể chính là “lấy trọng thưởng để dụ dỗ”, ban những phần thưởng lớn để dụ dỗ họ, “dân biết mà hướng đến”, dân chúng sẽ hướng đến việc trọng thưởng mà đi làm; sau đó “lấy trọng phạt mà uy hiếp”, dùng hình thức trừng phạt rất nặng để đe dọa họ, “dân biết mà kính sợ”, như vậy dân chúng sẽ không làm những việc mà ngươi không muốn họ làm.
Tri thức một đời của Thương Ưởng là ở mấy câu nói này. Một chữ “canh” nghĩa là canh tác, cày cấy làm ruộng, là nông nghiệp, một chữ là “chiến” nghĩa là chiến đấu, là đánh trận. Có người đem một bộ những sách lược này của Thương Ưởng gọi là “Canh chiến chi thuật”, chính là nông nghiệp và chiến tranh. Như vậy làm thế nào để thực hiện được nông nghiệp và chiến đấu đây? Đó là dựa vào “lấy trọng thưởng để dụ dỗ, lấy trọng phạt mà uy hiếp”.
(Còn tiếp)
Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: