‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 1 – Phong vân khó lường (Phần 1)
Nói đến lịch sử, chúng ta đều biết, dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có ghi chép lịch sử dài nhất trên thế giới, có khoảng 5,000 năm lịch sử. Đáng quý nhất chính là, lịch sử Trung Quốc được ghi chép 5,000 năm đến nay không hề bị gián đoạn. Trong đó, có lịch sử đã được các sử quan biên soạn, cũng có lịch sử theo chỉnh lý của dân gian.
Ở Trung Quốc từ thời nhà Hán trở về sau có lưu truyền lại một truyền thống, gọi là “cách đại tu sử”, chính là Hoàng đế của mỗi vương triều sẽ chỉ định ra một vị sử quan, ghi chép lại kỹ càng tỉ mỉ hết thảy những việc hệ trọng phát sinh ở trong triều đại đó, bao gồm tình hình thiên tai, kinh tế, chính trị, quân sự, chế độ quan lại, bao gồm cả những lời tâu của các quan đại thần với Hoàng đế, Hoàng đế trả lời như thế nào v.v… hết thảy đều được ghi chép lại. Sau đó đem những tư liệu ghi chép ban sơ này cất giữ vào trong sử quán, đợi đến sau khi vương triều đó diệt vong, thì Hoàng đế của vương triều kế tiếp sẽ chỉ định một nho sinh kiệt xuất, chỉnh lý những tư liệu ghi chép ban sơ này trở thành chính sử của triều đại trước đó, đây chính là “quan tu chính sử”.
Chúng ta biết rằng, tuyệt đại đa số sách sử trong bộ Nhị thập Tứ sử đều thuộc về các quan tu chính sử, ví như “Tam quốc chí” do Trần Thọ thời Tây Tấn biên soạn, thế nên những sách sử sau này như “Cựu Đường thư”, “Tống sử”, “Nguyên sử”, “Minh sử”… đều thuộc về quan tu chính sử. Ngoài những quan tu chính sử ra, còn có những nhân sĩ tu sử ở trong dân gian. Điển hình nhất là Tư Mã Thiên thời Hán viết “Sử Ký”, đây là việc mà tự bản thân ông muốn làm chứ không phải do Hán Vũ Đế lệnh ông làm, bởi vì cha của Tư Mã Thiên chính là thái sử. Cha của ông trước lúc lâm chung đã nắm tay Tư Mã Thiên, yêu cầu Tư Mã Thiên nhất định phải hoàn thành bộ “Sử Ký” này, Tư Mã Thiên khóc và đáp ứng lời yêu cầu của cha.
Về sau, Tư Mã Thiên đã chỉnh lý lịch sử từ thời Hoàng Đế cho đến niên đại của Hán Vũ Đế mà ông đang sống thành một bộ thông sử theo thể kỷ truyện đầu tiên của Trung Quốc, đó chính là bộ “Sử Ký”. Như thế chúng ta biết rằng, vào thời Bắc Tống có một vị đại văn học gia gọi là Âu Dương Tu. Ông đã viết cuốn “Tân ngũ đại sử”, đây cũng là một cuốn sử trong Nhị thập Tứ sử, cũng là cuốn sử thuộc về tư nhân biên soạn.
Ở Trung Quốc có hai loại phương pháp chép sử chủ yếu, một loại được gọi là “thể kỷ truyện”, như cuốn “Sử Ký” là thuộc về thể kỷ truyện.
Vậy thể kỷ truyện là gì? “Kỷ” chính là bản kỷ, “truyện” chính là liệt truyện. Nói một cách đơn giản thì thể kỷ truyện chính là ghi chép lại những câu chuyện của các nhân vật. Về cơ bản, mỗi một thiên bản kỷ hoặc liệt truyện của “Sử Ký”, đều là kể về chuyện của một người hoặc nhiều người. Tỷ như bản “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” thì chính là kể những câu chuyện liên quan tới Tần Thủy Hoàng; “Hạng Vũ bản kỷ” thì chính là kể những câu chuyện liên quan về Hạng Vũ; “Lão Tử Hàn Phi liệt truyện” chính là kể về Lão Tử và Hàn Phi Tử. Lấy nhân vật làm trung tâm để tiến hành viết và biên soạn, điều này được gọi là thể kỷ truyện, thể này do chính Tư Mã Thiên sáng tạo ra.
Trước khi cuốn “Sử Ký” ra đời, thì còn có một số phương pháp ghi chép sử khác. Tỷ như cuốn sử “Tả truyện” của Trung Quốc được viết theo thể biên niên, do Tả Khâu Minh thời Xuân Thu viết. Sách sử được viết theo thể biên niên không lấy nhân vật làm trung tâm, mà là lấy niên đại làm trung tâm để sáng tác, năm nào phát sinh việc gì, năm nào phát sinh chuyện gì. Về sau còn có một số phương thức ghi chép lịch sử không theo cách phổ biến, như cuốn “Quốc ngữ” là theo thể ký ngôn, nghĩa là ghi chép lại lời nói của nhân vật. Cuốn “Chiến quốc sách” thuộc về thể quốc biệt, chính là ghi chép lại lịch sử của một quốc gia. Về sau còn xuất hiện một loại chép sử nữa được gọi là kỷ sự bản mạt thể, chính là cách thức chép sử lấy sự kiện làm trung tâm.
Cuốn “Sử Ký” do Tư Mã Thiên viết, ghi chép lại lịch sử của 3,000 năm, đây là một con số quả là không thể tưởng tượng được. Chúng ta biết, bộ sách sử đầu tiên của Tây phương có tên là “Lịch sử” do Herodotus viết. Về sau Herodotus được tôn xưng là cha đẻ của lịch sử học, bộ sách ông viết đó liền được gọi là “Lịch sử”. Cuốn sách này ghi chép lại cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp cổ đại và Ba Tư, có khoảng thời gian lịch sử khoảng 50 năm. Herodotus viết lịch sử của 50 năm, liền được tôn xưng là cha đẻ của lịch sử học, ông được xem như là một người khai sáng cho việc viết sách lịch sử. Sau này, còn có một người nữa viết sách sử có tên là Thucydides, ông viết cuốn “Lịch sử chiến tranh Peloponnesian”. Cuốn sách này chính là kể về cuộc chiến tranh trên bán đảo Peloponnesian, có khoảng thời gian lịch sử chỉ là 20 năm. Thế nhưng cuốn “Sử Ký” thì ghi lại khoảng thời gian lịch sử là 3,000 năm, vượt qua cuốn “Lịch sử” và “Lịch sử chiến tranh Peloponnesian” này từ 60 đến 100 lần. Thế nên, lịch sử Trung Quốc có những ưu thế rất lớn so với lịch sử phương Tây, lớn đến mức không thể so sánh.
Hơn nữa, lịch sử do Tư Mã Thiên viết, không chỉ là ghi chép và thuật lại một số sự kiện hoặc lời nói, mà nó còn đề cập tới rất nhiều lĩnh vực như thiên văn, thủy lợi, lễ nghi, âm nhạc, còn có rất nhiều vấn đề liên quan, như nói ở vùng nào có hoạt động sản xuất gì, tiếp đó là nói tình hình hoạt động buôn bán ở đó ra sao, bao gồm cả về tư tưởng, triết học của Bách gia chư tử… Vì vậy, những ghi chép về lịch sử của Trung Quốc là một cuốn sử thư mang tính tổng hợp, mà không phải chỉ đơn giản ghi chép lại một vài sự tình hay đối thoại. Giống như phần “Thiên quan thư” trong cuốn “Sử Ký”, chính là nói về mối quan hệ đối ứng của trình tự sắp xếp giữa mặt trời, mặt trăng, tinh tú trên trời, với con người và sự việc trên mặt đất; phần “Hà cừ thư” chính là những ghi chép liên quan về phương diện thủy lợi. Vậy nên những ghi chép lịch sử của Trung Quốc cực kỳ có tính hệ thống và tính tổng hợp.
Hơn nữa không chỉ có như thế, “Sử Ký” của Trung Quốc không chỉ nói đến lịch sử Trung Quốc, nó còn bao gồm nhận thức của con người Trung Quốc lúc bấy giờ đối với lịch sử của các quốc gia khác hay đối với các dân tộc thiểu số khác. Tỷ như “Đại Uyển liệt truyện” đề cập đến lịch sử của quốc gia Đại Uyển ở Tây Vực; “Tây Nam Di liệt truyện” chính là kể về lịch sử dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nam Trung Quốc; phần “Triều Tiên liệt truyện” chính là kể về lịch sử của bán đảo Triều Tiên. Cho nên “Sử Ký” không chỉ là một bộ sách sử vô cùng hệ thống và tổng hợp, mà còn mang tính tổng quát về lịch sử thế giới thời bấy giờ.
Thời điểm Tư Mã Thiên viết “Sử Ký”, ông lập cho mình một chí hướng. Ông viết sử ký có ba mục đích: cái thứ nhất gọi là “Cứu thiên nhân chi tế”; cái thứ hai gọi là “Thông cổ kim chi biến”; cái thứ ba gọi là “Thành nhất gia chi ngôn”. Nói cách khác, Tư Mã Thiên muốn nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa Trời và con người, muốn đem hết thảy biến hóa từ cổ đến kim miêu tả lại trong cuốn sách của ông, đồng thời đưa ra một bộ lịch sử quan của ông, đây chính là mục đích viết sử của Tư Mã Thiên.
Như vậy bộ sách sử theo thể biên niên dài nhất Trung Quốc có tên gọi là “Tư trị thông giám” do Tư Mã Quang sống ở thời Bắc Tống viết. Mục đích viết “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang khác với mục đích của Tư Mã Thiên. Mục đích của Tư Mã Thiên là vì “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn”, còn mục đích của Tư Mã Quang khi viết “Tư trị thông giám” chính là nhằm giáo dục Hoàng đế làm thế nào để trị vì và quản lý quốc gia.
Tư Mã Quang viết “Tư trị thông giám”, trải qua hai triều đại là vua Anh Tông và vua Thần Tông của Bắc Tống. Sau khi ông mang cuốn sách này trao vào tay Hoàng đế nhà Tống, Hoàng đế cho rằng đọc cuốn sách này sẽ giúp ích rất lớn trong việc thống trị và quản lý quốc gia, cho nên được Hoàng đế ban cho tên là “Tư trị thông giám”. “Tư” chính là dành cho, “trị” là thống trị và quản lý, “thông giám” chính là thông sử mà lại có tác dụng tham khảo học hỏi, cho nên gọi là “Tư trị thông giám”. “Tư trị thông giám” là bộ sách sử theo thể biên niên dài nhất của Trung Quốc, nó ghi chép lịch sử trong khoảng thời gian bắt đầu từ năm đầu tiên của thời kỳ Đông Chu Chiến quốc, mãi cho đến trước khi Triệu Khuông Dận lên làm Hoàng đế của thời Bắc Tống, tổng cộng là 1,362 năm. Thế nên chúng ta thấy hai vị Tư Mã của giới sử gia là Tư Mã Thiên và Tư Mã Quang, họ đều nghiên cứu lịch sử, viết sách sử, nhưng mục đích của họ lại không giống nhau. Đương nhiên, ngày nay có rất nhiều người Trung Quốc đều rất thích đọc sách lịch sử, như vậy nếu nói, vì sao các vị lại thích đọc sách lịch sử, tôi nghĩ tự mỗi người đều có những lý giải của riêng mình.
Lời bàn thêm: Hiên Viên Hoàng Đế được người đời tôn xưng là “Nhân văn sơ tổ”, mà người phát minh ra chữ Hán là Thương Hiệt, một vị sử quan bên cạnh Hiên Viên Hoàng Đế. Điều này dường như nói lên rằng, dân tộc Trung Hoa từ khi bắt đầu đi vào văn minh, liền đã kết mối duyên chặt chẽ với lịch sử. Nhìn chung trên thế giới, chưa từng có bất kỳ một dân tộc nào có sự kính nể chân thành đối với lịch sử như người Trung Quốc vậy, đồng thời lưu lại cho nhân loại những ghi chép về chính sử liên tục 5,000 năm. Từ bộ sử viết theo thể biên niên đầu tiên là “Tả truyện”, đến bộ thông sử viết theo thể kỷ truyện đầu tiên là “Sử Ký”, đến bộ thông sử viết theo thể biên niên là “Tư trị thông giám” cho đến chính sử của các vương triều được chỉnh lý, người Trung Quốc đã ghi chép lại nhiều sự thật lịch sử trân quý, trí huệ uyên thâm và những đánh giá nhận xét đối với lịch sử, trở thành tải thể quan trọng truyền đạt liên tục nền văn minh Trung Hoa.
Khi nói đến lịch sử ấy, ta thường sẽ nghĩ đến bài thơ mở đầu “Tam quốc diễn nghĩa”, bài thơ này có tên là “Lâm giang Tiên”. Bài thơ như sau:
“Cổn cổn Trường giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tẫn anh hùng
Thị phi thành bại chuyển đầu không
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng
Quán khán thu nguyệt xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung”
Tạm dịch:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,
Bọt sóng cuốn hết anh hùng.
Thị phi, thành bại ngoảnh đầu lại chỉ còn hư không
Núi xanh vẫn như trước
Bao độ ánh tà hồng.
Ngư tiều tóc bạc trên bến sông
Đã quen nhìn gió mát trăng trong
Một vò rượu đục vui gặp gỡ
Bao nhiêu chuyện xưa nay
Đều gửi vào trong câu chuyện nói cười.
Đây là bài thơ mở đầu của bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, rất nhiều người cho rằng hẳn nhiên tác giả của bài thơ mở đầu bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” nhất định là La Quán Trung. Nhưng không phải như vậy, tác giả của bài thơ này là một học sỹ có tên là Dương Thận sống vào giữa thời kỳ nhà Minh. Về sau, vào thời nhà Thanh, vào thời điểm hai cha con Mao Tông Cương chỉnh lý lại truyện “Tam quốc” và viết bình luận chú giải cho “Tam quốc” thì đã đưa bài thơ này của Dương Thận (tên gốc là “Thuyết Tần từ”) vào phần đầu của bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” và trở thành lời mở đầu của bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”.
Tại sao tôi lại muốn nói đến bài thơ này đây? Là bởi vì nó nói cho chúng ta biết một loại tâm thái khi nhìn nhận đối đãi lịch sử. Lịch sử của Trung Quốc là vô cùng phong phú. Trong đó có sử thi anh hùng của Đại Hán, có Đại Đường vạn quốc triều bái, có kinh tế văn hóa thịnh vượng của triều đại nhà Tống, cũng có văn trị vũ công của Khang Càn thịnh thế; có đỉnh cao nghệ thuật Đường thi Tống từ, cũng có tiểu thuyết mà người sang kẻ hèn đều khen ngợi của thời Minh-Thanh, có hùng tài đại lược của Tần Hoàng Hán Vũ, tinh trung báo quốc của Nhạc Vũ Mục, nghĩa bạc vân thiên của Quan Vân Trường; trong đó còn có những Thánh nhân như Khổng Tử, danh tướng thiên cổ như Nhạc Phi, Hàn Tín, còn có những vị Tôn sư Phật gia như Đạt Ma, Huyền Trang, chân nhân Đạo gia như Trương Tam Phong, còn có những thích khách như Chuyên Chư, Dự Nhượng. Trong đó có trí tuệ của Đạo gia, từ bi của Phật gia, nhân nghĩa của Nho gia, kỳ kế của Binh gia, quỷ mưu của Pháp gia.
Những con người này, bất kể là trong lịch sử họ đã lập được những công lao vĩ đại oanh liệt cỡ nào, đưa ra học thuyết gì, đã làm sự tình gì, thế nhưng những con người này hiện nay họ đang ở đâu đây? Họ đều đã đi vào quá khứ rồi. Cho nên nói rằng, khi nghĩ đến những nhân vật này, chúng ta thường sẽ có cảm thán như thế này – “thị phi, thành bại ngoảnh đầu lại chỉ còn hư không”. Rất nhiều công lao vĩ đại, ở trong dòng sông dài đằng đẵng của lịch sử thì tựa như trong nháy mắt, chỉ một cái chớp mắt liền đã trôi qua. Thế nhưng còn Dương Thận thì sao, ông lại ở trong cái chớp mắt mà đã nhìn thấy được vĩnh hằng. Đó chính là “Núi xanh vẫn như trước, bao độ ánh tà hồng”. trong bài thơ của ông. Lịch sử 5,000 năm của Trung Hoa, tựa như một vở kịch lớn, đã diễn dịch bao nhiêu bi hoan ly hợp, ân oán ái hận, thành bại hưng suy, thiện ác gian trung.
Hôm nay chúng ta hãy lấy một loại tâm thái thật siêu thoát để nhìn nhận và đối đãi với giai đoạn lịch sử này, tựa như “Cổ kim đa thiểu sự, Đô phó tiếu đàm trung”.
Xem tiếp: Tập 1 – Phần 2
Do Zhang Xianyi biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times tiếng Hoa
Xem thêm: