Tiết lộ kết quả thử nghiệm mô phỏng đập Tam Hiệp gây sốc: Hồ Bắc chỉ có 1 chỗ lánh nạn
Mưa lớn vẫn tiếp diễn ở miền nam Trung Quốc, thiên tai lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi. Đập Tam Hiệp bắt đầu toàn lực xả lũ suốt 24h để giải cứu con đập, dẫn đến ở Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy và các nơi khác tình hình thảm họa trở nên tồi tệ hơn. Một số người biết tin đã tiết lộ với kênh truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài rằng các chuyên gia thủy lợi của Đại lục đã từng tiến hành các thử nghiệm mô phỏng việc vỡ đập Tam Hiệp, kết quả gây kinh hãi. Vì vậy các chuyên gia đã cố ý xây dựng một nơi lánh nạn ở khu Thần Nông Giá, tỉnh Hồ Bắc.
Vài ngày trước, một người trong cuộc tiết lộ với báo Epoch Times rằng các chuyên gia thủy lợi thuộc thế hệ trước đã tiến hành các thử nghiệm mô phỏng về tình trạng vỡ đập Tam Hiệp, và kết luận đưa ra rất đáng báo động. Nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, thì thành phố ở thượng nguồn sẽ bị chìm đầu tiên, mà không phải Nghi Xương và các thành phố ở hạ lưu. Tới lúc đó, Tứ Xuyên sẽ biến thành biển nước mênh mông.
Người đưa tin cho biết, kết quả thực nghiệm của chuyên gia cho thấy sau khi đập Tam Hiệp vỡ, lũ không ập tới ngay, mà sẽ xuất hiện bùn, đất đá trên núi chảy xuống, tạo ra những trận lở đất khổng lồ, khiến mực nước thượng nguồn dâng cao và lưu vực Tứ Xuyên sẽ ‘hứng mũi chịu sào đầu tiên’.
Sau khi lũ đạt đến đỉnh điểm, nó sẽ đổ xuống hạ lưu, lúc này sẽ mất một quãng thời gian, nhưng không quá lâu. Các chuyên gia chỉ ra rằng lũ lụt chỉ lao xuống vào lúc cuối cùng và nó có sức tàn phá mạnh hơn so với lúc chuẩn bị ập đến. Ngoài ra, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất không phải là Nghi Xương, mà là các thành phố ở giữa của hạ lưu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng nếu có một trận lũ lụt trong tương lai, phía nam sẽ thành một vùng đầm lầy. Nếu người dân chạy về phía bắc, cần phải đi qua sông Hoàng Hà. Hồ Bắc chỉ có một nơi có thể lánh nạn, chính là Thần Nông Giá vì có đủ độ cao đảm bảo so với mực nước biển.
Người đưa tin cho biết, dựa trên kết quả của thí nghiệm này, Ban bảo tồn nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng một trung tâm an dưỡng và phục hồi ở Thần Nông Giá. Trên thực tế, mục đích là để sau này nếu trước khi lũ lụt đến, có thể lấy đây làm chỗ lánh nạn.
Người đưa tin này cũng chỉ ra rằng ngoại giới luôn dựa vào việc kết hợp nhiều dữ liệu để phân tích xem liệu Tam Hiệp có bị vỡ hay không, nhưng nhiều dữ liệu do ĐCSTQ công bố là giả. Vì vậy, việc sử dụng dữ liệu giả phân tích đưa ra kết luận có thể không còn chính xác.
Những mối nguy hiểm tiềm ẩn của đập Tam Hiệp đã thu hút nhiều sự chú ý trên thế giới. Trong những năm gần đây, tin tức về sự biến dạng và rò rỉ của đập Tam Hiệp đã gây ra các cuộc thảo luận rộng rãi trong và ngoài nước Trung Quốc.
Vào tháng 7/2018, ‘Lãnh sơn thời bình’ – một tài khoản Twitter khác của nhà bình luận ‘Tài kinh lãnh nhãn’ đã chia sẻ 2 bức ảnh về đập Tam Hiệp bị nghi là ảnh vệ tinh của Google chụp. Từ hai bức ảnh có thể thấy, thân đập trong bức ảnh bên phải rõ ràng đã bị biến dạng.
Tờ Tin tức Bắc Kinh và Chinanews cũng từng trích dẫn tin tức của các chuyên gia, thừa nhận rằng đập Tam Hiệp thực sự bị biến dạng và đập Tam Hiệp có độ dịch chuyển ngang khoảng 3 cm. Các chuyên gia giải thích rằng đó là “biến dạng đàn hồi” và là bình thường.
Vào thời điểm đó, Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia nổi tiếng về đập Tam Hiệp, nói rằng cấu trúc của đập Tam Hiệp khẳng định rằng nó sẽ biến dạng.
Lúc đó, ông cảnh báo rằng biến dạng hiện tại của đập Tam Hiệp là biến dạng đàn hồi, nhưng biến dạng tổng thể của đập Tam Hiệp không phải là biến dạng đàn hồi, và nguy cơ vỡ đập là rõ ràng.
Ông Vương cũng tiết lộ rằng: Nhìn bề mặt thì đập Tam Hiệp trông rất kiên cố, nhưng hình dạng giống như pho mát, bên trong đều trống rỗng. Chất lượng xây dựng của công trình Tam Hiệp rất kém, kể từ khi hoạt động thử nghiệm vào năm 2003 đến nay, không ai nghiệm thu, không ai dám đảm bảo chất lượng của nó. Nếu đập Tam Hiệp vỡ, 700.000 người dân ở thành phố Nghi Xương sẽ biết mất.
Một số chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo trước đó rằng nguy cơ lớn nhất của đập Tam Hiệp là một trận động đất và lở đất từ trên núi ở thượng nguồn. Hiện tại, điều mà các chuyên gia lo lắng nhất đã xảy ra.
Vào lúc 4h07 sáng ngày 2/7, Trạm địa chấn Trung Quốc xác định rằng một trận động đất mạnh 3,2 độ richter sâu 8 km đã xảy ra ở huyện Nhược Nhĩ Cái (Zoige), châu tự trị A Bá (Ngawa), tỉnh Tứ Xuyên (ở 34,10 độ vĩ Bắc, 102,68 độ kinh Đông).
Trận động đất mạnh 3,2 độ richter ở Trung Quốc chỉ có thể được coi là một trận động đất nhẹ. Tuy nhiên, Ngawa nằm ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp, và ĐCSTQ đã đưa ra cảnh báo mưa bão trong 31 ngày, hơn nữa hồ chứa nước và đập Tam Hiệp cũng đã xả lũ để tự bảo vệ. Ngoại giới lo lắng rằng trận động đất có thể gây ra những nguy hiểm địa chất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự an toàn của đập Tam Hiệp.
Kể từ tháng 6, do lượng mưa liên tục, độ ẩm của đất bị bão hòa và các thảm họa địa chất như lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra thường xuyên. Ở vùng thượng lưu của Tam Hiệp, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và những nơi khác đã trải qua thảm họa đất đá trôi.
Ở lưu vực sông Dương Tử, tỉnh Hồ Bắc, nơi có đập Tam Hiệp, từ ngày 27/6 đến ngày 1/7, các trận mưa lớn liên tục đã khiến 198.200 người bị ảnh hưởng, 22.800 người phải sơ tán khẩn cấp, 11.600 ngôi nhà bị hư hại, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 2,885 tỷ nhân dân tệ.
Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, kể từ ngày 2/7, 304 con sông ở Trung Quốc đã bị ngập trên mức báo động. Thảm họa lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở 26 tỉnh, lượng mưa ở một số khu vực như Giang Tô, An Huy và Hồ Bắc nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Để đối phó với sự hình thành của ‘trận hồng thủy số 1’ trên sông Dương Tử, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp 4 đối với phòng chống thiên tai và hạn hán vào lúc 11h sáng ngày 2/7.
Minh Thanh Theo SOH