Tiết lộ: Cố vấn hàng đầu Tòa Bạch Ốc đã làm việc cho Pfizer trước khi tham gia chính phủ
Theo một bản tiết lộ đạo đức được công bố gần đây, cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc Anita Dunn đã từng có khách hàng là đại công ty dược phẩm Pfizer.
Bà Dunn là một cố vấn cao cấp của Tổng thống Joe Biden kiêm giám đốc điều hành của SKDKnickerbocker, một công ty tư vấn chính trị và công vụ đã tạo dựng mối quan hệ với các nhân vật chính trị lớn trong Đảng Dân Chủ.
Bà là cố vấn cao cấp cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của TT Biden. Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn còn bùng phát từ tháng 01/2021 đến hết tháng 08/2021 bà làm việc cho tổng thống với cương vị tương tự, sau đó bà trở lại trong một thời gian rất ngắn từ ngày 01/03 đến ngày 08/03. Theo The Washington Post, trong thời gian đó, bà được xếp loại như “nhân viên chính phủ đặc biệt”.
Hồi tháng Năm bà Dunn, cũng là cựu cố vấn cao cấp và giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama, đã trở lại Tòa Bạch Ốc với tư cách trợ lý kiêm cố vấn cao cấp cho Tổng thống Biden, điều đó có nghĩa bà phải nộp bản công khai thông tin theo luật.
Theo bản thông tin công khai gần đây do phóng viên Brian Schwartz của CNBC đưa tin, trước khi được bổ nhiệm hồi tháng Năm, bà Dunn đã tư vấn cho một số công ty lớn trong hai năm: AT&T, Lyft, Micron, Intra-Cellular Therapies, Salesforce, Reddit, và Pfizer.
Trong phần “tài sản và thu nhập khác”, bà Dunn cũng liệt kê Pfizer và tuyên bố rằng nó có giá trị từ 1,001 USD – 15,000 USD, mặc dù số tiền thu nhập cho biết “Không có (hoặc ít hơn 201 USD).”
Trong cuốn sách “Lucky: How Joe Biden Barely Won the Presidency” (“May mắn: Làm thế nào mà ông Joe Biden vừa vặn đắc cử Tổng thống”) của anh Jonathan Allen từ NBC News và cô Amie Parnes từ The Hill, hồi tháng 02/2021 bà Dunn được cho là đã nói rằng “COVID là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra” đối với TT Biden.
Danh mục đầu tư to lớn
Tài liệu công khai tài chính dài tới 93 trang này cũng cho thấy bà Dunn đã làm công việc tư vấn cho tổ chức thương mại năng lượng tái tạo của Hiệp hội Điện sạch Hoa Kỳ có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn; Pivotal Ventures, một công ty đầu tư và ươm tạo do Melinda French Gates thành lập; và Trung tâm Hành động vì Tiến bộ Hoa Kỳ, một tổ chức nghiên cứu và vận động chính sách công tự do.
Theo trang web của Quỹ Ford, bà cũng làm công việc tư vấn cho tổ chức này, hợp tác chặt chẽ với các chính phủ cũng như khu vực tư nhân để giúp thúc đẩy phúc lợi nhân sinh.
Theo CNBC, tiết lộ gần đây cũng cho thấy bà Dunn cùng người chồng Bob Bauer có danh mục đầu tư khổng lồ, trị giá khoảng từ 16.8 triệu đến 48.2 triệu USD. Những khoản đầu tư đó vào một loạt các công ty công nghệ, chẳng hạn như Amazon, Alphabet, Apple, Boeing, Bank of America, Chevron, Dow, KKR, và Morgan Stanley.
Danh mục đầu tư của vợ chồng bà cũng bao gồm ít nhất 500,000 USD cho một quỹ đầu cơ.
Sau những tiết lộ được công bố gần đây, ông Jeff Hauser, giám đốc điều hành của Dự án Cửa quay (RDP), một dự án của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), đã đặt câu hỏi chính xác là bà Dunn có thể đảm nhận vai trò gì khi một cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc về các vấn đề chính trị lại vướng vào các vấn đề đạo đức khác nhau.
“Bà Anita Dunn đã tư vấn cho Pfizer, vì vậy bà ấy không nên làm việc về các vấn đề chăm sóc sức khỏe. Bà ấy sở hữu cổ phiếu và có các khoản đầu tư phức tạp vào Chevron, vì vậy bà ấy không nên làm việc về biến đổi khí hậu,” ông Hauser cho biết trong một tuyên bố. “Bà ấy nắm giữ trái phiếu ở Lockheed Martin, vì vậy bà ấy không nên làm việc về các vấn đề quân sự và chính sách đối ngoại. Bà ấy đang nắm giữ khoản nợ hàng ngàn dollar của Wells Fargo và Visa, vì vậy bà ấy không nên làm việc về các vấn đề tín dụng tiêu dùng. Và bà ấy đã tư vấn các công ty từ Lyft cho đến Salesforce và Reddit, vì vậy bà ấy không nên làm việc với hầu hết các vấn đề về các đại công ty công nghệ.”
Các vấn đề đạo đức
“Vậy thì còn lại gì? Nếu Tòa Bạch Ốc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đạo đức của mình và cáo tỵ bà Dunn khỏi toàn bộ những lĩnh vực chính sách mà bà ấy đầu tư tiền vào cuộc chơi, thì bà ấy sẽ còn làm được gì?”
Ông Hauser cũng lưu ý rằng trước đây bà Dunn đã được xem là một nhân viên chính phủ đặc biệt tại chức vụ cuối cùng của bà trong Tòa Bạch Ốc vì thế nên có thể tránh được việc phải nộp bản công khai thông tin.
Ông Hauser nói: “Điều này chỉ khiến chúng tôi chú ý hơn đến hai nhiệm kỳ trước đây của bà Dunn ở Tòa Bạch Ốc, lúc đó bà ấy tránh né tiết lộ các cam kết về luật và đạo đức bằng cách chỉ phục vụ với tư cách là một Nhân viên Chính phủ Đặc biệt. Giờ đây khi rốt cuộc bà ấy đã nộp bản công khai thông tin, thì chúng ta mới biết được bà ấy đã nhận thu nhập từ việc tư vấn cho hãng Pfizer.”
“Trước đây bà ấy đã cố vấn cho Tổng thống trong giai đoạn thúc đẩy việc chích vaccine ngừa COVID-19 ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy. Làm thế nào mà ổn được đây khi một công ty kiếm được hàng tỷ dollar từ những đơn đặt hàng vaccine của chính phủ nhận được lời chỉ bảo về chính trị và liên lạc từ một cố vấn Tổng thống gần đây, và sau đó cho vị cố vấn đó quay về Tòa Bạch Ốc trong thời kỳ đại dịch hoành hành? Nếu điều đó đã diễn ra thì nên được tiết lộ, hiển nhiên là vậy, nhưng vấn đề lớn hơn là điều đó đang diễn ra.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Chris Meagher nói với CNBC trong một thư điện tử hôm 11/08, rằng bà Dunn sẽ thoái vốn khỏi danh mục đầu tư của mình và chồng mình, đồng thời sẽ bị cáo tỵ khỏi tất cả các vấn đề liên quan đến công ty SKDK và các khách hàng cũ của mình. Ông cho biết bà Dunn sẽ không được phép tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan đến những công ty này trong hai năm.
Các phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc và Pfizer đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times trước thời điểm xuất bản bài báo này.
Cô Katabella Roberts là một cây viết tin tức cho The Epoch Times, chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ, thế giới, và tin tức kinh doanh.