Tiếp đón khách khứa theo tinh thần Wabi-sabi
Những ngày giãn cách xã hội đã qua, chắc hẳn những người con Hà Nội rất háo hức muốn tụ tập cùng bạn bè và người thân. Để thổi một luồng gió mới cho buổi tụ họp này, chúng ta hãy thử một phong cách tiếp đón độc đáo của người Nhật nhé!
Nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng ta ngày càng dễ dàng kết nối với cả thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng dần không xem trọng việc gặp mặt trực tiếp những người thân quen. Chúng ta đã quên mất rằng việc sống chậm lại, trò chuyện thân tình với bạn bè cũng thật tuyệt vời.
Tôi luôn cho rằng, khi thiết đãi khách, quan trọng là có thể dành thời gian quây quần bên nhau, dù là ở nơi nào, thời điểm nào hay với hình thức nào. Chuẩn bị một bữa tiệc hoàn hảo để gây ấn tượng với các vị khách dễ làm chúng ta bị căng thẳng, áp lực.
Một phong cách tiếp khách đơn giản và cởi mở hơn chính là tinh thần Wabi-sabi – phong cách sống tôn vinh “vẻ đẹp của sự không hoàn hảo”. Khái niệm Wabi-sabi bắt nguồn từ Nhật Bản. Nó là sự kết hợp của hai từ riêng biệt: “wabi” có ý nghĩa tương tự như sự giản đơn, mộc mạc và khiêm tốn, còn “sabi” đề cao những gì thuận theo dòng chảy thời gian, liên quan đến tính vô thường, vẻ đẹp nguyên bản của sự vật, sự việc tại một thời điểm nhất định.
Wabi-sabi có thể là hiện thân của bất kỳ ai, của bất kỳ nền văn hóa nào. Dưới đây là một vài nguyên tắc căn bản bạn có thể tham khảo và áp dụng ở bất kỳ nơi đâu để trở thành một chủ nhà nồng ấm và hiếu khách.
Bắt đầu từ ngôi nhà của bạn
Căn nhà là nơi ta cảm thấy an toàn và thoải mái được là chính mình. Wabi-sabi nhắc chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về “điều cốt lõi” – điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống. Nơi trú ngụ là tấm gương phản chiếu bản thân ta. Càng ứng dụng tính cá nhân và quan niệm “không hoàn hảo” vào ngôi nhà, ta sẽ càng bớt chạy theo những thứ hào nhoáng mang tên “xu hướng” hay bắt chước ngôi nhà lý tưởng của ai đó.
Tương tự như vậy, khi ta tổ chức một bữa tiệc khiêm tốn thay vì cố gắng gây ấn tượng với các vị khách, thì “cái tôi” của ta bỗng nhỏ lại để có thể tập trung vào việc khiến các vị khách thoải mái và lan tỏa năng lượng tích cực.
Dành thời gian bên nhau
Triết lý Wabi-sabi hướng con người đến việc chấp nhận thực tại là vô thường, thời gian trôi đi và ta không thể có được tất cả mọi thứ trên đời. Vì vậy, điều quan trọng là ta cần biết đâu là thứ thật sự có ý nghĩa với mình – những mối quan hệ sâu sắc chẳng hạn. Đó là điều ta cần tập trung vào và thậm chí đôi khi nó đòi hỏi sự hy sinh. Thay vì lấp kín thời gian biểu với danh sách việc-cần-làm dài dằng dặc, hãy dành thời gian cuối tuần để ăn uống, đọc sách, tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi bên những người thực sự quan trọng.
Tận dụng những thứ bạn có
Wabi-sabi giúp chúng ta tìm thấy sự bình yên trong những khoảng trống. Không tô vẽ hay bày biện không cần thiết, phong cách Wabi-sabi hướng sự tập trung của con người đến những vật dụng thực sự cần thiết để tâm trí không còn bị thao túng bởi vật chất. Đây là cách tuyệt vời để tối ưu hóa hoàn cảnh sống hiện tại của bạn. Việc tiếp khách cũng bao hàm trong lối sống ấy: không phung phí, tận dụng hết mức những gì ta đang có, không đòi hỏi nhiều hơn và cảm thấy hài lòng về mọi sự.
Loại bỏ sự phân tâm
Wabi-sabi đề cập chủ yếu đến việc học cách tập trung tốt hơn – tập trung vào thực tại. Cuộc sống bận rộn dễ khiến ta nghĩ đến một tá việc trong khi đang làm một việc khác, hay chúng ta để thời gian trôi qua vô ích khi lướt điện thoại. Ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho công nghệ, cho những trách nhiệm trong cuộc sống hiện đại, nhưng thực chất vấn đề nằm ở chính ta!
Khi ở bên cạnh người khác, điều này có nghĩa là ta nên tắt hoặc cất tất cả mọi thiết bị công nghệ, đây là những thứ cản trở sự gắn kết thực sự. Khi ngồi cùng các vị khách, chúng ta nên tập trung vào họ. Triết lý Wabi-sabi có thể là một liều thuốc giải độc hữu hiệu cho lối sống hời hợt, nhắc nhở chúng ta về giá trị phi thường của việc chỉ tập trung vào một việc duy nhất trong một thời điểm.
Cho phép các vị khách cùng tham gia
Mời những vị khách tham gia vào quá trình chuẩn bị là một cách hữu hiệu để tăng sự gắn kết. Có thể, tình huống này sẽ gây ra một chút khó xử, vì khách sẽ cảm thấy phải bỏ ra nhiều công sức, nhưng việc mời mọi người đảm nhiệm một công việc nhất định trong những dịp đặc biệt sẽ khiến họ cảm thấy đang góp sức cho cuộc vui này. Dù chỉ là một chai rượu, cắm hoa, rửa rau hay chơi với lũ trẻ, việc tham gia vào quá trình chuẩn bị khiến mọi người có cảm giác hiện diện và chú tâm hơn.
Theo đuổi triết lý Wabi-sabi cũng giải phóng chúng ta khỏi cảm giác rằng mọi thứ phải thật hoàn hảo khi khách đến. Việc mang lại cho gia đình và bạn bè của bạn cảm giác “được cần đến” có lẽ quan trọng hơn là việc sắp xếp bữa tối chỉn chu trên bàn khi họ đến.
Kéo mọi người xích lại gần nhau không quá phức tạp và mất nhiều công sức, chỉ cần sự vui vẻ và tự nguyện, thêm một chút chu đáo để biến tổ ấm của chúng ta thành một nơi thật thoải mái và thân tình. Mọi người có thể quây quần bên ta bất cứ khi nào. Cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú hơn khi thường xuyên chào đón bạn bè tới chơi. Nghệ thuật sống kiểu Wabi-sabi sẽ dẫn dắt chúng ta tới một hình thức thiết đãi như vậy.
“Wabi-sabi là vẻ đẹp của những điều bất toàn, vô thường và dở dang” – Leonard Koren.
Tài liệu tham khảo:
- Cuốn sách: Wabi-sabi welcome – Julie Pointer Adams
Ngân Hà
Xem thêm: