Tiếng thu – Điệu buồn của khúc Thương
Tiếng vĩ cầm nức nở
Của mùa thu ngân dài
Giọng đều đều buồn tẻ
Cứa mãi vào tim tôi.
(Nghệ sĩ Pháp Paul Verlaine)
Thu không đẹp cái mơn mởn của mùa xuân rộn ràng, cũng không còn những cháy bỏng, phiêu lưu, rực rỡ của mùa hè, sự quyến rũ mê hoặc của mùa thu là bởi vẻ đẹp ấy mang một điệu buồn vời vợi. Điệu buồn ấy làm nên thu hồn thu mênh mang, tình thu dịu vợi, khí thu bàng bạc, ý thu trầm mặc, tha thiết.
Trong Hán tự, chữ “Sầu” 愁 gồm có chữ Thu 秋 ở trên và chữ Tâm 心 (con tim) ở dưới. Mùa thu từ trong nguyên khởi, định mệnh vốn đã được gắn với nỗi sầu, bởi chăng lòng người trong tiết thu bao giờ cũng mang điệu buồn bã, u hoài. Thu buồn trở thành cảm thức muôn đời với các hình ảnh cỏ cây điêu linh, hoa tàn liễu rủ, đời người ngắn ngủi, đôi lứa cách biệt, người vợ nhớ chồng, lữ khách nhớ quê hương…
Điệu buồn ấy của mùa thu qua hàng ngàn năm, trở thành nguồn thi hứng bất tuyệt cho thi nhân vẽ lên những bức tranh thu tuyệt tác, từ những nét chấm phá lãng mạn của Lý Bạch, nét tiêu sái của Vương Duy, hay nỗi buồn ai oán của Bạch Cư Dị. Riêng Âu Dương Tu cảm nhận mùa thu bằng âm thanh, và gọi đó là tiếng thu. Bài Thu Thanh Phú của Âu Dương Tu – được coi là một trong những bài tả mùa thu hay nhất trong lịch sử.
Sự là, đêm khuya Âu Dương Tu đang đọc sách trong thư phòng bỗng nghe thanh âm lạ. Thoạt đầu nghe lác đác, rồi sau nghe rào rào, như sóng vỗ, như gió mưa cùng ập đến, tiếng va đập vào mọi vật nghe loảng xoảng như tiếng sắt, tiếng vàng, tiếng binh khí chạm nhau, như có nhiều người ngựa cùng nhịp bước tới. Bảo đồng tử ra ngoài xem thì thấy trời quang mây tạnh, trăng sao vằng vặc giữa trời, bốn bề vắng lặng. Thì ra tiếng thu vô hình chỉ dội đến trong lòng.
Ta rằng: “Thôi thế, thương thay!
Tiếng thu là đó lại đây làm gì?
Này thử ngẫm thu kia ai họa
Vẻ nhạt mờ khói toả mây thu
Thanh minh là dáng mùa thu
Trời cao sáng suốt kim ô một vừng
Khí thu lạnh ra chừng nghiêm nhặt
Như nhói xương, như cắt vào da
Non sông lặng phắc gần xa
Cảnh đìu hiu đó, chẳng là ý thu?
Bởi thu thế, tiếng thu như thế
Đã buồn thôi, lại kế ghê thay!
Biết bao xanh tốt cỏ cây
Mà pha sắc úa mà bay lá vàng
Làm cho đến tồi tàn rơi rụng
Khí trời thu quạ đụng mà kinh
Tiếng thu bởi vì sao mà có sắt tiếng vàng chen nhau. Trong ngũ hành, Thu thuộc Kim. Kim là sắt, nguyên liệu để làm binh khí. Kim khắc mộc, là đao búa đối với cỏ cây, nên thu là mùa hoa rơi lá rụng. Ðến mùa thu thì muôn vật điêu linh, khí trời sầu thảm. “Cỏ đang xanh rậm tranh nhau tươi tốt, cây đang xum xuê vui vẻ mà bị (khí thu) dính vào thì cỏ úa, cây rụng lá. Do đó cây cỏ tiêu điều hư hao là vì cái khí khốc hại của mùa thu”. (Cửu Biện – Tống Ngọc)
Theo quan niệm Trung hoa thời xưa. Mùa thu là mùa của hình tội, vì theo luật lệ nhà Chu, đến mùa thu các quan mới đem tội nhân ra xử, cho rằng như thế thì hợp với đạo trời viện lẽ là mùa thu là mùa của điêu linh. Mùa thu thuộc âm, âm khí thịnh, nên trong thơ cổ bao giờ cũng thấy hơi thu quạnh quẽ, mối sầu bi như giăng mắc khắp nơi.“Thế mới nói: nghĩa khí đất trời lấy tiêu sát là tâm; Vạn vật trên đời, xuân đến sinh sôi, thu về quả chín.”
Âm nhạc và thơ văn đều có duyên nợ với mùa thu. Trong ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ), tiếng Thương thuộc Kim như mùa thu, thành ra tiếng Thương là tiếng của mùa thu. Và tiếng “Thương” cũng đồng âm với chữ “Thương” trong “thương tổn, bi thương” cho nên tiếng thu buồn bã, sầu thảm. Vạn vật qua quá trình Thành – Trụ – Hoại thì bi thương đến, hết thời thịnh phải chịu tàn suy.
Bởi chăng thu đầy một màu ảm đạm thê lương như thế, nên sau khi tả cảnh thu Âu Dương Tu lại liên tưởng đến kiếp người: Cây cỏ vô tình thế mà có lúc phải điêu linh; Con người linh hơn mọi vật, trăm mối lo làm động lòng, vạn sự làm khổ thân; kiếp người phải lao đao khổ ải, đời người từ bé đến già đã chịu bao nhiêu thay đổi, giống như mọi vật đã trải qua từ xuân đến thu. Đó là tiếng thu buồn của kiếp nhân sinh.
“Thân kia làm tội cho đời!
Vì ai mà giận chi trời, tiếng thu?”
Làm sao mà vui được trước cảnh thu tiêu điều, lá rơi hoa rụng, mưa gió não nùng, gió thổi thê lương, tiếng côn trùng rỉ rả, chim chóc kêu thê thiết, trăng sương, gió núi, heo may the thắt lạnh lùng.
Trời đất đổi màu, trở gió, không gian bàng bạc một màu chì; lá rụng bay lào xào trên mặt đất hanh hao, cảnh vật đều nhuộm một màu tê tái, làm cho lòng người cũng tự nhiên thấy se sắt, tư lường. Trăng sáng đẹp là thế cũng hoá ra buồn, sông nước đẹp mông mênh như thế mà cũng ra đìu hiu lạnh. Nghe thấy hơi may về với hoa vàng, thấy gió thu về xào xạc ngoài hiên, không hiểu cơn cớ nào lòng người cũng tự nhiên bâng khuâng, buồn nhớ.
Cái buồn của mùa thu não nùng nhưng không làm người ta chán nản là bởi gió thu buồn nhưng trời thu lại đẹp, đẹp nhất là trăng thu, đẹp đến nỗi làm cho người ta buồn nhưng vẫn cứ muốn tận hưởng hết cái đẹp bàng bạc trong khắp trời cây mây nước.
Trong một năm, không có mùa nào trăng lại sáng và đẹp như trăng thu. Cả một bầu trời xanh ngắt, không có một đám mây, làn ánh sáng mơ hồ của trăng tỏa ra lung linh kỳ ảo. Đắm mình dưới ánh trăng trong một bầu không khí vừa vừa lạnh, hiu hiu gió, biêng biếc sầu, mà tự nhiên có cảm giác trăng cũng ở trong lòng, thắm hoa hương, thấy cảm thấy như thiên đàng ở cõi trần gian, huyền diệu và kỳ ảo vô cùng.
Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Tĩnh Dạ Tứ – Lý Bạch)
Cảnh thu cô liêu đồng điệu với tâm sự của những người mang chí thay đổi non sông nhưng gặp phải vận cùng thế khuất, mang cái nỗi buồn đau riêng không thể cất nên lời. Có phải vì cảnh thu buồn quá mà chung điệu buồn của tha nhân, hay bởi vì nỗi sầu của người chất ngất gửi vào cảnh khiến mùa thu thấm đẫm nỗi buồn nhân thế.
Dặm trường tóc trắng mây bay
Sầu bao nhiêu nỗi đong đầy khôn vơi
Thẫn thờ lặng ngắm gương soi
Sương thu nào thấy bên đời phù du?
(Thu Phố Ca – Lý Bạch)
Thơ là thu của đất trời, thu là thơ của lòng người
“Sầu do hoàng hôn lên, Hứng do mùa thu phát” (Mạnh Hạo Nhiên trong Thu đăng Lan sơn ký). Tình thu, trăng thu, hoa thu, lá thu, sông thu, khói thu, mây thu, nước thu, sương thu, mưa thu, gió thu, trời thu… bức tranh mùa thu sơn thủy hữu tình, không gian và sắc màu, làn hương cùng hòa quyện, kỳ ảo, miên man, là cả một nguồn thi hứng tha thiết dạt dào, một miền thiên thai nơi trần thế cho hồn tao nhân mặc khách.
Thi sỹ muôn đời vốn vẫn xem mùa thu như nàng thơ, hồng nhan tri kỷ. Bởi thế mỹ nhân tự cổ xưa nay đều được ví với mùa thu, mắt long lanh như nước mùa thu (thu thủy), dáng vẻ kiều diễm thướt tha như liễu, dịu dàng thanh tân như gió thu, lộng lẫy trong chiếc áo dệt bằng muôn vàn sợi nắng thu như tơ vàng, quyến trong làn hương thu thanh tao dịu ngọt.
Nếu như mùa xuân mở ra tương lai, mùa thu là lúc hồi tưởng quá khứ. Thơ thu đầy những cố hương, cố nhân, cố quận, đầy những nỗi nhớ người, nhớ cảnh, nhớ bạn, nhớ quê hương… Sắc hình, khí vị mùa thu nhuốm màu nhân sinh, gợi nên những u hoài trầm mặc, vậy nên thu vốn là mùa của hoài niệm, ghi dấu năm tháng tàn phai hay gợi lại chân trời cũ mờ khuất. Khi đã nhuốm mệt trên đường đời vội vã, là lúc con người muốn dành nhiều hơn sự chiêm nghiệm, về những gì đã qua, gặm nhấm những nỗi buồn thế thái nhân tình, những vết thương đã thành sẹo, để đủ an nhiên bước vào mùa đông cuối trên hành trình cuộc đời.
“Thơ là thu của đất trời, thu là thơ của lòng người”. Mùa thu – thi nhân – nghệ thuật có sự tương thông, tương cảm kỳ lạ như thế. Các thi nhân với tâm hồn nhạy cảm đã sớm nhận ra trong cảnh sắc mùa thu một thông điệp của đất trời: “Thời gian đang trôi, đang trôi nhanh…” (Thu khúc – Veclen), “Mùa thu như giờ đã điểm” (Thu ca – Paul Verlaine), và mùa thu như là một phương tiện đo thời gian: “Đã mấy thu nay để lệ nhà, Duyên nào đeo đẳng khó chăng tha” (Ngôn chí VII – Nguyễn Trãi), hay “Vàng bay mấy lá năm già nữa, hồng bay mấy lá năm hồ hết” (Gió thu – Tản Đà).
Phàm những cái đẹp thường ít ỏi, ngắn ngủi và chóng qua. Thu làm ta cảm nhận rõ hơn bao giờ cái thoáng qua của thời gian, của đời người. Cuộc đời chỉ là một giấc hoàng lương mộng, kiếp sống tạm bợ, thoáng chốc phù du. Người thơ ngẫm đến sự biến đổi của nhân thường thế thái khi thời gian như nước chảy qua cầu và vũ trụ biến đổi không ngừng, mà chất ngất trong lòng những nỗi niềm về kiếp người chốn trần gian. Có mùa thu nào là vĩnh viễn nơi thiên giới chờ đợi hồn tha nhân?
Xem thêm: