Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng, Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?
Vẳng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
(Chu Mạnh Trinh)
Có một đứa trẻ được đưa đến chùa để theo con đường tu nghiệp. Trụ trì thấy đứa trẻ này thông minh nhanh nhẹn liền giao cho nó chịu trách nhiệm đánh chuông, hằng ngày cứ vào một giờ quy định là phải đi đánh chuông.
Tiểu hòa thượng lúc đầu thấy rất hào hứng, ngày nào cũng chăm chỉ đi đánh chuông, tiếng chuông vang xa xa mãi, ngày nào cũng đều đặn như vậy. Nhưng tiểu hòa thượng dù sao vẫn chỉ là một đứa trẻ, không có tính nhẫn nại. Một thời gian sau nó liền bắt đầu cảm thấy buồn chán, tiếng chuông đánh khi cao khi thấp, sau đó dần dần chỉ có tiếng vang, không còn ngân xa nữa, dần dần tiểu hòa thượng cảm thấy nhiệm vụ đánh chuông này vừa vô vị vừa đáng ghét.
Đến một ngày nọ trụ trì đột nhiên tuyên bố chuyển tiểu hòa thượng đến sân sau làm nhiệm vụ gánh nước chẻ củi, Tiểu hòa thượng rất ngạc nhiên bèn hỏi: “Sư phụ vì sao lại cho con đi chẻ củi gánh nước vậy, không phải là con vẫn đánh chuông rất tốt hay sao?”
Trụ trì mỉm cười đáp: “Sai rồi, không phải là con làm rất tốt mà là làm không tốt, về cơ bản là không thể đảm nhận nhiệm vụ đánh chuông được. Tiểu hòa thượng không phục bèn hỏi tiếp: “Tại sao nói con không thể làm được. Lẽ nào con đánh chuông không đúng giờ tiếng chuông không vang xa hay sao?”
Trụ trì vẫn nhẫn nại trả lời: “Tiếng chuông con đánh tuy rằng rất đúng giờ và cũng vang rất xa nhưng tiếng chuông không có hồn, không có lực không có sức lay động, vừa nghe là đã biết, con chỉ có miễn cưỡng làm cho xong chuyện mà thôi”.
Tiểu hòa thượng nghe vậy giật mình bối rối, không ngờ nghe tiếng chuông mà trụ trì biết rõ lòng mình như vậy.
Hòa thượng nhìn tiểu đệ tử hồi lâu rồi chậm rãi nói: “Con à, tiếng chuông của chùa chúng ta không phải chỉ để báo giờ mà là để cảnh tỉnh những chúng sinh đang mê muội, Do đó tiếng chuông đánh lên không những phải âm vang mà còn phải mượt mà, đầy đặn, nhân hậu, thâm trầm, Lòng con phải nghĩ về Đức Phật, thành kính, dụng tâm như khi nhập định và lễ bái mà đánh chuông thì tiếng chuông mới như lời nhắc nhở tỉnh thức chúng sinh mê lạc.”
Tiểu hòa thượng nghe xong tỉnh ngộ, vô cùng hối hận, liền vâng lời trụ trị gánh nước chẻ củi, không hề oán trách. Tiểu hòa thượng gánh nước chẻ củi với tâm thái của người đã giác ngộ, chăm chỉ chuyên cần không oán không giận, không than mệt mỏi.
Một ngày trụ trì gọi cậu lại và nói: “Giờ có lẽ con đã biết đánh chuông rồi.”
Từ đó tiểu hòa thượng chăm chỉ đánh chuông, tiếng chuông rõ ràng, mượt mà, đầy đặn, thâm trầm, ngân vang.
Ba năm sau trụ trì bắt đầu dạy tiểu hòa thượng học kinh kệ, dạy cầu về giáo lý nhà Phật, về sau tiểu hòa thượng trở thành thiền sư đạo hạnh có tiếng trong vùng.
Vẳng nghe một tiếng chuông ngân…
Vào thời Lưỡng Hán, Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Để làm hiệu lệnh gọi tăng lữ và dân chúng, chuông được thỉnh vào chùa chiền, trở thành một loại pháp khí của Phật giáo. Trong “Bách trượng thanh quy – Pháp khí” có nói: “Chuông lớn cũng đóng vai trò ra hiệu lệnh. Được gõ vào sáng sớm, nó phá tan màn đêm, đánh thức người ta dậy. Chuông ngân vào lúc hoàng hôn sẽ biến đổi màn đêm, khai thông những thành phần tăm tối”. Tiếng chuông buổi đầu hôm mờ sáng là sự nhắc nhở kẻ tu hành thức giấc tinh tấn, rời xa những chấp mê bất ngộ, tối tăm của lòng dục mà chuốc lấy khổ đau trong cuộc sống vô thường. Lòng người hướng về tiếng chuông để chuốc bỏ đi những phiền muộn, lo toan, sầu khổ để lắng lòng trong cõi an nhiên, từ bi của Phật.
Âm thanh mượt mà vang vọng, thâm trầm trong vắt của tiếng chuông giữa khung cảnh tịch lặng, hàng trăm ngàn năm qua khiến cho người ta cảm thấy tâm hồn khoáng đạt và thanh thản, hướng về nơi tiếng chuông ngân. Tiếng chuông là niềm cảm hứng cho nhiều nhà thơ thời cổ đại:
Đỗ Phủ: “Dục giác văn thần chung, lệnh nhân phát thâm tỉnh”
(Tạm dịch: “Sớm mai thức dậy muốn nghe một tiếng chuông ngân, khiến tâm hồn thanh tỉnh”);
Vương Duy: “Hàn đăng tọa cao quán, thu vũ văn sơ chung”
(Tạm dịch: “Đèn khuya lạnh lẽo trên cao quán, Mưa thu nhạt nhòa tiếng chuông thưa”)
Dường như chẳng có âm thanh nào chạm đến sâu thẳm hồn người như thế. Tiếng chuông trầm ấm ngân vang trong khoảng trời an tịnh khiến không gian tràn đầy cảm giác bình yên, thanh thản như ở một nơi thanh khiết giữa chốn hồng trần. Dưới mái chùa rêu phong ẩn mình trong hoa lá, hương hoa và trầm lan toả trong không khí tịch mịch, tiếng chuông chùa tan đi bao ưu sầu phiền muộn trong lòng nhân thế. Đắm mình trong sự trang nghiêm lặng lẽ, người ta có thể tĩnh lặng nhìn sâu vào nội tâm của chính mình, và lòng bắt đầu tự hỏi: “Đời người rốt cuộc là vì điều gì?”.
Nhà Phật giảng rằng con người cũng như khách trọ chốn trần gian, nhưng bị cuốn vào vòng danh lợi, dục vọng nơi đây mà quên mất mục đích của sinh mệnh là quay trở về thiên giới. Nghe tiếng chuông tỉnh mộng trần ai, bỗng nhận ra rằng thân người mong manh vô thường, sớm còn tối mất, khi đi không đem gì đến mà khi rời cũng không mang theo được gì, vậy thì mê đắm nơi danh lợi của cải để làm chi. Tiếng chuông thức tỉnh nhắc kẻ tu hành ngộ Đạo cõi trần ngắn ngủi, nên chuyên tâm tu tập, sớm ngày viên mãn trở về với ngôi nhà vĩnh cửu của sinh mệnh.
Nhất chùy đả phá thái hư không
Vạn lý cô vân tuỳ tán lạc
Túng ngộ đồng đầu thiết ngạch nhơn
Nhậm bỉ như tư hoán bì xác.
(Dịch nghĩa: Chỉ một chày này thôi nhưng khi đánh lên thì phá tan cả cõi hư không, làm rơi rớt những đám mây vô minh rời rạc khắp nơi, giả như gặp những kẻ đầu đồng trán sắt, cơ phong lanh lợi, mặc theo đây mà thay hình đổi dạng).
Tiếng chuông mở ra một không gian tĩnh lặng cho tâm hồn thanh tịnh, âm thanh vừa phảng phất nỗi u buồn man mác như tiếng thở dài của Phật khi thấy chúng sinh quá mê lạc, đang còn nặng kiếp trần ai, nhân tâm bao giờ mới hồi tỉnh; vừa tha thiết như lời nhắc nhở khuyên mọi người hãy mau mau trở về bến bờ giác ngộ.
Nghe tiếng chuông chùa, tỉnh giấc mộng lợi danh
Có câu chuyện cổ Phật gia kể rằng:
Xưa có một anh chàng chuyên về nghề giết lợn đem thịt ra chợ bán. Anh ta sống gần một ngôi chùa, mỗi sáng khi nghe tiếng chuông đổ anh giết lợn để kịp phiên chợ. Một hôm vị trụ trì ngôi chùa nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn đàn con đến xin cứu mạng. Vị thiền sư liền hỏi bằng cách gì thầy có thể cứu mạng.
Người thiếu phụ nói ngày mai khi dậy tụng kinh xin thầy đừng đánh chuông thì mẹ con nàng sẽ được cứu, vị trụ trì nhận lời. Sáng hôm sau, sư cụ lẳng lặng dậy tụng kinh mà không thỉnh chuông công phu như thường lệ. Không nghe tiếng chuông báo thức nên chàng đồ tể ngủ thẳng giấc, đến khi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao, nếu giết lợn không còn kịp thời gian của phiên chợ nữa.
Anh chàng bực mình lên chùa hỏi sư cụ sao không đánh chuông khiến anh phải lỡ dở công việc. Vị thầy kể lại giấc mơ. Anh ta liền về nhà, chạy ra chuồng lợn xem thì thấy con lợn nái mình định mổ thịt đã sinh một đàn con. Anh tự nghĩ loài súc vật cũng có linh hồn, cũng tham sống sợ chết, cũng vì con sẵn sàng hy sinh cho con thế mà lâu nay vì sinh kế anh đã giết bao nhiêu sinh mạng. Anh liền bỏ đao đồ tể, quyết chí tu hành sau nầy trở thành vị A-la-hán.
Câu chuyện cổ về tiếng chuông chùa đầy ẩn ý đạo hạnh nhân sinh. Tiếng chuông hay lời nhắc nhở của Phật Đà về sự giác ngộ. Tiếng chuông để báo giờ nhắc anh đồ tỉnh giấc, nhưng con người tỉnh giấc mà thực ra vẫn chỉ là mê muội trong vòng danh lợi, nên không việc xấu ác nào không dám làm, như giết hại sinh mệnh.
Câu chuyện trên để nói rằng: Tiếng chuông chùa không phải báo giờ cho người ta tỉnh giấc. Ý nghĩa của tiếng chuông chùa trong giáo lý nhà Phật là tiếng chuông tỉnh thức thế nhân khỏi mê muội lầm lạc, buông xả danh lợi, khiến con người trở về bản giác của mình: tính thiện, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, những bản tính thuần khiết nguyên sơ được Trời phú từ khi sinh ra, nên vốn đã có sẵn trong mỗi con người chúng ta, chỉ là trong dòng chảy cuộc sống nhiều xô bồ toan tính mà người ta đã lãng quên. Tiếng chuông là lời nhắc nhở chúng sinh tỉnh thức, quay trở về với những điều tốt đẹp đó, nhất tâm làm điều lành, điều thiện, đánh thức Phật tính ở trong mình, phản bổn quy chân, nhận ra ý nghĩa quý giá nhất đời người là tu hành quay trở về với Phật.
Tiếng chuông vang xa giữa thinh không, lay động tâm can như hiệu lệnh của Trời là phép lớn của Phật Tổ. Chỉ một tiếng chuông thôi mà vang động cả hư không, đánh động những vô minh phiền não, chấp ngã.
“Mộ cổ thần chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách
Kim kinh ngọc kệ, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân.”
(“Chuông sớm trống chiều, thức tỉnh khách trần đang chạy theo danh lợi Kinh vàng kệ ngọc, kêu gọi người đời mau thoát khỏi bể khổ mênh mông).
Những khách trọ trần gian còn mải theo đuổi danh lợi tình, mê đắm nơi bể khổ có nghe tiếng gọi của Phật Đà để trở về cõi an nhiên:
Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa
Mời các bạn đón nghe bài viết qua giọng đọc Nam Hải: