Tia hy vọng le lói ở Trung Quốc: Văn hóa phản kháng ‘thảng bình’
Sau [vụ việc] một người phản đối Trung Quốc đâm một cảnh sát Hồng Kông hôm 01/07, ngày đánh dấu 100 năm thành lập Trung Cộng, và là ngày kỷ niệm 24 năm Hồng Kông trao trả về cho Trung Quốc, người dân Hồng Kông và thế giới đang cần một chút năng lượng tích cực. Vụ việc này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ bạo lực và phi bạo lực về cách mà Hồng Kông nên ứng phó trước những đàn áp ngày càng leo thang của Trung Quốc tại thành phố này. Sau khi tham gia vào cuộc tranh luận, tôi tin rằng những người dân Hồng Kông cần thêm một chút cảm hứng mang tính phi bạo lực.
Nguồn cảm hứng này có thể đến từ phong trào “thảng bình” diễn ra tại Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đã phải đối phó với Trung Cộng trong thời gian lâu dài hơn phần lớn những người trong chúng ta, và những điều họ khởi phát có thể sẽ trở thành một phần (không phải là tất cả) những phản ứng tập thể của chúng ta. Thảng bình dường như là một mối đe dọa nội tại lớn nhất đối với Trung Cộng những ngày này, biết đâu phong trào này có thể phát sinh những tác dụng kỳ diệu cho những quốc gia độc tài chuyên chế khác, vì thế rất đáng để chúng ta chú ý một chút đến điều này.
Anh Luo Huazhong, “Bậc tiền bối của [phong trào] thảng bình,” đã khởi phát phong trào này bằng việc đăng tải một bức hình chính bản thân anh đang nằm có phần êm ả trên chiếc giường khiêm tốn của mình tại Tỉnh Tứ Xuyên, cùng với một ý tưởng mang tính cách mạng cho đất nước Trung Quốc. Anh Luo muốn thoát khỏi cuộc đua vô tận này và tin tưởng rằng “thảng bình chính là công lý.” Anh Luo đã gọi hành động thảng bình này là “chủ nghĩa ngụy biện” (trường phái triết học nổi tiếng của Hy lạp cổ đại), đề cập đến triết gia Hy Lạp Diogenes, người đã sống trong chiếc thùng gỗ và xin ăn trên phố, đồng thời ông nổi tiếng với việc dám coi thường Alexander Đại đế.
Do đó, phong trào này đã mang tính chính trị và triết học rõ ràng ngay từ khi mới bắt đầu, điều này có thể giải thích cho sự phổ biến của nó. Những thanh niên khác ở Trung Quốc đã nhanh chóng bước theo sự dẫn dắt của anh Luo, với 9,000 thành viên tham gia chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi và nhanh chóng lan truyền văn hóa phản kháng “thảng bình” (‘tangping’, ‘nằm thẳng,’ 躺平) của người Trung Quốc mà giờ đây còn có cả những video ca nhạc, buôn bán các phụ kiện phục vụ cho phong trào “thảng bình,” cùng rất nhiều những bức ảnh về mèo và hải cẩu mà đang—quý vị đã có câu trả lời rồi đấy—thảng bình.
Những người theo chủ nghĩa thảng bình này nổi loạn bằng cách tránh xa bất cứ điều gì đòi hỏi nhiều thời gian hay tiền bạc, bao gồm cả việc kết hôn, sinh con, và mua nhà. Họ sống tại nhà của bố mẹ, đi xe đạp thay vì lái xe hơi. Họ từ chối việc làm tăng ca, hoặc là bỏ hẳn luôn cả công việc. Họ chống lại “996,” một cách nói nhanh gọn cho việc làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Đó là một chuẩn tắc thông thường ở Trung Quốc.
Thảng bình là một cách hay để phản kháng lại Trung Cộng trong một xã hội mà bất cứ kiểu phản kháng nào khác cũng đều khó khăn. Mỗi đồng nhân dân tệ (yuan) mà những người theo chủ nghĩa thảng bình không kiếm ra là mỗi một đồng mà chế độ này không thể đánh thuế được. Khi Trung Cộng càng thu được ít tiền, thì sẽ càng chi tiêu ít hơn cho quân sự.
Tác giả Lily Kuo trong một bài báo đăng trên Washington Post đã viết, “Một số người đã so sánh [những người theo chủ nghĩa thảng bình này] với [phong trào] Beat Generation những năm 1950 tại Hoa Kỳ. Những người khác thì gọi hành động này là một dạng thức của phản kháng phi bạo lực hay “ý thức hệ giải phóng” khỏi chủ nghĩa tiêu dùng. Những người ủng hộ đã khắc họa nó như là sự khước từ việc đấu tranh và phấn đấu không ngừng.” Một người theo chủ nghĩa thảng bình đã đăng trên tờ báo này rằng phong trào này là một “sự biểu đạt của các yêu cầu của chúng tôi cho xã hội. Chúng tôi mong muốn những hệ thống [được cải thiện] tốt hơn và người lao động nhận được sự bảo vệ nhiều hơn.”
Những nhà phê bình đã gọi những người theo chủ nghĩa thảng bình này là “đáng xấu hổ” và “kẻ bại trận.” Trung Cộng đã bắt kịp cách thức phản kháng đầy tế nhị này của chủ nghĩa “thảng bình,” [chế độ này] đã kiểm duyệt bất cứ [chi tiết nào] đề cập đến phong trào này, và chặn các nhóm truyền thông xã hội của họ. Nếu phong trào nào lan tỏa ra một mức độ rộng rãi hơn, thì không nghi ngờ gì nữa, những người dẫn đầu của những người theo chủ nghĩa thảng bình này sẽ bị bắt. Họ không quan tâm đến công ăn việc làm, thế nên việc đe dọa sa thải họ sẽ ít có khả năng được dùng để ngăn chặn phong trào này.
Ai biết được liệu rằng việc thảng bình này có thể mang tính cách mạng hay không?
Chủ nghĩa thảng bình là một ví dụ đầy sáng tạo và truyền cảm hứng cho việc phản kháng phi bạo lực, và một “vũ khí của kẻ yếu thế” như được mô tả bởi James Scott, giáo sư Đại học Yale. Đây là một hình thức rất Trung Hoa cho một phương thức phản kháng được những nhà lý luận phi bạo lực như Mohandas Gandhi, Gene Sharp, và Martin Luther King thực hiện. Cùng với những người theo chủ nghĩa thảng bình, họ cần phải được tìm hiểu bởi bất kỳ ai đang sống dưới chế độ độc tài ngày nay.
- Chú thích: (“thảng bình”–“tang ping” trong tiếng Quan thoại hoặc “lying flat”–“nằm thẳng” là một thuật ngữ nói về trào lưu vô dục vô cầu của thanh niên hiện nay, bao gồm ‘không mua nhà, không mua xe, không kết hôn, không sinh con, không chi tiêu,’ giảm dục vọng, từ chối trở thành một cỗ máy sinh lợi và nô lệ của người khác).
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “The Concentration of Power” (Tạm dịch: Tập trung quyền lực, sắp ra mắt vào năm 2021) và cuốn “No Trespassing” (Tạm dịch: Không xâm phạm), đồng thời đã biên tập cuốn “Great Powers, Grand Strategies” (Tạm dịch: Những quyền lực lớn, Những chiến lược lớn).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: