Thuyết Sắc tộc Trọng yếu có thể vi phạm Đạo luật Dân quyền của Hiến pháp
Tiến sĩ Carol Swain, cựu giáo sư về pháp lý và khoa học chính trị tại trường Đại học Princeton và Đại học Vanderbilt đã cho rằng chương trình đào tạo về Thuyết Sắc tộc Trọng yếu (Critical Race Theory, CRT) có thể xâm phạm quyền hiến định của con người và thậm chí còn vi phạm luật dân quyền khi gây áp lực cho mọi người không được nói về một số vấn đề nhất định, có những lập trường nhất định, buộc họ phải thuộc về một nhóm được phân loại riêng rẽ.
Trong một buổi phỏng vấn của chương trình Crossroad thuộc EpochTV, bà Swain nói với The Epoch Times rằng nguyên lý trọng yếu của Thuyết Sắc tộc Trọng yếu (CRT) cho rằng con người trên thế giới được chia thành nhóm những người đàn áp và người bị đàn áp, và tại Hoa Kỳ, “tất cả những người da trắng được xem là nhóm những người đàn áp, những người này được hưởng lợi từ những điều mà họ không đáng được hưởng.”
Nói về giả thiết chính yếu rút ra từ CRT, bà Swain cho biết “[Người da trắng] mặc nhiên được xem là có tội vì đã lập nên một hệ thống phân biệt chủng tộc có hệ thống. Việc ma quỷ hóa một nhóm người chỉ vì màu da của họ chính là một hành động có tính phân biệt chủng tộc.”
Vị giáo sư đã nghỉ hưu này giải thích rằng rất nhiều người da trắng đã bị buộc phải tham gia vào các khóa học có nền tảng CRT, và buộc phải thú nhận rằng họ là người phân biệt chủng tộc chỉ vì chủng tộc của mình. Những người da trắng này đã không nhận ra rằng họ được bảo hộ bởi Đạo luật dân quyền 1964. Đạo luật này ngăn cấm các hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, dân tộc gốc, tín ngưỡng, và khiếm khuyết cơ thể.
Bà nói rằng người da trắng được pháp luật dân quyền bảo hộ tương tự như cách người da đen được bảo hộ. “Quốc gia chúng ta không phải là một quốc gia có thể chấp nhận việc ngược đãi và hạ nhục người khác chỉ bởi màu da của họ.”
Vị tác giả đã đạt giải thưởng này giải thích rằng những hành vi như vậy sẽ tạo ra một môi trường làm việc đầy thù địch hoặc có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ em ở trường học. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh đã phản ảnh về sự trầm cảm, sang chấn tâm lý hoặc những vấn đề khác ở những đứa con của họ khi chúng bị xem là có tội áp bức bởi vì là người da trắng và bởi vì tổ tiên của chúng đã gây ra tai họa.
Thêm vào đó, Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng tại Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã tạo ra khung pháp lý bảo đảm cho những biện pháp bảo vệ nhất định cho tất cả mọi người, cho dù họ có phải là công dân [Hoa Kỳ] hay không.
Bà Swain cho rằng nếu một tổ chức công hữu như trường học cố gắng hạn chế phát ngôn hay hành động của mọi người, thì nó có thể vi phạm Tu chính án thứ Nhất.
Bà nói thêm rằng so với các trường công, các trường tư thục được tự do hơn khi thực hiện phân biệt đối xử, nhưng khi các quyền của học sinh, sinh viên bị xâm phạm, họ có thể sử dụng những căn cứ khác để chống lại sự phân biệt đối xử, sổ tay học sinh, sinh viên có các bảo đảm về những quyền nhất định cho học sinh, sinh viên là một ví dụ.
Bà Swain đề nghị rằng những sinh viên đang bị phân biệt đối xử có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ những tổ chức đang bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền tự do tín ngưỡng của học sinh, sinh viên hay cá nhân, như Tổ chức Quyền cá nhân trong Giáo dục (FIRE) hay [tổ chức] Cộng đồng Pháp lý Cơ đốc giáo.
Giáo sư khuyên rằng có một cách khác để phản đối sự phân biệt đối xử tại trường học là hãy công khai nó. Các sinh viên có thể viết những bài báo về những trường hợp phân biệt đối xử, và đăng chúng lên các kênh truyền thông của học sinh sinh viên như The College Fix hay Campus Reform, bởi vì giáo sư cho hay đã có những trường hợp các trường đại học phải lùi bước trước sự phản đối kịch liệt từ công chúng về những báo cáo cho việc đối xử bất công.
Đồng thời bà cũng khuyến nghị các sinh viên hãy “luôn luôn lưu trữ lại những thứ có dấu hiệu phân biệt đối xử và sử dụng những bằng chứng ấy khi đến thời điểm thích hợp.”
Lịch sử của các mối quan hệ chủng tộc
Bà Swain nói với chương trình Crossroad rằng, “Tôi nghĩ Mỹ quốc đã luôn [có vai trò] rất quan trọng với thế giới, [điều đó nằm] ở lịch sử chân thật khi lập quốc, cũng như tất cả những lỗi lầm [chúng ta] đã mắc phải và cách mà chúng ta giải quyết những lỗi lầm đó, đó đều là những thứ làm con người trở nên phong phú. Và đó không phải là điều cần phải giấu diếm, và chắc chắn cũng không phải là điều khiến [chúng ta phải] xấu hổ.”
“Lịch sử chân thực của Mỹ quốc là lịch sử của những người da trắng và những người Mỹ gốc Phi Châu đã cùng nhau làm việc và vượt qua đoạn thời gian lịch sử đầy bi thảm đó.”
Đồng Chủ tịch Ủy ban 1776 của cựu Tổng thống Donald Trump đã giải thích về khoảng thời gian sau khi chế độ nô lệ chấm dứt, “chính nhờ lòng nhân từ của người da trắng, những trường học đã được dựng lên khắp miền Nam, và những trường đại học và cao đẳng của người Mỹ gốc Phi Châu trong lịch sử cũng vậy, và hàng ngàn tỷ USD đã được quyên góp kể từ sau khi chấm dứt chế độ nô lệ để giải quyết những ảnh hưởng từ quá khứ đến hiện tại của chế độ nô lệ.”
Bản thân phong trào vận động dân quyền là một thời khắc của lịch sử, khi mà người da trắng, người Mỹ gốc Phi Châu và người thuộc các chủng tộc và sắc tộc khác nhau đã đồng hành vì một mục tiêu chung. “Điều đó thật mạnh mẽ,” bà tiếp tục nói.
Bà Swain được sinh ra trong thời kỳ sự “phân biệt chủng tộc có hệ thống” vẫn còn tồn tại ở riêng miền Nam. Bà đã chứng kiến sự sụp đổ của các tổ chức phân biệt chủng tộc và hưởng lợi ích từ những cơ hội được trao cho người Mỹ gốc Phi Châu như bà.
Bà Swain nói: “Tình yêu nước của tôi hình thành khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được dạy về quyền và nghĩa vụ công dân, và về lòng ái quốc. Và tôi cảm thấy như mình đã được sống tại một quốc gia tuyệt vời nhất trên thế giới.”
Bà nói rằng sự phân biệt chủng tộc đang hấp hối ở Hoa Kỳ trước khi Tổng thống Barack Obama được bầu chọn. Vào thời điểm đó, hình ảnh đất nước được tô vẽ bởi các kênh truyền thông chính thống như thể là một xã hội hậu phân biệt chủng tộc. “Tôi nghĩ rằng đó là vì chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ, phe chính trị cánh tả và những người được hưởng lợi từ sự phân biệt chủng tộc và từ việc khiến chúng ta tiếp tục chia rẽ … bọn họ đã phải hành động.”
Bà nói thêm rằng đó là thời điểm mà các căng thẳng chủng tộc gây chia rẽ người dân đã quay trở lại và quy chuẩn trong các lớp học, đặc biệt ở các trường công, đã bị hạ thấp vì CRT và một chương trình khôi phục công bằng đã được đẩy mạnh.
Các cơ hội cho người Mỹ gốc Phi Châu chưa bao giờ tốt như ở thời điểm hiện tại và cuối cùng thì, sự thành công lại phụ thuộc vào thái độ của một người, bà cho biết.
Bà Swain chia sẻ rằng là một trong 12 người con, bà đã không thể tiếp tục học trung học, kết hôn năm 16 tuổi và có ba con nhỏ ở tuổi 21. Mặc dù vậy, bà đã quay trở lại trường học, tốt nghiệp trung học phổ thông, tiếp tục học ở cao đẳng cộng đồng và ở đó, bà đã nhận được chứng chỉ học thuật đầu tiên.
Bà chỉ ra rằng bà đã có thể gặt hái thành công và vượt qua hoàn cảnh sống bởi vì bà tin rằng chăm chỉ làm việc sẽ thực sự mang lại thành quả và bà đã thực hành như vậy.
“Tôi không thấy mình có gì khiếm khuyết khi có nước da đen, hoàn cảnh nghèo túng, [và] là một phụ nữ.” Giáo sư nói, “Tôi đã tận dụng những gì nước Mỹ trao cho tôi.”
Trong giới trẻ hôm nay, những nhóm thiểu số đang bị “tê liệt tâm hồn bởi vì họ đang được nghe từ phe chính trị cánh tả rằng họ không thể làm được và rằng họ đang bị khiếm khuyết,” bà cảnh báo.
“Những tiêu chuẩn mà họ được đánh giá theo thậm chí đã không giống như những người ở thế hệ của tôi được đánh giá tại trường cao đẳng và đại học. Và hệ quả của nó là họ thực sự thấy mình kém cỏi. Rất nhiều thứ đang làm tê liệt họ lại chính là những thứ họ đang được truyền thụ.”
Theo quan điểm của bà, sự phân biệt chủng tộc đến từ phe cánh tả là hành động cố tình chia rẽ [một lần nữa], và hệ tiêu chuẩn hạ thấp đang được đề ra cho nhóm chủng tộc, sắc tộc thiểu số đang làm cản trở sự phát triển tiềm năng của họ tới mức cao nhất có thể.
Phân biệt chủng tộc phục vụ cho lợi ích tài chính và chính trị
Bà Swain nói, việc thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc đã mang lại lợi ích chính trị cho Đảng Dân Chủ, những người đã sử dụng CRT gieo mầm cho sự chia rẽ giữa các chủng tộc để lấy được những lá phiếu bầu của người Mỹ gốc Phi Châu nhằm duy trì quyền lực.
Bất cứ khi nào một số những tiến bộ được tạo lập trong những mối quan hệ chủng tộc, sẽ có một sự vụ được tìm thấy để nhằm “truyền trên các kênh truyền thông để khiến tất cả những người Mỹ xao động và chia rẽ bởi chủng tộc. Và điều đó rất dễ thực hiện bởi vì luôn có điều gì đó xảy ra ở bất cứ nơi đâu,” bà nói.
Bà đã chỉ ra rất nhiều vụ việc như việc cảnh sát nổ súng đã được truyền thông thực hiện rất nhiều lần, nhằm nhóm lên ngọn lửa bất bình từ người dân và làm xao nhãng công chúng “trong thời gian có tin tức bất lợi cho nghị trình của phe cấp tiến.”
Bà tiếp tục cho hay điều này đã làm những người Mỹ gốc Phi Châu tiếp tục cảm thấy như đã có rất nhiều sự phân biệt chủng tộc và họ đã đổ tội cho Đảng Cộng Hòa hay người da trắng vì đã tạo ra sự phân biệt chủng tộc.
“Họ đang tạo ra một tình huống vô cùng nguy hiểm trên đất nước này bởi vì họ đã ma quỷ hóa người da trắng, bao gồm cả họ và những đứa con của họ,” bà tiếp tục nói, sự thù hận, một khi bộc phát, sẽ không thể dễ dàng để “trở về trạng thái ban đầu nữa.”
Black Lives Matter (BLM), là một tổ chức theo chủ nghĩa Marx mở rộng, đã nổi lên nhờ sự phản ứng của công chúng trước sự thiệt mạng của George Floyd và đã kêu gọi được hàng triệu dollar vì những mục tiêu cấp tiến của người Mỹ gốc Phi Châu, bà Swain nói. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới quan tâm về người Mỹ gốc Phi Châu sẽ rất chấn động khi xem video về sự thiệt mạng của George Floyd, video này đã được chiếu đi chiếu lại trên các kênh tin tức và rất nhiều người sau đó đã quyên tiền cho tổ chức này bởi vì họ tin vào khẩu hiệu “Black Lives Matter” (tạm dịch: “Vì mạng sống của người da Mỹ gốc Phi Châu”).
Bà nói: “Mạng sống của người Mỹ gốc Phi Châu là đáng quý, tất cả mạng sống đều đáng quý.” Nhưng “tiền đó không phải cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu. Nó không làm thay đổi cuộc sống của người Mỹ gốc Phi Châu.”
The Epoch Times đã liên hệ đến [tổ chức] Black Lives Matter để đề nghị phản hồi.
Bà Swain đã khuyến khích người Mỹ phản đối lại những ảnh hưởng tiêu cực của CRT qua việc tìm hiểu về CRT và việc “nó bắt nguồn từ đâu, nó hoạt động như thế nào, và nó trái với Hiến pháp, Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng và pháp luật về dân quyền như thế nào.”
Bà nói “Nếu mọi người được trang bị đủ kiến thức và đủ dũng khí để đứng lên từ những lập trường nguyên tắc, để đấu tranh vì các nguyên tắc mà họ tin tưởng, thì sẽ không có cách nào mà nghị trình của phe cấp tiến có thể lật đổ được đất nước của chúng ta.”
Bà Swain nói, trích dẫn từ Kinh thánh, “các ngươi sẽ hiểu biết chân lý, và chân lý đó sẽ giải phóng các ngươi.”
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nếu mọi người cho phép CRT tiến một bước nữa thông qua thể chế quyền lực của quốc gia và định hình lại cách vận hành xã hội, thì sự phân biệt đối xử được bảo vệ bởi tiểu bang sẽ sớm được thể chế hóa bởi chính phủ Hoa Kỳ – bởi các cấp có quyền lực cao nhất – và sẽ làm suy yếu cũng như hủy hoại đất nước này từ bên trong.
Bà Swain cho rằng “Chỉ có một biện pháp để khắc phục là người dân Hoa Kỳ phải giữ vững lập trường nguyên tắc, bảo vệ các hệ giá trị, bảo vệ lịch sử và đủ can đảm để chống lại.”
Do Ella Kietlinska và Joshua Phillip thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: