Thụy Sĩ: Lạm phát chạm ngưỡng cao nhất trong 14 năm do giá nhiên liệu, giá thuê nhà tăng vọt
Hôm 02/06, chính phủ Thụy Sĩ cho biết, nước này đã trở thành quốc gia mới nhất bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng, khi lạm phát giá tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm.
Dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang cho thấy, lạm phát tiêu dùng tăng 2.9% trong tháng Năm so với một năm trước đó, do giá cả tăng cao từ thuê nhà, dầu sưởi, và dịch vụ vận tải.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.7% so với tháng trước.
Địa ốc và năng lượng tăng 4.3% so với 0.6% của tháng trước, trong khi giao thông tăng 10.3% so với 0.9% của tháng Tư. Trong khi đó, dầu sưởi tăng 5.1% so với tháng trước và tăng 81.9% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng thực phẩm cũng tăng giá, đồ uống có cồn, quần áo, và giày dép cũng vậy.
Các số liệu mới nhất đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp trong đó giá cả đã tăng cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương là tỷ lệ lạm phát hàng năm từ 0 đến 2%.
Hôm 31/05, các quan chức cho biết Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ cần phải hành động nếu [tốc độ] lạm phát nhanh hơn tiếp tục kéo dài trong thời gian lâu.
Phó Chủ tịch Fritz Zurbruegg nói với đài truyền hình Tele Zuri rằng ông cho rằng mức lạm phát sẽ giảm, và nguyên nhân chính là do giá cao, hơn là do chi phí năng lượng tăng.
Ông Zurbruegg cũng cho biết ông không mong đợi nền kinh tế Thụy Sĩ sẽ chậm lại hơn nữa nhưng lưu ý rằng ngân hàng trung ương sẽ xem xét việc lạm phát ở Thụy Sĩ sẽ cao hơn và dai dẳng như thế nào khi họ quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai vào tháng tới.
Trình bày tại một sự kiện ở Zurich cùng ngày, ông Zurbruegg cho biết: “Vấn đề then chốt đối với chúng tôi là cách mà lạm phát được củng cố. Mức độ bất ổn rõ ràng là cao hơn so với trước đây, nhưng đó là những yếu tố tạm thời đang thúc đẩy lạm phát.”
Ông cũng lưu ý rằng cho đến nay không có sự thúc đẩy tăng lương từ người dân Thụy Sĩ, không giống như ở Hoa Kỳ hoặc Âu Châu.
Ông nói: “Bởi vì nếu chúng ta rơi vào vòng xoáy giá cả tiền lương, điều đó rõ ràng sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể khi tỷ lệ lạm phát cao kéo dài.”
Ông Zurbruegg nói, “Một điểm quan trọng khác là kỳ vọng lạm phát. Nếu chúng ta muốn tránh tình trạng này, đối với các quy trình tự củng cố, điều quan trọng là người tiêu dùng nghĩ gì về giá cả trong năm năm, trong mười năm nữa. Ở đây, chúng tôi vẫn thấy tương đối ít chuyển động ở Thụy Sĩ.”
Nhà kinh tế Alessandro Bee của UBS cho biết ông dự kiến ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sẽ đợi đến tháng Chín để bắt đầu tăng lãi suất sau khi ngân hàng này đánh giá tác động của việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Âu Châu, điều mà ông kỳ vọng vào tháng Bảy.
Ông Bee nói: “Lạm phát ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn khi các con số ngày càng leo thang và chúng ta ở trên mức 2% này càng lâu.”
Theo Bộ Lao động, số liệu mới nhất từ Thụy Sĩ được đưa ra khi lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư tăng 8.3% so với 12 tháng trước đó.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói với The Wall Street Journal hôm 17/05 rằng ông sẽ tiếp tục tăng lãi suất của Hoa Kỳ cho đến khi ông thấy được bằng chứng rõ ràng về việc giá sẽ giảm “một cách thuyết phục.”
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đi vào suy thoái trong 12 đến 24 tháng tới.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.