Thụy Điển: Hãng thời trang H&M cắt đứt quan hệ với nhà sản xuất sợi Trung Quốc
H&M khẳng định họ không làm ăn với bất cứ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn lấy nguồn cung cấp bông từ Tân Cương, nơi trồng bông lớn nhất Trung Quốc.
Một nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở tỉnh An Huy trước đó bị cáo buộc cưỡng bức lao động, song H&M cho biết, họ chưa từng quan hệ với nhà máy ở An Huy cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương.
Động thái của H&M được đưa ra sau khi Mỹ công bố hạn chế mới đối với các sản phẩm gồm bông và quần áo từ Tân Cương, Trung Quốc, do lo ngại về lao động cưỡng bức.
Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) ngày 14/9, đã áp lệnh hoãn xuất kho hàng may mặc, bông và đồ điện tử của 5 công ty có trụ sở tại Tân Cương (Trung Quốc). Theo CBP, các hàng hóa bị áp lệnh hoãn xuất kho có nguy cơ bị tịch thu và tiêu hủy nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và không phải do lao động cưỡng bức làm ra.
Về phía Trung Quốc, chính phủ nước này liên tục phủ nhận sự tồn tại của “các trại tập trung” người Duy Ngô Nhĩ và khẳng định đây là những trung tâm đào tạo nghề nghiệp, văn hóa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/9 nhấn mạnh “cái gọi là lao động cưỡng bức chỉ là sự bịa đặt của một số cá nhân, tổ chức ở Mỹ lẫn phương Tây” và “hành động của Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu”.