Thương vụ mua Tiktok trở nên ‘phức tạp’ trước mối quan hệ sâu rộng của Microsoft với Bắc Kinh
Tương lai của TikTok trở thành tâm điểm chú ý khi ứng dụng này phải đối mặt với lệnh cấm của chính quyền Hoa Kỳ vào tháng 9 tới, nếu ứng dụng này không được bán cho Microsoft hoặc một công ty khác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa Microsoft và Bắc Kinh có thể làm cho cuộc thương thảo này trở nên phức tạp hơn.
TikTok là ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc, nhưng nó cũng rất phổ biến đối với thanh thiếu niên Hoa Kỳ. Ước tính có hàng chục triệu người dân Mỹ đang sử dụng ứng dụng này. Ứng dụng này đang bị lưỡng đảng Hoa Kỳ giám sát vì lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân người dùng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. TikTok được công ty Công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh mua lại vào năm 2017.
Điểm mấu chốt của mối lo ngại này là theo luật tình báo quốc gia năm 2017, các công ty Trung Quốc được yêu cầu cung cấp dữ liệu của họ cho Đảng Cộng sản cầm quyền. Trong khi một số chuyên gia lạc quan rằng thương vụ mua lại của Microsoft sẽ chấm dứt nạn khai thác dữ liệu, vốn bị cáo buộc là dùng cách truy cập bằng cửa hậu (backdoor). Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng mối quan hệ sâu rộng giữa Microsoft và Bắc Kinh mới thực sự là nguyên nhân của những lo ngại nói trên.
Tổng thống Donald Trump gần đây đã có lập trường cứng rắn đối với các ứng dụng của Trung Quốc. Vào ngày 6/8, ông đã ban hành lệnh cấm giao dịch với TikTok và ứng dụng mạng xã hội WeChat sau ngày 20/9. Lệnh cũng cấm các giao dịch với ByteDance và công ty chủ quản của WeChat là Tencent Holdings.
Khi lệnh cấm chính thức sắp được thực thi, thì các hạn chế trên quy mô nhỏ đã và đang diễn ra. Thượng viện Hoa Kỳ gần đây đã nhất trí thông qua một dự luật do Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng hòa-Missouri) đệ trình nhằm cấm các nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý An ninh Vận tải của Hoa Kỳ đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, và vào tháng 12/2019, Quân đội Hoa Kỳ đã không cho các binh sĩ sử dụng ứng dụng này. Trung tá Robin Ochoa, nữ phát ngôn viên của Quân đội, nói với trang Millitary.com rằng “nó được coi là một mối đe dọa an ninh mạng”.
Gần đây, The Epoch Times đã đưa tin rằng hơn 130 nhân viên tại ByteDance là thành viên đảng bộ của Trung Cộng tại công ty này. Theo tài liệu nội bộ, nhiều người trong số những nhân viên này làm việc ở các vị trí quản lý. Công ty ByteDance được thành lập vào tháng 3/2012, sau đó đã thành lập Đảng bộ vào tháng 10/2014.
Hiện diện khắp nơi
Ông Scott Watnik, luật sư tranh tụng (litigation partner) tại công ty luật Hoa Kỳ Wilk Auslander và là đồng quản lý về thực thi an ninh mạng của công ty, cho biết những lo lắng liên quan đến thương vụ Microsoft mua lại TikTok là có cơ sở.
Ông Watnik nói với The Epoch Times rằng, “Không có gì bí mật khi Microsoft có mặt tại Trung Quốc từ năm 1992. Microsoft có vị thế đặc biệt ở Trung Quốc vì là công ty phương Tây duy nhất mà Trung Quốc cho phép vận hành công cụ tìm kiếm Bing và công ty truyền thông xã hội LinkedIn trong lãnh thổ Trung Quốc”.
Theo chính sách “vạn lý tường lửa” của Bắc Kinh, cả hai công ty này đều bị kiểm duyệt ở Trung Quốc. Ông Zhang Yiming, người sáng lập Bytedance, cũng từng làm việc cho Microsoft và sở hữu giá trị tài sản ròng ước tính hơn 16 tỷ USD.
Trang web riêng của Microsoft quảng cáo rằng, “công ty con hoàn chỉnh nhất và trung tâm R&D lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ của Microsoft được đặt tại Trung Quốc”.
Trang web của Microsoft cũng tự hào rằng vào đầu năm 2015, công ty đã được tạp chí Fast Company công nhận là một trong “10 công ty sáng tạo nhất thế giới năm 2015 tại Trung Quốc”. Microsoft cũng được coi là một trong những “công ty làm tái tạo nền kinh tế Trung Quốc”.
Ông Watnik nói, “Nhờ hoạt động ở Trung Quốc, Microsoft đã kiếm được một khế ước với ma quỷ (Faustian bargain): công ty thu được hàng tỷ USD lợi nhuận và thị phần ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, nhưng đổi lại, công ty phải nhượng bộ trước những yêu cầu của Bắc Kinh về sự kiểm duyệt của chính phủ, các giới hạn về quyền tự do ngôn luận và quyền bảo mật thông tin người dùng liên quan đến các nền tảng trực tuyến của nó”.
“Làm sao một công ty Hoa Kỳ tham gia vào một khế ước với ma quỷ lại có thể đáng tin? Liệu một công ty Hoa Kỳ đã tham gia, và tiếp tục tham gia vào cuộc thương lượng với ma quỷ có thể được tin cậy rằng công ty sẽ ngừng hoạt động như hiện nay hay không?”.
Trong khi đó, các công ty lớn khác như Google đã rời Trung Quốc để phản đối sự kiểm duyệt của chính phủ và cáo buộc Trung Cộng đã tấn công họ. Với sự hiện diện rộng rãi của Microsoft ở Trung Quốc, ông Watnik cho biết ông tin rằng Trung Cộng “có khả năng tạo đòn bẩy đối với Microsoft bằng cách thực hiện các chính sách và quy định có thể thưởng hoặc trừng phạt các hoạt động kinh doanh của Microsoft tại Trung Quốc”.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella đã cố gắng dập tắt những lo ngại. Trong một tuyên bố hôm 2/8, ông nói rằng công ty “sẽ đảm bảo rằng tất cả dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok ở Hoa Kỳ sẽ được chuyển đến và lưu trữ ở Hoa Kỳ”.
TikTok cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng họ lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng Hoa Kỳ ở tại Hoa Kỳ cùng với bản sao lưu dự phòng ở Singapore.
Cũng có những người chỉ trích thương vụ Microsoft ở các cấp quản trị cao hơn. Cố vấn Tòa Bạch Ốc Peter Navarro nói với CNN, “Quân đội Trung Cộng đang sử dụng phần mềm của ai? Microsoft. Trung Cộng, họ sử dụng phần mềm của ai để làm tất cả những việc họ làm? Đó là Microsoft”.
“Vì vậy, đây không phải là một công ty trong sạch, mà là một công ty Hoa Kỳ. Rõ ràng đó là một công ty đa quốc gia đã kiếm được hàng tỷ USD ở Trung Quốc, cho phép Trung Cộng kiểm duyệt thông qua những thứ như Bing và Skype”.
Ông Navarro nói, nếu Microsoft muốn thương vụ TikTok được thông qua, các giám đốc điều hành có thể phải xem xét việc thoái vốn khỏi Trung Quốc.
Bắc Kinh từng sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft trong quân đội của họ, tuy nhiên họ đang chuyển sang thay thế bằng hệ điều hành mới do Trung Quốc phát triển độc lập.
TikTok gần đây đã thu hút được hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên Google Play Store và Apple’s App Store trên toàn cầu, theo Sensor Tower Store Intelligence.
Theo công ty nghiên cứu này, ứng dụng Tik Tok nhận được nhiều lượt tải xuống nhất, so với bất kỳ ứng dụng nào trong quý đầu tiên của năm nay, với “hơn 315 triệu lượt cài đặt”.
Ông Blair Brandt, một chiến lược gia và cố vấn chính trị của Đảng Cộng hòa, cho biết thực tế là phần mềm của Microsoft đang được Trung Cộng sử dụng “chắc chắn khiến bạn phải đoán già đoán non”.
Ông Brandt nói với The Epoch Times, “Chúng tôi không thể giả định, ít nhất là về bề mặt, rằng quyền sở hữu TikTok của Microsoft sẽ tự nhiên ngăn chặn các vi phạm quyền riêng tư mà chúng tôi đang lo ngại. Những con quỷ thường ẩn sâu trong các chi tiết”.
“Việc bán TikTok cho một công ty Hoa Kỳ là một thỏa hiệp lớn, nhưng chúng tôi phải xem xét hồ sơ của bên mua cung cấp để đánh giá tính phù hợp và mức độ chính trực của công ty”.
Theo ông Casey Fleming, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty chiến lược an ninh và tình báo BlackOps Partners, mọi hoạt động bán công nghệ và sản xuất công nghệ của phương Tây cho Trung Quốc nên bị cấm để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông Fleming tin rằng sẽ không có sự thay đổi nào đối với các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh ngay cả khi nước này đồng ý để Microsoft mua lại TikTok.
Ông Fleming nói với The Epoch Times, “Một lần nữa, tất cả công nghệ được sử dụng hoặc tạo ra bởi Trung Cộng là để giữ cho chế độ cộng sản nắm quyền. Hãy suy nghĩ về việc kiểm duyệt toàn diện”.
Theo luật của Trung Cộng, các công ty Trung Quốc được yêu cầu thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản trong văn phòng của họ để đảm bảo rằng các chính sách kinh doanh và nhân viên tuân theo đường lối của Đảng.
Phát ngôn viên của Microsoft đã trả lời câu hỏi viết trực tuyến của The Epoch Times qua email, rằng công ty “không có bất cứ điều gì để chia sẻ”.
Phát ngôn viên của TikTok cũng không trả lời ngay lập tức trước yêu cầu bình luận về sự việc này.
Tiến về phía trước?
Rob Behnke, Giám đốc điều hành tại Halborn, một công ty an ninh mạng làm việc với các công nghệ mới nổi, nói với The Epoch Times rằng tại thời điểm này “thậm chí điều đó không còn là suy đoán”, rằng TikTok đã gửi dữ liệu [của người dùng] Hoa Kỳ đến Trung Quốc.
“Vì vậy, một sự thay đổi trong quản lý sẽ xoay chuyển được tình thế, và hy vọng các cửa sau (backdoor) sẽ bị đóng lại nếu điều này thực sự xảy ra. Tuy nhiên, điều này liên quan đến quyền riêng tư của dữ liệu hơn là an ninh [quốc gia]”, ông Behnke nói.
Ông Behnke cho rằng, thương vụ mua lại của Microsoft nếu thành công thì có nghĩa là một công ty Hoa Kỳ sẽ lén do thám người dân Hoa Kỳ, chứ không phải là người Trung Quốc nữa. Ông gọi những lời bình luận gần đây của Hoa Kỳ xung quanh ứng dụng này “hoàn toàn là một trò chơi chính trị”.
Những lo ngại xung quanh TikTok xuất hiện trong bối cảnh tồn tại lo lắng trên diện rộng về việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép từ các công ty Hoa Kỳ cho chính quyền Trung Cộng, và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Trung Quốc đã xây dựng công nghệ của mình phần lớn dựa trên những gì họ đã đánh cắp được từ phương Tây, với chi phí trộm cắp tài sản trí tuệ ước tính lên tới 600 tỷ USD mỗi năm.
TT Trump đã mô tả sự hiện diện của TikTok ở Hoa Kỳ như một mối quan hệ chủ nhà và người thuê nhà, và chính quyền của ông “nắm giữ tất cả các lá bài”.
Ông Mark Grabowski, phó giáo sư chuyên về luật không gian mạng và đạo đức kỹ thuật số tại Đại học Adelphi cho biết, sẽ thật nhẹ nhõm khi biết rằng, việc Microsoft mua lại ứng dụng TikTok ít nhất có thể khiến Trung Cộng không thể trực tiếp khai thác TikTok để theo dõi người dân Hoa Kỳ.
Ông Grabowski nói với The Epoch Times rằng, “Nhưng tôi không chắc Microsoft là câu trả lời. Họ là một phần của cái gọi là ‘Frightful Five’ hay còn gọi là nhóm những công ty công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ, đã tích lũy được một lượng sức mạnh cực lớn”.
“Tôi cũng lo lắng liệu Microsoft có áp đặt kiểm duyệt đối với TikTok hay không. Họ đã áp dụng cả các hạn chế về ngôn luận trong Điều khoản dịch vụ của họ đối với các sản phẩm khác, chẳng hạn như Office 365, vượt xa những gì luật pháp yêu cầu”.
Trong khi Microsoft được cho là một trong những công ty chính để mua lại ứng dụng TikTok, Twitter cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến thương vụ mua lại này.
Ông Robert J. Bunker, Giáo sư nghiên cứu hỗ trợ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, cho biết câu chuyện TikTok là một phần của một vấn đề rộng lớn hơn, đó là một trận chiến quyết định viễn cảnh của internet.
Ông Bunker nói với The Epoch Times, “Tôi nghĩ Hoa Kỳ nên ‘đấu tranh’ cho tương lai của một mạng internet toàn cầu có sức ảnh hưởng mà mang tính tự do và dân chủ, bằng cách thu hút lẫn kiềm chế Trung Cộng trong vấn đề này. Do đó, Microsoft và các công ty khác của Hoa Kỳ nên mua lại TikTok, Zoom và các tổ chức kinh doanh khác có khả năng liên kết với Trung Cộng”.
Nicole Hao đóng góp trong bài báo này.
Tác giả: Bowen Xiao