Thượng viện xác nhận cựu thị trưởng Chicago làm đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản
Trong một cuộc bỏ phiếu vào giữa đêm rạng sáng hôm thứ Bảy (17/12), Thượng viện đã xác nhận cựu Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel làm đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Cuộc bỏ phiếu này chứng kiến tám thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ và ba thành viên Đảng Dân Chủ bỏ phiếu chống lại đề cử của ông.
Ông Emanuel, cũng từng là Trưởng Ban tham mưu Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống đương thời Barack Obama, đã được xác nhận sau khi các thượng nghị sĩ bỏ phiếu với tỷ lệ 48–21 với các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts), Ed Markey (Dân Chủ-Massachusetts), và Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) phản đối đề cử của ông.
Những người ủng hộ việc ứng cử của ông Emanuel đã ủng hộ ông cho chức vụ ở Tokyo vì thành tích hoạt động công ích lâu dài của ông, tại một thời điểm khi Hoa Thịnh Đốn đang tìm kiếm các đồng minh Á Châu như Nhật Bản để giúp kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
Japan Times đưa tin cho biết đề cử của ông Emanuel dự kiến sẽ nhận được sự tán đồng mạnh mẽ của các quan chức Nhật Bản, vì mối quan hệ thân thiết của vị cựu thị trưởng Chicago với Tổng thống Joe Biden có khả năng sẽ cung cấp một đường dây [liên lạc] trực tiếp tới Tòa Bạch Ốc.
Trong số những thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu xác nhận ông Emanuel có cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), người đã lên Twitter để bày tỏ sự ủng hộ của mình.
Ông Hagerty nói trong một tuyên bố, “Xin chúc mừng người kế nhiệm của tôi và Đại sứ Hoa Kỳ tiếp theo của chúng ta tại Nhật Bản,” đồng thời cho biết thêm rằng “những thách thức đáng kể ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sự cần thiết để Hoa Kỳ thể hiện sức mạnh trong khu vực” đã khiến việc bổ nhiệm cho vị trí này, vốn đã bị bỏ trống trong hơn hai năm, trở thành một ưu tiên.
Ông Hagerty nói thêm rằng, “Mặc dù xuất thân chính trị của chúng tôi không thể khác hơn nữa, nhưng Đại sứ Emanuel chia sẻ niềm tin chắc chắn của tôi rằng mối quan hệ Mỹ-Nhật là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng tại một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất trên thế giới.”
Một số thành viên Đảng Dân Chủ cấp tiến đã phản đối ông Emanuel đảm nhận bất kỳ vai trò nào trong chính phủ, một phần là sau vụ nổ súng do viên cảnh sát Chicago Jason Van Dyke thực hiện hồi năm 20214, tước đi sinh mạng của thiếu niên Laquan McDonald, 17 tuổi, khi ông Emanuel còn là thị trưởng.
Dân biểu Cori Bush (Dân Chủ-Missouri) cho biết trong một tweet hôm 05/11 rằng ông Emanuel “không bao giờ nên phụng sự tại văn phòng chính phủ một lần nữa sau khi ông ta đã che đậy vụ cảnh sát sát hại Laquan McDonald.” Thông điệp trên được đăng vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ Merkley, một trong số các thượng nghị sĩ cuối cùng bỏ phiếu chống hôm thứ Bảy (18/12), đã đăng rằng ông không thể “ủng hộ đề cử của ông ấy với lương tâm an ổn.”
Cách giải quyết vụ việc đó của ông Emanuel trong thời gian giữ chức thị trưởng Chicago đã bị chỉ trích, đặc biệt là vì một đoạn video về vụ nổ súng đã không được phát hành trong hơn một năm.
Ông Van Dyke bị kết tội sát nhân cấp độ hai và bị bỏ tù gần bảy năm. Bốn cảnh sát Chicago khác đã bị sa thải vì sự thiệt mạng của McDonald.
Tại buổi điều trần xác nhận của mình hồi tháng 10, ông Emanuel nói rằng ông thường nghĩ về sự thiệt mạng của McDonald và rằng, với tư cách là thị trưởng, ông phải chịu trách nhiệm và đưa ra lời giải thích.
Bên cạnh việc xác nhận [đề cử] của ông Emanuel, Thượng viện đã xác nhận hàng chục ứng cử viên khác của chính phủ Tổng thống Biden, trong đó có các đặc phái viên được cử đến Ireland, Thụy Điển, và Thụy Sĩ.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: