Thượng viện xác nhận bà Katherine Tai là Đặc phái viên Thương mại hàng đầu của TT Biden
Thượng viện đã xác nhận bà Katherine Tai là đặc phái viên thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ trong một cuộc bỏ phiếu tỉ lệ lưỡng đảng áp đảo vào hôm thứ Tư (17/03). Bà sẽ là công dân Hoa Kỳ gốc Á đầu tiên và là người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ này.
Bà Tai được coi là một người thực dụng trong giải quyết vấn đề và việc TT Joe Biden đề cử bà làm đại diện thương mại Hoa Kỳ đã thu hút sự ủng hộ từ các đảng viên Dân Chủ cũng như các đảng viên Cộng Hòa. Bà đã được xác nhận trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 98–0 và là thành viên thứ 19 của Nội các của TT Biden thông qua Thượng viện.
Từng là nhà đàm phán thương mại và là nhân viên quốc hội, bà Tai đã thề sẽ làm việc để có một chính sách thương mại Hoa Kỳ mang lại lợi ích cho người lao động phổ thông, mà không chỉ cho các tập đoàn lớn, và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Hoa Kỳ để đối đầu với một Trung Quốc ngày càng táo bạo.
Trong phiên điều trần xác nhận của mình, bà đã né tránh các câu hỏi về cách bà sẽ giải quyết một số câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị như liệu chính phủ TT Biden có dỡ bỏ thuế quan của cựu TT Donald Trump đối với thép và nhôm nhập cảng hay không và liệu chính phủ này có hồi sinh hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương do TT Barack Obama đàm phán nhưng lại bị cựu TT Trump từ bỏ hay không.
Thông thạo tiếng Quan Thoại, bà Tai từng đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận thực thi liên quan đến Trung Quốc tại văn phòng đại diện thương mại trong vài năm.
Bà Tai nói với các thượng nghị sỹ hồi tháng trước rằng, “Tôi trực tiếp biết rõ tầm quan trọng hết sức lớn của việc chúng ta có một kế hoạch chiến lược và chặt chẽ để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những lời hứa của họ và cạnh tranh hiệu quả với mô hình kinh tế do nhà nước chỉ thị của họ.”
Trong cuộc chiến thương mại lớn nhất kể từ những năm 1930, cựu TT Trump đã đánh thuế lên số hàng hóa trị giá 360 tỷ USD nhập cảng từ Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại việc Trung Quốc tích cực đẩy mạnh xúc tiến các công ty công nghệ của riêng họ và thách thức vị trí thống trị công nghệ của Hoa Kỳ.
TT Biden và nhóm của ông dường như không vội vàng đảo ngược thuế quan áp lên Trung Quốc của cựu TT Trump. Các nhà lập pháp và các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ trên toàn quang phổ chính trị đã thực hiện đường lối ngày càng đối đầu với Trung Quốc, thất vọng trước thủ đoạn thương mại của nước này, rồi việc đàn áp Hồng Kông, và việc hung hăng theo đuổi các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông.
Bà Tai hứa sẽ làm việc với các đồng minh của Hoa Kỳ để cho Bắc Kinh thấy có một mặt trận thống nhất.
Tại phiên điều trần xác nhận của mình, bà Tai không có ý cam kết giảm thuế đối với kim loại nước ngoài, gọi thuế quan là “một công cụ hợp pháp trong hộp công cụ thương mại.”
Bà Tai cũng né tránh một câu hỏi về việc liệu chính phủ TT Biden có hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước với 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương hay không. Hiệp ước này vốn ngăn chặn và nhằm mục đích cô lập Trung Quốc và củng cố mối quan hệ của Hoa Kỳ với các nước Á Châu khác. Cựu TT Trump đã gọi TPP là một kẻ kết liễu công ăn việc làm và rút khỏi hiệp ước này ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức. Hiệp ước này cũng vấp phải sự phản đối trong Đảng Dân Chủ của TT Biden.
Vai trò gần đây nhất của bà Tai là nhân viên thương mại hàng đầu tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện. Bà đã giải quyết các cuộc đàm phán với chính phủ cựu TT Trump về một thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ sửa đổi. Dưới áp lực từ các đảng viên Dân Chủ tại quốc hội, nhóm thương mại của cựu TT Trump đã đồng ý củng cố hiệp ước đó để giúp người lao động Mexico dễ dàng thành lập các nghiệp đoàn độc lập và yêu cầu được trả lương cũng như có phúc lợi tốt hơn—giảm các ưu đãi để các công ty Hoa Kỳ di chuyển về phía nam biên giới nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ.
Do The Associated Press thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: